Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 306-TTg

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 1980

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHỦ TRƯƠNG GIAO NHIỆM VỤ CHO CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, HỌC SINH VÀ NHÂN DÂN PHI NÔNG NGHIỆP KHÁC SẢN XUẤT TỰ TÚC MỘT PHẦN LƯƠNG THỰC

Để thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TƯ ngày 1/4/1980 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 9-CP ngày 9/1/1980 của Hội đồng Chính phủ về việc giao nhiệm vụ cho công nhân, viên chức và nhân dân phi nông nghiệp khác sản xuất tự túc một phần lương thực, rút kinh nghiệm thực tế đã làm ở các nơi trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ nói rõ thêm và lưu ý các Bộ có liên quan, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực truộc Trung ương một số điểm sau đây.

1. Cần làm cho mọi người nhận rõ trong tình hình lương thực của cả nước còn nhiều khó khăn, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất lương thực ở các cơ sở nông nghiệp quốc doanh, tập thể và cá thể, cần giáo dục, động viên và tổ chức công nhân, viên chức và lao động phi nông nghiệp khác tận dụng mọi khả năng lao động và đất đai để sản xuất tự túc lương thực từ một đến ba tháng ăn, góp phần giảm bớt một phần số lương thực Nhà nước phải cung cấp. Đây là một việc làm hết sức cần thiết trước mắt. Các ngành, các cấp, các tổ chức của Đảng và đoàn thể phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất tự túc nói trên.

Tuy nhiên, hoàn cảnh của mỗi loại cơ quan, xí nghiệp, công trường, ở mỗi ngành, mỗi cấp, trong mỗi địa phương có khác nhau, nghĩa vụ sản xuất tự túc không đặt ra một cách nhất loạt như nhau cho các đơn vị, mà phải căn cứ vào điều kiện thực tế của từng đơn vị để xác định nhiệm vụ cho sát... Đồng thời, trong khi tổ chức thực hiện, các ngành, các địa phương phải có kế hoạch và biện pháp cụ thể về chuẩn bị điều kiện sản xuất, về hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, về tổ chức quản lý, giúp cho các đơn vị sản xuất tự túc đạt kết quả thiết thực.

2. Cần xác định rõ các đối tượng nào được giao nhiệm vụ hoặc được miễn nhiệm vụ sản xuất tự túc lương thực.

a. Những đối tượng sau đây có nhiệm vụ sản xuất tự túc một phần lương thực.

- Những công nhân, viên chức ở các cơ quan hành chính sự nghiệp, các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, những người lao động phi nông nghiệp khác ở các thị xã, thị trấn, những cán bộ và học sinh các trường Đại học và trung học chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật ở những nơi có điều kiện đất đai tại chỗ hoặc ở nơi gần đơn vị, cần phải bố trí lao động, vừa bảo đảm sản xuất và công tác, vừa bảo đảm sản xuất tự túc một phần lương thực.

- Những cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã ở các thành phố không đủ việc làm thường xuyên, có lao động dôi thừa hoặc phải nghỉ việc hưởng 70% lương, cần bố trí sắp xếp lại lao động, tách hẳn một bộ phận đi sản xuất lương thực dưới những hình thức sau đây:

Mượn đất của những nông trường, hợp tác xã nông nghiệp, tập đoàn sản xuất chưa có khả năng làm hết diện tích để đưa người đến làm, có thể có bộ phận lao động chuyên trách, có bộ phận lao động thời vụ để sản xuất.

Nhận làm khoán với nông trường, hợp tác xã trong lúc thời vụ khẩn trương, lấy công bằng lương thực để tự túc.

Ở những cơ quan, xí nghiệp có điều kiện, có thể dành ra một số công nhân, cán bộ kỹ thuật để sửa chữa máy móc, công cụ, giúp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và lấy công bằng lương thực để tự túc.

Nếu có điều kiện, có thể tổ chức lực lượng sản xuất hàng xuất khẩu ngoài kế hoạch, giao cho ngoại thương xuất khẩu, đổi lấy phần lương thực phải tự túc của đơn vị.

Các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp... nhất thiết không được tự ý đem tiền mặt hoặc vật tư do Nhà nước quản lý, hoặc sản phẩm sản xuất theo kế hoạch đi mua, đổi lấy lương thực, thay cho phần lương thực phải sản xuất tự túc.

b. Những đối tượng sau đây được miễn giao nhiệm vụ sản xuất tự túc lương thực:

- Những công nhân, viên chức ở các xí nghiệp, công trường, cơ quan, bệnh viện, viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật đang phải sản xuất, xây dựng và công tác thường xuyên, liên tục, không có lao động dôi thừa;

- Những cán bộ và học sinh các trường học ở những nơi không có điều kiện đất đai để sản xuất;

- Những người làm việc lưu động thường xuyên;

- Những người già yếu, thương tật, ốm đau, chị em có con mọn... không có điều kiện tham gia sản xuất.

Các đối tượng nói trên nếu có điều kiện sản xuất được một phần lương thực cũng chỉ để tự cải thiện, không tính trừ vào phần lương thực được phân phối.

c. Bộ Lương thực và thực phẩm hướng dẫn Uỷ ban Nhân dân các tỉnh và thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương căn cứ vào những quy định trên đây để chỉ đạo các Ty, Sở lương thực và các Uỷ ban Nhân dân huyện, quận, khu phố cùng với công đoàn và các ngành có liên quan ở địa phương xác định những đối tượng nào có nhiệm vụ, đối tượng nào được miễn nhiệm vụ sản xuất tự túc một phần lương thực. Đối với các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, trường học trực thuộc Trung ương đóng tại địa phương, Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh, thành phố và đặc khu bàn bạc cụ thể với thủ trưởng và công đoàn các đơn vị có liên quan để quyết định. Trường hợp có ý kiến khác nhau, thì Uỷ ban báo cáo lên Bộ Lương thực và thực phẩm và Bộ chủ quản cùng nhau cân nhắc và quyết định cho sát. Khi giao nhiệm vụ sản xuất tự túc, chỉ tính theo bản thân những công nhân, viên chức có điều kiện tham gia sản xuất, không tính người ăn theo.

Đối với những đơn vị có nhiệm vụ sản xuất tự túc một phần lương thưc, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các Sở, Ty lương thực phối hợp chặt chẽ với Liên hiệp công đoàn bàn bạc thống nhất với thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp, căn cứ hoàn cảnh thực tế của địa phương và của từng đơn vị, để xác định cho sát chỉ tiêu sản xuất tự túc, xác định số lương thực Nhà nước sẽ trừ bớt phần cung cấp hàng năm, cũng như cách thức và thời gian trừ lương thực sau khi có thu hoạch, tránh gây phiền hà, khó khăn cho đời sống công nhân, viên chức.

3. Về một số quy định cụ thể liên quan đến các vấn đề sản xuất, vốn, lao động, tiền lương, giá cả và thưởng phạt.

a. Về đất sản xuất.

Trước hết các cơ quan, xí nghiệp cần tận dụng đất đai sẵn có gần đơn vị, hoặc liên hệ trực tiếp với các nông trường, hợp tác xã nông nghiệp có điều kiện để mượn đất. Trường hợp không tự giải quyết được thì cơ quan nông nghiệp địa phương có trách nhiệm giúp giải quyết.

Ruộng đất giao cho các cơ quan, xí nghiệp sản xuất tự túc phải là đất chưa khai thác hoặc bỏ hoá, đất có thể làm vụ đông nhưng hợp tác xã hoặc nông trường chưa đưa vào kế hoạch trồng trọt. Không được lấy ruộng đất của Hợp tác xã hoặc nông trường đang làm để giao cho cơ quan, xí nghiệp làm.

b. Về lao động và tiền lương.

Các đơn vị phải sắp xếp bố trí lại lực lượng lao động cho hợp lý trong đơn vị mình để vừa bảo đảm công việc thường xuyên của đơn vị, lại vừa bảo đảm có lực lượng lao động đi sản xuất lương thực. Trong thời gian đi sản xuất lương thực, cán bộ, công nhân, viên chức vẫn được hưởng lương và các chế độ khác như cán bộ, công nhân, viên chức làm việc ở các cơ quan, xí nghiệp. Tiền lương và phụ cấp (không tính phụ cấp lưu trú) của những người này được tính vào quỹ lương của đơn vị.

c. Về vốn, công cụ, giống, phân bón.

Các cơ quan, xí nghiệp có thể trích quỹ phúc lợi, quỹ công đoàn và động viên công nhân, viên chức cố gắng tự lo liệu về công cụ, giống, v.v... Các cơ quan nông nghiệp địa phương cần dành một số giống, phân bón, v. v... để cung cấp cho các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ sản xuất tự túc.

Mỗi đơn vị cần tính kỹ hiệu quả thiết thực của sản xuất, không được tuỳ tiện sử dụng vật tư, thiết bị, xe cộ, xăng dầu của Nhà nước để đi lao động sản xuất.

d. Về việc tính giá đối với số lương thực sản xuất tự túc của công nhân, viên chức.

Để bù đắp chi phí sản xuất, số lương thực sản xuất tự túc của xí nghiệp, cơ quan được cơ quan lương thực trả theo giá thoả đáng. Đơn vị nào sản xuất vượt mức quy định phải tự túc, thì được dùng để ăn thêm, hoặc bán cho Nhà nước theo giá thoả thuận.

4. Về tổ chức và chỉ đạo thực hiện.

a. Ở Trung ương: Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan nông nghiệp địa phương hướng dẫn, giúp đỡ cho các cơ quan, xí nghiệp giải quyết kịp thời những khó khăn về đất đai, giống, phân bón và thuốc trừ sâu, cũng như về kỹ thuật sản xuất.

Bộ Lương thực và thực phẩm có trách nhiệm hướng dẫn việc tính toán giá thu mua và cách thức trừ phần lương thực sản xuất tự túc lương thực của các cơ quan, xí nghiệp, sau khi thu hoạch.

Các Bộ và Tổng cục chủ quản có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và giúp đỡ thiết thực cho các đơn vị trực thuộc trong ngành thực hiện.

Tổng công đoàn Việt Nam chỉ đạo các Liên hiệp công đoàn và công đoàn cơ sở phối hợp với các cơ quan chính quyền để động viên, giáo dục và tổ chức cho công nhân, viên chức thực hiện.

b. Ở địa phương: Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và huyện, quận, khu phố trực tiếp chỉ đạo vấn đề này. Các cơ quan lương thực, nông nghiệp cùng công đoàn có nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ và kiểm tra đôn đốc việc thực hiện ở các cơ quan, xí nghiệp.

c. Ở các đơn vị, cơ sở, việc tổ chức thực hiện do thủ trưởng cùng công đoàn cơ quan, xí nghiệp... chịu trách nhiệm.

Nhận được chỉ thị này, các Bộ, các Tổng cục và các cơ quan ngang Bộ và các ngành có liên quan ở Trung ương, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương cần kiểm điểm việc thực hiện chủ trương sản xuất tự túc một phần lương thực trong ngành và địa phương trong thời gian qua, có kế hoạch cụ thể chỉ đạo các cơ quan, xí nghiệp, v.v... đẩy mạnh sản xuất tự túc năm 1981 bắt đầu ngay từ vụ đông 1980, và báo cáo kết quả về Phủ Thủ tướng đồng gửi Bộ Nông nghiệp, Bộ Lương thực và thực phẩm trước ngày 15/12/1980.

 

 

Tố Hữu

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 306-TTg năm 1980 về thực hiện chủ trương giao nhiệm vụ cho công nhân, viên chức, học sinh và nhân dân phi nông nghiệp khác sản xuất tự túc một phần lương thực do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 306-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 18/11/1980
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Tố Hữu
  • Ngày công báo: 30/11/1980
  • Số công báo: Số 19
  • Ngày hiệu lực: 03/12/1980
  • Ngày hết hiệu lực: 04/07/1991
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản