Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 36/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 8 năm 1987 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH KINH TẾ - XÃ HỘI 1988
Năm 1986, năm đầu của kế hoạch 5 năm 1986-1990, tuy tình hình chung của cả nước còn nhiều khó khăn gay gắt, nhưng thành phố tiếp tục huy động có kết quả năng lực sản xuất, khuyến khích các ngành, các cấp và đơn vị cơ sở chủ động khai thác mọi tiềm năng, tự cân đối nên đã thực hiện được các mục tiêu chủ yếu kế hoạch năm và đầu tư xây dựng cơ bản, tăng năng lực sản xuất cho các năm sau, tạo tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu kế hoạch đến năm 1990. Năm 1987 thành phố đã nỗ lực triển khai thực hiện một bước nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, nghị quyết đại hội IV của Đảng bộ thành phố, từng bước xây dựng cơ cấu kinh tế, xây dựng 3 chương trình kinh tế, làm thử việc đổi mới cơ chế quản lý, phát triển sản xuất và lưu thông, ổn định đời sống nhân dân, chăm lo giữ gìn bảo dưỡng cơ sở hạ tần của thành phố. Tuy nhiên, do tình hình nền kinh tế vẫn còn những khó khăn, mất cân đối lớn, nên hiệu quả đem lại chưa nhiều. Để đạt kết quả tốt, các ngành các cấp cần chú ý lãnh đạo tổ chức xây dựng kế hoạch 1988 theo hướng sau đây:
I- TƯ TƯỞNG CHỈ ĐẠO TRONG VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH 1988.
Bước vào năm 1988, chúng ta có những thuận lợi:
- Có nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, và các nghị quyết Trung ương Đảng về giá – lương – tiền, về cơ chế quản lý, nghị quyết đại hội D(ảng bộ thành phố lần thứ IV xác định rõ phương hướng, mục tiêu, những quan điểm cơ bản và những bài học kinh nghiệm quí báu đúc kết từ thực tiễn sinh động trong hơn 12 năm qua. Ủy ban nhân dân thành phố đã vận dụng các chính sách kinh tế của Đảng, ban hành nhiều quyết định (như quyết định 34, 192, 62…) nhằm phát huy quyền chủ động, sáng tạo cho cơ sở, phát huy mọi năng lực sản xuất, đó là những điều kiện quan trọng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và mọi lĩnh vực phát triển đúng hướng.
- Ba chương trình kinh tế đã bước đầu đưa vào kế hoạch thực hiện, bên cạnh đó, các ngành của thành phố đã mở ra nhiều hướng làm ăn mới: công trình mini lọc dầu của thành phố đang triển khai xây dựng để kịp đưa vào sản xuất trong năm 1988 góp phần bổ sung cho thành phố có thêm nhiên liệu, thành phố và các quận, huyện đầu tư tạo được năng lực làm hàng gia công và xuất khẩu cho Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, Sài gòn ô tô, xí nghiệp lắp ráp điện tử (SAGEL)…
- Công trình thủy điện Trị An đang tích cực thi công, năm 1988 sẽ góp phần bổ sung nguồn điện cho thành phố và các tỉnh.
- Phong trào tự phê bình và phê bình được phát động để thực hiện những việc cần làm ngay đã khơi lên tinht hần làm chủ của nhân dân phê phán các khuyết điểm, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong sản xuất kinh doanh và các hoạt động xã hội khác.
Tuy nhiên, chúng ta cũng còn những khó khăn:
- Tình trạng mất cân đối của cả nước về tài chánh, vật tư, năng lượng, tiền mặt còn nặng nề. Ta phải góp phần ổn định tình hình chung của cả nước.
- Hoạt động của một số ngành và lĩnh vực của thành phố phải được cải tiến cho phù hợp với những quy định mới về cơ chế và chính sách của Trung ương.
- Công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch còn những mặt yếu; còn khó khăn trong việc phát triển sản xuất, tăng cường hệ thống phân phối lưu thông phục vụ đời sống…
Bên cạnh đó, theo thông báo của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, nguồn vật tư Trung ương cấp năm 1988 một số chủng loại có khả năng tăng như các loại xút khoảng 5 – 7%, than 6%, điện, xăng dầu và thép 8%, phân đạm 12% so với năm 1987. Riêng gỗ không tăng. Các vật tư khác còn lại vẫn còn hạn chế, cần tập trung cho các yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm trọng điểm, cung ứng vật tư đúng hướng, nhằm đáp ứng 3 chương trình kinh tế, chăm lo duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tần: bệnh viện, trường học, đường sá, cầu cống, nhà ở… Yêu cầu các ngành, các cấp phải thực hiện nghiêm túc việc quyết toán vật tư theo đúng chế độ đã quy định.
- Thực hiện tiết kiệm một cách toàn diện và triệt để thành một yêu cầu quan trọng trong xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch. Đây là biện pháp thiết thực để giảm bớt các mặt khó khăn, mất cân đối về nguyên liệu, vật tư, hàng hóa, tăng thêm sản phẩm có chất lượng cho xã hội, sử dụng có hiệu quả nhân tài vật lực.
- Nâng cao trách nhiệm, quyền hạn, tính chủ động sáng tạo của các đơn vị cơ sở torng xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Phân định rõ các cơ quan quản lý hành chánh kinh tế với đơn vị sản xuất, kinh doanh, giảm bớt đầu mối nhằm làm cho sản xuất gắng với cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng kinh tế. Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp hợp lý các tổ chức và biên chế trong khu vực Nhà nước gọn nhẹ. Thực hiện đổi mới về công tác kế hoạch hóa, trước mắt trong năm 1988, thành phố sẽ thí điểm giao kế hoạch trực tiếp cho một số đơn vị; Liên hiệp xí nghiệp dệt Hồng Gấm, Liên hiệp xí nghiệp Mô tô xe đạp, nông trường dứa Phạm Văn Hai, Công ty Chăn nuôi heo II, Công ty Thực phẩm III, cửa hàng Tổng hợp số 2, Công ty Nông sản thực phẩm xuất khẩu, Xí nghiệp Đông lạnh I.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các ngành kinh tế, sắp xếp lại tổ chức trong sản xuất, kinh doanh… Tăng cường thành phần kinh tế - xã hội chủ nghĩa, nhất là kinh tế quốc doanh, củng cố và mở rộng kinh tế tập thể, hưởng ứng các thành phần kinh tế khác theo quỹ đạo của kế hoạch Nhà nước.
- Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp chánh quyền với các đoàn thể quần chúng, làm tốt công tác chính trị tư tưởng, bảo đảm thực hiện đúng mối quan hệ giữa lợi ích của Nhà nước, của tập thể và của người lao động, tạo khí thế thi đua sôi nổi đáp ứng yêu cầu hoàn thành thắng lợi kế hoạch kinh tế - xã hội.
Để đảm bảo xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch 1988, các ngành, các cấp cần nắm vững tư tưởng chỉ đạo sau đây:
- Nêu cao tinh thần cách mạnh tiến công, dám nghĩ, dám làm, phấn đấu vươn lên khắc phục các khó khăn, mất cân đối, giải phóng mọi năng lực sản xuất hiện có, khai thắc tốt mọi tiềm năng, thế mạnh, năng lực sản xuất, thực hành tiết kiệm chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lao động, vật tư, năng lượng, nguồn vốn trong nước cũng như ngoài nước, tích cực tổ chức thực hiện kế hoạch ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, thực hiện tốt 3 chương trình kinh tế lớn, tạo thế đi lên vững chắc cho các bước tiếp theo.
- Kiên quyết lập lại trật tự trong phân phối lưu thông, xuất nhập khẩu, tăng cường thương nghiệp xã hội chủ nghĩa đủ mạnh để nắm hàng, nắm tiền, bảo đảm quay nhanh đồng vốn, vật tư, hàng hóa, phấn đấu thực hiện 4 giảm, góp phần phục vụ tốt sản xuất, ổn định một bước tình hình giá – lương – tiền và đời sống nhân dân.
II- PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU KẾ HOẠCH KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 1988.
1) Phương hướng chung:
- Tăng mức huy động năng lực sản xuất hiện có, khai thác tốt nhất mọi tiềm năng của thành phố, sử dụng có hiểu quả nguồn vật tư, năng lượng, nguồn vốn trong nước cũng như ngoài nước để phát triển sản xuất, ổn định một bước tình hình kinh tế - xã hội, thực hiện tốt 3 chương trình kinh tế.
- Tạo được bước chuyển biến mới trong phân phối lưu thông thương nghiệp xã hội chủ nghĩa phải vương lên nắm cho được hàng làm chủ được thị trường, giá cả.
- Đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, tạo dần các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ lực tại chỗ, các sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao, triển khai mạnh mẽ làm hàng gia công cho Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, ưu tiên nhập vật tư nguyên liệu cho sản xuất. Tăng cường hợp tác kinh tế với các tỉnh, Campuchia và Lào, tạo nguồn cân đối bổ sung cho thành phố. Gắng chặt xuất nhập khẩu với phục vụ sản xuất, xây dựng nhằm thực hiện 3 chương trình mục tiêu của Đảng và giải quyết các vấn đề xã hội của thành phố.
- Tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa, củng cố quan hệ sản xuất mới gắn chặt với việc xây dựng tổ chức lại từng ngành trên cơ sở áp dụng cơ chế quản lý mới, nâng cao vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế khác phát triển đúng hướng.
- Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản còn hạn chế, phải có sự lựa chọn đúng đắn trong bố trí cơ cấu đầu tư nhằm phục vụ cho việc xây dựng cơ cấu kinh tế, thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn, đồng thời phải chăm lo việc học hành, bảo vệ sức khỏe, nhà ở và duy trì cơ sở hạ tầng hiện có, bảo đảm hiệu quả đầu tư cao, kiên quyết cắt giảm hoặc giảm tiến độ những công trình chưa thật cần thiết.
- Phát huy tốt nhất công tác khoa học kỹ thuật, nắm bắt tình hình độ tiến bộ chung của đất nước và thế giới, ứng dụng rộng rãi thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo thế đi lên của thành phố ngày càng vững chắc. Triệt để thực hành tiết kiệm trong sản xuất, kinh doanh và xây dựng.
- Tập trung giải quyết một cách đồng bộ và có trọng điểm trong từng thời gian, tạo chuyển biến rõ rệt về nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và các hoạt động van hóa, y tế, thể dục thể thao, khắc phục các mặt tiêu cực, xây dựng nếp sống mới, con người mới xã hội chủ nghĩa, tích cực giải quyết các tệ nạn xã hội, tích cực bảo vệ trật tự an toàn xã hội.
2) Phương hướng, mục tiêu cụ thể:
Về công nghiệ, tiểu thủ công nghiệp: Phấn đấu đạt giá trị tổng sản lượng 47 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm 1987.
Tập trung đẩy mạnh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng xuất nhập khẩu. Tích cực tham gia sản xuất các mặt hàng phục vụ công nghiệp, giao thông vận tải… cho đồng bằng sông Cửu Long.
Về nông – lâm – ngư nghiệp:
Nông nghiệp: Phấn đấu đạt sản lượng lương thực 280.000 tấn, rau 270.000 tấn, đàn heo 280.000 con. Lâm nghiệp: Chú trọng phủ xanh diện tích đấy còn lại nhằm giải quyết chất đốt cho thành phố. Có kế hoạch phát triển tiếp nuôi tôm cá.
Chú trọng cá biện pháp khoa học kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, cân đối tốt vật tư, bảo đảm nguồn điện, thủy lợi… chủ động sản xuất ngay từ đầu vụ, bảo đảm giống và vốn trồng và nuôi rừng, bảo vệ rừng; triên khai cá mô hình nông lâm ngư kết hợp; đầu tư thỏa đáng và có chính sách khuyến khích nuôi trồng; đánh bắt thủy sản, tăng mức xuất khẩu và phục vụ bữa ăn cho nhân dân thành phố.
Về xây dựng cơ bản:
Vốn tập trung năm 1988 của thành phố dự kiến 4.376 triệu đồng (chưa kể các công trình của ngành, sở, quận, huyện sử dụng vố, vật tư tự có, sẽ do các ngành, quận, huyện tự cân đối, bố trí. Trong cơ cấu đầu tư cần tập trung ưu tiên choc ác công trình xuất khẩu làm gia công cho các nước (may mặc, mủ, giày…), chăm lo trường học, bệnh viện, đường sá, cống rãnh cấp thoát nước… đăng ký sau).
- Vốn đầu tư xây dựng cơ bản:
Vốn Tỷ trọng (triệu đồng) %
+ Khối sản xuất vật chất 2.949 67,4
Trong đó:- Công nghiệp 1.575 36
- Nông nghiệp – thủy lợi 546 12,5
- Giao thông – Bưu điện 514 11,7
+ Khối không sản xuất vật chất 1.427 32,6
Trong đó:
- Lợi tích công cộng, nhà ở 865 19,7
- Giáo dục, y tế, xã hội 373 8,5
- Vốn sửa chữa: bố trí 2.365 triệu đồng.
Nguồn vật tư còn rất hạn chế, chỉ cân đối được cho các công trình xây dựng cơ bản bằng vốn tập trung và phục vụ các yêu cầu sửa chữa. Các đơn vị cần tìm cách tạo nguồn vật tư bán cho dân tự sửa chữa nhà cửa. Đối với công trình tự làm, công trình liên kết với nước ngoài, nhất thiết phải có kế hoạch tự cân đối. Việc bố trí vốn đầu tư phải tập trung cho những công trình trọng điểm, phải sát với khả năng nguồn vốn, vật tư, bảo đảm thực hiện đúng các thủ tục về đầu tư xây dựng cơ bản.
Về giao thông vận tải:
Vận tải hàng hóa: So với năm 1987 tăng 11,1% về tấn và 15,7% về tấn Km, trong đó vận chuyển cho Trung ương: tăng 9,9% về tấn và 10% về tấn-Km, vận chuyển cho thành phố tăng 11,3% về tấn và 19,1% về tấn/Km.
Trong điều kiện nhiên liệu còn rất hạn chế, cần tập trung cho nhu cầu sản xuất, xây dựng, đời sống của thành phố.
Vận tải hành khách: So với năm 1987 tăng 12,2% về hành khách và 7,5% về HK-Km. Trong đó: vận tải hành khách liên tỉnh tăng 0,8% về HK và 0,5% về HK-Km; nội tỉnh tăng 20,8% về HK và 19,9% về HK-Km.
Phải tập trung lo nội tỉnh, khuyến khích tự tìm nguồn nhiên liệu để bổ sung cho khâu vận chuyển liên tỉnh. Ngành giao thông vận tải phải có bước chuyển biến mới để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách. Phải vận dụng cơ chế mới để có lãi không bù lỗ.
Trong giao thông vận tải cần đặc biệt chú í sửa chữa cầu đường, làm thêm cầu đường nông thôn, tạo thêm phương tiện và năng lực vận tải mới bù cho số đã hư hỏng thanh lý. Sở Giao thông vận tải phải chỉ đạo khẩn trương khảo sát lập luận chứng kinh tế kỹ thuật cầu Phú Xuân, cầu chữ Y, cầu Nhị Thiên Đường v.v… để có cơ sở đề nghị Nhà nước đưa vào kế hoạch đầu tư nguồn vốn vật tư và kỹ thuật Trung ương trong năm 1988.
Về xuất nhập khẩu:
Khai thác triệt để thế mạnh của thành phố, từng ngành, từng quận, huyện phải xây dựng mặt hàng chủ lực của mình, nhanh chóng tổ chức tăng nguồn hàng xuất khẩu sản xuất tại thành phố, và tinh chế, làm hàng gia công cho nước ngoài với chất lượng cao, phát triển du lịch, kiều hối, cung ứng tàu biển và các dịch vụ có thu ngoại tệ khác. Mỗi ngành mỗi quận, huyện trong kế hoạch 88 phải xác định được mặt hàng chủ lực xuất khẩu cho mình và hướng phát triển cho 89-90. Tranh thủ về các nguồn viện trợ về kỹ thuật, vật chất và các khả năng về hợp tác kinh tế để phát triển sản xuất, chế biến, gia công các mặt hàng có giá trị để xuất khẩu hoặc trao đổi lấy hàng xuất, tạo nguồn cân đối bổ sung thực hiện các mục tiêu về sản xuất, xây dựng, phục vụ đời sống, góp phần đắc lực vào việc thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn của cả nước.
Kim ngạch xuất khẩu năm 1988 dự kiến như sau:
- Tổng kim ngạch xuất khẩu (triệu USD/R) 256,6 (tăng 29,3% so năm 1987)
+ Thị trường tư bản chủ nghĩa 193,6
Xuất trực tiếp 152,3
Xuất tại chỗ 9
Kiều hối 24
Dịch vụ 8,3
+ Thị trường xã hội chủ nghĩa 65
- Tổng kim ngạch nhập khẩu (triệu USD/R) 198 (tăng 65% so năm 1987)
+ Thị trường tư bản chủ nghĩa 163
Nguyên liệu vật tư 102
Hàng tiêu dùng 45
Đầu tư chiều sâu 16
+ Thị trường xã hội chủ nghĩa 33
Về thương nghiệp:
a) Thương nghiệp:
Phấn đấu thiết lập trật tự trong phân phối lưu thông, chấm dứt các khâu trung gian bất hợp lý, bảo đảm Nhà nước nắm được đại bộ phận sản phẩm hàng hóa thiết yếu đến đời sống. Mở rộng mạng lưới thương nghiệp, dịch vụ, cải tiến phương thức phân phối, bảo đảm đưa hàng đếntận tay người tiêu dùng. Đẩy mạnh công tác cải tạo và tăng cường quản lý các hình thức quá độ trong thương nghiệp, chống tiêu cực trong nội bộ ngành, nâng cao hiệu quả kinh doanh, phục vụ, từng bước vươn lên làm chủ thị trường.
Dự kiến mức bán lẻ một số mặt hàng thiết yếu của thị trường có tổ chức: Thịt heo bên 48.000 tấn, tăng 29% so 1987; cá tươi các loại 40.000 tấn, tăng 33%; nước mắm nước chấm 26 triệu lít, tăng 3,3%; đường 37.000 tấn, tăng 54%; xà bông giặt 16.000 tấn, tăng 25%; vải lụa 36 triệu mét, tăng 5,8%; chất đốt gồm than, củi, dầu lửa đáp ứng khoảng 60% nhu cầu (kể cả điện 10%).
b) Lương thực:
Mục tiêu năm 1988: tạo nguồn lượng thực 550.000 tấn, trong đó tiếp nhận theo chỉ tiêu điều động của Trung ương 450.000. Bán ra 500.000 tấn, trong đó bán cho các đối tượng khu vực Nhà nước 195.000 tấn.
Thực hiện độc quyền quản lý lương thực địa bàn thành phố. Bảo đảm tiêu chuẩn phân phối cho các đối tượng đã được quy định và có lượng dự trữ. Nâng tỷ trọng hàng lương thực chế biến (kể cả xuất khẩu).
c) Ăn uống khách sạn:
Doanh thu ăn uống khách sạn dự kiến tăng 32% so năm 1987. Riêng doanh thu ăn uống cấp thành phố tăng 35%, cấp quận, huyện tăng 31,2%, doanh thu ăn uống quốc doanh tăng 44%. Ngành cần có kế hoạch chấn chỉnh bộ mặt ăn uống của thành phố bảo đảm văn minh, vệ sinh, sạch đẹp, hướng dẫn quận, huyện tổ chứ chợp lý mạng lưới ăn uống đáp ứng nhu cầu nhân dân lao động. Đẩy mạnh hợp tác liên kết với các ngành, quận, huyện, các tỉnh bạn, tạo thêm nguồn hàng cung ứng cho chế biến và phục vụ trong ngành. Ngành ăn uống khách sạn phải vươn lên tự lo sửa chữa, khôi phục một số khách sạn và nhà hàng đã hư hỏng để đưa vào kinh doanh, phục vụ.
d) Dịch vụ:
Doanh thu dịch vụ thuần túy toàn ngành dự kiến tăng 50,2% so năm 1987, trong đó dịch vu thu công tăng 63,8%.
Cần phát triển mạnh mạng lưới dịch vụ kết hợp với cải tạo sắp xếp lại dịch vụ tư nhân, cải tiến phương thức phục vụ linh hoạt phù hợp với yêu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, có chính sách thống nhất về giá cả thu công thích hợp.
Về lao động dân số:
- Phấn đấu giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,1%.
- Giải quyết việc làm cho 111.500 lao động, trong đó bố trí vào các ngành kinh tế quốc dân 69.000 người, tuyển cho các nhu cầu thường xuyên 42.500 người.
Về giáo dục:
- Tập trung sức bảo đảm đạt cho được chất lượng giáo dục một cách toàn diện. Chú ý giải quyết tốt đời sống giáo viên, nhất là giáo viên ở nội thành ra giảng dạy ở ngoại thành, cần thực hiện một chế độ đặc biệt ưu đãi trong sinh hoạt đi lại, nhà ở, nước ngọt, bồi dưỡng… sát tình hình thực tế để khuyến khích số giáo viên này yên tâm phục vụ công tác. Chú trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức học sinh song song với việc học tập văn hóa. Phấn đấu giảm tỷ lệ học sinh kém và lưu ban, tăng tỷ lệ học sinh khá, giỏi.
- Xây dựng, sửa chữa 267 phòng học để giải tỏa bớt ca 3 và thay thế các phòng tranh tre, nứa lá.
- Bảo đảm đầy đủ giấy viết, sách giáo khoa cho học sinh.
- Nghiên cứu ban hành chủ trương mở trường tư để giải quyết thêm nhu cầu học tập, đào tạo số học sinh không đủ điều kiện vào lớp 10 và đại học.
Về đạo tạo:
Dự kiến nhiệm vụ đào tạo cán bộ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật và sơ cấp nghiệp vụ năm 1988 là 40.636 người, số tốt nghiệp 37.525 người. Năm 1988 phải triển khai một bước cơ chế mở rộng đào tạo cán bộ công nhân thành phố, các tỉnh bạn và một phần cho Phnom Penh.
Về y tế:
Cố gắng khắc phục tình hình xây dựng, sửa chữa dứt điểm một số cơ sở y tế. Năm 1988 cố gắng giải quyết tăng thêm 70 giường nhi ở bệnh viện Nhi Đồng 2.
- Có chính sách kịp thời về kiều hối, giá thu mua thuốc thành phẩm để khuyến khích kiều bào gởi thuốc hoặc ngoại tệ về cho thành phố, phấn đấu có 4 triệu đôla để nhập nguyên liệu cho sản xuất thuốc.
- bảo đảm đủ thuốc thông thường bán cho dân. Quản lý chặt sản xuất và phân phối thuốc, thống nhất giá thuốc.
Về văn hóa xã hội:
Cần có biện pháp tích cực để chăm lo công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến chủ trương, chính sách, góp phần nhân lên những mô hình tốt, chống tiêu cực, tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống mới, con người mới xã hội chủ nghĩa.
- Thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, có công với cách mạng, cán bộ hưu trí.
- Ổn định, củng cố các trường trại cơ sở, cải tạo tệ nạn xã hội, khuyến khích và tạo điều kiện cho các trường phát triển sản xuất để cải thiện đời sống, đầu tư sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất. Tổ chức định cư cho các đối tượng, được cải tạo 1.000 người.
- Nghiên cứu tăng trợ cấp cho các đối tượng xã hội: người già, tàn tật, trẻ mồ côi… bằng phương thức Nhà nước và nhân dân cùng lo.
III.- TỔ CHỨC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
Khi xây dựng kế hoạch cần đánh giá kỹ tình hình thực tế kế hoạch năm 1987, nêu lên được những mặt chuyển biến để tiếp tục phát huy và những mặt thiếu sót, tồn tại để có biện pháp khắc phục. Từng mục tiêu phải được xem xét các biện pháp cân đối đồng bộ. Chú í có biện pháp tháo gỡ các khó khăn mắc cứu.
- Về cơ chế kế hoạch hóa. Thực hiện cơ chế mới thành phố giao số kiểm tra để hướng dẫn, thông báo về phương hướng chung, phương hướng cụ thể khả năng vốn, vật tư, năng lượng, cá định mức kinh tế - kỹ thuật. Đơn vị phải được tổ chức xây dựng trên cơ sở bàn bạc dân chủ tập thể trong cán bộ, công nhân, nòng cốt là bộ tư, khai thác tối đa các khả năng tiềm năng đảm bảo chất lượng của dự án kế hoạch, quan hệ với khách hàng, cân đối vật tư, lập kế hoạch sản xuất kỹ thuật tài chánh báo cáo lên thành phố phê duyệt để thực hiện.
Phải tập trung thực hiện chỉ tiêu pháp lệnh Nhà nước giao (số hướng dẫn của Trung ương và thành phố); mặt khác phải đẩy mạnh tự cân đối về vật tư, nguyên liệu, tiền vốn… để xây dựng thêm các chỉ tiêu kế hoạch tự cân đối.
- Trọng tài kinh tế phải giúp đỡ hướng dẫn cơ sở ký kết hợp đồng ngay từ khâu xây dựng kế hoạch và bảo đảm về mặt pháp lý, trách nhiệm, quyền lợi của các bên trong xây dựng và thực hiện kế hoạch.
- Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, thành phố về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và kế hoạch hóa, tiếp tục đề xuất tháo gỡ những chủ trương chính sách còn ràng buộc để các ngành kịp thời chấn chỉnh. Kế hoạch của từng ngành phải được tổng hợp từ chỉ tiêu kế hoạch có tính toán các điều kiện cân đối của các đơn vị trực thuộc, đồng thời thể hiện được vai trò chỉ đạo kinh tế - kỹ thuật trong toàn ngành. Kế hoạch của quận, huyện phải được cân đối tổng hợp từ kế hoạch của các phường, xã và đơn vị trực thuộc. Kế hoạch của mỗi ngành, mỗi quận, huyện phải bao gồm phần kế hoạch thành phố giao và kế hoạch do các sở, quận, huyện, phường, xã và đơn vị kinh tế cơ sở tự cân đối. Kế hoạch tài chánh phải được xây dựng cùng lúc với kế hoạch kinh tế - xã hội.
- Các ngành tổng hợp tiếp tục nghiện cứu có văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố quy định quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của các đơn vị, về chấn chỉnh công tác lưu thông phân phối định mức kinh tế kỹ thuật, các quy định về tỷ lệ trích nộp ngoại tệ, đối lưu hàng hóa, khen thưởng khuyến khích vật chất… tạo điều kiện cho các đơn vị có đầy đủ cơ sở tính toán xây dựng chỉ tiêu pháp lệnh, chỉ tiêu kế hoạch tự cân đối một cách vững chắc.
IV.- TRÌNH TỰ VÀ TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
Việc xay dựng kế hoạch 1988 nằm trong kế hoạch 5 năm 1986 – 1990 nên thành phố không tổ chức tập huấn, hướng dẫn như trước đây, các ngành và quận huyện căn cứ vào chỉ thị này tổ chức chỉ đạo xây dựng kế hoạch đến đơn vị cơ sở.
- Giữa tháng 8-1987, Ủy ban Kế hoạch giao số hướng dẫn kế hoạch năm 1988 cho các sở, ban, ngành, quận và huyện.
- Trong tháng 8 và nửa đầu tháng 9 năm 1987, trên tinh thần chỉ thị này và số hướng dẫn của Ủy ban Kế hoạch thành phố giao, các sở, các ban ngang sở, quận và huyện khẩn trương tổ chức hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch.
- Từ 15 đến 30-9-1987 các sở, quận, huey65n tổng hợp xong và gửi dự án kế hoạch cho Ủy ban nhân dân và Ủy ban Kế hoạch thành phố.
- Từ 1 đến 10-10-1987, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức nghe các sở, quận, huyện bảo vệ kế hoạch. Tuy nhiên, sẽ chọn những sở, ngành, và quận, huyện nào tổng hợp và gởi báo cáo sớm Ủy ban sẽ tổ chức nghe và thông qua trước vào cuốit háng 9-1987.
- Tháng 10-1987, Ủy ban kế hoạch thành phố tổng hợp kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1988 của thành phố báo cao Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.
Cuốit háng 10-1987 Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố bảo vệ kế hoạch trước Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
- Tháng 11-1987, Ủy ban Kế hoạch thành phố bổ sung hoàn chỉnh lại p hương án kế hoạch kinh tế - xã hội của thành phố báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Ủy ban nhân dân và Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố để quyết định chính thức.
Ủy ban Kế hoạch thành phố soạn thảo tại liệu trình Hội đồng nhân dân thành phố phê chuẩn và chuẩn bị phân bố chỉ tiêu giao kế hoạch cho các sở, cơ quan ngang sở, quận và huyện trong đầu tháng 12-1987.
Các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các ngành thuộc lĩnh vực mình phụ trách bảo đảm xây dựng và tổng hợp kế hoạch theo đúng nội dung và tiến độ chung. Ủy ban Kế hoạch thành phố cùng với các cơ quan tổng hợp và các cơ quan có liên quan tạo mọi điều kiện thuận lợi và xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc trong quá trình xây dựng và tổng hợp kế hoạch, bảo đảm kế hoạch năm 1988 đạt chất lượng tốt, có căn cứ vững chắc để thực hiện ngay từ đầu năm.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 36/CT-UB năm 1987 về xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội 1988 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 36/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 19/08/1987
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra