Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 28/CT-UBND | Hải Phòng, ngày 28 tháng 11 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ
Hút thuốc lá, thuốc lào (sau đây gọi chung là thuốc lá) là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm đối với sức khỏe, như: Ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, xơ vữa mạch máu và nhiều bệnh khác. Khói thuốc lá gây nguy hiểm cho cả người hút thuốc và những người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc (còn gọi là hút thuốc lá thụ động). Bên cạnh đó, hút thuốc lá còn gây ra những tổn thất về kinh tế cho cá nhân, gia đình và xã hội; làm lãng phí thời gian lao động và tăng nguy cơ cháy nổ; làm giảm giá trị văn minh nơi công sở và nơi công cộng.
Xác định rõ nguy cơ có hại của hút thuốc lá đối với sức khỏe và sự phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/2007/CT-TTg ngày 10/5/2007 về việc tăng cường các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá và Quyết định số 1315/QĐ-TTg ngày 21/8/2009 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá; ngày 12/01/2010, Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá tại Quyết định số 38/QĐ-UBND.
Những năm vừa qua, các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể thành phố đã triển khai các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá; hầu hết các cơ quan, đơn vị đã thực hiện các quy định về cấm hút thuốc lá trong công sở và ở nơi công cộng. Song, tình trạng hút thuốc lá vẫn còn khá phổ biến trong công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và ở các đám cưới, đám tang, sinh hoạt tập thể của gia đình, bạn bè và ở nơi công cộng; một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện các quy định cấm hút thuốc lá và chưa thực hiện nghiêm các chế tài xử lý vi phạm trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Để tiếp tục tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá; Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị:
I- TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ:
1. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục sức khỏe về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
a) Thường xuyên đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các cơ quan, công sở, trường học và cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân để phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, thanh niên, học sinh và đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể không hút thuốc lá.
b) Tuyên truyền, vận động nhân dân không sử dụng và mời thuốc lá trong đám cưới, đám tang và trong các cuộc vui gia đình, bạn bè.
2. Thực thi nghiêm quy định cấm hút thuốc lá ở nơi làm việc, trong trường học và nơi công cộng.
a) Nghiêm cấm hút thuốc lá ở các bệnh viện, trường học, nơi làm việc trong nhà, nơi có đông người tham gia sinh hoạt, trên các phương tiện giao thông công cộng và nơi có nguy cơ cháy nổ cao. Tại những nơi cấm hút thuốc lá phải treo biển có chữ hoặc biểu tượng “Cấm hút thuốc lá”.
b) Tại các nơi công cộng trong nhà (thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà văn hóa, nhà thi đấu thể thao, sân vận động có mái che, nhà triển lãm, phòng đợi của nhà ga, bến tàu xe, sân bay, bến phà...) và khu vui chơi, giải trí trong nhà, các nhà hàng, quán bar, karaoke, khách sạn, vũ trường phải bố trí khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá.
c) Coi hành vi vi phạm quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá là hành vi vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị và nơi công cộng.
3. Thực hiện in lời cảnh báo sức khỏe trên vỏ bao thuốc lá.
a) Các cơ sở sản xuất thuốc lá phải thực hiện nghiêm quy định hiện hành của Nhà nước về việc in nội dung cảnh báo tác hại của thuốc lá trên vỏ mỗi bao thuốc lá.
b) Các quy định khác về vệ sinh an toàn đối với sản phẩm thuốc lá thực hiện theo quy định hiện hành.
4. Tăng cường hoạt động kiểm soát kinh doanh các sản phẩm thuốc lá.
a) Nghiêm cấm bán các sản phẩm thuốc lá trong các cơ quan, trường học, bệnh viện, trên các phương tiện giao thông công cộng và những nơi cấm hút thuốc lá theo quy định tại điểm a khoản 2 Mục I Chỉ thị này.
b) Kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm thuốc lá thông qua việc thường xuyên kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất, đại lý bán buôn, điểm bán lẻ sản phẩm thuốc lá.
c) Kiên quyết chống kinh doanh thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác và thuốc lá kém chất lượng. Thực hiện tiêu hủy triệt để các sản phẩm thuốc lá này.
d) Cấm bán thuốc lá bằng máy bán hàng tự động, bán qua mạng Internet và bán qua điện thoại.
5. Tăng cường quản lý thực hiện các quy định cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị và tài trợ gắn với mục đích sản xuất và kinh doanh thuốc lá.
a) Thực hiện nghiêm các quy định về cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá hoặc sử dụng thuốc lá làm sản phẩm khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ khác dưới mọi hình thức.
b) Cấm mọi hình thức tài trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của các đơn vị sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuốc lá có gắn với mục đích quảng cáo các sản phẩm thuốc lá.
c) Cấm các tổ chức, đơn vị và cá nhân nhận tài trợ của các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc lá để tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động giáo dục, chăm sóc sức khỏe, hội thảo khoa học và các hoạt động xã hội khác có gắn với việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá.
d) Tăng cường các biện pháp về thuế và giá thuốc lá theo lộ trình quy định của Nhà nước để hạn chế việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuốc lá và hạn chế người dân sử dụng các sản phẩm thuốc lá.
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Sở Y tế:
a) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá và tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ quốc gia không khói thuốc lá” hàng năm.
b) Là cơ quan đầu mối, phối hợp với các sở, ngành, tổ chức đoàn thể trong việc triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá.
c) Chủ trì thực hiện Dự án “Xây dựng thành phố Hải Phòng không khói thuốc lá”; chỉ đạo xây dựng các mô hình “Không khói thuốc lá”; tổ chức truyền thông, giáo dục sức khỏe về phòng, chống tác hại của thuốc lá và hướng dẫn các biện pháp cai nghiện thuốc lá.
d) Lồng ghép hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá vào các chương trình chăm sóc sức khỏe do ngành Y tế quản lý, như: Xây dựng “Làng, tổ dân phố, gia đình văn hóa - sức khỏe”, phòng chống HIV/AIDS, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và các chương trình y tế khác.
e) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về cấm hút thuốc lá theo quy định tại điểm a khoản 2 Mục I Chỉ thị này.
2. Sở Thông tin và Truyền thông:
a) Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thành phố (Báo Hải Phòng, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo An ninh Hải Phòng) và thông tin cơ sở đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và xây dựng các chuyên mục, chuyên đề về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
b) Có biện pháp hạn chế thấp nhất việc sử dụng hình ảnh hút thuốc lá trên phương tiện truyền thông và trong các tác phẩm nghệ thuật.
3. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch:
a) Chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc cấm quảng cáo các sản phẩm thuốc lá. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.
b) Chỉ đạo các cơ sở văn hóa, thể thao, du lịch, dịch vụ thực hiện nghiêm các quy định cấm hút thuốc lá.
c) Đưa các nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào tiêu chí phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng các mô hình sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt gia đình, đám cưới, đám tang “Không khói thuốc lá”.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo:
a) Chỉ đạo các trường học không bán thuốc lá trong trường học; có biện pháp giám sát, phát hiện, nhắc nhở, ngăn chặn học sinh hút thuốc lá.
b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tác hại của thuốc lá; thông qua học sinh tuyên truyền đến các bậc phụ huynh thực hiện không hút thuốc lá trong nhà và từ bỏ thuốc lá.
c) Đưa các nội dung kiến thức, kỹ năng phòng, chống tác hại của thuốc lá vào chương trình giáo dục ngoại khóa cho học sinh, sinh viên phù hợp với tâm sinh lý của từng đối tượng.
5. Sở Công thương:
a) Tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, đại lý bán buôn và điểm bán lẻ các sản phẩm thuốc lá.
b) Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn, thu giữ và tiêu hủy các sản phẩm thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác, thuốc lá kém chất lượng lưu hành trên thị trường. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Tăng cường quản lý vùng trồng cây thuốc lá và sản xuất nguyên liệu thuốc lá đảm bảo vệ sinh an toàn.
b) Hướng dẫn nông dân hạn chế trồng thuốc lá và từng bước chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao.
7. Sở Nội vụ, Sở Lao động Thương binh và Xã hội:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường dạy nghề thực hiện tốt phong trào xây dựng “Cơ quan văn hóa” và thực hiện các quy định về cấm hút thuốc lá đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
b) Đưa việc thực hiện các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá, xây dựng cơ quan, đơn vị “Không khói thuốc lá” vào tiêu chí bình xét thi đua hàng năm.
8. Ủy ban nhân dân các quận, huyện:
a) Chỉ đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể ở địa phương thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Chỉ thị này và các quy định hiện hành của Nhà nước.
b) Chỉ đạo đưa nội dung hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá và việc thực hiện các quy định cấm hút thuốc lá vào nội quy, quy chế của các cơ quan, đơn vị và hương ước của địa phương.
c) Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sự tham gia tích cực của cả cộng đồng vào các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá.
9. Các Sở, ngành, tổ chức đoàn thể:
a) Có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Chỉ thị này và các quy định hiện hành của Nhà nước.
b) Tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đoàn viên, hội viên không hút thuốc lá.
c) Xây dựng các mô hình điểm “Không khói thuốc lá”, các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt gia đình không sử dụng thuốc lá; trên cơ sở đó rút kinh nghiệm và nhân rộng ra cộng đồng.
Các Sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể và Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này; định kỳ 01 năm gửi báo cáo kết quả hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá tại cơ quan, đơn vị, địa phương về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1Chỉ thị 04/2008/CT-UBND về tăng cường các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn thành phố Cần Thơ do Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành
- 2Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2010 thực hiện phòng chống tác hại của thuốc lá do tỉnh Đồng Tháp ban hành
- 3Quyết định 2092/QĐ-UBND năm 2013 về Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020 của tỉnh Sơn La
- 1Chỉ thị 12/2007/CT-TTg về tăng cường các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 04/2008/CT-UBND về tăng cường các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn thành phố Cần Thơ do Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành
- 3Quyết định 1315/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt kế hoạch thực hiện công ước khung về kiểm soát thuốc lá do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2010 thực hiện phòng chống tác hại của thuốc lá do tỉnh Đồng Tháp ban hành
- 5Quyết định 2092/QĐ-UBND năm 2013 về Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020 của tỉnh Sơn La
Chỉ thị 28/CT-UBND năm 2011 về tăng cường hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá do thành phố Hải Phòng ban hành
- Số hiệu: 28/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 28/11/2011
- Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
- Người ký: Lê Khắc Nam
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra