Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/CT-UBND

Thanh Hóa, ngày 30 tháng 11 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG NGỪA, ĐẤU TRANH VỚI HÀNH VI XÂM HẠI CÁC LOÀI ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRÁI PHÁP LUẬT

Trong những năm qua, các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi xâm hại động vật hoang dã trái pháp luật, đặc biệt là các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, góp phần giữ vững ổn định về an ninh rừng. Các lực lượng Công an, Biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng khác đã tập trung đấu tranh, xử lý tính trạng săn bắn, bẫy bắt, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài động vật hoang dã, nhất là các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Các cơ sở gây nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản động vật hoang dã được quản lý chặt chẽ. Trên địa bàn tỉnh không có đường dây, tụ điểm, điểm nóng về săn bắn, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật hoang dã. Tuy nhiên, ở một số địa phương, tình trạng săn bắn, bẫy bắt, buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt, quảng cáo, chế biến thực phẩm và bày bán các sản phẩm của động vật hoang dã, nhất là ngà voi, sừng tê giác, sản phẩm từ hổ và các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm khác vẫn còn xảy ra, vi phạm pháp luật.

Để ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi xâm hại động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 17/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về bảo vệ các loài động vật hoang dã, nhất là các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

2. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động săn bắn, bẫy bắt, nuôi nhốt, buôn bán, vận chuyển, quảng cáo, bày bán các sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, đặc biệt là các hoạt động buôn bán ngà voi, sừng tê giác trái pháp luật; tập trung kiểm tra tại các khu vực rừng tự nhiên còn giàu tài nguyên thuộc Vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực rừng biên giới, rừng giáp ranh liên tỉnh, liên huyện, liên xã; khu vực tập trung các cơ sở gây nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản động vật hoang dã; khu vực thị tứ, thị trấn, thị xã, thành phố; các cửa hàng bày bán đồ lưu niệm tại các địa điểm du lịch, cảng hàng không, bến xe, bến tàu, cơ sở buôn bán, bào chế thuốc y học cổ truyền... Công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng. Người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc để xảy ra vi phạm trên địa bàn do mình quản lý.

3. Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các Sở: Công thương (lực lượng Quản lý thị trường), Nông nghiệp và PTNT (lực lượng Kiểm lâm), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng; Cục Hải quan xác lập chuyên án triệt phá các ổ nhóm, đường dây tội phạm buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ trái phép mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, đặc biệt là ngà voi, sừng tê giác, sản phẩm từ hổ; chủ trì phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường, Kiểm lâm tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động bày bán, buôn bán, quảng cáo, sử dụng trái phép mẫu vật sừng tê giác, ngà voi, sản phẩm từ hổ trên địa bàn tỉnh; chủ trì phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Chi cục Kiểm lâm tăng cường vận động giao nộp hết các loại súng săn còn lưu giữ trong dân theo đúng Chỉ thị số 22/CT-CT ngày 26/5/2005 của Chủ tịch UBND tỉnh về vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và Chỉ thị số 29/CT-UBND ngày 31/12/2000 về tăng cường quản lý súng săn, cưa xăng để bảo vệ rừng và động vật hoang dã.

4. Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các lực lượng Công an, Quản lý thị trường, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại các quán ăn, nhà hàng, khách sạn, các tụ điểm kinh doanh, cơ sở gây nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; tăng cường công tác hợp tác trong chia sẻ thông tin, điều tra, bắt giữ, xử lý các hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm đặc biệt là ngà voi, sừng tê giác. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa, Báo Văn hóa và Đời sống triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm đến các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân.

5. Các cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử, xử lý vi phạm hành chính xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc vi phạm; tập trung rà soát các vụ việc vi phạm liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, chế biến, tàng trữ, quảng cáo, sử dụng trái pháp luật động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm để xử lý dứt điểm theo quy định của pháp luật và công khai kết quả xử lý trước công luận.

6. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa, Báo Văn hóa và Đời sống tăng cường tuyên truyền những điển hình tốt, gương người tốt, việc tốt về bảo tồn, kiểm soát buôn bán động vật hoang dã; tích cực phát hiện và lên án mạnh mẽ những hành vi, việc làm trái quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; tích cực tham gia các hoạt động phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; đề xuất các giải pháp quản lý nhà nước với cơ quan có thẩm quyền.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tuyên truyền vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; phát hiện, tố giác với chính quyền, cơ quan chức năng các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm hại động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, các sở, ngành cấp tỉnh thực hiện báo cáo tình hành tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị 28/CT-TTg và Chỉ thị này gửi Sở Nông nghiệp và PTNT trước ngày 15 tháng 11 hàng năm để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Giao Sở Nông nghiệp và PTNT theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện Chỉ thị này báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- VP Chính phủ (b/c);
- Bộ NN&PTNT (b/c)
-TT Tỉnh ủy, HĐND, UBND (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các đơn vị: Công an tỉnh, Bộ CHBĐBP, Sở NN&PTNT, Sở Công thương, Cục Hải quan;
- UBMTTQ, các tổ chức thành viên cấp tỉnh;
- VKSND tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Đài PTTH tỉnh; Báo TH, Báo VH&ĐS;
- Lưu: VT, NC (2).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Quyền

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 34/CT-UBND năm 2016 về tăng cường biện pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại động vật hoang dã trái pháp luật do Uy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành

  • Số hiệu: 34/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 30/11/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Nguyễn Đức Quyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/11/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản