Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 316-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 1960 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHUYỂN CÁC TẬP ĐOÀN VÀ LIÊN ĐOÀN SẢN XUẤT MIỀN NAM THÀNH XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH, NÔNG TRƯỜNG QUỐC DOANH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Kính gửi: 

- Ủy ban Thống nhất,
- Bộ Tài chính,
- Ngân hàng Nhà nước,
- Bộ Nông trường,
- Bộ công nghiệp nghẹ,
- Bộ công nghiệp nặng,
- Bộ Kiến trúc,
- Bộ nông nghiệp,
- Bộ Thuỷ lợi và điện lực,
- Bộ Nội thương, 
- Tổng cục Thủy lợi,
- Tổng cục Lâm nghiệp,
- Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh

Thi hành chủ trương của Chính phủ, từ năm 1957 đến tháng 11 năm 1960, Ủy ban thống nhất đã phối hợp với Ủy ban hành chính các tỉnh tổ chức một số tập đoàn và liên đoàn sản xuất miền Nam ở các địa phương.

Hiện nay các tập đoàn và liên đoàn đã được củng cố và sản xuất ngày càng phát triển, có đủ điều kiện chuyển lên thành xí nghiệp quốc doanh, nông trường quốc doanh.

Để việc chuyển giao các cơ sở nói trên cho các Bộ, cơ quan có liên quan tiến hành được tốt, Thủ tướng Chính phủ quy định một số nguyên tắc cụ thể về việc chuyển giao và thanh toán như sau:

I. CÁC LIÊN ĐOÀN VÀ TẬP ĐOÀN SẢN XUẤT MIỀN NAM CHUYỂN LÊN QUỐC DOANH.

1. Kiểm kê đánh giá toàn bộ tài sản:

Tập đoàn, liên đoàn nào chuyển thành công xưởng quốc doanh, nông trường quốc doanh, Bộ, cơ quan Trung ương hay địa phương nào tiếp nhận quản lý có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Thống nhất để tiến hành kiểm kê đánh giá lại toàn bộ tài sản. Ủy ban Thống nhất báo cho Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước biết để phối hợp công tác.

Khi kiểm kê xong, các cơ quan giao và nhận lập biên bản bàn giao.

2. Xác nhận lỗ lãi và thanh toán công nợ:

Nguồn vốn của các tập đoàn và liên đoàn dùng để sản xuất lâu nay do Ủy ban Thống nhất và Ngân hàng cho vay, nay giải quyết như sau:

a) Đối với vốn và tài sản do Ủy ban Thống nhất đã cấp cho các liên đoàn và tập đoàn thì Bộ Tài chính lập thủ tục “giảm vốn cho Ủy ban Thống nhất và tăng vốn cho cơ quan nhận” trên cơ sở giá ghi trong kiểm kê.

b) Đối với vốn vay của Ngân hàng, Bộ Tài chính lập thủ tục “giảm vốn cho Ngân hàng và tăng vốn cho cơ quan nhận”.

c) Liên đoàn, tập đoàn có lãi thì trích lãi để thanh toán tiền lãi nợ vay Ngân hàng, phần lãi còn lại nộp cho ngân sách Nhà nước.

d) Trường hợp tập đoàn hoặc liên đoàn bị lỗ, Ủy ban Thống nhất chịu trách nhiệm tìm nguyên nhân và báo cáo cho Bộ Tài chính cấp bù lỗ. Nếu lỗ có lý do chính đáng, thì Bộ Tài chính cấp bù lỗ cho cơ quan tiếp nhận để thanh toán tiền lãi nợ vay của ngân hàng kể từ ngày vay đến ngày thanh toán nợ. Nếu lỗ vì lý do thâm ô, thì các cơ quan có liên quan cũng thanh toán như trên, nhưng Ủy ban Thống nhất sẽ căn cứ theo thể lệ hiện hành mà xử lý. Trong trường hợp phải bồi thường, đương sự sẽ nộp cho Ủy ban Thống nhất để nộp trả ngân sách Nhà nước.

II. THANH TOÁN CÔNG NỢ CHO NHỮNG TẬP ĐOÀN ĐÃ GIẢI THỂ VÀ THU LỖ.

1. Đối với những tập đoàn làm ăn thua lỗ, giải thể, chuyển đi nơi khác, trong tỉnh hoặc ngoài tỉnh, nếu tài sản không mang được, thì Ủy ban hành chính tỉnh chịu trách nhiệm kiểm kê đánh giá tài sản, quản lý và sử dụng.

2. Đối với những tập đoàn làm ăn thua lỗ, đã giải thể chưa thanh toán nợ vay của ngân hàng, Ủy ban hành chính tỉnh thông tri cho Ngân hàng đối chiếu lại khế ước vay và xác nhận nợ, báo lên Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Thống nhất để xét từng trường hợp mà quyết định xoá nợ, giảm vốn cho Ngân hàng.

Ủy ban Thống nhất, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phối hợp để hướng dẫn thi hành chỉ thị này.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG

 


 
Lê Thanh Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 316-TTg năm 1960 về việc chuyển các tập đoàn và liên đoàn sản xuất miền Nam thành xí nghiệp quốc doanh, nông trường quốc doanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 316-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 14/12/1960
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 54
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản