Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/CT-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 27 tháng 12 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG ĐÓI RÉT VÀ DỊCH BỆNH CHO ĐÀN VẬT NUÔI

Hiện nay, tình hình thời tiết và dịch bệnh gia súc, gia cầm đang diễn biến phức tạp. Mưa rét là điều kiện thuận lợi để phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và gây đổ ngã đối với đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Để chủ động phòng chống đói rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất cho người chăn nuôi, UBND tỉnh yêu cầu:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế và các ngành liên quan:

- Tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng; chủ động chế biến, dự trữ thức ăn cho gia súc, gia cầm để cho ăn bồi dưỡng trong mùa mưa rét;

- Tổ chức triển khai tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại gốc, các cơ sở giết mổ, nơi tập trung mua bán động vật và sản phẩm động vật để chủ động phát hiện và kịp thời xử lý dịch bệnh, đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Trước, trong và sau tết Nguyên đán, tổ chức các đoàn kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về chăn nuôi - thú y;

- Tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đối với các vùng có nguy cơ cao như ổ dịch cũ, hố chôn, các nơi giết mổ, mua bán động vật, sản phẩm động vật;

- Dự phòng đầy đủ các loại hoá chất tiêu độc khử trùng, vaccine, kháng sinh điều trị, các loại thuốc bổ trợ khác... để chủ động phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm (khi có dịch xảy ra).

2. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế:

- Phân công cán bộ Ban chỉ đạo phối hợp Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn để tổ chức kiểm tra, hướng dẫn chủ nuôi thực hiện các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng, dự trữ thức ăn; thực hiện tu sửa, che chắn chuồng trại, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại; giữ ấm vật nuôi để phòng các bệnh về đường hô hấp; cần chú ý chăm sóc gia súc non và gia súc già yếu;

- Hướng dẫn chủ nuôi phải đưa trâu bò thả núi về nhốt tại chuồng; không thả rông các loại gia súc, gia cầm khi có rét đậm, rét hại;

- Đốc thúc và chỉ đạo tiêm phòng bổ sung các loại vaccine vụ thu và vaccine lở mồm long móng đạt tỷ lệ cao;

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, chú ý đặc biệt đối với các bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm và tai xanh ở lợn;

- Lập biên bản xác định nguyên nhân, báo cáo nhanh và áp dụng các biện pháp hỗ trợ, xử lý kịp thời khi có vật nuôi bị đổ ngã, dịch bệnh. Không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng và không để xác động vật bị chết trôi nổi gây ô nhiễm môi trường.

3. Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người chăn nuôi để thực hiện tốt các nội dung trên.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế; Thủ trưởng các Sở, ngành liên quan có kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên theo dõi, tổng hợp và báo cáo tình hình về UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Trường Lưu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 29/CT-UBND năm 2013 tăng cường công tác phòng chống đói rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi do tỉnh Thừa Thiên Huế

  • Số hiệu: 29/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 27/12/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Lê Trường Lưu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/12/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản