THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 296-TTg | Hà Nội, ngày 10 tháng 5 năm 1996 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC ĐÊ ĐIỀU, PHÒNG CHỐNG LỤT BÃO, GIẢM NHẸ THIÊN TAI NĂM 1996
Thời tiết nước ta những tháng đầu năm 1996 có nhiều biểu hiện bất thường, rét đậm kéo dài, ít mưa lại xẩy ra lốc và mưa đá đã gây tổn thất về người và của, thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp ở nhiều tỉnh trên phạm vi cả nước.
Để chủ động đối phó với thiên tai lụt bão, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và của Nhà nước, tạo đà chuyển biến mới cho năm đầu của kế hoạch 5 năm 1996 - 2000 và kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống đê điều, phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai (22/5/1946 - 22/5/1996), Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành Trung ương và Uỷ bản nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt các việc sau đây:
1. Tổ chức rút kinh nghiệm việc thực hiện Pháp lệnh phòng chống lụt bão, Pháp lệnh về đê điều và Nghị định 168/HĐBT ngày 19 tháng 5 năm 1990 trong năm 1995 và các năm trước. ở cấp tỉnh cần củng cố cơ quan tham mưu chuyên trách Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm tốt vai trò tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp mình (kể cả các tỉnh không có đê).
Đối với các ngành, các cấp có sự thay đổi về tổ chức và nhân sự cần khẩn trương ổn định, kiện toàn tổ chức để thực hiện đầy đủ nhiệm vụ công tác Phòng chống lụt bão, công tác đê đập và giảm nhẹ thiên tai năm 1996, đặc biệt là Uỷ ban nhân dân, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của mỗi cấp, ngành điện lực phải làm tốt công tác này.
2. Các cấp, các ngành cần chủ động đề ra các kế hoạch và biện pháp phòng, chống lụt, bão, úng, hạn hán, hoả hoạn, cháy rừng, sạt lở đất ở ven sông, ven biển, lũ quét và trượt đất ở miền núi, sâu bệnh cây trồng, dịch bệnh người và vật nuôi... trong phạm vi cả nước nhằm giảm nhẹ thiên tai năm 1996 một cách thiết thực, có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất sự tổn thất về người và tài sản.
Các cơ quan chuyên ngành ở tất cả các cấp như: Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều, Quản lý nước và công trình thuỷ lợi, quản lý các nhà máy thuỷ điện, Kiểm lâm, Thú y, Bảo vệ thực vật, Phòng cháy chữa cháy, Khí tượng thuỷ văn, địa chất, Vật lý địa cầu, Vệ sinh phòng dịch... phải triển khai tốt công tác quản lý thiên tai chuyên ngành, báo cáo kịp thời cho Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Uỷ ban quốc gia về Thập kỷ quốc tế giảm nhẹ thiên tai của Việt Nam.
3. Uỷ ban nhân dân và Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng công ty Điện lực Việt Nam phải chỉ đạo việc kiểm tra, đánh giá chất lượng của hệ thống đê, kè, cống, bờ bao, đập, các hồ chứa nước, hệ thống đường dây tải điện và các công trình phòng, chống lụt, bão khác, khẩn trương hoàn thành kế hoạch tu bổ các công trình, đặc biệt là đối với các công trình bị hư hại do thiên tai gây ra trong năm 1995.
Các tỉnh, thành phố có đê phải hoàn thành việc tu bổ thường xuyên hệ thống đê, kè, cống năm 1996 trước mùa lũ bão, phải kiên quyết chặn đứng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp lệnh về đê điều ở địa phương mình, phải củng cố lực lượng hộ đê và chống lũ; tổ chức tập huấn, diễn tập và tăng cường tuần tra, phát hiện xử lý ngay các sự cố của đê, kè, cống không để phát sinh thành hiểm hoạ.
Các tỉnh, thành phố hạ du công trình thuỷ điện Hoà Bình và trong vùng ngập nước của hồ phải kiểm tra chặt chẽ các phương án phòng chống lũ cho hạ du và bản thân công trình hồ Hoà Bình bảo vệ dân trong vùng hồ chứa, vận hành quy định hồ Hoà Bình thích ứng với mọi tình huống. Đối với các công trình hồ chứa khác như: Thác Bà, Trị An, Đa Nhim, Thác Mơ, Vĩnh Sơn, Ialy, Dầu Tiếng... cũng cần có sự quan tâm tương tự.
Các tỉnh ven sông Đáy chuẩn bị chu đáo kế hoạch hậu phương để sẵn sàng thực hiện lệnh phân lũ khi có tình huống đặc biệt xấu xẩy ra. Các tỉnh ven biển cần hướng dẫn cho nhân dân các biện pháp chủ động phòng, chống và tránh bão, nước dâng, đặc biệt chú ý tới ngư dân sống trong các vùng đầm phá ở miền Trung và ngư dân thường xuyên ở trên các tàu, thuyền đánh cá xa bờ.
Các tỉnh vùng ngập sâu khi có lũ ở đồng bằng sông Cửu Long rút kinh nghiệm công tác phòng chống lũ 1994, 1995 cần có biện pháp cụ thể bảo vệ dân, chủ động thu hoạch lúa hè thu, chủ động chuẩn bị thuyền bè, ngư cụ... từ đầu mùa lũ.
Các tỉnh miền núi và tỉnh có vùng núi phải có kế hoạch sắp xếp khu dân cư ở vùng thường bị lũ quét, hướng dẫn cho nhân dân phòng, chống, tránh lũ quét ở những nơi có khả năng xẩy ra.
Các tỉnh khác phải lo sẵn sàng đối phó với các loại thiên tai: hạn hán, cháy rừng, sâu bệnh, dịch bệnh, sạt lở đất, lũ quét, lốc tố, mưa đá...
Các tỉnh, thành phố trong cả nước phải chỉ đạo thực hiện tốt việc thu quỹ Phòng chống lụt bão theo Pháp lệnh phòng chống lụt bão để đáp ứng kịp thời việc khắc phục các thiên tai cục bộ phát sinh bất thường tại mỗi địa phương.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần giao nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể về tổ chức dự báo và cảnh báo ở địa phương, về việc quản lý và hộ đê trên địa bàn cho chính quyền các cấp trực thuộc, đồng thời có biện pháp tuyên truyền sâu rộng pháp lệnh về đê điều và Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão, phổ biến các bài học kinh nghiệm về phòng chống thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng của các địa phương để mọi người hiểu và thực hiện.
4. Các Bộ, ngành Trung ương và ban chỉ huy phòng chống lụt bão các Bộ, ngành Trung ương như: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc triển khai thực hiện kế hoạch tu bổ đê kè cống ở đồng bằng Bắc bộ và các tỉnh bắc Khu bốn cũ; thực hiện phương án phòng, tránh lũ, lụt ở đồng bằng sông Cửu Long, thực hiện việc quy hoạch phòng chống lũ cơ bản cho các tỉnh duyên hải miền Trung và thực hiện kế hoạch phòng chống lũ quét ở các tỉnh miền núi.
Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương xử lý tốt các vấn đề chi viện khắc phục hậu quả lụt, bão ở địa phương về mặt tài chính và các chính sách cần thiết.
Bộ Quốc phòng bố trí lực lượng, phương tiện và có sự phân công sẵn sàng làm nòng cốt cùng với lực lượng xung kích của các ngành, các địa phương ứng cứu kịp thời các tình huống khẩn cấp xẩy ra, ưu tiên công tác hộ đê chống lũ.
Bộ Thuỷ sản, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Quốc phòng có kế hoạch cụ thể để bảo vệ ngư dân và tàu thuyền hoạt động trên biển.
Bộ Nội vụ có trách nhiệm làm tốt công tác trật tự trị an trong mọi tình huống, đặc biệt làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hoá - Thông tin và các cơ quan Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, các báo chí... phải có biện pháp và hình thức phong phú, thích hợp đưa việc giáo dục kiến thức về phòng chống lụt bão, quản lý thiên tai vào phổ cập trong cộng đồng.
Tổng cục Địa chính cùng các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu các biện pháp quản lý, sử dụng đất tối ưu nhằm bảo đảm an toàn đối với thiên tai địa chấn và lũ lụt.
Tổng cục địa chính cùng các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu các biện pháp quản lý, sử dụng đất tối ưu nhằm bảo đảm an toàn đối với thiên tai địa chấn và lũ lụt.
Tổng cục Khí tượng thuỷ văn cần cung cấp các thông tin về dự báo mưa, lũ, bão kịp thời và đầy đủ cho Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương để chủ động chỉ đạo việc đối phó với thiên tai.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chỉ đạo chặt chẽ công tác đê diều, quản lý các hồ chứa thuộc phạm vị ngành phụ trách, phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và Uỷ ban quốc gia về Thập kỷ quốc tế giảm nhẹ thiên tai của Việt Nam triển khai đồng bộ các mặt công tác phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai trên phạm vi cả nước, hưởng ứng tích cực các hoạt động trong Thập kỷ quốc tế giảm nhẹ thiên tai của Việt Nam.
5. Thanh tra Nhà nước cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương phối hợp kiểm tra đôn đốc các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và báo cáo kịp thời về Văn phòng Chính phủ.
| Trần Đức Lương (Đã ký) |
- 1Nghị định 168-HĐBT năm 1990 quy định về tổ chức, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp và các ngành do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 2Chỉ thị 149-CT về công tác phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai năm 1991 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3Chỉ thị 224-TTg về công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai năm 1993 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Chỉ thị 306-TTg công tác đê điều, phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai năm 1995 do Thủ tướng Chính Phủ ban hành
- 5Chỉ thị 12/1998/CT-TTg về công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai năm 1998 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Chỉ thị 07/1999/CT-TTg về công tác phòng chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai năm 1999 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Nghị định 168-HĐBT năm 1990 quy định về tổ chức, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp và các ngành do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 2Chỉ thị 149-CT về công tác phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai năm 1991 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3Pháp lệnh Phòng chống lụt bão năm 1993
- 4Chỉ thị 224-TTg về công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai năm 1993 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Chỉ thị 306-TTg công tác đê điều, phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai năm 1995 do Thủ tướng Chính Phủ ban hành
- 6Chỉ thị 12/1998/CT-TTg về công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai năm 1998 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Chỉ thị 07/1999/CT-TTg về công tác phòng chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai năm 1999 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chỉ thị 296-TTg về công tác đê điều, phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai năm 1996 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 296-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 10/05/1996
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Trần Đức Lương
- Ngày công báo: 15/08/1996
- Số công báo: Số 15
- Ngày hiệu lực: 25/05/1996
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định