THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 280-TTg | Hà Nội, ngày 15 tháng 05 năm 1978 |
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC BẢO ĐẢM SỰ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP
Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và trước cấp trên. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng địa phương, trong phạm vi pháp luật Nhà nước đã quy định, Hội đồng nhân dân các cấp quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế, văn hóa và xã hội trong địa phương, giám sát toàn bộ hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội thuộc địa phương.
Vị trí và chức năng của Hội đồng nhân dân rất quan trọng như trên, nhưng hiện nay ở nhiều địa phương Hội đồng nhân dân các cấp chưa thực hiện đầy đủ chức năng của mình như Luật tổ chức và họat động của Hội đồng nhân dân các cấp đã quy định, vai trò tác dụng của Hội đồng nhân dân còn bị hạn chế.
Để quán triệt nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng, tăng cường sự hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh, huyện, xã, bảo đảm cho Hội đồng nhân dân các cấp phát huy được chức năng của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, thực sự tiêu biểu cho quyền làm chủ của nhân dân địa phương, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Ủy ban nhân dân các cấp (trước hết là đồng chí Chủ tịch), với chức năng là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, có trách nhiệm bảo đảm mọi thuận lợi cho Hội đồng nhân dân cấp mình hoạt động mạnh mẽ, thiết thực theo đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn do luật pháp quy định. Ủy ban nhân dân các cấp phải tạo điều kiện giúp cho các đại biểu Hội đồng nhân dân nắm vững các nhiệm vụ quyền hạn của mình mà luật pháp đã quy định. Căn cứ vào chỉ thị này và thực tế hoạt động của Hội đồng nhân dân ở địa phương trong thời gian qua, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp phải tiến hành kiểm điểm, rút kinh nghiệm về sự hoạt động của Hội đồng nhân dân cũng như của các đại biểu Hội đồng nhân dân và về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân trong việc bảo đảm cho các hoạt động đó. Trên cơ sở rút kinh nghiệm, đề ra các biện pháp thiết thực nhằm tăng cường sự hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp mình.
2. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng địa phương, Hội đồng nhân dân các cấp cần tập trung vào việc bàn và quyết định những vấn đề quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, đặc biệt coi trọng việc bàn và thông qua quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế công, nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển văn hóa; dự đoán và quyết toán ngân sách; chủ trương và biện pháp để phân bố và tận dụng sức lao động, đất đai, tiền vốn, vật tư kỹ thuật,… của địa phương nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước về các mặt sản xuất, xây dựng, thu mua, giao nộp sản phẩm cho Nhà nước và cải thiện đời sống của nhân dân địa phương; Hội đồng nhân dân các cấp cần bàn các biện pháp nhằm bảo đảm cho mọi chủ trương, luật pháp của Nhà nước được chấp hành nghiêm chỉnh trong địa phương; đồng thời phải quan tâm đến những việc quan trọng khác có quan hệ trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ và tình cảm của nhân dân địa phương như các nội quy, quy tắc về bảo vệ trị an, xây dựng nếp sống văn minh, chống các mặt tiêu cực lạc hậu, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, tài sản và tính mạng của công dân ở địa phương…
Riêng ở cấp huyện, ngoài việc bàn và quyết định các biện pháp thực hiện kế hoạch và ngân sách của tỉnh (theo như luật tổ chức Hội đồng nhân dân các cấp đã quy định), Hội đồng nhân dân huyện phải nghiên cứu thảo luận và thông qua dự án kế hoạch và ngân sách của huyện.
Những vấn đề thuộc quyền hạn và nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân quyết định đều phải được cấp ủy Đảng ở địa phương trực tiếp lãnh đạo việc đưa ra Hội đồng nhân dân bàn và quyết định. Trường hợp Hội đồng nhân dân không họp và do yêu cầu công việc đòi hỏi phải giải quyết khẩn trương thì Ủy ban nhân dân phải báo cáo xin ý kiến của cấp ủy Đảng cùng cấp rồi quyết định và phải báo cáo với Hội đồng nhân dân để phê chuẩn trong kỳ họp gần nhất.
3. Ủy ban nhân dân phải triệu tập đều đặn, đúng kỳ hạn các hội nghị Hội đồng nhân dân cùng cấp. Trường hợp có lý do chính đáng không thể họp đúng kỳ hạn được thì phải được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp trên (đối với Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trrung ương thì phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ), nhưng cũng không được chậm quá một tháng và phải báo cho đại biểu Hội đồng nhân dân biết.
Ủy ban nhân dân phải báo cho đại biểu Hội đồng nhân dân biết trước chương trình và nội dung vấn đề sẽ bàn ở Hội nghị để các đại biểu chuẩn bị ý kiến và thu thập ý kiến của các cử tri (đối với những vấn đề quan trọng); đồng thời phải cố gắng gửi báo cáo, đề án cho đại biểu nghiên cứu trước.
Khi họp hội nghị, phải triệt để phát huy quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, trách nhiệm và quyền hạn của các đại biểu, phải có thời gian cần thiết để đại biểu đóng góp ý kiến. Những vấn đề cần biểu quyết, phải tiến hành theo đúng thủ tục. Những vấn đề mà pháp luật quy định thuộc quyền phê chuẩn của cấp trên thì trước khi thi hành, phải được cấp trên phê chuẩn.
Ủy ban nhân dân các cấp phải gửi biên bản và nghị quyết cuộc họp Hội đồng nhân dân cấp mình lên Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp; biên bản và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải gửi mỗi thứ một bản đến Ủy ban thường vụ Quốc hội, một bản đến Hội đồng Chính phủ; nhận được biên bản, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới, Ủy ban nhân dân cấp trên phải kịp thời xem xét và phê chuẩn (đối với vấn đề cần phê chuẩn); nếu biên bản hoặc nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới có sai sót về pháp luật hoặc về nội dung thì Ủy ban nhân dân cấp trên phải có chỉ thị bổ cứu ngay.
4. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp, Ủy ban nhân dân phải trả lời hoặc tổ chức cho cơ quan bị chất vấn trả lời nhanh chóng, nghiêm chỉnh; trường hợp phải có thời gian để điều tra, nghiên cứu đối với các vấn đề chất vấn, thì thời hạn trả lời không quá một tháng, kể từ ngày nhận được lời chất vấn.
Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp trên có quyền dự các kỳ họp của Hội đồng nhân dân cấp dưới thuộc đơn vị đại biểu đó trúng cử. Vì vậy, khi Hội đồng nhân dân họp phải mời đại biểu Hội đồng nhân dân cấp trên trúng cử ở địa phương tới dự, nhằm giúp cho đại biểu Hội đồng nhân dân cấp trên nắm được phong trào và nguyện vọng của nhân dân địa phương.
5. Các đại biểu Hội đồng nhân dân phải thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu ý kiến, nguyện vọng của cử tri, nắm tình hình thi hành chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và động viên nhân dân nghiêm chỉnh thi hành chính sách, pháp luật và hăng hái thi đua lao động, sản xuất, công tác, thực hành tiết kiệm. Ngoài việc tiếp xúc riêng, đại biểu Hội đồng nhân dân cần định kỳ tiếp xúc với toàn thể hoặc đại biểu cử tri ở đơn vị bầu ra mình. Ủy ban nhân dân cần tạo điều kiện giúp Hội đồng nhân dân nắm được nội dung các chính sách, pháp luật và các phương tiện cần thiết để việc tiếp xúc, trao đổi giữa đại biểu Hội đồng nhân dân với cử tri được dễ dàng và thu được kết quả thiết thực.
Khi thu thập được ý kiến nguyện vọng của cử tri hoặc phát hiện thấy có cơ quan (hoặc tổ chức) và cá nhân nào có hành động gây phiền hà cho nhân dân, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của tập thể hay của công dân thì đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền phản ánh hoặc trực tiếp can thiệp, yêu cầu Ủy ban nhân dân hay người có trách nhiệm trong cơ quan đó (hoặc tổ chức đó) và các cơ quan có liên quan giải quyết. Các cơ quan, tổ chức được yêu cầu có trách nhiệm phải giải quyết và trả lời cho đại biểu Hội đồng nhân dân.
6. Văn phòng Phủ Thủ tướng (Văn phòng Nội chính phối hợp với Văn phòng địa phương) giúp Thường vụ Hội đồng Chính phủ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, Ban tổ chức của Chính phủ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động và các ngành có liên quan nghiên cứu trình Chính phủ ban hành các chế độ cần thiết nhằm tăng cường họat đông của Hội đồng nhân dân các cấp.
Chỉ thị này cần được phổ biến đến tất cả các ngành, các cơ quan, các cấp và các đại biểu Hội đồng nhân dân.
Văn phòng Phủ thủ tướng có trách nhiệm giúp Hội đồng Chính phủ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các cấp thi hành chỉ thị này.
| KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Chỉ thị 280-TTg năm 1978 về việc bảo đảm sự hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 280-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 15/05/1978
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Lê Thanh Nghị
- Ngày công báo: 15/05/1978
- Số công báo: Số 9
- Ngày hiệu lực: 30/05/1978
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định