Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 299-CT | Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 1989 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC LÀM KINH TẾ CỦA CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH VÀ CÁC ĐOÀN THỂ THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 92-CT NGÀY 24-4-1989
Ngày 24 tháng 4 năm 1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 92-CT quy định việc làm kinh tế của các cơ quan hành chính và các đoàn thể.
Mục đích của Quyết định số 92-CT là nhằm phất huy mọi khả năng để phát triển sản xuất, tăng thêm hàng hoá cho xã hội, đáp ứng nhu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân. Đối với các cơ quan hành chính, thông qua việc làm kinh tế mà tạo điều kiện bố trí số người dôi ra, sau khi sắp xếp lại tổ chức, tinh giảm bộ máy hành chính, quản lý. Đối với các tổ chức của Đảng, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, thông qua việc làm kinh tế mà hướng dẫn hoạt động của tổ chức mình tập trung hơn vào sản xuất và dịch vụ sản xuất, nâng cao hơn chất lượng hoạt động đoàn thể; có điều kiện bổ sung thêm kinh phí, ngoài phần do ngân sách Nhà nước cấp và phần do hội viên, đoàn thể đóng góp. Nói chung việc làm kinh tế phải phù hợp với tính chất của cơ quan, đoàn thể mà không ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính của cơ quan, đoàn thể.
Nhưng, ở nhiều nơi, chủ trương nói trên đã không được chấp hành nghiêm chỉnh. Nhiều trường hợp sai trái do không hiểu rõ tinh thần và nội dung của Quyết định số 92-CT nhưng nhiều trường hợp lại do những người phụ trách cố tình làm sai. Tuy ngân sách còn khó khăn, nhưng ngân sách Nhà nước vẫn đảm bảo các khoản chi tiêu của các đoàn thể xã hội, các cơ quan của đảng, cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan hành chính, theo kế hoạch chi tiêu hàng năm được duyệt. Thế nhưng, có cơ quan hành chính, cơ quan đoàn thể dựa vào lý do phải "tự cân đối" hoặc cân đối bổ sung các khoản chi tiêu, đã tuỳ tiện thành lập những tổ chức trái với Quyết định số 92- CT, dưới nhiều hình thức như công ty, liên hiệp, trung tâm, văn phòng giao dịch, v.v... đã cho phép các tổ chức này làm cả các công việc buôn bán, môi giới buôn bán, kêu gọi đầu tư nước ngoài và khá phổ biến là làm cả xuất nhập khẩu. Nhiều trường hợp đã sử dụng tài sản của cơ quan (trụ sở, nhà ở, xe ô-tô,v.v...) để tiến hành các hoạt động kinh doanh, chuyển nhà khách của cơ quan sang hoạt động như một khách sạn mà không đăng ký, không trả khấu hao, vẫn dùng xăng dầu do Nhà nước cấp, cán bộ công nhân viên vẫn ăn lương Nhà nước, nói chung là không chịu sự kiểm soát của Nhà nước, không nộp thuế. Khá nhiều trường hợp đã sử dụng tư thương bằng cách cấp giấy phép cho họ lấy danh nghĩa cơ quan, đoàn thể hoạt động mà không kiểm tra, chỉ giao khoán cho họ hàng tháng nộp một số tiền cho cơ quan. Tình hình nói trên đang gây rối thị trường, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước, ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các chức năng thật dự của các cơ quan, đoàn thể, phát sinh khá nhiều tiêu cực.
Để nhanh chóng chấm dứt các việc làm sai trái trên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:
1. Theo đúng tinh thần và nội dung Quyết định số 92-CT, các cơ quan hành chính, các đoàn thể (bao gồm cả các cơ quan của Đảng, các Hội quần chúng theo nghề nghiệp), nếu thấy cần thiết, chỉ được tiến hành sản xuất và dịch vụ phục vụ sản xuất. Nội dung "dịch vụ phục vụ sản xuất" nói ở đây chỉ bao gồm các hoạt động như thông tin kinh tế, lập chương trình, kế hoạch, phương án sản xuất, thiết kế, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất và công tác quản lý để đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và đưa lại hiệu quả trong quản lý sản xuất, sơ chế sản phẩm, sản xuất bao bì, v.v..., không bao gồm các hoạt động nội thương và xuất nhập khẩu.
Các cơ quan nghiên cứu khoa học (viện, trung tâm v.v.. . ) cũng chỉ được hoạt động sản xuất và dịch vụ sản xuất gắn với nội dung nghiên cứu của cơ quan.
Các tổ chức kinh doanh, dịch vụ của các cơ quan hành chính, nghiên cứu, các tổ chức đảng, đoàn thể ở tất cả các cấp đều không được kinh doanh thương nghiệp và dịch vụ ăn uống công cộng, không được trực tiếp xuất, nhập khẩu, kể cả xuất nhập khẩu thường xuyên và từng chuyến (trừ những lô hàng đã lỡ giấy phép, có hợp đồng mua, bán, đã mở LC trước ngày ban hành Chỉ thị này thì được tiếp tục thực hiện xong hợp đồng xuất, nhập khẩu của lô hàng đó, sau đó thôi hẳn. Nhưng các cơ quan đã cấp giấy phép phải nghiêm khắc kiểm điểm việc làm sai của mình).
2. Trong quý IV năm 1989, Thủ trưởng các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức Đảng và các đoàn thể, các tổ chức xã hội có trách nhiệm kiểm tra để có biện pháp chỉnh đốn về tổ chức và nội dung hoạt động của các tổ chức kinh doanh, dịch vụ do mình lập ra từ trước đến nay:
a) Tất cả các tổ chức này phải tiến hành đăng ký lại tại các Uỷ ban Nhân dân các cấp theo đúng các điều quy định tại Quyết định số 92-CT và được bổ sung trong Chỉ thị này. Kinh doanh sản xuất hoặc làm dịch vụ sản xuất ngành, nghề nào đều phải được cơ quan quản lý ngành, nghề đó cho phép (ở trung ương là các Bộ, Tổng cục, ở các địa phương là các Sở quản lý ngành, chỉ được kinh doanh theo đúng nội dung đã được phép và làm đầy đủ các nghĩa vụ nộp thuế, thi hành các chế độ thống kê - kế toán, mở tài khoản tại Ngân hàng... theo đúng pháp luật.
Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần tạo điều kiện thuận lợi để việc đăng ký lại tiến hành nhanh, gọn, tránh phiền hà.
b) Thông qua việc kiểm tra và đăng ký lại, giải thể hoặc đình chỉ hoạt động ngay những tổ chức không đủ tư cách hoặc không đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động như:
- Những tổ chức không được cơ quan có thẩm quyền (quy định ở Quyết định số 92-CT) quyết định thành lập, không đăng ký kinh doanh mà đã tự ý hoạt động.
- Những tổ chức đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập và cho phép hoạt động, nhưng nội dung quyết định không phù hợp với Quyết định số 92-CT và Chỉ thị này, như cho phép làm những công việc không phải là sản xuất hoặc dịch vụ phục vụ sản xuất: mở cửa hàng buôn bán, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài...
- Những tổ chức được thành lập và được cấp đăng ký kinh doanh theo đúng Quyết định số 92-CT, nhưng trong thực tế hoạt động thì không làm hoặc làm quá ít nhiệm vụ sản xuất, hoạt động dịch vụ sản xuất, mà chủ yếu hoạt động buôn bán, xuất nhập khẩu, v.v... hoặc làm trung gian môi giới sản xuất hoặc nhận thầu (hoặc đứng ra ký hợp đồng) và trả công cho người thực sự làm dịch vụ phục vụ sản xuất để "phân chia lợi nhuận" ; hoặc cho tư thương lợi dụng đăng ký kinh doanh của mình hoạt động kinh doanh trái phép, trốn thuế, lậu thuế,v.v...
3. Trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra và xử lý được quy định như sau:
a) Thủ trưởng các cơ quan, các tổ chức của Đảng, các đoàn thể, tổ chức xã hội ở các cấp đã quyết định thành lập hoặc đã cho phép các tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động thì nay có trách nhiệm tổ chức kiểm tra và quyết định việc xử lý theo nội dung ở điều 2 nói trên.
Kết quả kiểm tra và biện pháp xử lý của các cơ quan hành chính, đoàn thể nói trên phải được thông báo cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu nơi tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đóng trụ sở và đăng ký kinh doanh biết.
b) ở mỗi tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc kiểm tra này (có thể giao nhiệm vụ trực tiếp cho một Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân chủ trì có thủ trưởng các cơ quan tài chính, thương nghiệp, công an, ngân hàng, tổ chức chính quyền tham gia), cụ thể là:
-Theo dõi, đôn đốc các cơ quan hành chính, các tổ chức Đảng, đoàn thể có tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đóng trên địa bàn thực hiện việc kiểm tra và xử lý theo đúng nội dung và thời hạn quy định tại Chỉ thị này.
- Xem xét kết quả xử lý của các cơ quan nói trên đây, tiến hành các thủ tục cần thiết về quản lý Nhà nước như cấp giấy phép đăng ký lại, xử phạt, truy thu thuế, thu hồi đăng ký kinh doanh, thu hồi con dấu.v.v...
- Nếu phát hiện những tổ chức kinh doanh, dịch vụ cần phải xử lý theo nội dung quy định ở điều 2 trên đây mà chưa được các cơ quan hành chính, các tổ chức Đảng, đoàn thể chủ quản xử lý thì có quyền thi hành các biện pháp để xử lý như đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép, thu hồi con dấu. v.v... Nếu có trường hợp không nhất chí giữa Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố với thủ trưởng các cơ quan hành chính, các tổ chức đảng, đoàn thể (ở các cấp) thì báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xem xét, quyết định.
4. Từ nay cho đến khi có quyết định mới, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định tạm ngừng việc các cơ quan hành chính, Viện nghiên cứu, tổ chức Đảng, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang thuộc Bộ Quốc phòng, Nội vụ thành lập các tổ chức sản xuất hoặc dịch vụ như đã nói tại Quyết định số 92-CT.
5. Thủ trưởng các cơ quan Nhà nước, người đứng đầu các tổ chức trực thuộc Trung ương Đảng, các đoàn thể trung ương, trong phạm vi quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này, báo cáo kết quả kiểm tra với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trước ngày 31 tháng 12 năm 1989, đồng gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính và Ban chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương.
Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ căn cứ vào nội dung Quyết định số 92-CT và Chỉ thị này rà soát lại hoạt động của các tổ chức làm kinh tế của các cơ quan thuộc Bộ đã được phép thành lập.
Chỉ thị này được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân biết.
Bộ trưởng Bộ Tài chính phối hợp với Ban chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương và các cơ quan có liên quan hướng dẫn những điều cụ thể để thực hiện Chỉ thị này; theo dõi kiểm tra và báo cáo kết quả lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký)
|
- 1Chỉ thị 317-CT về kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh thương mại và dịch vụ do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 2Quyết định 268-CT năm 1990 về việc đăng ký và hoạt động của các tổ chức làm kinh tế do các cơ quan hành chính và các đoàn thể thành lập do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Chỉ thị 299-CT chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức làm kinh tế của các cơ quan hành chính và các đoàn thể theo Quyết định 92-CT do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- Số hiệu: 299-CT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 25/10/1989
- Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Võ Văn Kiệt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 21
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra