Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 317-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 08 năm 1977

 

CHỈ THỊ

VỀ ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT VÔI PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NHẤT LÀ Ở PHÍA NAM

Sản xuất vôi, nhất là vôi bón ruộng để phục vụ cho mục tiêu nông nghiệp do Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV đã đề ra cho kế hoạch 5 năm 1976 - 1980, là một nhiệm vụ lớn và cấp bách.

Hiện nay, các cơ sở sản xuất vôi trên cả nước có công suất gần 2 triệu tấn/năm, nhưng phần lớn tập trung ở các tỉnh phía Bắc là nơi có nhiều mỏ đá vôi, trong khi đó ở các tỉnh phía Nam, diện tích đất đai cần được cải tạo nhiều hơn, thì sản lượng vôi lại rất ít.

Để bảo đảm kế hoạch sản xuất trên 2 triệu tấn vôi năm 1978 trong đó có 1,6 triệu tấn vôi bón ruộng (riêng các tỉnh phía Nam cần 62 vạn tấn vôi bón ruộng) và kế hoạch sản xuất 3 triệu tấn vôi vào năm 1980 trong đó có 2 triệu tấn vôi bón ruộng (riêng các tỉnh phía Nam cần 85 vạn tấn vôi bón ruộng), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, các địa phương quán triệt và khẩn trương tổ chức thực hiện những việc sau đây:

1. Cần làm cho cán bộ và nhân dân nhận thức rõ vị trí quan trọng của việc sản xuất vôi, đặc biệt là ý nghĩa kinh tế của vôi bón ruộng, chống chua mặn cho đất canh tác, nhất là cho các tỉnh phía Nam. Cần làm cho mọi người thấy rõ ta hoàn toàn có khả năng tự giải quyết các vấn đề nguyên liệu, thiết bị, vật tư và kỹ thuật sản xuất vôi, việc phát triển sản xuất vôi nhanh hay chậm chỉ còn phụ thuộc vào kế hoạch và biện pháp thực hiện.

2. Nhanh chóng phát triển mạng lưới sản xuất vôi rộng khắp trên cả nước, nhất là ở các tỉnh phía Nam. Cả 4 cấp: trung ương, tỉnh, huyện và hợp tác xã đều sản xuất vôi. Nói chung, các tỉnh và huyện phải phát động phong trào sản xuất đủ vôi bón ruộng cho địa phương mình, cố gắng tự túc được yêu cầu vôi của địa phương mình. Tỉnh, huyện nào có điều kiện sản xuất thuận tiện cần sản xuất nhiều hơn, để vừa đáp ứng yêu cầu của địa phương mình vừa cung cấp cho các địa phương khác có khó khăn. Cần chú ý tổ chức sản xuất vôi gần nơi tiêu thụ, vì vận chuyển vôi bón ruộng đi xa thường gặp nhiều khó khăn và không kịp thời vụ cây trồng. Phải tận dụng các cơ sở sản xuất vôi hiện có, nếu có yêu cầu và điều kiện cần tích cực mở rộng công suất các cơ sở này. Phải quan tâm xây dựng mới các xí nghiệp sản xuất vôi, quy mô vừa và nhỏ với công suất từ 3000 tấn/năm đến 20 000 tấn/năm là chủ yếu, kết hợp thủ công với bán cơ giới, tiến dần lên cơ giới hóa với các thiết bị chế tạo trong nước.

Bộ Xây dựng phải có kế hoạch phát triển sản xuất vôi ở các xí nghiệp do Bộ đang quản lý và cần chú ý xây dựng mới những xí nghiệp có công suất lớn và dây chuyền hoàn chỉnh để vừa đáp ứng cho yêu cầu xây dựng cơ bản vừa chi việc cho yêu cầu cải tạo đất của các tỉnh không có điều kiện sản xuất vôi.

3. Song song với việc phát triển sản xuất vôi nung, cần phát triển mạnh đá vôi nghiền bón ruộng, ở những nơi có điều kiện cung cấp điện và chế tạo thiết bị, nhất là ở các tỉnh phía Nam. Nơi có điều kiện nên xây dựng các xí nghiệp nghiền đá vôi này cạnh các mỏ đá để tận dụng nguồn đá mạt và nâng cao công suất nghiền.

4. Tận dụng mọi nguồn nguyên liệu và chất đốt tại chỗ để sản xuất vôi. Nơi nào có đá thì dùng đá, có san hô vỏ sò thì dùng san hô vỏ sò, không có nguyên liệu tại chỗ thì phải khắc phục khó khăn vận chuyển từ xa về hoặc yêu cầu Bộ Xây dựng cung cấp. Về chất đốt, ngoài than được Nhà nước cung cấp ra, cần tận dụng các nguồn củi, bổi, than bùn của địa phương, do đó những địa phương có kinh nghiệm và truyền thống làm vôi, có thể xây dựng các lò vôi theo kiểu của địa phương mình cho thích hợp với nguồn nguyên, nhiên liệu tại chỗ.

5. Về xây dựng cơ bản, để có thể nhanh chóng đưa các cơ sở vôi vào sản xuất. Nhà nước cho phép các ngành, các địa phương dựa vào thiết kế mẫu của Bộ Xây dựng vừa thiết kế vừa thi công. Đối với các cơ sở có công suất từ 2 vạn tấn/năm trở xuống nếu là xây dựng mới và trên 2 vạn tấn/năm đến 5 vạn tấn/năm nếu là cơ sở cũ mở rộng sản xuất, Thủ tướng Chính phủ cho phép châm chước các thủ tục về xét duyệt nhiệm vụ thiết kế và cấp phát vốn; sau khi các cơ sở đã có bản nhiệm vụ thiết kế được Bộ chủ quản hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh xét duyệt và được Bộ Xây dựng chấp nhận, Ngân hàng kiến thiết trung ương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần kịp thời cấp phát và cho vay vốn.

6. Về phân công tổ chức thực hiện, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các ngành, các Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố như sau:

Bộ Xây dựng với chức năng quản lý toàn ngành vật liệu xây dựng, chịu trách nhiệm quy hoạch mạng lưới sản xuất vôi và đá vôi nghiền, tổng hợp kế hoạch phát triển sản xuất vôi và đá vôi nghiền trong từng thời kỳ, tổng hợp mọi yêu cầu về vật tư, thiết bị, nguyên, nhiên liệu và vận chuyển, v.v… để cùng Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và các Bộ liên quan bàn bạc giải quyết cho các địa phương; cung cấp cho địa phương các loại thiết kế mẫu, nhiệm vụ thiết kế mẫu, dự toán mẫu và các bản vẽ chế tạo thiết bị; quản lý về mặt kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho các địa phương; tổ chức cung cấp đá cho những tỉnh không có đá, ngành xây dựng chịu trách nhiệm tổ chức cung cấp vôi xây dựng trong khu vực Nhà nước và bán cho dân.

Bộ Nông nghiệp có nhiệm vụ hướng dẫn và vận động nhân dân tích cực sử dụng vôi bón ruộng, bảo đảm việc thực hiện kế hoạch cải tạo đất bằng vôi và đá vôi nghiền, đảm nhận toàn bộ khâu lưu thông, phâb phối vôi và đá vôi nghiền cho nông nghiệp, tổ chức bộ máy quản lý thu mua và phân phối, cùng các tỉnh xây dựng hệ thống kho tàng dự trữ thích hợp, bảo đảm dự trữ vôi cho từng thời kỳ.

Tổng cục Hóa chất chịu trách nhiệm nghiền đá vôi theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước để cung cấp cho nông nghiệp cải tạo đất; giúp các địa phương và các ngành thiết kế các xí nghiệp nghiền đá vôi công suất từ 2 đến 4 vạn tấn/năm, đồng thời cung cấp thiết bị và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất đá vôi nghiền.

Bộ Điện và than chịu trách nhiệm cung cấp đủ điện cho các cơ sở sản xuất tập trung và bảo đảm cung cấp kịp thời than cho các cơ sở sản xuất vôi.

Bộ Cơ khí và luyện kim chịu trách nhiệm giúp đỡ các Bộ, các địa phương trong việc chế tạo một số thiết bị lẻ của các lò nung vôi; cung cấp máy biến thế, máy phát điện và động cơ theo yêu cầu của kế hoạch Nhà nước.

Bộ Giao thông vận tải đảm nhận việc vận tải đá, vôi cho kế hoạch phát triển sản xuất vôi trong toàn quốc; giúp đỡ các địa phương tăng cường lực lượng vận tải để bảo đảm kế hoạch vận chuyển vôi trong từng địa phương.

Tổng cục Địa chất chịu trách nhiệm điều tra, kiểm soát nguồn đá vôi, đá san hô và than nhất là ở phía Nam để đầu tư khai thác phục vụ cho nhu cầu nguyên, nhiên liệu làm vôi các loại.

Ủy ban Kế hoạch Nhà nước chịu trách nhiệm giải quyết kịp thời việc ghi kế hoạch cho các tỉnh khi nhiệm vụ thiết kế được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố duyệt và Bộ Xây dựng thông qua; cân đối và bảo đảm vốn, vật tư, thiết bị, phương tiện vận chuyển cho sản xuất vôi.

Ủy ban vật giá Nhà nước chịu trách nhiệm nghiên cứu điều chỉnh giá vôi và đá vôi nghiền nhằm khuyến khích phát triển sản xuất vôi phục vụ mục tiêu nông nghiệp nhất là ở các tỉnh phía Nam.

Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng kiến thiết trung ương chịu trách nhiệm giải quyết kịp thời việc cấp phát và cho vay vốn cho sản xuất vôi và đá vôi nghiền theo tinh thần và nguyên tắc cấp phát đã nói ở trên, nhằm thúc đẩy nhanh việc xây dựng và sản xuất vôi.

Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố chịu trách nhiệm lập quy hoạch và kế hoạch sản xuất vôi và đá cho vôi; giải quyết nhanh gọn mọi thủ tục ban đầu và chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng các cơ sở sản xuất vôi; huy động lực lượng chế tạo cơ khí của địa phương tự chế tạo lấy thiết bị để sản xuất vôi; tổ chức khai thác đá nung vôi sau khi được Bộ Xây dựng chấp thuận; tuyên truyền và có biện pháp để nhân dân sử dụng rộng rãi vôi bón ruộng.

Các tỉnh và thành phố có nguyên liệu đá vôi hoặc có khả năng chế tạo cơ khí cần tích cực hỗ trợ cho những địa phương bạn không có đá hoặc thiếu lực lượng cơ khí, chưa chế tạo được thiết bị sản xuất vôi.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Đỗ Mười

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 317-TTg năm 1977 về đẩy mạnh sản xuất vôi phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là ở phía Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 317-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 24/08/1977
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Đỗ Mười
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản