Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 301-CT

Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 1982

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT QUAN HỆ GIỮA NGÂN SÁCH VÀ TÍN DỤNG

Để thi hành quyết định của Hội đồng bộ trưởng số 172-HĐBT ngày 9-10-1982 về tiền tệ, tín dụng, thanh toán trong thời gian trước mắt, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng quy định cụ thể quan hệ giữa cấp phát ngân sách với tín dụng ngân hàng và một số hoạt động khác của ngân hàng như sau:

1. Cấp phát và cho vay vốn lưu động.

Việc xét duyệt, cấp phát và cho vay vốn lưu động căn cứ vào quyết định của Hội đồng Chính phủ số 32-CP ngày 11-2-1977.

Do thay đổi giá cả, phải xác định lại định mức vốn lưu động cho xí nghiệp; cơ quan tài chính cùng ngân hàng và cơ quan chủ quản xí nghiệp phải xét duyệt ngay định mức vốn lưu động cho xí nghiệp. Nếu giữa ba cơ quan còn chưa nhất trí thì bộ trưởng Bộ Tài chính (đối với xí nghiệp trung ương) hoặc giám đốc Sở tài chính (đối với xí nghiệp địa phương) tạm thời quyết định để làm căn cứ cấp phát ngân sách và cho vay. Sau khi vốn lưu động định mức năm 1982 đã được duyệt thì ngân hàng cấp phát thay cho tài chính; nếu ngân hàng đã cho vay thì chuyển thành vốn lưu động tự có của xí nghiệp. Ngân hàng từng cấp phải tổng hợp số vốn đã cấp phát thay cho tài chính và số nợ đã chuyển vào vốn lưu động tự có của các xí nghiệp thuộc mỗi cấp, kèm theo xác nhận của đơn vị nhận vốn, gửi cho cơ quan tài chính cùng cấp có trách nhiệm cấp vốn để ghi chi tăng vốn lưu động tự có cho xí nghiệp, đồng thời báo cáo lên Bộ Tài chính. Ngân hàng trung ương tổng hợp số vốn đã chuyển vào vốn lưu động tự có của các xí nghiệp trung ương (theo từng Bộ, ngành) và xí nghiệp địa phương (theo từng tỉnh, thành phố) gửi Bộ Tài chính và Bộ, ngành chủ quản. Nguồn vốn hoàn trả Ngân hàng Nhà nước được hạch toán vào khoản vay của Bộ Tài chính.

2. Cấp bù giá hàng cung cấp.

Hàng tháng, cơ quan tài chính phải cấp bù giá hàng cung cấp cho các công ty thương nghiệp theo kế hoạch ghi trong ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã được Hội đồng bộ trưởng duyệt. Các công ty thương nghiệp có trách nhiệm lập kế hoạch xin cấp bù hàng tháng, hàng quý và sau mỗi quý phải gửi báo cáo quyết toán để cơ quan chủ quản và cơ quan tài chính xem xét quyết định việc cấp chính thức. Cơ quan tài chính có quyền quyết toán số chênh lệch giá bán sai đối tượng, quá định lượng và sai giá quy định của Nhà nước. Báo cáo quyết toán và việc cấp bù chính thức đối với mỗi quý phải làm xong trong tháng kế tiếp của quý ấy. Vượt quá thời hạn này, cơ quan tài chính phải báo cáo với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố để có thái độ xử lý. Chậm nhất đến ngày 15 của tháng thứ ba quý sau mà công ty thương nghiệp chưa có báo cáo quyết toán quý trước thì cơ quan tài chính đình chỉ cấp phát theo kế hoạch cho quý tiếp theo, đồng thời ngân hàng đình chỉ cho vay đối với các mặt hàng thuộc phần cấp bù giá hàng cung cấp của ngân sách.

Nếu cơ quan tài chính chưa cấp bù khoản chi bù giá hàng cung cấp theo kế hoạch tháng thì Ngân hàng Nhà nước tạm thời cho vay để khỏi trở ngại hoạt động kinh doanh của các công ty thương nghiệp và phải hạch toán riêng; chậm nhất vào tháng thứ ba của quý, cơ quan tài chính phải hoàn trả cho ngân hàng theo mức kế hoạch cấp bù của quý ấy.

3. Cấp phát và cho vay đầu tư xây dựng cơ bản.

Căn cứ kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản thuộc phần ngân sách Nhà nước cấp phát đã được Quốc hội phê chuẩn, trước mỗi quý, Bộ Tài chính và Sở tài chính phải chuyển đủ cho Ngân hàng Nhà nước số vốn được bố trí để cấp phát và cho vay đầu tư xây dựng cơ bản theo kế hoạch quý. Trường hợp do nguồn thu ngân sách chưa đủ để chuyển vốn đầu tư xây dựng cơ bản sang Ngân hàng Nhà nước theo kế hoạch Bộ Tài chính phải đề nghị Hội đồng bộ trưởng cho phép tạm vay ngân hàng để cấp phát; khi ngân sách có tiền, phải thanh toán ngay số nợ tạm vay ngân hàng.

Các Bộ, các ngành, các xí nghiệp, các tổ chức kinh tế phải chuyển ngay và chuyển toàn bộ số vốn tự có dành cho đầu tư xây dựng cơ bản vào ngân hàng khi được trích các vốn đó.

Trong phạm vi số vốn ngân sách chuyển trước quý, số vốn tự có của chủ đầu tư và số vốn thu nợ từ các công trình đã cho vay bằng nguồn vốn ngân sách chuyển cho ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm phân phối kịp thời đến các ngân hàng cơ sở để bảo đảm cấp phát và cho vay đầu tư xây dựng cơ bản theo kế hoạch Nhà nước. Hàng quý và hàng năm, ngân hàng có trách nhiệm quyết toán số vốn đã nhận từ ngân sách Nhà nước để cấp phát và cho vay đầu tư xây dựng cơ bản với Bộ Tài chính hoặc Sở tài chính.

4. Việc trích lập 3 quỹ của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước được trích lập 3 quỹ kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1983. Để thực hiện chế độ trích lập 3 quỹ, Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện chế độ hạch toán kinh tế trên cơ sở xây dựng các tiêu chuẩn định mức về thu, chi tài chính để làm căn cứ cho việc xây dựng kế hoạch và đánh giá thực hiện kế hoạch thu chi tài chính hàng năm, đồng thời phải chấp hành đầy đủ chế độ báo cáo kế toán thống kê do liên Bộ Tài chính - Ngân hàng - Thống kê quy định.

Ba quỹ Ngân hàng Nhà nước được trích là:

- Quỹ phát triển kỹ thuật, nghiệp vụ ngân hàng dùng để củng cố và phát triển hệ thống kho, bổ sung các thiết bị, máy móc phục vụ công tác thông tin, cơ giới hoá tính toán, từng bước hiện đại hoá công tác phục vụ khách hàng (trừ những công trình lớn thì xin vốn đầu tư tập trung của Nhà nước).

- Quỹ khen thưởng dùng để khen thưởng cán bộ, công nhân, viên chức ngành ngân hàng có nhiều thành tích trong công tác.

- Quỹ phúc lợi dùng để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng phục vụ cán bộ, công nhân, viên chức ngành ngân hàng.

Mức trích lập 3 quỹ quy định như sau:

- Trường hợp hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu (lợi nhuận, các khoản thu nộp vào ngân sách Nhà nước, doanh số thu chi tiền mặt qua quỹ ngân hàng, số dư tiền gửi tiết kiệm, doanh số thu nợ) thì ngân hàng được trích lập 3 quỹ: quỹ phát triển kỹ thuật, nghiệp vụ bằng 10% giá trị tài sản cố định của toàn ngành, quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi cộng lại được trích bằng 15% quỹ lương cả năm.

- Trường hợp không hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu thì giảm mức trích lập ba quỹ tương ứng với mức độ hoàn thành kế hoạch đối với từng chỉ tiêu.

- Trường hợp thực hiện lợi nhuận vượt mức kế hoạch do hiệu quả của hoạt động ngân hàng thì ngân hàng được trích thêm 20% lợi nhuận vượt kế hoạch để bổ sung các quỹ, trong đó 60% cho quỹ khen thưởng, 20% cho quỹ phúc lợi và 20% cho quỹ phát triển kỹ thuật, nghiệp vụ.

Nếu quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi (do đạt kế hoạch và vượt kế hoạch) cả năm cộng lại mà mỗi quỹ vượt quá 4 tháng lương (lương chính mới) thì tối đa chỉ được trích bằng 4 tháng lương cho mỗi quỹ, lợi nhuận còn lại nộp cho ngân sách Nhà nước.

Đồng chí tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước, sau khi được sự thoả thuận của bộ trưởng Bộ Tài chính, quy định cụ thể điều kiện trích lập 3 quỹ và việc sử dụng 3 quỹ trong ngành ngân hàng theo chế độ chung của Nhà nước.

Riêng năm 1982, ngân hàng được trích lập quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi theo những quy định trên đây, tối đa không quá 3 tháng lương chính mới cho mỗi quỹ.

5. Hoạt động kinh doanh ngoại hối.

Ngân hàng Nhà nước là cơ quan độc quyền kinh doanh ngoại hối (tiền nước ngoài, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý) và các giấy tờ có giá trị ngoại hối.

Thông qua các tổ chức kinh doanh của mình là Ngân hàng Ngoại thương và công ty kinh doanh vàng, bạc, Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ huy động các nguồn ngoại hối ở trong nước và ngoài nước; cho vay ngoại tệ đối với các tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nước được phép kinh doanh để thu ngoại tệ; mua bán ngoại tệ; làm các nhiệm vụ bảo lĩnh trong thanh toán quốc tế; kinh doanh vàng, bạc, đá quý (bao gồm mua bán, sửa chữa đồ trang sức, đồ mỹ nghệ bằng vàng, bạc đá quý...); làm các dịch vụ như chuyển tiền ,đổi ngoại tệ tại quầy...

Ngân hàng Nhà nước có quyền khai thác các nguồn vốn tín dụng quốc tế với điều kiện có lợi và quản lý những khoản tín dụng ngoại tệ do Nhà nước giao và phải làm tốt công tác kinh doanh ngoại hối nhằm tăng thu cho Nhà nước.

Riêng phần lợi nhuận bằng ngoại tệ thu được hàng năm từ các hoạt động kinh doanh , Ngân hàng ngoại thương được chuyển 50% vào vốn tự có để mở rộng kinh doanh, phần còn lại nộp vào quỹ dự trữ ngoại tệ của Nhà nước.

Ngân hàng ngoại thương được trích lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi (bằng tiền Việt Nam) theo quy định ở điểm 4 trên đây.

Để được trích lập các quỹ này, hàng năm, Ngân hàng Ngoại thương phải lập kế hoạch kinh doanh và kế hoạch thu chi ngoại tệ của bản thân ngân hàng, trình Hội đồng bộ trưởng xét duyệt.

Đồng chí tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước cùng đồng chí bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chỉ thị này.

 

 

Trần Phương

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 301-CT năm 1982 về giải quyết quan hệ giữa ngân sách và tín dụng do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 301-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 12/11/1982
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Trần Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 22
  • Ngày hiệu lực: 27/11/1982
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản