Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/2009/CT-UBND

Vĩnh Yên, ngày 13 tháng 05 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI, LỤT, BÃO VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2009

Năm 2009, theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện tượng La Nina sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta. Mưa bão xuất hiện nhiều về số lượng, mạnh về cường độ và sức tàn phá, diễn biến thời tiết rất phức tạp, khó lường.

Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị định số 08/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt bão đã được sửa đổi bổ sung năm 2000; Thông báo số 94/TB-VPCP ngày 23/3/2009 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) năm 2008; đồng thời để chủ động có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong công tác PCLB&TKCN giảm nhẹ thiên tai năm 2009, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, UBND tỉnh chỉ thị các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong toàn tỉnh nghiêm chỉnh thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Trách nhiệm chung

Chủ tịch UBND các cấp; thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức khẩn trương củng cố, kiện toàn BCH PCLB&TKCN theo cấp, ngành mình quản lý theo hướng gọn, đủ mạnh (cấp huyện do Chủ tịch UBND, các ngành do thủ trưởng trực tiếp làm trưởng ban) và tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm công tác PCLB&TKCN năm 2008; xây dựng kế hoạch, phương án PCLB&TKCN năm 2009 cụ thể, sát với thực tế và điều kiện từng vùng, từng địa phương; thường xuyên kiểm tra đôn đốc, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện; phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan; tổng hợp tình hình và đề xuất UBND tỉnh các biện pháp đối phó khắc phục hậu quả bão lũ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra; quán triệt công tác tổ chức, chỉ đạo, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ); chuẩn bị đủ lực lượng, vật tư, phương tiện, tổ chức huấn luyện, diễn tập các phương án sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ đê, đập, các công trình khác và tìm kiếm cứu nạn; tăng cường củng cố mạng lưới thông tin liên lạc, hệ thống cảnh báo, dự báo để đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống, thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban trong mùa mưa bão.

2. Trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố, thị xã

2.1. Thực hiện tốt kế hoạch, phương án PCLB&TKCN năm 2009; huy động các nguồn lực ở địa phương theo quy định; phân công công việc cụ thể rõ ràng cho cấp xã, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn; tổ chức chỉ đạo lực lượng hộ đê; chủ động xây dựng kế hoạch bổ sung nhằm đảm bảo đủ trang bị, phương tiện thiết yếu phục vụ cần thiết để có thể huy động kịp thời khi có thiên tai sự cố xảy ra; xây dựng phương án cụ thể trong việc tổ chức di dời, bảo vệ dân ở vùng bãi sông và các vùng sạt lở đến nơi an toàn; chủ động ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí khác theo quy định để khắc phục hậu quả, sớm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.

2.2. Đối với các huyện, thành phố, thị xã có đê: UBND các huyện, thành, thị phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT tập trung chỉ đạo các đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành kế hoạch tu bổ, nâng cấp đê điều trước mùa lũ; kiểm tra đánh giá chất lượng, phát hiện và xử lý kịp thời hư hỏng của các công trình đê, kè, cống.

2.3. Đối với vùng chậm lũ Lập Thạch, Sông Lô, đê bối Vĩnh Tường, Yên Lạc, UBND huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT có phương án cụ thể để chủ động đối phó với mọi tình huống xấu có thể xẩy ra, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, của nhà nước và khẩn trương khôi phục sản xuất sau khi lũ rút.

2.4. UBND các huyện, thị có các xã miền núi: Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương, Tam Đảo, Bình Xuyên, Phúc Yên cần cảnh báo cho nhân dân biết các vùng có thể xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất và có biện pháp phòng tránh tích cực.

2.5. Có kế hoạch dự trữ lương thực và nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân đảm bảo đủ nhu cầu trong mùa lũ bão.

2.6. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp lệnh đê điều theo đúng quy định của pháp luật.

3. Trách nhiệm cụ thể của các sở, ban, ngành trong tỉnh

3.1. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCLB&TKCN) tỉnh: Tổ chức tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo PCLB&TKCN năm 2008; củng cố kiện toàn BCH PCLB&TKCN năm 2009; xây dựng phương án cụ thể xử lý tình huống do lũ lụt, bão lốc gây ra đối với từng khu vực, từng công trình trọng điểm; tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo điều hành, kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện nghiêm túc công tác PCLB&TKCN và giảm nhẹ thiên tai năm 2009.

3.2. Sở Nông nghiệp & PTNT: Là cơ quan thường trực của BCH PCLB& TKCN tỉnh; tham mưu giúp BCH PCLB&TKCN xây dựng kế hoạch PCLB của tỉnh, phương án trọng điểm, xung yếu; hướng dẫn các cấp, ngành trong tỉnh xây dựng kế hoạch, phương án PCLB&TKCN; kiểm tra công tác triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống và khắc phục hậu quả lũ lụt; là đầu mối quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác PCLB&TKCN; cập nhật tình hình diễn biến của khí tượng, thủy văn, của đê điều, hồ đập và các công trình PCLB khác, tình hình thiên tai, các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, của Ban chỉ huy và truyền đạt đầy đủ, kịp thời đến các cấp, các ngành; kiểm kê vật tư dự trữ phòng chống lụt bão, lập kế hoạch xin mua bổ sung và kế hoạch điều động khi cần thiết.

3.3. Trung tâm Khí tượng Thủy văn Vĩnh Phúc: Thu thập tài liệu khí tượng thủy văn và dự báo về mưa, lũ bão hàng ngày; cung cấp kịp thời chính xác số liệu khí tượng thủy văn cho BCH PCLB&TKCN tỉnh để chỉ đạo, điều hành.

3.4. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh: Là lực lượng chủ chốt trong công tác hộ đê, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục thiên tai của tỉnh; có trách nhiệm xây dựng phương án, bố trí lực lượng ứng cứu, chi viện kịp thời cho các trọng điểm đê điều, hồ đập và vùng chậm lũ.

3.5. Công an tỉnh: Bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội ở vùng chậm lũ, công trình trọng điểm, vùng nằm ngoài bãi sông; phối hợp cùng các cấp chính quyền kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các vi phạm pháp lệnh đê điều; phối hợp với Sở Giao thông Vận tải xây dựng phương án đảm bảo giao thông thông suốt khi có lũ bão lớn xảy ra; tham gia hộ đê khi có lũ lớn được BCH PCLB&TKCN tỉnh yêu cầu.

3.6. Sở Giao thông Vận tải: Xây dựng phương án đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống; huy động phương tiện vận tải cho công tác hộ đê, đập, cho công tác sơ tán dân trong vùng chậm lũ Lập Thạch, Sông Lô và vùng đê bối Vĩnh Tường, Yên Lạc.

3.7. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp chặt chẽ với Viễn thông tỉnh đảm bảo thông tin thông suốt từ trung ương đến địa phương; chú trọng củng cố mạng thông tin đến các trọng điểm, các xã dọc các tuyến đê, các hồ đập trong tỉnh.

3.8. Sở Lao động TB&XH: Đảm bảo nhân lực cho công tác hộ đê, đập, khắc phục hậu quả thiên tai; xây dựng phương án, kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ cấp, cứu trợ cho các hộ gia đình bị thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, hoặc phải chậm lũ.

3.9. Điện lực tỉnh: Xây dựng kế hoạch, phương án cung cấp điện phục vụ cho đời sống, sản xuất đảm bảo an toàn cho người, tài sản của nhà nước, của nhân dân khi có bão lụt xảy ra.

3.10. Sở Y tế: Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ môi trường trước và sau lũ; tổ chức tập huấn cho các đội vệ sinh phòng dịch bệnh và làm sạch môi trường, đội sơ cấp cứu ở cả tuyến tỉnh và tuyến huyện; dự trữ đủ cơ số thuốc phòng chống dịch bệnh và làm sạch môi trường khi có lũ lớn xẩy ra.

3.11. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan theo dõi, tổng hợp tình hình thiệt hại do lũ, bão gây ra để đề xuất mức hỗ trợ, kịp thời trình UBND tỉnh quyết định.

3.12. Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc, các Đoàn thể: Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng thường trực BCH PCLB&TKCN tỉnh tổ chức tuyên truyền chỉ thị, chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước, của tỉnh về công tác PCLB&TKCN; thông tin kịp thời những diễn biến về lũ, bão, sạt lở đất và các thiên tai khác để các cơ quan liên quan và nhân dân biết, chủ động phòng chống.

3.13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật về PCLB&TKCN và tích cực tham gia công tác PCLB&TKCN và giảm nhẹ thiên tai.

3.14. Các tổ chức, cá nhân thường xuyên theo dõi các thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình thiên tai, chủ động phòng chống; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, vật tư, lực lượng để tham gia vào công tác phòng chống và khắc phục hậu quả của bão lụt khi được sự huy động của BCH PCLB&TKCN các cấp.

3.15. Văn phòng thường trực BCH PCLB&TKCN tỉnh hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các văn bản về PCLB&TKCN và giảm nhẹ thiên tai và nội dung Chỉ thị này, báo cáo thường xuyên với UBND tỉnh kết quả thực hiện./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Phi

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 29/2009/CT-UBND về công tác phòng chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2009 do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

  • Số hiệu: 29/2009/CT-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/05/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Phi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/05/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản