Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 36/2008/CT-BNN | Hà Nội, ngày 20 tháng 02 năm 2008 |
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Trong thời gian qua, các hoạt động sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn đã mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho nông dân, xóa đói giảm nghèo tại nhiều địa phương. Trong quá trình này, nhiều nhiệm vụ về bảo vệ môi trường đã được quan tâm thực hiện, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái trên phạm vi cả nước, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và ở nông thôn chưa được quan tâm đúng mức: phần lớn các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế ngành, lĩnh vực chưa có báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng kỹ thuật; tình trạng phát triển nuôi trồng thủy sản tự phát, thiếu quy hoạch dẫn tới ô nhiễm môi trường xảy ra nghiêm trọng ở một số nơi; nhiều tỉnh chưa có quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, thiếu hệ thống thu gom và xử lý chất thải; nhiều làng nghề tiếp tục phát triển dựa vào sản xuất thủ công, công nghệ lạc hậu; chưa có phong trào thu gom, xử lý rác thải ở nông thôn. Những tồn tại trên đã gây ra ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí ảnh hưởng xấu tới phát triển kinh tế và sức khỏe cộng đồng.
Để thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan quản lý Nhà nước về Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:
1. Công tác bảo vệ môi trường phải được lồng ghép và thể hiện cụ thể trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành; các chiến lược, kế hoạch, phương án quy hoạch phát triển các lĩnh vực thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và được Bộ phê duyệt; công tác kiểm tra việc thực hiện các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư do Bộ quản lý phải được thực hiện định kỳ, thường xuyên.
2. Chú trọng việc phòng ngừa và nâng cao năng lực kiểm soát ô nhiễm trong quá trình sản xuất; xác định và xử lý chất thải ngay tại nguồn phát thải; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới quan trắc, nâng cao năng lực quan trắc và cảnh báo môi trường trong các lĩnh vực sản xuất của ngành.
3. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ xử lý chất thải; khuyến khích tái sử dụng chất thải trong quá trình sản xuất thông qua hệ sinh thái tự nhiên hoặc bằng công nghệ sinh học; tăng cường quản lý an toàn sinh học động thực vật biến đổi gen và bảo tồn đa dạng sinh học.
4. Tăng cường các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường; nghiên cứu xây dựng quỹ bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực sản xuất của ngành; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ vốn, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chính sách chi trả dịch vụ môi trường.
5. Bảo vệ môi trường nông thôn: tăng cường công tác quy hoạch và quản lý môi trường trong phát triển làng nghề, cụm công nghiệp chế biến nông lâm sản, trại chăn nuôi tập trung; nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ các dịch vụ thu gom chất thải rắn ở nông thôn, xây dựng và nhân rộng các mô hình xã hội hóa công tác quản lý chất thải rắn ở nông thôn.
6. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường: phổ biến, quán triệt sâu rộng Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị, các chương trình hành động của Chính phủ, các chủ trương, đường lối của Đảng và Chính phủ, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường tới các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia các hoạt động liên quan đến phát triển ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lồng ghép chương trình tuyên truyền bảo vệ môi trường trong các hoạt động phát triển cộng đồng; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền hoạt động bảo vệ môi trường.
1. Các cơ quan có liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Các cơ quan có liên quan thuộc Bộ có trách nhiệm tổ chức bộ phận chuyên trách hoặc phân công cán bộ theo dõi các hoạt động bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động chuyên môn của đơn vị mình.
a) Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì và phối hợp với các đơn vị tổ chức:
- Thẩm định các báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; giám sát, kiểm tra việc thực hiện các cam kết trong báo cáo môi trường chiến lược và trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đã phê duyệt;
- Tổ chức việc đào tạo và hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ môi trường cho cán bộ làm công tác môi trường của các cơ quan thuộc Bộ;
- Xây dựng, trình Bộ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực bảo vệ môi trường trong nông nghiệp và phát triển nông thôn;
- Đề xuất xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản;
- Đề xuất nội dung điều tra đánh giá hiện trạng tài nguyên và môi trường vùng cửa sông, ven biển, các hệ sinh thái bị suy thoái nghiêm trọng;
- Đề xuất ứng dụng các công nghệ mới tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường để xử lý ô nhiễm môi trường trong các lĩnh vực sản xuất của ngành;
- Theo dõi, giám sát và đánh giá kịp thời tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch năm về bảo vệ môi trường.
b) Cục Chăn nuôi:
- Xây dựng và trình Bộ phê duyệt kế hoạch hành động bảo vệ môi trường trong chăn nuôi;
- Xây dựng và trình Bộ ban hành tiêu chí các khu chăn nuôi, giết mổ, chế biến tập trung đảm bảo vệ sinh môi trường; thực hành quản lý hệ thống chăn nuôi đồng bộ, có hệ thống xử lý chất thải; khuyến khích người dân áp dụng quy chế thực hành chăn nuôi tốt;
- Rà soát, xây dựng, trình Bộ ban hành và hướng dẫn thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, các văn bản quy phạm pháp luật nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo chức năng nhiệm vụ được phân công.
c) Cục Thú y:
- Xây dựng và trình Bộ phê duyệt kế hoạch hành động bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thú y;
- Xây dựng và trình Bộ ban hành tiêu chí vệ sinh thú y đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, chuẩn đoán bệnh động vật, sản xuất, khảo nghiệm thuốc thú y và các lĩnh vực liên quan đảm bảo vệ sinh môi trường;
- Rà soát, xây dựng, trình Bộ ban hành và hướng dẫn thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, các văn bản quy phạm pháp luật nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo chức năng nhiệm vụ được phân công.
d) Cục Trồng trọt:
- Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh phân bón; tổ chức tuyên truyền sâu rộng việc sử dụng phân bón hợp lý;
- Xây dựng và trình Bộ ban hành các quy định trong sản xuất đảm bảo sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy trình quản lý an toàn sinh học đối với thực vật biến đổi gen;
- Đẩy mạnh thực hiện các quy định trong sản xuất đảm bảo sản phẩm nông nghiệp an toàn vệ sinh thực phẩm.
đ) Cục Bảo vệ thực vật:
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật;
- Tổ chức tập huấn, tuyên truyền việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, an toàn, hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường;
- Xây dựng và trình Bộ ban hành các quy định trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo sản phẩm sản phẩm nông nghiệp an toàn, không gây ô nhiễm môi trường;
- Hướng dẫn việc thu gom và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng;
- Định kỳ điều tra, thống kê và đề xuất việc xử lý các loại thuốc bảo vệ thực vật cần tiêu hủy.
e) Cục Thủy lợi:
- Nâng cao năng lực quản lý chất lượng nước, kiểm soát ô nhiễm nước trong các hệ thống công trình thủy lợi;
- Bổ sung và hoàn chỉnh hệ thống quan trắc, cảnh báo chất lượng nước trong các hệ thống công trình thủy lợi;
- Xây dựng và trình Bộ ban hành các quy định về nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi.
g) Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống lụt, bão:
- Nâng cao năng lực hệ thống cảnh báo, ứng cứu sự cố thiên tai, khắc phục sự cố môi trường sau lụt, bão.
h) Cục Kiểm lâm:
- Nâng cao năng lực hệ thống cảnh báo cháy rừng;
- Tăng cường công tác chống chặt phá rừng;
- Tăng cường các hoạt động hỗ trợ người dân vùng cao canh tác nông lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy;
- Xây dựng và trình Bộ phương án quy hoạch ổn định hệ thống rừng đặc dụng;
- Trình Bộ sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý động, thực vật hoang dã quý hiếm.
i) Cục Lâm nghiệp:
- Hàng năm, tổ chức kiểm tra, đánh giá và báo cáo Bộ việc thực hiện các chỉ tiêu về môi trường: tổng diện tích trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng, độ che phủ rừng;
- Bổ sung, hoàn thiện và trình Bộ ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào trồng rừng, chính sách quản lý rừng cộng đồng;
- Chỉ đạo thực hiện Công ước chống sa mạc hóa của Liên hiệp quốc và Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa gắn với việc hướng dẫn xây dựng và triển khai các chương trình/dự án về cơ chế phát triển sạch (CDM) trong lâm nghiệp;
- Kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch quản lý, sử dụng rừng bền vững; chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động đánh giá và cấp chứng chỉ rừng.
k) Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối:
- Xây dựng và trình Bộ phê duyệt kế hoạch hành động bảo vệ môi trường làng nghề;
- Xây dựng và trình Bộ ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về chất thải được phép thải ra môi trường từ các làng nghề;
Tổ chức xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển ngành nghề nông thôn kết hợp phòng chống ô nhiễm môi trường.
l) Cục Nuôi trồng thủy sản:
- Hướng dẫn cơ quan quản lý Nhà nước về Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp tỉnh tổ chức quy hoạch các khu nuôi trồng thủy sản tập trung đảm bảo vệ sinh môi trường;
- Xây dựng và trình Bộ ban hành danh mục chế phẩm sinh học được phép dùng trong nuôi trồng thủy sản.
m) Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản:
- Hoàn chỉnh trình Bộ phê duyệt Đề án bảo vệ các loại thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
n) Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn:
- Lồng ghép công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác xã, kinh tế trang trại trong nông nghiệp, nông thôn; vào các Chương trình, dự án về quy hoạch bố trí dân cư, công tác di dân tái định cư trong nông nghiệp, nông thôn;
- Chủ trì, phối hợp với các trường và các đơn vị có liên quan lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường trong xây dựng chương trình và tổ chức tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác phát triển nông thôn.
o) Trung tâm Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn:
- Phối hợp với các địa phương rà soát, bổ sung và điều chỉnh quy hoạch cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương;
- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, làm cho việc sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh và thực hiện vệ sinh môi trường thành thói quen thường xuyên đối với mọi người dân;
- Đề xuất ứng dụng các công nghệ mới điển hình xử lý nước thải sinh hoạt, làng nghề và rác thải nông thôn; mô hình cấp nước và vệ sinh phù hợp với các vùng miền nhằm bảo vệ môi trường.
p) Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia
- Phối hợp với các viện nghiên cứu chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật và xây dựng các mô hình sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản thân thiện với môi trường;
- Lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào các chương trình tập huấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, khai thác, chế biến và nuôi trồng.
q) Các Viện, Trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo chức năng được phân công đẩy mạnh công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
r) Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Tin học và Thống kê, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong nông nghiệp và nông thôn; đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình tốt, cách làm hay có hiệu quả và đảm bảo vệ sinh môi trường trong sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản.
- Đẩy nhanh việc quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, các khu chăn nuôi, giết mổ tập trung với hệ thống thu gom và xử lý chất thải; chuyển dần các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư;
- Các tỉnh vùng ven biển có diện tích nuôi trồng thủy sản, phải có quy hoạch tổng thể phát triển nuôi trồng thủy sản với hệ thống cấp nước và tiêu nước thải riêng biệt;
- Đẩy mạnh công tác vận động, thuyết phục cộng đồng dân cư tổ chức phong trào làng xanh sạch đẹp; tổ chức việc thu gom và xử lý rác thải; thực hiện tốt các quy định vệ sinh môi trường;
- Xây dựng các chính sách hỗ trợ cho đầu tư xây dựng các cụm làng nghề, các khu chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, các dự án thu gom, xử lý rác thải nông thôn và các hoạt động bảo vệ môi trường khác.
a) Không được kinh doanh, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép.
b) Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản đã hết hạn sử dụng; dụng cụ, bao bì đựng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản; bùn đất và thức ăn lắng đọng khi làm vệ sinh ao nuôi trồng thủy sản phải được thu gom, xử lý theo quy định.
c) Thực hiện cuộc vận động chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ thả rông sang phương thức chăn nuôi có kiểm soát - gia trại, trang trại.
d) Khu chăn nuôi tập trung phải phù hợp với quy hoạch và đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường sau đây:
- Bảo đảm vệ sinh môi trường đối với các khu dân cư;
- Có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường;
- Chất thải rắn chăn nuôi phải được quản lý theo quy định, tránh phát tán ra môi trường;
- Chuồng trại phải được vệ sinh định kỳ; bảo đảm phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh;
- Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được thu gom, xử lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh.
đ) Không được xây dựng khu nuôi trồng thủy sản tập trung trên bãi bồi đang hình thành vùng cửa sông ven biển; phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản.
e) Khu nuôi trồng thủy sản tập trung phải phù hợp với quy hoạch và đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường sau đây:
- Chất thải phải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường;
- Phục hồi môi trường sau khi ngừng nuôi trồng thủy sản;
- Bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh thủy sản; không được sử dụng hóa chất độc hại hoặc tích tụ độc hại.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan quản lý Nhà nước về Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp tỉnh, các cơ quan có liên quan thuộc Bộ tổ chức thực hiện tốt các nội dung trên đây và báo cáo kịp thời kết quả thực hiện về Bộ (Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường) vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo về Bộ để giải quyết./.
| BỘ TRƯỞNG |
Chỉ thị 36/2008/CT-BNN về tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường trong nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 36/2008/CT-BNN
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 20/02/2008
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Cao Đức Phát
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 151 đến số 152
- Ngày hiệu lực: 13/03/2008
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra