Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/CT-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 08 năm 1992 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CHƯƠNG TRÌNH TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG VÀ THANH TOÁN BỆNH BẠI LIỆT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH .
Năm 1992, thành phố Hồ Chí Minh cam kết với Trung ương về thực hiện tiêm chủng mở rộng và thanh toán bệnh bại liệt trên địa bàn thành phố, đạt các mục tiêu sau đây:
- Tiêm chủng mở rộng đạt tỷ lệ 90% trẻ dưới 1 tuổi tiêm đủ 6 loại vaccin.
- Uống vaccin sabin chiến dịch đạt tỷ lệ 85% cho tất cả trẻ dưới 3 tuổi uống đủ 2 lần vaccin sabin.
- Để hoàn thành các mục tiêu trên, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chỉ thị:
1- Đẩy mạnh chương trình tiêm chủng mở rộng: Tăng cường các mặt tổ chức, tuyên truyền vận động cho các bà mẹ đưa trẻ đi tiêm chủng đông đủ nhất ; đảm bảo tiến độ tiêm chủng mỗi tháng, để đạt chỉ tiêu tiêm chủng 90% vào cuối tháng 12/1992 trên toàn địa bàn thành phố cũng như trên từng quận huyện.
2- Triển khai chiến dịch uống vaccin sabin cho tất cả trẻ dưới 3 tuổi (những trẻ sinh năm 1989, 1990, 1991, 1992) ; mỗi trẻ được uống vaccin sabin 2 lần mỗi lần cách nhau 1 tháng vào các ngày sau:
- Đợt 1: ngày 20- 21/9/1992.
- Đợt 2: ngày 25- 26/10/1992.
Như vậy số trẻ em cần uống vaccin sabin khá lớn lên đến 280.000 cháu, mỗi cháu cần uống 2 lần trong 2 tháng ; mà thời gian thực hiện rất ngắn chỉ 2 ngày trong mỗi tháng.
3- Để đảm bảo công tác tiêm chủng mở rộng- thanh toán bệnh bại liệt đạt kết quả tốt, các ngành các cấp phải thực hiện những việc sau:
3.1- Sở Y tế chỉ đạo trạm vệ sinh phòng dịch thành phố và các đơn vị trực thuộc:
a- Lên kế hoạch cụ thể về chiến dịch tiêm chủng mở rộng- thanh toán bệnh bại liệt trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố duyệt và gởi đến các địa phương, ban ngành có liên quan.
b- Có trách nhiệm nhận và cung cấp đủ vaccin cho đến tận cơ sở đúng kế hoạch- bảo quản và sử dụng vaccin đúng quy định.
c- Đảm bảo các yêu cầu về chuyên môn, kỹ thuật và bố trí nhân lực cho phù hợp đến tận các điểm tiêm chủng và uống vaccin.
d- Theo dõi- đôn đốc- kiểm tra việc triển khai chiến dịch, tổng kết và báo cáo kịp thời cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.
3.2- Các ban ngành có liên quan:
a- Sở Văn hóa thông tin và các báo đài phối hợp với ngành y tế có kế hoạch tăng cường việc tuyên truyền, vận động tiêm chủng mở rộng- thanh toán bệnh bại liệt nhiều lần, dưới mọi hình thức (bài trên báo trên đài, panô, khẩu hiệu...) ; và chỉ đạo mạng lưới thông tin quận huyện tăng cường hoạt động để cho mọi gia đình được biết và đưa trẻ đi tiêm chủng và uống vaccin sabin.
b- Sở Giáo dục: Thông tin cho tất cả các trường từ nhà trẻ mẫu giáo đến các trường phổ thông trung học biết và phổ biến cho các em học sinh vận động gia đình đưa con em đúng tuổi đi tiêm chủng và uống vaccin sabin.
c- Sở Tài chánh: Đảm bảo kinh phí đã được duyệt về tiêm chủng mở rộng cho ngành y tế và chỉ đạo các Phòng Tài chánh quận huyện tùy theo khả năng của mình cấp thêm một phần kinh phí để tăng mức bồi dưỡng cho nhân viên tham gia công tác tiêm chủng mở rộng- thanh toán bệnh bại liệt.
d- Đề nghị Hội Chữ thập đỏ- Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động thành phố ; Đoàn Thanh niên Cộng sản thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em triển khai theo hệ thống của mình vận động mỗi hội viên ; mỗi đoàn viên là một tuyên truyền viên cho chiến dịch ; cử những nòng cốt trực tiếp tham gia vận động uống vaccin sabin tại cơ sở phường, xã.
3.3- Ủy ban nhân dân các quận, huyện: Phối hợp với Sở Y tế trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức thực hiện trên địa bàn quận, huyện:
a- Củng cố Ban chỉ đạo tiêm chủng mở rộng- thanh toán bệnh bại liệt mà đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân làm Trưởng ban để trực tiếp triển khai, tổ chức ; theo dõi chiến dịch tại các cơ sở.
b- Triển khai việc thực hiện đúng tiến độ và kế hoạch mà ngành y tế đã đề ra, bằng mọi cách phải đạt chỉ tiêu:
- 90% trẻ dưới 1 tuổi tiêm đủ 6 loại vaccin.
- 85% trẻ dưới 3 tuổi uống đủ 2 lần vaccin sabin.
c- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chiến dịch từ phương tiện vận chuyển (xe, xăng dầu...) cho đến kinh phí hỗ trợ theo khả năng để bồi dưỡng cho những người tham gia.
d- Theo dõi, kiểm tra việc tổ chức, chỉ đạo các Ủy ban nhân dân phường, xã thực hiện đúng kế hoạch.
Chương trình tiêm chủng mở rộng- thanh toán bệnh bại liệt không chỉ bảo vệ sức khỏe cho trẻ em- tương lai của đất nước, mà còn có ý nghĩa về chính trị- xã hội và quan hệ quốc tế. Do đó các ban ngành và Ủy ban nhân dân các cấp, có trách nhiệm thực hiện tốt chỉ thị này, từng thời gian báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân thành phố./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 34/CT-UB năm 1992 về việc đẩy mạnh chương trình tiêm chủng mở rộng và thanh toán bệnh bại liệt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 34/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 27/08/1992
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Trang Văn Quý
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 27/08/1992
- Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra