Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/2006/CT-UBND

Vinh, ngày 24 tháng 10 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO VÀ THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Trong những năm qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An, công tác chống buôn lậu, nhất là buôn lậu trên biển; chống buôn bán hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả đã tổ chức thực hiện có hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các vi phạm pháp luật trong kinh doanh có nhiều tiến bộ.

Những kết quả trên của các sở, ngành chức năng, các địa phương đã góp phần ổn định thị trường, bình ổn giá cả, hỗ trợ sản xuất phát triển, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hiện nay các doanh nghiệp nhà nước ở Nghệ An cơ bản đã chuyển đổi hình thức sở hữu; các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trong tỉnh, ngoài tỉnh, nước ngoài đầu tư sản xuất, kinh doanh vào Nghệ An ngày càng nhiều; các ngành nghề, mặt hàng kinh doanh ngày càng đa dạng, phong phú; nước ta đang đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, sắp tới sẽ là thành viên Tổ chức thương mại thế giới (viết tắt WTO). Những vấn đề này đòi hỏi công tác quản lý thị trường phải tăng cường về nhiều mặt. Tổ chức lực lượng, trang bị phương tiện, kinh phí hoạt động, trình độ, năng lực kiểm tra, kiểm soát thị trường; song các yếu tố này ở Nghệ An còn nhiều tồn tại, hạn chế chưa đáp ứng được nhiệm vụ trước mắt và bất cập so với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục tồn tại hạn chế, từng bước đưa công tác quản lý thị trường thực hiện được yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành chức năng, các địa phương thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Giao cho các sở, ban, ngành chức năng căn cứ nhiệm vụ cụ thể của mình, xây dựng chương trình hành động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Trung ương, của UBND tỉnh về chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ, kinh doanh trái phép để các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể nắm bắt kịp thời, phối hợp hành động; để cho cơ sở kinh doanh hiểu, tự giác chấp hành, nhân dân biết ủng hộ và làm chỗ dựa vững chắc cho các lực lượng làm công tác quản lý thị trường.

2. Các cơ quan làm công tác quản lý thị trường không ngừng vươn lên, trực tiếp thực hiện, hướng dẫn, phối hợp với UBND các cấp thực hiện nhiệm vụ của sở, ngành mình, giúp UBND tỉnh kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ, các hành vi kinh doanh trái phép, tổ chức sắp xếp thị trường, ngành hàng, mặt hàng theo hướng văn minh hiện đại, góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh phát triển, ổn định thị trường, bình ổn giá cả, bảo vệ lợi ích của người sản xuất, kinh doanh chân chính, bảo vệ người tiêu dùng và cũng là bảo vệ lợi ích quốc gia.

3. Nhiệm vụ cụ thể của sở, ngành chức năng UBND cấp huyện:

3.1. Giao cho Chi cục Quản lý thị trường:

a) Xây dựng đề án: Xây dựng lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh từng bước chính quy, tổ chức chặt chẽ trình UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

b) Với chức năng thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại, (gọi tắt là Ban chỉ đạo 127 tỉnh) chủ trì và phối hợp với:

b.1) Cục Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Công an kinh tế, các địa phương ven biển tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 29/2002/CT-UBND ngày 13-8-2006 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tăng cường các biện pháp đấu tranh chống buôn lậu trên biển, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, xỏa bỏ tận gốc buôn lậu trên biển; trước mắt xoá bỏ tiềm ẩn bùng phát buôn lậu từng thời điểm, nhất là dịp tết âm lịch.

Tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn, đặc biệt các địa bàn trọng điểm, trên các tuyến đường sắt, Quốc lộ 1A, 48, 7, 46 nhằm phát hiện và xử lý hàng cấm xuất, cấm nhập, hàng cấm vào Nghệ An và vận chuyển, lưu thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Thông qua nghiệp vụ, phát hiện triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu.

b.2) Sở Khoa học và Công nghệ, các sở chuyên ngành: Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Văn hóa - Thông tin, Thủy sản... chính quyền các cấp:

+ Kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất hàng giả, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng thiết yếu như: hàng ăn, uống, thuốc chữa bệnh liên quan đến sức khỏe con người, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sức khỏe cho nhân dân.

+ Kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ, đặc biệt các hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm.

3.2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư năm 2007 chủ trì phối hợp với Sở Thương mại, các sở chuyên ngành, UBND cấp huyện tổng kết công tác đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép đặt văn phòng đại diện, chi nhánh cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nước ngoài; văn phòng đại diện nước ngoài tổng kết công tác cấp giấy phép hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện; tổng kết việc cấp giấy phép kinh doanh, dịch vụ cho các hộ, cá nhân ra kinh doanh ở địa bàn các huyện, thành phố, thị xã.

Thông qua tổng kết để chấn chỉnh công tác cấp đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép theo hướng cải cách thủ tục hành chính, cấp gắn liền với công tác quản lý kinh doanh dịch vụ.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cục Thuế, Chi cục Quản lý thị trường, các sở chuyên ngành tăng cường kiểm tra sau cấp đăng ký kinh doanh, sau cấp giấy phép hành nghề, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để hướng dẫn, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các đối tượng tự ý ra kinh doanh không đăng ký, kinh doanh không đúng nội dung đã đăng ký, không có giấy phép hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện và trốn lậu thuế.

3.3. Cục Hải quan, Cục Thuế Nghệ An tăng cường công tác chống gian lận thương mại, chống thất thu, thất nộp thuế XNK, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Phối hợp với Công an kinh tế kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng cố tình nợ đọng thuế, nhất là các đối tượng nợ thuế trốn chạy, bằng các thủ đoạn để giải thể doanh nghiệp sau đó thành lập doanh nghiệp dưới danh nghĩa khác.

3.4. Giao Sở Thương mại chủ trì phối hợp với các sở chuyên ngành tổ chức, sắp xếp thị trường, ngành hàng, mặt hàng trên địa bàn tỉnh; trước mắt là tổ chức sắp xếp ở thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò; trong năm 2007 xây dựng xong đề án tổ chức sắp xếp thị trường, ngành hàng, mặt hàng theo hướng văn minh, hiện đại trình UBND tỉnh phê duyệt.

Sở Thương mại chủ trì phối hợp với UBND thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và một số địa phương có lợi thế thương mại tham mưu cho UBND tỉnh về địa điểm, vị trí cho các doanh nghiệp nước ngoài xin đặt địa điểm bán hàng, mở đại lý bán hàng, giới thiệu sản phẩm tại các địa phương này.

4. Chế độ trao đổi cung cấp thông tin:

Các sở, ngành khi cấp các loại giấy phép cho các cơ sở kinh doanh phải mở sổ sách theo dõi, cập nhật và lưu giữ lâu dài; khi có điều kiện đưa lên mạng để truy cập khai thác trao đổi thông tin, trước mắt, để thuận lợi cho các sở, ngành liên quan trong việc kiểm tra, kiểm soát và quản lý sau cấp phép kinh doanh hành nghề... Yêu cầu định kỳ 6 tháng 1 lần:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp danh sách các doanh nghiệp đã đăng ký giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đơn vị giải thể, tự giải tán, đặt chi nhánh, văn phòng đại diện cho Cục Thuế, Chi cục Quản lý thị trường, UBND cấp huyện (có doanh nghiệp được cấp phép, thu hồi, hủy bỏ giấy phép).

- Cục Thuế cung cấp danh sách các doanh nghiệp đã đăng ký nộp thuế tại Nghệ An cho Chi cục Quản lý thị trường.

- Ủy ban nhân dân cấp huyện cung cấp danh sách các hộ, cá nhân đã cấp phép kinh doanh dịch vụ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thương mại, Cục Thuế, Chi cục Quản lý thị trường.

5. Giao Sở Thương mại theo dõi việc triển khai, tổ chức thực hiện chỉ thị này của các sở, ngành và địa phương. Các sở, ngành, địa phương nói trên, định kỳ 6 tháng 1 lần báo cáo kết quả thực hiện chỉ thị này về Sở Thương mại tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo.

Nhận được Chỉ thị này các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ nội dung liên quan nghiêm túc thực hiện./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Hành

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 29/2006/CT-UBND tăng cường chỉ đạo và thực hiện công tác quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An

  • Số hiệu: 29/2006/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 24/10/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Nguyễn Văn Hành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/11/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản