Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 33/CT-UBND

Đắk Nông, ngày 15 tháng 12 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Đắk Nông là một tỉnh có thế mạnh về tiềm năng khoáng sản; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản sẽ là một mũi nhọn trong tương lai gần của tỉnh. Trong thời gian qua, công tác quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng, từng bước đi vào nề nếp, đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng cho xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, góp phần phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy vậy, trong thời gian qua công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, cụ thể là: công tác quản lý bảo vệ chưa tốt, chưa phát hiện, ngăn chặn kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép dẫn đến một số chủ đầu tư lợi dụng chính sách thu hút đầu tư xin chủ trương phổ tra (khảo sát) khoáng sản để lợi dụng khai thác khoáng sản trái phép. Ngoài ra, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục diễn ra, chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để như: khai thác vàng tại huyện Đắk G’long; khai thác Opal - Caxe đoạn tại huyện Đắk Mil; khai thác cát lòng sông tại huyện Krông Nô,... làm ảnh hưởng đến môi trường; gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội; làm thất thoát tài nguyên, mất đất sản xuất và thất thu ngân sách; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương chưa thật đồng bộ đặc biệt là trong công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản và quản lý việc khai thác khoáng sản trái phép; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật chưa nghiêm.

Để chấn chỉnh, lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 15/11/2010 về quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản của tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã

a) Cần quán triệt quan điểm khoáng sản là loại tài sản hữu hạn và hầu hết không tái tạo nên phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, đạt hiệu quả kinh tế cao; bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự xã hội và môi trường sinh thái, góp phần tạo việc làm và nâng cao đời sống nhân dân. Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản của tỉnh phải phù hợp với quy hoạch phát triển khoáng sản chung của cả nước và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch khác. Chủ động tham mưu đề xuất UBND tỉnh các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

b) Các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã triển khai phổ biến rộng rãi Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17 tháng 11 năm 2010, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Khoáng sản khác hiện hành. Tăng cường quán triệt Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 15/11/2010 của Tỉnh ủy Đắk Nông về quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản của tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; các ngành chức năng; UBND các huyện, thị xã chủ động xây dựng chương trình hành động để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 15/11/2010 của Tỉnh ủy.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; các văn bản hướng dẫn để triển khai kịp thời có hiệu quả Luật Khoáng sản. Đẩy mạnh công tác cải cách các thủ tục hành chính trong công tác quản lý khoáng sản.

b) Tham mưu cho UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động khoáng sản; ưu tiên xem xét cấp giấy phép hoạt động khoáng sản cho các dự án khai thác gắn liền với chế biến sâu, có hiệu quả kinh tế cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn lao động và môi trường trong khai thác, tiết kiệm tài nguyên; nâng cao chất lượng thẩm định, báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án khai thác, chế biến khoáng sản. Chú trọng kiểm tra, giám sát doanh nghiệp thực hiện các biện pháp cải tạo môi trường, phục hồi môi trường theo cam kết; tổ chức tập huấn Luật Khoáng sản đến các tổ chức, cá nhân.

c) Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; xử lý thật nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu đối với những địa phương để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra nhưng không có biện pháp xử lý. Đề nghị UBND tỉnh thu hồi các giấy phép hoạt động khoáng sản không thực hiện đúng nội dung của giấy phép đã được cấp và các quy định của Luật Khoáng sản.

d) Phối hợp với chính quyền địa phương triển khai ngay các biện pháp bảo vệ tài nguyên khoáng sản, chấn chỉnh xử lý kịp thời tình trạng khai thác khoáng sản trái phép kiên quyết ngăn chặn tiến đến chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

e) Sở Tài nguyên và Môi trường, phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã có trách nhiệm phối hợp và cung cấp thông tin cho Cục thuế tỉnh và Chi cục thuế các huyện, thị xã về tên, địa chỉ, số lượng các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

3. Sở Công Thương

a) Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành có liên quan tổ chức hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025” đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

b) Sớm hoàn thiện công tác điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản của tỉnh giai đoạn 2010 đến 2015 và định hướng đến năm 2020. Tăng cường công tác phối hợp trong lĩnh vực quản lý nhà nước về khoáng sản, đặc biệt là cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong khai thác khoáng sản.

4. Sở Xây dựng

Tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Đắk Nông đến 2020 phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Tham mưu cho UBND tỉnh trong việc xây dựng các Chương trình, kế hoạch tăng cường công tác quản lý bảo vệ tài nguyên rừng và đất rừng trên địa bàn tỉnh. Ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các đơn vị chủ rừng thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn việc đào bới, san ủi, khai thác khoáng sản trái phép trên các diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện và có biện pháp ngăn chặn ngay các hành vi xâm hại khoáng sản trái phép, đồng thời báo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chỉ đạo và phối hợp xử lý. Đồng thời, có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, kiểm tra thực tế, xem xét các vấn đề liên quan đến khu vực cấm hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm Xã hội tại các đơn vị, cơ sở hoạt động khoáng sản; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh lao động, chính sách đối với người lao động trong hoạt động khoáng sản.

b) Tăng cường công tác quản lý lao động người nước ngoài trong hoạt động khoáng sản; phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường biện pháp quản lý người lao động nói chung và người lao động nước ngoài trên địa bàn chặt chẽ, phù hợp, góp phần bảo đảm an toàn trật tự xã hội, quốc phòng - an ninh.

c) Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành và các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh những giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý lao động người nước ngoài trong hoạt động khoáng sản.

7. Công an tỉnh

a) Tăng cường công tác phòng ngừa đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và khai thác khoáng sản trái phép.

b) Trên cơ sở công tác phòng ngừa, đấu tranh; kịp thời tổng hợp, tham mưu đề xuất Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản nhằm khắc phục những sơ hở, thiếu sót, không để bọn tội phạm lợi dụng xâm phạm tài nguyên khoáng sản, làm ảnh hưởng ô nhiễm môi trường sinh thái.

c) Chỉ đạo Công an các huyện, thị xã chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan bảo vệ pháp luật trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý nhà nước về cư trú, đặc biệt đối với các khu vực có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

8. Sở Tài chính

a) Tham mưu UBND tỉnh ban hành hướng dẫn thu phí, lệ phí đối với lĩnh vực tài nguyên khoáng sản. Kiểm tra việc quản lý, sử dụng phí và lệ phí thu từ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.

b) Tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết kịp thời kinh phí phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản của các địa phương; kinh phí phục vụ cho các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh về lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản theo Quyết định thành lập của UBND tỉnh.

9. Cơ quan Thuế

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường…đối với các hoạt động khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản. Xử lý nghiêm các hành vi gian lận, trốn lậu đối với việc nộp kê khai, nộp thuế, phí trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã

a) Tăng cường công tác chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị chức năng nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản thuộc địa bàn quản lý; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên khoáng sản.

b) Chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng giải tỏa, truy quét các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; xử lý thật nghiêm minh các hành vi vi phạm. Trường hợp xảy ra điểm nóng hoặc vượt quá khả năng xử lý của địa phương phải báo cáo kịp thời về UBND tỉnh và các ngành chức năng để có chỉ đạo và hỗ trợ.

c) Công khai quy hoạch khoáng sản đã được duyệt, vùng cấm khai thác, vùng chưa cấp phép; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết chính sách, pháp luật về khoáng sản cho doanh nghiệp và nhân dân nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ và tiết kiệm tài nguyên, thực hiện tốt quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản; bảo đảm an ninh trật tự xã hội nơi có hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, kịp thời phát hiện, có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trái phép.

11. Các cơ quan thông tin, tuyên truyền, báo chí, đài phát thanh - truyền hình: Thường xuyên thông tin tuyên truyền về Chị thị này cho toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh được biết.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tổ chức đánh giá việc thực hiện Chỉ thị này và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong tình hình hiện nay là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Do vậy, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Luyện

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 33/CT-UBND năm 2011 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành

  • Số hiệu: 33/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 15/12/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông
  • Người ký: Nguyễn Đức Luyện
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/12/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản