Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/CT-UBND

Thanh Hóa, ngày 13 tháng 10 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC XỬ LÝ SAU THANH TRA

Thực hiện Luật thanh tra năm 2010 và Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra, những năm qua công tác xử lý sau thanh tra trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả tích cực, góp phần chấn chỉnh công tác quản lý, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xử lý sau thanh tra vẫn còn những hạn chế, tồn tại đó là: Một số kết luận thanh tra của các sở, ngành và cấp huyện không làm rõ các thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm; không xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan; không kiến nghị và đề xuất xử lý cụ thể sai phạm về kinh tế; vẫn còn một số Giám đốc sở, Thủ trưởng ngành, Chủ tịch UBND huyện chưa đề cao trách nhiệm trong công tác xử lý sau thanh tra, thiếu sâu sát, quyết liệt, còn nể nang, né tránh, xử lý chưa kịp thời, triệt để, còn chung chung làm ảnh hưởng đến kỷ cương, kỷ luật hành chính và hiệu quả công tác thanh tra.

Để tăng cường công tác xử lý sau thanh tra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố

Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị định số 33/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ quy định việc thực hiện kết luận thanh tra, xác định công tác xử lý sau thanh tra là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Sau các cuộc thanh tra phải có biện pháp cụ thể để chỉ đạo các đơn vị, cá nhân liên quan thực hiện kịp thời, nghiêm túc các kết luận thanh tra, bao gồm: khắc phục sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý; kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật; xử lý cán bộ, công chức, người có hành vi vi phạm và xử lý sai phạm về kinh tế.

2. Thanh tra tỉnh

- Hướng dẫn các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện Nghị định số 33/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ quy định việc thực hiện kết luận thanh tra.

- Thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện Kết luận thanh tra. Hàng năm, tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá kết quả thực hiện kết luận thanh tra của Giám đốc sở, Thủ trưởng các ngành cấp tỉnh và các đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố. Đối với kết luận thanh tra mà chưa xử lý hoặc xử lý chưa kịp thời, nghiêm minh cần làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan hành chính, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan, đề xuất hướng xử lý, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

- Phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc yêu cầu Giám đốc các sở, Chủ tịch UBND cấp huyện kiểm điểm, xử lý tập thể, cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến sai phạm đã được chỉ ra trong kết luận thanh tra.

- Thanh tra tỉnh và các tổ chức thanh tra chuyển hồ sơ đối với vụ việc qua thanh tra phát hiện có dấu hiệu phạm tội và cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan cho cơ quan điều tra cùng cấp.

3. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh

- Thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện Kết luận thanh tra.

- Các kết luận thanh tra của sở, ban, ngành phải xác định sai phạm rõ ràng, cụ thể, nhất là các sai phạm về kinh tế, sai phạm của tập thể, cá nhân có liên quan (không nêu chung chung) để làm cơ sở cho việc xử lý.

- Khắc phục các sơ hở, yếu kém, chấm dứt vi phạm trong công tác quản lý; hủy bỏ, đình chỉ việc thi hành văn bản không đúng thẩm quyền, có nội dung trái pháp luật mà kết luận thanh tra đã chỉ ra.

- Thực hiện kịp thời, đầy đủ các kết luận của Thanh tra tỉnh; trong đó tập trung chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải nộp đủ số tiền do hành vi vi phạm theo quyết định thu hồi về tài khoản chờ xử lý của Thanh tra; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, gây thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước. Chỉ đạo xử lý dứt điểm các kết luận thanh tra của sở, ban, ngành. Công khai kết quả thực hiện kết luận thanh tra.

4. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Thực hiện nghiêm Nghị định số 33/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ quy định việc thực hiện kết luận thanh tra; các văn bản chỉ đạo yêu cầu thực hiện kết luận thanh tra của Chủ tịch UBND tỉnh; các kết luận, kiến nghị của Thanh tra tỉnh.

- Có biện pháp cụ thể để khắc phục các sơ hở, yếu kém; chấn chỉnh công tác quản lý; chấm dứt vi phạm; hủy bỏ, đình chỉ việc thi hành văn bản không đúng thẩm quyền, có nội dung trái pháp luật mà kết luận thanh tra đã chỉ ra.

- Yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có sai phạm về kinh tế, gây thất thoát đã có quyết định xử lý thu hồi của Thanh tra nộp kịp thời, đầy đủ số tiền sai phạm vào tài khoản chờ xử lý của Thanh tra.

- Căn cứ phân cấp quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức để tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với các khuyết điểm, vi phạm đối với tập thể, cá nhân có liên quan và xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.

5. Công an tỉnh

Kịp thời xem xét, chỉ đạo xử lý theo quy định của pháp luật đối với vụ việc mà các tổ chức thanh tra phát hiện qua công tác thanh tra có dấu hiệu phạm tội chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.

6. Sở Nội vụ

Thực hiện văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh và theo phân cấp quản lý, sử dụng cán bộ, công chức viên chức, chủ trì, phối hợp với Thanh tra tỉnh hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các sở, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức có khuyết điểm, thiếu sót, vi phạm đã chỉ ra trong kết luận thanh tra.

7. Đề nghị các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy

Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc xử lý sau thanh tra, nhất là việc kiểm điểm, xử lý tổ chức, cá nhân có khuyết điểm, sai phạm thuộc diện cấp mình quản lý.

Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Giao Thanh tra tỉnh kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ báo cáo Chủ tịch kết quả thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Thanh tra Chính phủ;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT. NC (2).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Xứng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 31/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác xử lý sau thanh tra do tỉnh Thanh Hóa ban hành

  • Số hiệu: 31/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 13/10/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Nguyễn Đình Xứng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/10/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản