Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
 THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 38/2006/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 12 năm 2006 

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT XE CHỞ HÀNG HÓA VƯỢT TRỌNG TẢI THIẾT KẾ CỦA XE VÀ VƯỢT TẢI TRỌNG CHO PHÉP CỦA CẦU, ĐƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

Trong thời gian qua, những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, giành giật khách hàng, chở hàng hóa quá khổ, quá trọng tải thiết kế của xe và vượt tải trọng cho phép của cầu, đường đã diễn ra rất phổ biến, là tác nhân tiêu cực trong hoạt động vận tải hàng hóa trên địa bàn thành phố; làm ảnh hưởng xấu đến tuổi thọ của cầu, đường và là nguyên nhân tiềm ẩn rất lớn đối với tai nạn giao thông đường bộ.

Để hạn chế và khắc phục tình trạng nói trên, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố, Thủ trưởng các Sở - ban - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và Trưởng Công an các cấp có kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Giao Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng để tăng cường công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức như phát hành tờ bướm trích dẫn các quy định và điều khoản xử phạt liên quan đến hoạt động vận tải hàng hóa, đặc biệt lưu ý về những vi phạm chở hàng hóa quá khổ, quá trọng tải xe; phát hành tập sách nhỏ hỏi - đáp về các quy định trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đúng, cung cấp đến từng doanh nghiệp vận tải và từng lái xe tải. Đồng thời phối hợp với các cơ quan báo, đài để đưa tin, xây dựng ý thức chấp hành pháp luật trong vận tải hàng hóa trên các chuyên trang, chuyên đề an toàn giao thông, nêu gương điển hình và phê phán những hành vi chưa tốt.

2. Ngoài việc kiểm tra xử lý vi phạm theo thẩm quyền, giao Giám đốc Công an thành phố chủ trì phối hợp với Sở Giao thông - Công chính lập kế hoạch, tổ chức kiểm tra xe chở hàng hóa tại cổng các cảng biển và bên ngoài các kho hàng, cảng sông, kho thông quan nội địa, các khu công nghiệp, khu chế xuất; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định hiện hành về chở hàng hóa vượt quá trọng tải thiết kế được ghi trong giấy đăng ký xe, buộc phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng vượt quá kích thước xe tại vị trí phù hợp theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 32 Nghị định số 152/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ. Chi phí thực tế thuê bãi, thuê bốc xếp và phí cân xe do doanh nghiệp vận tải hoặc người lái xe chi trả; các cơ quan chức năng phải chi trả phần chi phí này nếu không phát hiện được phần hàng vượt trọng tải thiết kế khi tiến hành xử lý.

3. Chủ các doanh nghiệp vận tải hàng hóa chịu trách nhiệm cung cấp danh sách xe cùng trọng tải cho phép chở hàng đến các cảng biển khi tổ chức giải phóng tàu; phổ biến đến các lái xe phải xuất trình các giấy tờ liên quan đến trọng tải của xe khi nhận hàng, đảm bảo nhận hàng đúng trọng tải mà xe được phép chở. Đối với các loại hàng hóa nguyên đai, nguyên kiện, hàng container, chủ các doanh nghiệp vận tải phải đảm bảo điều động đúng loại xe có trọng tải phù hợp và phải thực hiện đúng lộ trình, gia cố cầu đường theo chỉ dẫn trong giấy phép lưu hành đặc biệt cho xe quá tải, quá khổ trên đường giao thông công cộng (nếu có).

4. Thủ trưởng các kho hàng, cảng sông, cảng biển, kho thông quan nội địa, các khu công nghiệp, khu chế xuất phổ biến đến các nhân viên, tổ chức xuất hàng phải xuất hàng lên xe đúng trọng tải cho phép của xe và phải đảm bảo kỹ thuật chất xếp hàng hóa; kiên quyết từ chối giao hàng nếu lái xe không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến trọng tải của xe khi nhận hàng.

5. Các cơ quan chức năng, khi tiến hành kiểm tra hành vi chở hàng vượt quá trọng tải thiết kế của xe, cần liên hệ với các cảng biển để sử dụng cân xe của các cảng hoặc sử dụng các trạm cân xe có đăng ký hành nghề của các doanh nghiệp hoặc các trạm cân xe cửa ngõ của cơ quan chức năng.

Giao Sở Giao thông - Công chính chủ trì phối hợp với Công an thành phố khảo sát lưu lượng xe tải ra vào tại các cửa ngõ thành phố, đề xuất trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, bổ sung các hành lang xe tải hoạt động và nới rộng thời gian hoạt động ban đêm; xác định cụ thể danh mục các loại xe được ưu tiên lưu thông ban ngày để tiến tới xóa bỏ thủ tục cấp phép lưu thông; lắp đặt đầy đủ các biển báo về tải trọng của cầu, đường; trình phê duyệt các địa điểm đặt cân tự động đối với các loại xe chở hàng để tiến hành lập dự án đầu tư các trạm cân tự động từ năm 2007 bằng nguồn vốn thu xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông hàng năm để lại cho Ban An toàn giao thông thành phố.

6. Giám đốc Công an thành phố và Giám đốc Sở Giao thông - Công chính có kế hoạch kiểm tra, xử lý nghiêm những cán bộ, chiến sĩ Công an và Thanh tra viên giao thông công chính vi phạm quy định Nhà nước, lợi dụng chức quyền bao che, bảo kê cho các phương tiện vận tải hàng hóa hoạt động không đúng quy định.

7. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Giao Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố theo dõi, đôn đốc các Sở - ngành và các đơn vị liên quan thực hiện nội dung Chỉ thị này; tổng hợp tình hình, báo cáo định kỳ hàng tháng cho Ủy ban nhân dân thành phố./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trung Tín

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 38/2006/CT-UBND về việc tăng cường kiểm soát xe chở hàng hóa vượt trọng tải thiết kế của xe và vượt tải trọng cho phép của cầu, đường trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 38/2006/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 11/12/2006
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Trung Tín
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1 đến số 2
  • Ngày hiệu lực: 21/12/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 15/12/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản