Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/CT-UBND

Hải Phòng, ngày 12 tháng 12 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, một số dịch bệnh nguy hiểm liên tiếp xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó, có các tỉnh tiếp giáp thành phố Hải Phòng, cụ thể: Dịch Lở mồm long móng gia súc xảy ra tại 10 tỉnh, thành phố với gần 03 ngàn con gia súc mắc bệnh, hiện dịch đang xảy ra tại 2 tỉnh: Lạng Sơn và Hà Tĩnh; Dịch cúm gia cầm H5N1 xảy ra tại 33 tỉnh, thành phố, 221 ngàn con gia cầm mắc bệnh phải tiêu hủy; đặc biệt, nhiều chủng vi rút cúm gia cầm thể độc lực cao mới xuất hiện: H5N6, H5N8 và H7N9, tại Việt Nam ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm đầu tiên do chủng vi rút cúm H5N6 vào tháng 8/2014 tại các tỉnh: Lào Cai, Hà Tĩnh; dịch tiếp tục lây lan và phát sinh tại 06 tỉnh, hơn 08 ngàn con gia cầm mắc bệnh phải tiêu hủy. Một số dịch bệnh nguy hiểm khác trên gia súc, gia cầm và bệnh lây sang người cũng xảy ra rải rác gây thiệt hại cho người chăn nuôi, đe dọa sức khỏe người dân.

Năm 2014, thành phố Hải Phòng triển khai đồng bộ và có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch, chủ động ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm xâm nhập, phát sinh gây tác hại góp phần bảo vệ sản xuất chăn nuôi của thành phố phát triển bền vững.

Theo Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn những tháng cuối năm chính là thời gian thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát sinh, lây lan; nguyên nhân chủ yếu do: việc lưu thông vận chuyển gia súc, gia cầm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết Dương lịch và Nguyên đán tăng cao; thời tiết chuyển lạnh làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán và gây bệnh; miễn dịch của đàn gia súc, gia cầm sau tiêm phòng xuống thấp tạo điều thuận lợi cho mầm bệnh xâm nhập và gây bệnh

Để chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trước và sau Tết Nguyên đán 2015; thực hiện Công văn số 9012/BNN-TY ngày 11/11/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai các biện pháp chủ động phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 20/5/2014 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm và kinh doanh thịt, sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố; Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, quận, các Sở, ban ngành, thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, quận, xã, phường, thị trấn kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật; chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể, cán bộ thú y ở địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, ứng phó kịp thời nếu có dịch xảy ra nhằm giám sát phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh trên địa bàn, cụ thể:

a. Tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi thực hiện các nội dung sau:

- Không nhập về nuôi con giống gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của Trạm Thú y huyện, quận trong địa bàn thành phố hoặc của Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố nơi xuất phát.

- Thực hiện tốt công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; nuôi cách ly, theo dõi lâm sàng với gia súc, gia cầm nuôi mới; thực hiện vệ sinh khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi; tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng nâng cao sức đề kháng cho gia súc, gia cầm; chủ động chống rét cho gia súc, gia cầm. Khi phát hiện gia súc, gia cầm chết không rõ nguyên nhân, nghi mắc bệnh truyền nhiễm phải báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở, chính quyền địa phương, chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

b. Tuyên truyền vận động người buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật tuân thủ các quy định của pháp luật về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ; không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật bất hợp pháp, giết mổ động vật chết không rõ nguyên nhân hoặc mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Chỉ giết mổ gia súc, gia cầm tại các cơ sở đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y.

c. Tuyên truyền vận động người dân sử dụng thịt và sản phẩm gia súc, gia cầm rõ nguồn gốc, xuất xứ, có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem kiểm tra vệ sinh thú y của cơ quan thú y.

d. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm ra - vào địa phương; phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhiễm bệnh, không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch hợp lệ theo quy định;

e. Tăng cường công tác giám sát dịch chủ động trên địa bàn, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao, vùng ổ dịch cũ; giao trách nhiệm giám sát và xử lý ổ dịch cho cấp ủy, chính quyền cơ sở; quy định rõ trách nhiệm của nhân viên thú y cơ sở trong việc phát hiện và báo cáo dịch kịp thời, vận động các tổ chức đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên... và nhân dân cùng tham gia, nhằm phát hiện sớm ổ dịch khi dịch mới xuất hiện, kịp thời áp dụng các biện pháp xử lý triệt để, không để dịch lây lan.

f. Khi có dịch xảy ra phải báo ngay cho Chi cục Thú y thành phố để lấy mẫu xét nghiệm; đồng thời tiêu hủy ngay đàn gia súc, gia cầm mắc bệnh, thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ vùng có dịch và vùng phụ cận; thành lập các chốt kiểm dịch không cho vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm ra - vào vùng có dịch.

g. Tổ chức phun khử trùng tiêu độc môi trường, chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, vùng ổ dịch cũ, nơi chôn hủy động vật; bố trí sẵn sàng nhân lực, vật tư, kinh phí để chủ động ứng phó khi có dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chỉ đạo Chi cục Thú y:

+ Thực hiện nghiêm các quy định kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y nơi buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật theo Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 20/5/2014 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm và kinh doanh thịt, sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

+ Phối hợp với các ban ngành chức năng tại các huyện, quận tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại cơ sở; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh và chủ động khai báo với cán bộ thú y chính quyền địa phương khi phát hiện gia súc, gia cầm ốm, chết bất thường.

- Phối hợp cùng Sở Công Thương, Công an thành phố, Ủy ban nhân dân các huyện tăng cường lực lượng liên ngành (Thú y, Công an, Quản lý thị trường) tại các trạm kiểm dịch động vật cố định: Đường 5 - An Dương, cầu Đá Bạc - Thủy Nguyên, Cầu Nghìn - Vĩnh Bảo; thường trực 24/24 giờ nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm ra – vào thành phố; kiên quyết xử lý tiêu hủy các trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm bệnh, nghi mắc bệnh, không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định.

- Tổ chức đợt tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi; vùng ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao; nơi tập trung giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật...trong thời gian trước và sau Tết Nguyên đán 2015; thực hiện khử trùng tiêu độc triệt để phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại các chốt kiểm dịch đầu mối giao thông nhằm tiêu diệt mầm bệnh, ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập, lây lan gây tác hại trên địa bàn thành phố.

3. Công an thành phố, Sở Công Thương chỉ đạo các cơ quan liên quan: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát môi trường, Quản lý thị trường cử cán bộ tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố, phối hợp cùng cơ quan thú y kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng, Báo An ninh Hải Phòng phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, quận tăng cường công tác thông tin tuyên truyền vận động người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tích cực tham gia thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, chủ động khai báo với chính quyền, thú y địa phương khi có dịch.

5. Sở Tài chính bố trí đầy đủ kinh phí đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố.

Yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, quận, các Sở, ban ngành thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch động bệnh thành phố khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung trên; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc và thường xuyên tổng hợp tình hình, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố./.

 

 

Nơi nhận:
- TTTU, TT HĐND TP;
- Đ/c Bí thư Thành ủy;
- CT, các PCT UBND TP;
- Các Sở, ngành: NN và PTNT, TC, TTTT, CATP, CT;
- Các Hội, đoàn thể thành phố;
- UBND các quận, huyện;
- Các thành viên BCĐ Phòng chống dịch động vật thành phố;
- Đài PTTHHP, Báo HP, Báo ANHP;
- CPVP;
- Các CVUB;
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Trung Thoại

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 30/CT-UBND năm 2014 về tăng cường biện pháp cấp bách phòng, chống dịch gia súc, gia cầm thành phố Hải Phòng

  • Số hiệu: 30/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 12/12/2014
  • Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
  • Người ký: Đỗ Trung Thoại
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản