THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 287-TTg | Hà Nội, ngày 18 tháng 07 năm 1977 |
CHỈ THỊ
VỀ PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO THI ĐUA TĂNG GIA SẢN XUẤT LƯƠNG THỰC, RAU MÀU, PHÒNG GIÁP HẠT THÁNG 8 VÀ GIÀNH VỤ MÙA THẮNG LỢI
Hiện nay, tại các tỉnh miền Bắc, các hợp tác xã đang khẩn trương thu hoạch vụ chiêm xuân, tích cực làm nghĩa vụ lương thực; ở các tỉnh phía Nam, bà con nông dân đang ra sức chăm bón, chuẩn bị thu hoạch vụ hè thu và tiếp tục bán thóc cho Nhà nước. Trong cả nước sản xuất hoa màu được đẩy mạnh hơn trước, phong trào làm vụ mùa thắng lợi đã bắt đầu; đồng thời các địa phương đang tích cực chuẩn bị điều kiện để mở rộng diện tích trong vụ đông và đông xuân tới, đón mừng nghị quyết Hội nghị lần thứ hai của Ban chấp hành trung ương Đảng về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, tiếp theo vụ mùa năm 1976 bị giảm sút ở nhiều tỉnh, vụ đông năm nay do ảnh hưởng khắc nghiệt của thời tiết đã hụt nhiều so với kế hoạch về cả ba mặt: diện tích, năng suất và sản lượng; do đó có ảnh hưởng đến khả năng làm nghĩa vụ lương thực cho Nhà nước, mức ăn của nông dân ở nhiều nơi thuộc các tỉnh phía Bắc bị giảm so với mọi năm.
Trước tình hình lương thực khẩn trương như vậy, tại nhiều nơi, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương kết hợp với các đoàn thể quần chúng, đi đôi với việc thực hiện kế hoạch vụ mùa, đã mở cuộc vận động toàn dân tận dụng đất đai sản xuất rau màu. Đó là một hướng tích cực rất đáng khuyến khích và mở rộng, gây thành một phong trào cách mạng sôi nổi, rộng khắp của quần chúng trong cả nước.
Hội đồng Chính phủ quyết định:
Bắt đầu từ quý III năm nay, quán triệt tinh thần nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng và nghị quyết về nông nghiệp của Hội nghị trung ương Đảng lần thứ hai, trong tất cả các ngành, các cấp và cơ sở, phải phát động một phong trào thi đua rộng khắp và sôi nổi nhằm tận dụng mọi khả năng đất đai còn bỏ trống có thể trồng trọt được (sân trường học, xí nghiệp, bờ ao, hàng rào, v.v…), thực hiện khẩu hiệu “Tấc đất tấc vàng”, đẩy mạnh sản xuất thật nhiều lương thực và rau màu quyết giành chủ động, khắc phục khó khăn trước mắt về lương thực, thực phẩm nhất là trong kỳ giáp hạt tới. Trên cơ sở của phong trào này sẽ tiến lên mạnh hơn nữa để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu và sản xuất lương thực năm 1977 và kế hoạch 5 năm. Phong trào thi đua này phải thu hút tất cả các hợp tác xã, các hộ nông dân và nhân dân lao động, tất cả các lực lượng lao động thừa ở thành thị và nông thôn, công nhân, viên chức các cơ quan, xí nghiệp, nông trường, lâm trường, các đơn vị quân đội, công an vũ trang, các trường học các cấp. Phương châm chỉ đạo phong trào này là “Phát huy truyền thống cách mạng và năng lực sáng tạo của quần chúng; tăng cường đoàn kết tương trợ để khắc phục khó khăn, quyết giành thắng lợi”.
Ở nông thôn cũng như ở thành thị, phải tận dụng hết diện tích có thể tận dụng để sản xuất thêm rau, màu, lương thực. Nơi nào còn diện tích mà chưa tận dụng hết phải để cho nơi khác đến tận dụng dù chỉ là trong một vụ rau, màu; nơi có sức lao động nhiều hỗ trợ cho nơi thiếu sức lao động. Các ngành, địa phương, các cơ sở phải phát huy tinh thần tự lực cánh sinh và sáng kiến của quần chúng mà cố gắng tự giải quyết các nhu cầu về giống, nông cụ, và các tư liệu sản xuất khác, cần phát huy tinh thần tương trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa các ngành, các địa phương, các đơn vị để giải quyết tốt vấn đề này. Cơ quan Nhà nước có thể sắp xếp để giành hẳn một số người đi sản xuất rau màu, lương thực với điều kiện cơ quan vẫn hoàn thành nhiệm vụ, người ở nhà bảo đảm làm thay người đi sản xuất và tranh thủ những ngày nghỉ góp thêm công sức để sản xuất thật nhiều, chăm bón thật tốt.
Trong khi phát động phong trào thi đua này phải gắn liền việc đẩy mạnh sản xuất rau màu trước mắt với việc đẩy mạnh sản xuất vụ mùa, giành vụ mùa thắng lợi và chuẩn bị cho vụ đông; gắn liền đẩy mạnh việc sản xuất rau màu, lương thực để tự túc ở từng cơ quan, đơn vị với việc làm tốt nhiệm vụ phục vụ nông nghiệp và giúp đỡ nông dân tăng gia sản xuất, không được để sao nhãng công việc phục vụ cho nông nghiệp về các mặt.
Thủ trưởng các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở có trách nhiệm kết hợp chặt chẽ với các đoàn thể nhân dân để chỉ đạo phong trào theo sự phân công như sau:
- Tổng công đoàn Việt Nam phụ trách phong trào trong các tổ chức công đoàn các ngành và các cấp.
- Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ phụ trách phong trào trong các lực lượng vũ trang.
- Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục phụ trách phong trào trong các trường do ngành mình quản lý.
- Bộ Nông nghiệp, Ban nông nghiệp trung ương phụ trách phong trào trong các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, trong nông dân lao động ở các tỉnh phía Nam. Bộ Nông nghiệp chú ý hướng dẫn các địa phương và các ngành tự điều hòa, giúp đỡ nhau những loại giống cần thiết để tăng gia sản xuất.
Cơ quan nông nghiệp ở mỗi địa phương có trách nhiệm giúp đỡ, hướng dẫn cụ thể về cây trồng theo từng thời vụ, về cách chăm bón và bảo vệ cây trồng để có hiệu quả thiết thực.
- Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kết hợp với công đoàn và tổ chức phong trào thi đua của giới mình ở các cấp.
- Ủy ban nhân dân các cấp là người trực tiếp quản lý đất đai, lao động có trách nhiệm chỉ đạo chung và giải quyết các vấn đề cụ thể để tận dụng đất đai, lao động trong phạm vi lãnh thổ của mình. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, các huyện, quận, thị xã có trách nhiệm kiểm tra nắm hết mọi diện tích có thể sản xuất rau, màu, lương thực trong địa phương, kể cả diện tích trong các cơ quan, xí nghiệp, công trường, doanh trại quân đội, nhà tập thể, khu cư xá ở thành phố, thị xã… để đôn đốc các hợp tác xã, các nông, lâm trường, các cơ quan, đơn vị tăng gia sản xuất hoặc giao cho các cơ quan, đơn vị khác đến sản xuất nếu cơ quan chủ quản đất đai không đủ sức làm hết diện tích.
- Ban thi đua trung ương có trách nhiệm theo dõi phong trào hướng dẫn thi đua giữa các ngành, các địa phương, các đơn vị để kịp thời khen thưởng, động viên những đơn vị, cá nhân thi đua tốt.
- Các cơ quan tuyên truyền, thông tin, báo chí có trách nhiệm tuyên truyền cổ động cho phong trào này.
Đợt thi đua này quy định từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 10 năm 1977, sơ kết vào tháng 11 năm 1977 để phát động đợt thứ hai vào vụ đông xuân 1977 - 1978. Trong thời gian ấy địa phương nào, xí nghiệp nào, cơ quan và đơn vị nào bất cứ ở cấp nào không làm gì hoặc làm chiếu lệ cho có hình thức thì thủ trưởng mỗi đơn vị, mỗi cấp phải chịu trách nhiệm về những hình thức phê phán hoặc các hình thức kỷ luật khác tùy theo thái độ và kết quả thực hiện chỉ thị này trước chính quyền của mỗi cấp và trước Chính phủ.
Phát động phong trào thi đua tăng gia sản xuất vào lúc này đang có nhiều thuận lợi: lao động dồi dào, đất đai có sẵn, việc gieo trồng rau, màu đang trong thời vụ, nhân dân ta vốn rất nhiệt tình cách mạng, cần cù lao động và lúc này đang có yêu cầu cấp bách về lương thực, thực phẩm, rau màu. Chúng ta hãy phát huy thuận lợi đó, phát động phong trào này một cách kiên trì và có tổ chức, kết hợp phát động phong trào này với việc giáo dục quần chúng thực hiện toàn diện nghị quyết của Hội nghị trung ương Đảng lần thứ hai, động viên tinh thần đoàn kết tương trợ, khắc phục mọi khó khăn để giành thắng lợi lớn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp nghiêm chỉnh thi hành chỉ thị này và thường xuyên báo cáo kết quả lên Thường vụ Hội đồng Chính phủ.
| KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Chỉ thị 287-TTg năm 1977 về việc phát động phong trào thi đua tăng gia sản xuất lương thực, rau màu, phòng giáp hạt tháng 8 và giành vụ mùa thắng lợi do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 287-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 18/07/1977
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phạm Hùng
- Ngày công báo: 31/07/1977
- Số công báo: Số 13
- Ngày hiệu lực: 18/07/1977
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định