Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 30/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 09 năm 1989

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH CỦNG CỐ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH CỦA HỆ THỐNG THƯƠNG NGHIỆP HỢP TÁC XÃ THÀNH PHỐ.

Hơn 10 năm qua, cùng với hệ thống thương nghiệp quốc doanh, thành phố đã thành lập hệ thống thương nghiệp hợp tác xã nhằm phục vụ cho đời sống nhân dân lao động, góp phần ổn định phân phối lưu thông, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố. Với tinh thần tích cực và năng động, hệ thống thương nghiệp hợp tác xã đã hỗ trợ đắc lực cho thương nghiệp quốc doanh khẳng định được vị trí vai trò trong sản xuất kinh doanh của thành phố.

Gần đây nhiều hợp tác xã mua bán phường xã và một số đơn vị sản xuất kinh doanh thương nghiệp hợp tác xã quận huyện và thành phố kinh doanh giảm sút, kém hiệu quả, một số có nguy cơ tan rã và phá sản. Nguyên nhân trước hết là do bước chuyển từ cơ chế cũ sang cơ chế mới chưa có phương thức kinh doanh hợp lý, chưa có một qui chế phù hợp với tính chất đặc điểm của hợp tác xã mua bán. Tổ chức quản lý và phương thức kinh doanh mang đậm nét của thương nghiệp quốc doanh trong cơ chế hành chánh bao cấp cũ, bộ máy cồng kềnh, cán bộ quản lý cấp phường xã thường xuyên thay đổi; tác động của sự biến động kinh tế-xã hội vừa qua càng làm cho thương nghiệp hợp tác xã thêm sa sút, lợi nhuận không bù nổi trượt giá nên đồng vốn mất dần, kinh doanh lúng túng bị động trước sức ép của thị trường có cạnh tranh.

Thực hiện nghị quyết 09 của Thành ủy về chuyển đổi mạnh mẽ cơ chế kinh doanh sản xuất phù hợp đặc điểm nền kinh tế có nhiều thành phần hiện nay đồng thời thực hiện theo quyết định 194 của Hội đồng Bộ trưởng về việc đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống hợp tác xã mua bán. Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các cấp chính quyền chỉ đạo việc củng cố tổ chức và hoạt động của hợp tác xã mua bán toàn thành phố làm cho hệ thống thương nghiệp hợp tác xã thực sự trở thành một tổ chức kinh tế-xã hội của tập thể nhân dân lao động thành phố, vận động rộng rãi các thành phần kinh tế, nhất là những người mua bán nhỏ, sản xuất nhỏ, tự nguyện đóng góp cổ phần, quản lý dân chủ, thực hiện nguyên tắc hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa, cùng với thương nghiệp quốc doanh làm nòng cốt trên thị trường.

Một số nội dung củng cố tổ chức và hoạt động của hợp tác xã mua bán.

I.- VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG.

1/ Tất cả các đơn vị thương nghiệp hợp tác xã đều phải tổ chức thực sự dân chủ đại hội xã viên là cơ quan quyết định cao nhất về tổ chức quản lý và điều hành nội bộ của thương nghiệp hợp tác xã phù hợp pháp luật Nhà nước. Tổ chức Đảng và chính quyền các cấp cần tăng cường cán bộ biết kinh doanh, có phẩm chất đạo đức tốt được quần chúng xã viên tín nhiệm để tham gia lãnh đạo và quản lý, hướng các đơn vị thương nghiệp hợp tác xã thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước.

Các hợp tác xã mua bán được quyền liên kết với nhau hoặc liên kết với các thành phần kinh tế khác để hình thành Liên hiệp hợp tác xã mua bán.

2/ Tiến hành củng cố hợp tác xã mua bán phường xã không nhất thiết phường xã nào cũng có hợp tác xã mua bán. Những hợp tác xã mua bán yếu kém có nguy cơ mất vốn do thiếu cán bộ quản lý tốt thì sắp xếp thành cửa hàng trực thuộc hợp tác xã mua bán quận huyện hoặc sát nhập với hợp tác xã mua bán mạnh lân cận, chủ yếu làm nhiệm vụ bán lẻ hàng tiêu dùng và lương thực thực phẩm. Nhưng hợp tác xã mua bán ở các trung tâm thương nghiệp, thị tứ, trục lộ giao thông lớn thì phát thành những đơn vị kinh doanh tổng hợp cả thương mại và dịch vụ góp phần phục vụ đời sống trên địa bàn dân cư đồng thời mở rộng phạm vi kinh doanh lớn hơn tùy theo khả năng.

3/ Thương nghiệp hợp tác xã quận huyện được tổ chức thành các Liên hiệp hợp tác xã mua bán quận huyện, trên cơ sở liên kết rộng rãi với hợp tác xã mua bán phường xã đồng thời tích cực liên kết với các thành phần kinh tế khác, tham gia dưới hình thức cổ phần. Trong tình hình các hợp tác xã phường chưa đủ mạnh, hoạt động của Liên hiệp hợp tác xã mua bán quận huyện với qui mô và phạm vi lớn hơn cần phải được củng cố để trở thành các đơn vị kinh tế hoàn chỉnh của hệ thống thương nghiệp hợp tác xã vừa kinh doanh bán buôn, vừa sản xuất chế biến và hoạt động dịch vụ gắn với kinh doanh thương nghiệp và cung ứng hàng xuất khẩu, đồng thời vừa tham gia bán lẻ ở các trung tâm thương nghiệp và hỗ trợ phường xã tổ chức mạng lưới bán lẻ phục vụ dân cư.

4/ Thương nghiệp hợp tác xã cấp thành phố được tổ chức thành Liên hiệp hợp tác xã mua bán thành phố, là đơn vị kinh doanh đầu đàn của hệ thống hợp tác xã mua bán thành phố, làm đầu mối trực tiếp giao dịch mua bán, tiếp nhận đầu tư của hệ thống hợp tác xã tiêu thụ quốc tế và các đơn vị kinh tế nước ngoài để phát triển hoạt động kinh doanh sản xuất nội địa, mở rộng liên doanh liên kết với các đơn vị sản xuất kinh doanh trong thành phố và các tỉnh. Thông qua hoạt động tín dụng, Liên hiệp hợp tác xã mua bán thành phố giúp đỡ vốn tín dụng với lãi suất linh hoạt tham gia đầu tư hợp tác, hỗ trợ cho các đơn vị thương nghiệp hợp tác xã càng phát triển. Liên hiệp hợp tác xã mua bán còn có nhiệm vụ tổ chức hướng dẫn phong trào hợp tác xã mua bán và chăm lo quyền lợi trước mắt, lâu dài của cán bộ nhân viên hợp tác xã mua bán.

II.- Vốn cổ phần là nguồn vốn cơ bản của thương nghiệp hợp tác xã nhưng do quan điểm kiểu cũ, vốn cổ phần không được bảo tồn và khuyến khích phát triển. Biến động của tiền tệ và giá cả vừa qua khiến vốn cổ phần ngày càng mất đi. Các hợp tác xã mua bán cần phải tính lại trị giá thực của vốn cổ phần phù hợp khả năng vốn tích lũy và mức trượt giá để tính toán sòng phẳng với xã viên, sau đó tổ chức huy động vốn cổ phần mới với lãi suất hợp lý để huy động vốn nhiều hơn.

Các đơn vị hợp tác xã mua bán quận huyện và thành phố có vốn tự có từ nguồn gốc hợp tác xã mua bán phường xã góp lên, qua quá trình kinh doanh đã tích lũy dần. Đây là nguồn vốn gốc hợp tác xã, đã xã hội hóa. Ủy ban nhân dân thành phố và quận huyện cần hợp thức hóa vốn này, để các liên hiệp hợp tác xã mua bán quận huyện và thành phố làm vốn tự có ban đầu vừa phù hợp với đặc điểm lịch sử của nguồn vốn đồng thời thể hiện sự quan tâm chăm sóc của Nhà nước đối với tổ chức thương nghiệp hợp tác xã. Các đơn vị này có nhiệm vụ giữ gìn và sử dụng có hiệu quả vốn tự có đồng thời vận động phát triển vốn cổ phần rộng rãi dưới nhiều hình thức phù hợp. Nhà nước có thể tham gia cổ phần bằng tiền hoặc phương tiện tài sản đã đầu tư cho các đơn vị thương nghiệp hợp tác xã trước đây.

III.- Thuế là nghĩa vụ mà tất cả các tổ chức kinh tế phải thực hiện. Ngành tài chánh-thuế cần nghiên cứu vận dụng chính sách thuế phù hợp điều kiện kinh doanh của hợp tác xã mua bán, khuyến khích hợp tác xã mua bán phát triển kinh doanh phục vụ đời sống nhân dân lao đồng, góp phần ổn định giá cả thị trường.

IV.- VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ NHÂN VIÊN THƯƠNG NGHIỆP HỢP TÁC XÃ.

Cán bộ nhân viên công tác trong ngành thương nghiệp hợp tác xã thực chất là những người làm công ăn lương do đó các cơ quan quản lý lao động cần quan tâm chỉ đạo thực hiện chính sách lao động tiền lương như khu vực Nhà nước, tùy thuộc vào hiệu quả kinh tế của đơn vị. Riêng đối với cán bộ nhân viên do Nhà nước tăng cường hoặc thuộc biên chế Nhà nước trước đây, cần phải được xem xét cụ thể. Nếu cán bộ nhân viên vẫn tiếp tục phát huy tốt ở hợp tác xã mua bán thì vẫn đóng quỹ bảo hiểm xã hội do ngành lao động thương binh xã hội quản lý để hưởng các chính sách đối với cán bộ nhân viên Nhà nước sau này.

Hợp tác xã mua bán là một tổ chức kinh tế-xã hội không thể thiếu trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Củng cố hợp tác xã mua bán vững mạnh sẽ là lực lượng tin cậy và đắc lực thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội của đảng và chính quyền, cùng thương nghiệp quốc doanh trở thành lực lượng nòng cốt trên thị trường có nhiều thành phần kinh tế hiện nay.

Các cấp chính quyền cần quan tâm chỉ đạo việc củng cố tổ chức và hoạt động của hợp tác xã mua bán, mọi chủ trương liên quan đến tổ chức hợp tác xã mua bán phải thực hiện đúng điều lệ đã được Ủy ban nhân dân thành phố cho phép thực hiện, không vì bất cứ lý do gì mà giải thể xóa bỏ hợp tác xã mua bán trái quy định Nhà nước.

Hệ thống hợp tác xã mua bán các cấp cần nỗ lực vươn lên phát huy tính chất quản lý dân chủ tập thể của xã viên và quyền chủ động sản xuất kinh doanh của từng đơn vị, tập trung củng cố tổ chức, tăng cường chất lượng đội ngũ quản lý để đủ sức thực hiện các nhiệm vụ kinh tế trong tình hình hiện nay.-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Khắc Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 30/CT-UB năm 1989 về việc chấn chỉnh củng cố tổ chức và hoạt động kinh doanh của hệ thống thương nghiệp hợp tác xã thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 30/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 13/09/1989
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Khắc Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/09/1989
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản