Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/2006/CT-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 21 tháng 9 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHỐNG TIÊU CỰC VÀ KHẮC PHỤC BỆNH THÀNH TÍCH TRONG GIÁO DỤC

Trong thời gian qua, cùng với việc chấn chỉnh kỷ cương, nề nếp, ngành Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện đổi mới công tác Thi đua - Khen thưởng phục vụ thiết thực việc dạy tốt, học tốt: Hoạt động pháp chế, dân chủ cơ sở được tăng cường; thanh tra giáo dục đã phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm nảy sinh trong ngành. Thực hiện nghiêm các chế độ kiểm tra, đánh giá kết quả dạy và học; chấp hành đúng quy chế trong việc xét, công nhận tốt nghiệp các cấp, tuyển sinh trong các trường phổ thông và các trường trung cấp chuyên nghiệp, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dạy, người học.

Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, ngành Giáo dục và Đào tạo vẫn còn nơi này, nơi khác có biểu hiện tiêu cực trong thi cử và thi đua. Chính tình trạng này đã làm hạn chế đến hiệu quả quản lý và chưa phản ánh đúng thực chất chất lượng giáo dục các bậc học.

Thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 08/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, Quyết định số 3859/QĐ-BGDĐT ngày 28/7/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Kế hoạch tổ chức cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng Chương trình hành động chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục giai đoạn 2006 – 2010, với yêu cầu: Nâng cao đạo đức nhà giáo; giáo dục tính trung thực cho học sinh – sinh viên; bảo đảm trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục và nhà trường trong việc ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục. Xác định nhiệm vụ trọng tâm chống tiêu cực và bệnh thành tích trong từng năm học; tập trung chỉ đạo các cấp quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục nghiêm túc thực hiện Chương trình hành động nói trên. Kết hợp cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” với cuộc vận động “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” một cách sâu rộng trong toàn ngành.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Công đoàn Giáo dục tỉnh; các tổ chức thành viên của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng và thực hiện Chương trình liên ngành về việc chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục nhằm làm cho các hoạt động này trở thành hành động chung của toàn xã hội.

Tổ chức quán triệt sâu rộng, tạo nên phong trào toàn xã hội chăm lo đến sự nghiệp giáo dục, khẳng định trách nhiệm của mỗi cơ sở giáo dục, mỗi thầy giáo, cô giáo trong sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi học sinh - sinh viên, trách nhiệm của từng gia đình đối với sự nghiệp giáo dục, nhằm đào tạo lớp người mới có trí tuệ, năng lực, phẩm chất và nhân cách tốt.

3. Thực hiện tốt Luật Thi đua Khen thưởng và Nghị định 121/2005/NĐ-CP, Nghị định 122/2005/NĐ-CP của Chính phủ và Hướng dẫn số 56/TĐKT của Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương về hướng dẫn thi hành Luật Thi đua Khen thưởng. Phát hiện và biểu dương các địa phương và các cơ sở giáo dục, các thầy giáo, cô giáo, học sinh - sinh viên có những hoạt động chống tiêu cực trong thi cử. Phát động thi đua “Dạy tốt, học tốt”, tổ chức các phong trào thi đua thiết thực trong các cơ sở giáo dục. Thực hiện có hiệu quả việc phát huy sáng kiến cải tiến phương pháp dạy học, đổi mới nội dung, chương trình; đổi mới công tác thi, tuyển sinh và xây dựng quy trình đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục, bảo đảm đánh giá chính xác trình độ người dạy và người học, để thực sự nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

4. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo phải thực hiện nghiêm túc Chương trình hành động chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục. Không áp đặt các chỉ tiêu về kết quả thi, lên lớp, tốt nghiệp một cách hình thức, không phù hợp với thực tiễn; xử lý nghiêm các tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục ngay từ đầu các năm học mới.

5. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã: Chỉ đạo và tổ chức triển khai Chương trình hành động chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục đến tận cơ sở xã, phường, thị trấn, các cơ sở giáo dục thuộc địa bàn quản lý của địa phương. Tăng cường trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đề ra biện pháp kiểm tra, thanh tra chấn chỉnh kịp thời các hiện tượng tiêu cực trong các cơ sở giáo dục.

6. Sở Văn hóa – Thông tin, Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Bình Dương thường xuyên tuyên truyền rộng rãi, tạo sự đồng thuận trong nhân dân để hưởng ứng cuộc vận động thực hiện Chương trình hành động nêu trên, kịp thời biểu dương các địa phương, cơ sở giáo dục, các thầy giáo, cô giáo, học sinh, sinh viên có thành tích chống tiêu cực trong giáo dục.

7. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của ngành có trách nhiệm phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chủ trì triển khai và tổng hợp tình hình báo cáo Uỷ ban nhân tỉnh định kỳ hàng quý kết quả thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 33/2006/CT-UBND về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục do tỉnh Bình Dương ban hành

  • Số hiệu: 33/2006/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 21/09/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Nguyễn Hoàng Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản