BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2940/CT-BNN-KTHT | Hà Nội, ngày 13 tháng 04 năm 2016 |
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ THEO LUẬT HỢP TÁC XÃ TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP
Luật Hợp tác Xã ra đời và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2013; đến hết năm 2015 đã có 3.021 hợp tác xã trong tổng số 10.902 hợp tác xã nông nghiệp tổ chức hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 (chiếm 29,36%). Trong thời gian qua, từ Trung ương đến các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc chỉ đạo thực hiện Luật và hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong thực tiễn đã xuất hiện ngày càng nhiều hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi, làm cầu nối gắn kết sản xuất của các nông hộ nhỏ với các cơ sở chế biến, tiêu thụ, đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hợp tác xã đã có sự đổi mới về phương thức hoạt động, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất có hiệu quả đáp ứng yêu cầu của sự phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới.
Tuy nhiên, khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém như: Việc đăng ký lại hoạt động của các hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 còn chậm và mang tính hình thức. Đa số các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay hoạt động kém hiệu quả, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã với thành viên, vốn ít, lợi nhuận và doanh thu thấp. Cả nước hiện nay vẫn còn 950 hợp tác xã nông nghiệp (chiếm 8,7%) ngừng hoạt động nhưng vẫn chưa được giải thể. Chất lượng nguồn nhân lực của các hợp tác xã nông nghiệp còn thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh chưa theo kịp cơ chế thị trường. Phần lớn các hợp tác xã mới chỉ thực hiện các hoạt động các dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp mà chưa quan tâm đến các dịch vụ đầu ra như bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp còn hạn chế dẫn đến nhiều rủi ro trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Việc xây dựng mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả gắn với liên kết chuỗi giá trị chưa được triển khai sâu, rộng ở các địa phương; công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hợp tác xã hiệu quả còn hạn chế
Nguyên nhân chính của những tồn tại, yếu kém đó là: Chưa có sự quan tâm đúng mức của các cấp, ngành và chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển đối với các hợp tác; nhận thức của cả cán bộ và người dân về bản chất, vai trò, vị trí và tính cấp thiết phải phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay chưa rõ. Công tác tổ chức triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 còn lúng túng, chồng chéo. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và chính sách hỗ trợ hợp tác xã còn chậm và có nhiều Điểm chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn; thiếu nguồn lực để hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp.
Để khắc phục những tồn tại trên đây của các hợp tác xã nông nghiệp và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2015 về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ và đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện các biện pháp sau đây:
a) Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các mô hình hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả để tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, người dân về vai trò, vị trí, tổ chức hoạt động của hợp tác xã; phân biệt rõ sự khác nhau giữa hợp tác xã với các loại hình sản xuất, kinh doanh khác.
b) Tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp; đặc biệt gắn với việc xây dựng các mô hình liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
c) Ngoài các hỗ trợ chính sách của Trung ương, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố xây dựng chính sách hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp cụ thể cho từng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương.
d) Tham mưu UBND tỉnh, thành phố thành lập tổ công tác liên ngành để rà soát chấn chỉnh hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp hiện có theo đúng Luật Hợp tác xã năm 2012 và chỉ đạo xử lý dứt Điểm bằng cách giải thể hoặc chuyển đổi sang hình thức hoạt động khác đối với các hợp tác xã đã ngừng hoạt động và các hợp tác xã không đủ Điều kiện tổ chức, đăng ký lại hoạt động theo Luật trước ngày 01/7/2016.
đ) Chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch phối hợp để tập trung nguồn lực xây dựng những mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả phù hợp với Điều kiện, nhu cầu của thực tiễn; tổ chức đối thoại với các hợp tác xã thường xuyên để phát hiện và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong thực hiện các chính sách hiện hành.
e) Có kế hoạch tăng cường đào tạo cán bộ hợp tác xã, chú trọng phổ biến kinh nghiệm từ các mô hình hợp tác xã trong nước hoạt động hiệu quả để nhân rộng. Hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp tăng cường năng lực, trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình hợp tác hoạt động có hiệu quả.
g) Củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động và hoạt động hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước về hợp tác xã nông nghiệp của địa phương. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về hợp tác xã nông nghiệp ở các cấp, nhất là việc kiện toàn và nâng cao năng lực các Chi cục Phát triển nông thôn đủ sức đảm đương nhiệm vụ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo; yêu cầu các cơ quan thuộc Bộ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện tốt các nội dung trên và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ (Cục Kinh tế hợp tác và PTNT) vào tháng 12 hàng năm./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 3418/QĐ-BNN-KTHT năm 2015 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Thông báo 24/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về kết quả triển khai Kết luận 56-KL/TW và Chỉ thị 19/CT-TTg về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 2247/TB-BNN-VP ý kiến kết luận của Bộ trưởng Cao Đức Phát Hội nghị Sơ kết 03 năm thực hiện Luật Hợp tác xã và nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế hợp tác năm 2016 trong lĩnh vực nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4Dự thảo Nghị định quy định điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn
- 1Luật hợp tác xã 2012
- 2Chỉ thị 19/CT-TTg năm 2015 về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 3418/QĐ-BNN-KTHT năm 2015 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4Thông báo 24/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về kết quả triển khai Kết luận 56-KL/TW và Chỉ thị 19/CT-TTg về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5Thông báo 2247/TB-BNN-VP ý kiến kết luận của Bộ trưởng Cao Đức Phát Hội nghị Sơ kết 03 năm thực hiện Luật Hợp tác xã và nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế hợp tác năm 2016 trong lĩnh vực nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 6Dự thảo Nghị định quy định điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn
Chỉ thị 2940/CT-BNN-KTHT năm 2016 đẩy mạnh phát triển hợp tác theo Luật Hợp tác Xã trong lĩnh vực nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 2940/CT-BNN-KTHT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 13/04/2016
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Cao Đức Phát
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 13/04/2016
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực