THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/2005/CT-TTG | Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2005 |
CHỈ THỊ
VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HOÁ CHẤT, KHÁNG SINH DÙNG CHO SẢN XUẤT, KINH DOANH THỰC PHẨM
Trong thời gian qua, Bộ Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nỗ lực thực hiện Chỉ thị số 07/2002/CT-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý việc sử dụng thuốc kháng sinh, hoá chất trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đã được cải thiện một bước, góp phần bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng, mở rộng thị trường và kim ngạch xuất khẩu nông - thuỷ sản.
Tuy nhiên, các yêu cầu về vệ sinh dịch tễ và an toàn thực phẩm của người tiêu dùng và các thị trường thay đổi nhanh chóng và ngày càng nghiêm ngặt. Gần đây một số lô hàng thuỷ sản xuất khẩu đã bị đình chỉ lưu thông để kiểm tra dư lượng kháng sinh nhóm Fluoroquinolone, thậm chí một số nơi đã ban hành lệnh cấm lưu thông thuỷ sản của Việt Nam gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng tới uy tín hàng nông - thuỷ sản Việt Nam. Để tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị :
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn người sản xuất và người tiêu dùng hiểu rõ những yêu cầu và tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm của nước ta và của thế giới.
2. Nghiên cấm các tổ chức, cá nhân nuôi trồng nông - thuỷ sản sử dụng các loại hoá chất, thuốc kháng sinh nêu trong Danh mục do cơ quan quản lý nhà nước quy định cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Không được sử dụng thuốc dùng cho người, hoá chất dùng trong công nghiệp để phòng trị bệnh cho động vật; không đườc sử dụng thuốc thú y chứa kháng sinh, hoá chất dùng cho động vật trên cạn để chữa trị bệnh cho động vật dưới nước và ngược lại; không đườc sử dụng hoằc sử dụng quá mức các loại hoá chất đối với cây trồng thực phẩm; khuyến khích sử dụng các loại công nghệ sinh học.
3. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát từ khâu sản xuất tới khâu lưu thông trên thị trường và xuất nhập khẩu. Các Bộ : Thuỷ sản, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Tổng cục Hải quan tăng cường kiểm tra dư lượng kháng sinh, hoá chất bị cảnh báo đối với các lô hàng xuất khẩu.
4. Tăng cường hợp tác quốc tế về kiểm dịch động, thực vật, tranh thủ các dự án đầu tư sản xuất thực phẩm sạch, sự trợ giúp các phương tiện kiểm tra.
5. Cải tiến sự phân công, phân nhiệm và phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan, sự phân cấp giữa các cơ quan ở Trung ương và chính quyền địa phương.
Để thực hiện những nhiệm vụ trên, sự phân công, phân nhiệm giữa các Bộ, ngành như sau :
a) Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với các Bộ : Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thuỷ sản, Y tế, Công nghiệp, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường xây dựng, điều chỉnh, công bố hàng năm Danh mục các loại thuốc kháng sinh, hoá chất cấm nhập khẩu, sử dụng hoặc hạn chế sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản thường xuyên thông báo cho người sản xuất về tình hình cập nhật các loại thuốc, hoá chất bị các nước nhập khẩu cấm sử dụng, các điều kiện của thị trường nhập khẩu chủ yếu các loại nông - thuỷ sản của Việt Nam. Thông qua hệ thống khuyến nông, khuyến ngư hướng dẫn nông, ngư dân sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, tự kiểm tra chất lượng trước khi đưa vào chế biến và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tăng cường kiểm tra trước khi xuất khẩu, bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ vững uy tín và thị trường đối với nông - thuỷ sản Việt Nam;
c) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan công bố tiêu chuẩn về vệ sinh đối với các loại thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm soát nông sản, thực phẩm, các loại thuốc kháng sinh, hoá chất dùng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngay từ các cửa khẩu, nhằm bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng và môi trường trong nước;
d) Bộ Ngoại giao cùng các Bộ Thương mại, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thuỷ sản, Y tế vận động các nước liên quan ký kết các hiệp định về kiểm dịch động, thực vật;
đ) Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ, ngành liên quan chú trọng vận động tài trợ từ các nước và tổ chức quốc tế để tăng cường năng lực kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm;
e) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức nhằm quản lý vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm có hiệu quả nhất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ngay trong năm 2006. Trước mắt các Bộ : Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài chính (Tổng cục Hải quan), Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) phối hợp xếp sắp lại công tác kiểm dịch tại các cửa khẩu để nhằm bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ, đồng thời không gây phiền hà cho doanh nghiệp;
g) Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với Bộ Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục có các biện pháp kịp thời nắm thông tin, tiếp xúc, đàm phán với các cơ quan thẩm quyền của các quốc gia nhập khẩu để giải quyết các vướng mắc ngay từ đầu, nhằm hạn chế tối đa khó khăn và thiệt hại xuất khẩu nông phẩm của Việt Nam;
h) Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân vấn đề vệ sinh thực phẩm;
i) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng của địa phương tổ chức tuyên truyền rộng rãi Chỉ thị này và các văn bản pháp luật có liên quan; chỉ đạo xây dựng quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch các vùng nguyên liệu an toàn thực phẩm; thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tình hình thực hiện Chỉ thị này trên địa bàn quản lý.
Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 07/2002/CT-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ và có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
| KT. THỦ TƯỚNG |
Chỉ thị 37/2005/CT-TTg về một số biện pháp tăng cường quản lý hoá chất, kháng sinh dùng cho sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 37/2005/CT-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 28/10/2005
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Vũ Khoan
- Ngày công báo: 07/11/2005
- Số công báo: Từ số 8 đến số 9
- Ngày hiệu lực: 22/11/2005
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực