Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 297-CP

Hà Nội, ngày 20 tháng 08 năm 1979

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH 5 NĂM LẦN THỨ BA (1981 - 1985)

Việc xây dựng kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985) đang được trung ương Đảng và Chính phủ coi là một công tác cấp bách nhằm chuẩn bị tốt một nội dung quan trọng của Đại hội Đảng lần thứ năm; đồng thời làm cơ sở cho việc hợp tác kinh tế với các nước và nhất là phối hợp kế hoạch và hợp tác với các nước trong Hội đồng tương trợ kinh tế.

Kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985) có một vị trí rất quan trọng, vì vừa phải tiếp tục hoàn thành những nhiệm vụ còn lại của kế hoạch 5 năm trước, vừa phải xúc tiến mạnh mẽ quá trình cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta để đưa nền kinh tế phát triển lên một bước mới.

Trong 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985) cần quán triệt sâu sắc đường lối xây dựng và phát triển kinh tế của Đảng, tiếp tục tập trung cao độ phát triển nông nghiệp, ra sức phát triển lâm nghiệp, ngư nghiệp và công nghiệp hàng tiêu dùng; đồng thời xây dựng có trọng điểm một số ngành công nghiệp nặng và cơ sở vật chất hạ tầng nhằm giải quyết một cách cơ bản và vững chắc vấn đề lương thực, thực phẩm, ổn định và cải thiện một bước đời sống của nhân dân, đáp ứng yêu cầu tăng cường quốc phòng, tăng nhanh xuất khẩu, tăng cường một bước cơ sở vật chất - kỹ thuật và chuẩn bị tốt điều kiện để triển khai xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội trên quy mô lớn trong kế hoạch sau. Đó cũng là phương hướng cơ bản để xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý trong thời kỳ 1981 - 1985.

Đi đôi với việc từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, phải tiếp tục củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong cả nước, không ngừng tăng cường và cải tiến công tác quản lý, bảo đảm hiệu quả cao trong mọi hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Để thực hiện được những nhiệm vụ nói trên, nội dung của kế hoạch 5 năm 1981 - 1985 phải quán triệt sâu sắc ý chí tự lực tự cường, dựa hẳn vào việc khai thác mọi năng lực và tiềm lực trong nước (lao động, đất đai, tài nguyên và các cơ sở vật chất - kỹ thuật đã có và đang được xây dựng), đồng thời tranh thủ và sử dụng có hiệu quả nhất các khả năng viện trợ và hợp tác quốc tế, trước hết là của các nước trong Hội đồng tương trợ kinh tế.

Để bảo đảm cho kế hoạch 1981 - 1985 có chất lượng tốt, vừa tích cực, vừa vững chắc, phải đổi mới phương pháp xây dựng kế hoạch, cụ thể là:

- Tiến hành tốt việc xây dựng kế hoạch từ cơ sở lên (từ liên hiệp các xí nghiệp, công ty, xí nghiệp liên hợp và xí nghiệp độc lập, từ huyện…);

- Kế hoạch phải dựa trên cơ sở nghiên cứu, dự đoán nhu cầu và khả năng một cách khoa học và có căn cứ thực tế, tính đến các nhân tố mới về kinh tế và về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời bảo đảm điều kiện thực hiện xuất phát từ thực trạng của nền kinh tế;

- Phải gắn việc nghiên cứu các chủ trương phát triển kinh tế với việc nghiên cứu các chủ trương về biện pháp tổ chức, quản lý và chính sách;

- Phải kết hợp tốt việc kế hoạch hóa theo ngành và theo địa phương, vùng lãnh thổ; bước đầu thực hiện việc kế hoạch hóa theo chương trình đồng bộ có mục tiêu.

Để bảo đảm yêu cầu, nội dung và phương pháp xây dựng kế hoạch 5 năm (1981 - 1985), Thường vụ Hội đồng Chính phủ quyết định tiến hành những công tác chủ yếu dưới đây.

I. TỔNG KẾT TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHỮNG NHIỆM VỤ CƠ BẢN VÀ MỤC TIÊU CỦA KẾ HOẠCH 5 NĂM 1976 - 1980

Cần tổng kết việc thực hiện kế hoạch trong hơn ba năm qua và đánh giá tình hình đến năm 1980 để làm rõ các vấn đề:

- Kết quả thực hiện những mục tiêu và nhiệm vụ cơ bản do Đại hội Đảng lần thứ tư và nghị quyết đại hội Đảng bộ của các địa phương đề ra;

- Đánh giá thực trạng nền kinh tế đến năm 1980 trên các lĩnh vực, ở từng ngành, từng địa phương;

- Trên cơ sở tình hình và kết quả thực tế, kiểm điểm việc vận dụng và chấp hành đường lối phát triển kinh tế của Đảng trong kế hoạch và trong hoạt động thực tiễn của từng ngành, từng địa phương và đơn vị;

- Phân tích nguyên nhân của tình hình.

Việc tổng kết phải thiết thực, cụ thể, sâu sắc, sát hợp với yêu cầu và giác độ của từng ngành, từng địa phương, từng cấp; cần vạch rõ những nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan; đồng thời chỉ ra được những khâu chính để có kiến nghị thiết thực nhằm làm chuyển biến tình hình.

Chính phủ thành lập Ban tổng kết trung ương gồm đại diện Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Tổng cục Thống kê, các Bộ quản lý tổng hợp, các Ban của Đảng, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế; Ủy ban Kế hoạch Nhà nước là cơ quan thường trực.

Nhiệm vụ của Ban tổng kết trung ương là giúp Chính phủ tổ chức chỉ đạo công tác tổng kết chung, tổng hợp báo cáo của các ngành và địa phương và làm báo cáo trình Chính phủ.

Các ngành, các địa phương cũng phải cử ra Ban tổng kết của ngành hoặc địa phương do một đồng chí lãnh đạo ngành, địa phương phụ trách. Nhiệm vụ của Ban tổng kết ngành, địa phương là tổ chức tổng kết theo ngành hoặc địa phương mình phụ trách, báo cáo lên lãnh đạo của ngành và địa phương; đồng thời, gửi báo cáo lên Ban tổng kết trung ương, sau khi đã được lãnh đạo thông qua.

Việc tổng kết sẽ làm song song với việc nghiên cứu xây dựng kế hoạch 5 năm 1981 - 1985. Các ngành và địa phương cần kết hợp tốt để quý II năm 1980 tổng kết xong và gửi báo cáo lên Ban tổng kết trung ương.

II. TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG KẾ HOẠCH 5 NĂM LẦN THỨ BA (1981 - 1985)

Để bảo đảm các yêu cầu của việc nghiên cứu xây dựng kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985), các ngành và địa phương cần làm tốt những việc dưới đây.

1. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước chịu trách nhiệm giúp Chính phủ tổ chức toàn bộ việc nghiên cứu, xây dựng và tổng hợp kế hoạch 5 năm 1981 - 1985, có nhiệm vụ:

- Khởi thảo phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 1981 - 1985 với một cơ cấu kinh tế hợp lý để trình Bộ Chính trị và Thường vụ Hội đồng Chính phủ;

- Trình Chính phủ ban hành hoặc nghiên cứu ban hành các quy định về đổi mới phương pháp làm kế hoạch;

- Cùng các ngành và các địa phương xây dựng số kiểm tra kế hoạch 5 năm;

- Chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch và tổng hợp kế hoạch 5 năm 1981 - 1985;

- Phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng hệ thống định mức giá, tỷ giá hối đoái… dùng cho việc tính toán kế hoạch 5 năm.

2. Các bộ, tổng cục và cơ quan ngang bộ, tùy theo chức năng và phạm vi quản lý thống nhất toàn ngành, có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, xây dựng từ cơ sở lên và tổng hợp kế hoạch 5 năm của các ngành kinh tế - kỹ thuật thuộc bộ, tổng cục mình phụ trách để trình Chính phủ, đồng gửi Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Mỗi bộ, tổng cục đều có trách nhiệm cung cấp tài liệu và phối hợp nghiên cứu với các bộ, tổng cục, các địa phương có liên quan về những vấn đề cần thiết.

Trước hết cần tập trung vào những công tác sau đây:

- Xác định các đơn vị phải làm kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985).

- Qua việc tổng kết tình hình thực hiện những nhiệm vụ cơ bản và mục tiêu của kế hoạch 5 năm 1976 - 1980, cần hệ thống hóa số liệu đánh giá tình hình cơ bản của ngành, các số liệu lịch sử và một số mặt tình hình kinh tế, xã hội trong, ngoài nước có liên quan đến kế hoạch phát triển của ngành trong thời kỳ tới. Tổng cục Thống kê có nhiệm vụ hướng dẫn việc hệ thống hóa số liệu của các ngành, các địa phương, đồng thời chỉnh lý và hệ thống hóa số liệu thống kê chi tiết các năm qua, tổng hợp kịp thời kết quả của cuộc điều tra dân số năm 1979 để cung cấp cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và các ngành làm căn cứ thống nhất trong việc nghiên cứu kế hoạch.

- Xây dựng các đề án kinh tế - kỹ thuật cụ thể nhằm phát huy tốt nhất năng lực sản xuất hiện có; giải quyết đồng bộ những vấn đề cần thiết để sớm phát huy tốt công suất của các công trình sắp đi vào sản xuất; xây dựng các đề án đầu tư chiều sâu, các đề án sử dụng nguyên liệu, vật liệu trong nước thay thế nguyên liệu nhập khẩu, tổ chức thu hồi và tận dụng các loại phế liệu, phế phẩm…

- Xúc tiến khẩn trương các công tác chuẩn bị đầu tư và xây dựng như điều tra, quy hoạch, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, lập nhiệm vụ thiết kế, làm thiết kế kỹ thuật đối với những công trình đã có quyết định xây dựng hoặc đã có dự kiến ưu tiên xây dựng.

- Nghiên cứu xây dựng từng bước đề án kế hoạch 5 năm phát triển ngành, tham gia ý kiến với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước về xây dựng số kiểm tra kế hoạch 5 năm.

Bộ Xây dựng có trách nhiệm lập đề án quy hoạch hoàn chỉnh các khu công nghiệp hiện có; cùng với Ủy ban phân vùng kinh tế trung ương lập quy hoạch xây dựng những khu vực sẽ phát triển công nghiệp tập trung trong những năm tới.

Tổng cục Thống kê chủ trì phối hợp với Ủy ban Vật giá Nhà nước và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước xây dựng hệ thống giá cố định mới dùng cho thời kỳ kế hoạch 5 năm 1981 - 1985 để trình Hội đồng Chính phủ ban hành vào cuối năm 1979.

Bộ Tài chính chủ trì cùng với Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Vật giá Nhà nước, Bộ Ngoại thương xác định lại tỷ giá hối đoái giữa tiền Việt Nam và các đồng tiền nước ngoài để dùng cho việc tính toán kế hoạch 5 năm 1981 - 1985.

Bộ Ngoại thương chủ trì cùng với Ủy ban Vật giá Nhà nước xác định giá kế hoạch hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu dùng cho việc tính toán kế hoạch 5 năm 1981 - 1985, hoàn thành vào cuối năm 1979.

Ủy ban Kế hoạch Nhà nước chủ trì cùng với Bộ Lao động và các Bộ, Tổng cục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hệ thống định mức lao động dùng để tính toán kế hoạch 5 năm 1981 - 1985.

Các Bộ, Tổng cục quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật, tùy theo chức năng và phạm vi quản lý của mình, tổ chức soát xét lại hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật hiện hành của toàn ngành, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hệ thống định mức đó và trao đổi thống nhất với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước để dùng cho việc tính toán kế hoạch 5 năm (1981 - 1985). Ủy ban Kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm tổng hợp trình Chính phủ ban hành hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật chung của Nhà nước để thống nhất tính toán khi làm kế hoạch.

Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với các ngành nghiên cứu dự đoán những triển vọng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong và ngoài nước có thể đưa vào áp dụng trong khoảng từ 5 đến 10 năm tới, nhằm phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch 5 năm (1981 - 1985); đồng thời có trách nhiệm tổng hợp kế hoạch phát triển khoa học - kỹ thuật.

3. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu xây dựng và tổng hợp kế hoạch 5 năm của địa phương mình từ cơ sở và từ huyện lên theo sự hướng dẫn chung của Nhà nước. Trước mắt, các địa phương cần tập trung làm những việc sau:

- Kết hợp với việc tổng kết tình hình thực hiện những nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch 5 năm 1976 - 1980, hệ thống hóa số liệu, đánh giá phân tích tình hình cơ bản của địa phương;

- Xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh, huyện theo sự chỉ đạo của Ủy ban phân vùng kinh tế trung ương;

- Nghiên cứu xây dựng những dự án chuyên đề cụ thể, thiết thực, có thể bố trí từng phần vào kế hoạch 5 năm tới của địa phương. Các đề án này nên xoay quanh những hướng lớn như giải quyết tốt nhất vấn đề lương thực và các nhu cầu tại chỗ cho đời sống nhân dân như nhà ở, mạng lưới phục vụ đời sống vật chất và văn hóa, phương án khai thác và bồi dưỡng đất đai, khai thác hợp lý các tiềm lực kinh tế sẵn có, các nguồn tài nguyên ở địa phương, tạo nguồn hàng hóa phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng, tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp, phân bố lại lực lượng sản xuất theo yêu cầu kinh tế, quốc phòng…

4. Áp dụng bước đầu phương pháp chương trình đồng bộ có mục tiêu.

Xây dựng những chương trình đồng bộ có mục tiêu là một nội dung quan trọng trong việc đổi mới công tác kế hoạch hóa và là vấn đề mới đối với chúng ta. Do chưa có kinh nghiệm nên mỗi ngành hoặc địa phương chỉ nên lựa chọn một vài vấn đề quan trọng nhất của ngành hoặc địa phương để nghiên cứu lập chương trình. Chính phủ sẽ lập một số chương trình nhằm giải quyết mấy vấn đề lớn, quan trọng nhất của cả nước và đòi hỏi sự phối hợp nhiều ngành, nhiều địa phương như chương trình giải quyết vấn đề lương thực, chương trình giải quyết vấn đề mặc, chương trình phát triển một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực, v.v… Trong quá trình xây dựng và thực hiện chương trình đồng bộ có mục tiêu, cần chú ý rút kinh nghiệm để áp dụng cho các chương trình sau.

Ủy ban Kế hoạch Nhà nước lập đề án cụ thể về lựa chọn vấn đề, xác định mục tiêu, về tổ chức nghiên cứu xây dựng và thực hiện các chương trình mục tiêu chung của Chính phủ, trình Chính phủ quyết định; đồng thời hướng dẫn, theo dõi việc áp dụng phương pháp này ở các ngành, các địa phương, bảo đảm sự kết hợp chặt chẽ giữa việc xây dựng chương trình đồng bộ có mục tiêu với việc lập kế hoạch 1981 - 1985.

5. Chuẩn bị những kiến nghị về mặt chính sách, chế độ quản lý. Các ngành có trách nhiệm nghiên cứu những kiến nghị về bổ sung hoặc sửa đổi các chính sách, chế độ quản lý trình Chính phủ để kịp áp dụng cho thời kỳ kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985), nhằm bảo đảm thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch. Ví dụ: các chính sách đẩy mạnh việc khai hoang và xây dựng vùng kinh tế mới, phát triển trồng rừng, định canh, định cư; chính sách năng lượng; chính sách tiền lương, tiền thưởng; thuế, giá cả; chính sách tín dụng; chế độ quản lý của liên hiệp các xí nghiệp, xí nghiệp liên hợp; chính sách và chế độ đầu tư xây dựng cơ bản, v.v… Viện nghiên cứu quản lý kinh tế làm việc với các bộ, tổng cục để lập thành danh mục những chính sách, chế độ quản lý cần giải quyết, thời hạn nghiên cứu và ban hành. Thủ tướng Chính phủ sẽ duyệt danh mục này để chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm trong việc tổ chức nghiên cứu chính sách, chế độ quản lý.

6. Chuẩn bị về tổ chức. Các bộ, tổng cục, các địa phương phải tổ chức bộ phận chuyên trách nghiên cứu kế hoạch 5 năm và dài hạn do một đồng chí lãnh đạo bộ, tổng cục phụ trách.

Đối với những vấn đề kinh tế - kỹ thuật có tầm quan trọng lớn, hoặc có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều ngành thì các bộ, tổng cục chủ quản cần tranh thủ sự tham gia góp ý rộng rãi của các tổ chức có liên quan và chú ý mời thêm những cán bộ có kinh nghiệm của Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, các viện nghiên cứu, các trường đại học và các xí nghiệp lớn tham gia.

III. CHƯƠNG TRÌNH VÀ TIẾN ĐỘ CÔNG VIỆC

1. Từ nay đến hết năm 1979:

- Ủy ban Kế hoạch Nhà nước trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ về phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985) và những tư tưởng chỉ đạo về việc tổ chức xây dựng kế hoạch để Thường vụ Hội đồng Chính phủ xin ý kiến Bộ Chính trị;

- Các ngành, các địa phương tiến hành tổng kết tình hình thực hiện những nhiệm vụ cơ bản và mục tiêu của kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976 - 1980) và nghiên cứu số kiểm tra kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985) của ngành và địa phương;

- Hoàn thành các công việc chuẩn bị cho việc lập kế hoạch đã nêu trên.

2. Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 1980:

- Các ngành, các cấp gửi báo cáo tổng kết tình hình thực hiện những nhiệm vụ cơ bản và mục tiêu của kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976 - 1980) lên Ban tổng kết trung ương. Ban tổng kết trung ương làm báo cáo trình Chính phủ;

- Ủy ban Kế hoạch Nhà nước trình Bộ Chính trị và Thường vụ Hội đồng Chính phủ số kiểm tra kế hoạch 5 năm lần thứ ba;

- Thủ tướng Chính phủ giao số kiểm tra kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985) cho các ngành, các cấp và các địa phương.

3. Từ tháng 7 năm 1980 đến tháng 6 năm 1981:

- Các ngành, các cấp và các địa phương tổ chức xây dựng và tổng hợp kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985) từ cơ sở lên gửi Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Ủy ban Kế hoạch Nhà nước vào quý I năm 1981;

- Quý I năm 1981, một số ngành và tỉnh, thành phố trực tiếp bảo vệ kế hoạch trước Thường vụ Hội đồng Chính phủ;

- Ủy ban Kế hoạch Nhà nước trình Trung ương và Chính phủ kế hoạch tổng hợp kinh tế quốc dân 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985) trong quý II năm 1981.

Các ngành, các địa phương cần thường xuyên trao đổi với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước để giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh trong quá trình xây dựng kế hoạch.

Xây dựng kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985) là một công tác rất phức tạp và khẩn trương. Các ngành và các địa phương phải dành đủ cán bộ và chỉ đạo chặt chẽ để bảo đảm chất lượng của kế hoạch và kịp thời gian quy định. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm giúp trung ương Đảng và Chính phủ hướng dẫn cụ thể và theo dõi, giúp đỡ các ngành, các địa phương thực hiện chỉ thị này.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 297-CP năm 1979 về tổ chức xây dựng kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981-1985) do Thường vụ Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 297-CP
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 20/08/1979
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: 20/08/1979
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản