Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 32/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 08 năm 1990

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN XÂY DỰNG NHÀ TÌNH NGHĨA NĂM 1990.

Thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố về việc giải quyết nhà ở cho thương binh nặng từ khu điều dưỡng thương binh Phước Bình Thủ Đức về sinh sống ở địa phương và các gia đình liệt sĩ ở nông thôn quá khó khăn. Năm 1989, Ủy ban nhân dân thành phố đã triển khai kế hoạch xây dựng nhà tình nghĩa, đến 22/01/1990 thành phố đã tổng kết cuộc vận động, kết quả thực hiện được 1.575 căn/1.415 căn vượt kế hoạch 160 căn. Tuy nhiên số lượng nhà đã xây dựng trên vẫn chưa đáp ứng được tình cảnh khó khăn của diện chính sách hiện đang khó về nhà ở. Để tiếp tục giải quyết những trường hợp khó khăn trên, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các ban ngành quận huyện tổ chức vận động xây dựng kế hoạch và triển khai xây dựng nhà tình nghĩa năm 1990 như sau :

1/ Yêu cầu các cơ quan thông tấn, báo chí có kế hoạch thông tin, tuyên truyền liên tục chủ trương và kết quả thực hiện chủ trương này.

2/ Để đáp ứng xây dựng 510 căn nhà theo yêu cầu bức bách về nhà ở cho diện chính sách ở các huyện ngoại thành và một số quận ven trong năm 1990 theo số liệu của Sở Lao động-Thương binh xã hội cần động viên sự đóng góp của các đoàn thể, ban ngành trong toàn thành phố.

a) Đối với số nhà của ngoại thành, thành phố hỗ trợ 340 căn với trị giá tối đa 3,5 triệu/căn trích từ nguồn thu xổ số kiến thiết (trong số kết dư của Thủy điện Trị An cuối năm 1989).

b) Sở Lao động-Thương binh xã hội chịu trách nhiệm chính trong việc vận động các đơn vị ban ngành trung ương và thành phố đóng trên địa bàn thành phố để xây dựng 150 căn.

c) Trích từ nguồn thu lao động công ích của thành phố xây dựng 20 căn.

3/ Đối với các quận nội thành, cố gắng tổ chức vận động xây dựng nhà tình nghĩa tại địa phương mình theo khả năng cao nhất để đáp ứng yêu cầu xây dựng.

4/ Sở Lao động-Thương binh xã hội chịu trách nhiệm phân bổ vốn, kết hợp với Tiểu ban tài chính nhà tình nghĩa (Sở Tài chánh) phân bổ kịp thời về cho các quận huyện đồng thời kiểm tra tiến độ thi công và chất lượng công trình.

5/ Các quận huyện được phân bổ vốn xây dựng nhà tình nghĩa có trách nhiệm nắm chắc đối tượng và phân bổ đúng, tránh gây thắc mắc nơi bà con. Các đơn vị quận huyện có trách nhiệm gắn bản lưu niệm cho các đơn vị hỗ trợ và mời đơn vị đến bàn giao nhà khi xây dựng xong.

6/ Để giải quyết tiếp số thương binh nặng còn đang ở khu điều dưỡng Phước Bình-Thủ Đức về địa phương, nhằm giải tỏa khu thương binh Phước Bình, đề nghị Sở Nhà đất giải quyết tiếp 40 nhà để Sở Lao động-Thương binh xã hội bố trí cho số thương binh còn lại. Sở Tài chánh có kế hoạch cấp tiếp tiền sửa chữa nhà theo chỉ đạo của Thường trực Ủy ban (1,5 triệu một căn).

7/ Sở Lao động-Thương binh xã hội chịu trách nhiệm báo cáo thường xuyên về Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố về kế hoạch việc triển khai và kết quả thực hiện một cách nhanh chóng và chính xác.

Đề nghị các đơn vị thực hiện đúng tinh thần trên.-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Hữu Nhơn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 32/CT-UB về thực hiện xây dựng nhà tình nghĩa năm 1990 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 32/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 08/08/1990
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Vương Hữu Nhơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản