Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 28/2006/CT-TTg

Hà Nội, ngày 07 tháng 08 năm 2006 

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG BẰNG NGUỒN VỐN NHÀ NƯỚC 06 THÁNG CUỐI NĂM 2006

Trong 06 tháng đầu năm, các ngành, các cấp đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai, thực hiện kế hoạch đầu tư và xây dựng. Tuy nhiên, những kết quả đã đạt được vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế, tiến độ giải ngân các nguồn vốn, kể cả tín dụng nhà nước và trái phiếu Chính phủ còn chậm, tình trạng yếu kém trong quản lý đầu tư, xây dựng vẫn chưa được khắc phục, gây ảnh hưởng không tốt đến việc thực hiện kế hoạch năm 2006 và các năm sau.

Để nâng cao hiệu quả đầu tư, xây dựng theo đúng tinh thần Nghị quyết của Quốc hội và các Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng giám đốc các Tổng công ty nhà nước một mặt phải tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 01/2006/NQ-CP ngày 16  tháng 01 năm 2006, Nghị quyết số 13/2006/NQ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ, mặt khác phải tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Các Bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, các Nghị định về quản lý và sử dụng vốn ODA, về quản lý dự án đầu tư công trình xây dựng, ... cần khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo để trình Chính phủ ban hành trong tháng 8 năm 2006.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

a) Trong tháng 9 năm 2006, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định trách nhiệm của người thẩm định, người ra quyết định đầu tư.

b) Trong quý III năm 2006, trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về chế độ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư. 

c) Phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiện toàn các tổ chức thanh tra kế hoạch và đầu tư; thực hiện thanh tra những dự án đầu tư, xây dựng theo đúng nội dung Công điện số 496/CĐ-TTg ngày 28 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ, không thanh tra trùng dẫm gây khó khăn, cản trở cho việc đầu tư, xây dựng. 

d) Trong tháng 8 năm 2006, ban hành các quy định hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý các dự án ODA. 

đ) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan đánh giá tình hình thực hiện nguồn vốn ODA, vốn đối ứng năm 2006. Trong trường hợp cần thiết, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc điều chỉnh hoặc ứng trước kế hoạch vốn đối ứng năm 2007 đối với các dự án ODA của các Bộ, ngành để thúc đẩy giải ngân nhanh nguồn vốn này.

3. Tổ công tác ODA tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án ODA.

4. Bộ Tài chính: 

a) Rà soát các cơ chế về cấp phát, ứng trước vốn và các thủ tục hành chính để bảo đảm thực hiện đúng các quy định về quản lý tài chính, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn cho các công trình, dự án, nhất là các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia. 

b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, vốn ODA, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. 

c) Kiểm tra việc quản lý và sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, ô tô, xe máy của các Ban Quản lý dự án sử dụng vốn nhà nước (bao gồm cả vốn ODA). 

d) Trong tháng 9 năm 2006, phối hợp với các cơ quan liên quan, ban hành quy định về điều chỉnh định mức chi phí của các Ban Quản lý chương trình, dự án ODA phù hợp với thực tế. 

5. Bộ Xây dựng: 

a) Trước ngày 15 tháng 8 năm 2006, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 về 02 năm 2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, trong đó quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của người ra quyết định đầu tư, chủ đầu tư ...; nội dung của Nghị định này phải phù hợp với tiến trình hội nhập và thông lệ quốc tế và các quy định của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, ....

b) Trong quý III năm 2006, hoàn thiện và ban hành quy định về trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan đến việc bảo đảm chất lượng công trình (bao gồm trách nhiệm của chủ đầu tư, tổ chức tư vấn, đơn vị khảo sát thiết kế và nhà thầu thi công) trong từng khâu của quá trình đầu tư xây dựng.

c) Trong quý III năm 2006, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền quy định bổ sung chế tài về giám sát thi công.

d) Trong tháng 9 năm 2006, ban hành quy định hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định của Luật Xây dựng.

đ) Trong tháng 8 năm 2006, trình Chính phủ ban hành nghị định quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. 

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường:

a) Trong quý III năm 2006, trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất và trình tự thủ tục bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất;

b) Trong tháng 8 năm 2006, thực hiện việc cấp giấy phép khai thác các mỏ nguyên liệu: mỏ đá, mỏ cao lanh, ... phục vụ các nhà máy xi măng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

7. Các Bộ, ngành và địa phương thực hiện theo thẩm quyền:

a) Trong tháng 8 năm 2006, phân bổ ngay số vốn chưa được phân bổ của kế hoạch năm 2006 cho các dự án đã có đủ thủ tục đầu tư và hoàn chỉnh việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật theo các nguyên tắc sau:

- Trên cơ sở tổng mức đầu tư kế hoạch năm 2006 đã được Thủ tướng Chính phủ giao, điều chuyển vốn của các dự án đã được bố trí vốn năm 2006 nhưng không có điều kiện thực hiện cho các dự án có nhu cầu cấp thiết, trước hết tập trung cho các dự án ODA và các dự án chuyển tiếp cần phải hoàn thành trong năm 2006 nhưng còn thiếu vốn. 

- Chỉ bố trí vốn để chuẩn bị đầu tư và chuẩn bị thực hiện dự án trong  năm 2006 (trừ các trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép) đối với các dự án chưa có quyết định đầu tư hoặc quyết định đầu tư sau ngày 31 tháng 10 năm 2005; số vốn còn lại được chuyển cho các dự án khác.  

- Tập trung bố trí vốn cho các dự án nhóm B, C đã triển khai nhưng chưa hoàn thành theo đúng thời hạn quy định (nhóm B đã quá 4 năm, nhóm C đã quá 2 năm) để các dự án này có thể hoàn thành và đưa vào sử dụng trong  năm 2006. 

- Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân các công trình đầu tư từ nguồn vốn nhà nước, bảo đảm hoàn thành kế hoạch sử dụng vốn năm 2006. 

b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và đánh giá đầu tư, trong đó chú trọng các nội dung liên quan đến quy hoạch, lập dự án, thẩm định, bố trí vốn đầu tư, thanh quyết toán vốn đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư; đồng thời, thực hiện tốt Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng ban hành kèm theo Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2005. 

c) Khẩn trương chấn chỉnh bộ máy và quy trình thực hiện công tác giám sát và đánh giá đầu tư trong phạm vi quản lý của mình; thực hiện nghiêm chế độ và nội dung báo cáo định kỳ về giám sát và đánh giá đầu tư theo quy định.  

d) Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng và các địa phương có dự án đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, trên cơ sở tổng mức vốn được giao, phân bổ vốn cho từng dự án theo thứ tự ưu tiên để bảo đảm hoàn thành dứt điểm các dự án đúng tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; các dự án còn lại nếu không đủ nguồn vốn thì phải giãn tiến độ triển khai sau năm 2010 hoặc huy động nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư. 

đ) Đối với nguồn Công trái Giáo dục, chủ động thực hiện các biện pháp cần thiết để giải quyết kịp thời các vướng mắc; đồng thời chỉ đạo các chủ dự án, các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình, tránh thất thoát lãng phí, bảo đảm hiệu quả đầu tư.

e) Đối với các dự án cần điều chỉnh tổng mức đầu tư, chủ đầu tư cần nhanh chóng bổ sung hoàn thiện hồ sơ dự án và trình duyệt theo đúng trình tự, đúng thẩm quyền; đối với các dự án hợp vốn, cần tính toán kỹ phương án thu xếp và huy động các nguồn vốn, bảo đảm tính khả thi của dự án, khả năng huy động vốn và tính hiệu quả cao.

g) Các cấp chính quyền địa phương và các chủ đầu tư nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng trong nước và các vướng mắc khác đối với các dự án ODA cho vay lại để đảm bảo giải ngân tối đa nguồn vốn này.  

h) Các Bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư vay vốn tín dụng nhà nước phải chịu trách nhiệm trong việc cân đối các nguồn vốn để trả nợ gốc và lãi vay cho Ngân hàng phát triển Việt Nam. 

8. Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các Ngân hàng Thương mại nhà nước: 

a) Rà soát lại các dự án đang thực hiện cho vay; tập trung vốn đầu tư cho các dự án quan trọng, các dự án nhóm A đang vay tại hệ thống Ngân hàng Phát triển Việt Nam, bảo đảm đủ vốn đầu tư theo tiến độ đối với các dự án nhóm A, nhất là các dự án phát triển nguồn điện. 

b) Các Ngân hàng Thương mại phải bảo đảm huy động đủ vốn để cho vay hợp vốn đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn tín dụng đầu tư của nhà nước theo đúng cơ cấu nguồn vốn đã ký trong các hợp đồng tín dụng, nhất là đối với các dự án lớn. 

c) Đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia như dự án thuỷ điện Sơn La, nhà máy lọc dầu Dung Quất, tổ chức cho vay vốn không cần phải thẩm định phương án vay trả nợ. 

9. Thanh tra Chính phủ và các cơ quan điều tra: 

a) Thanh tra Chính phủ chủ trì cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng thành lập ngay các Đoàn thanh tra liên ngành của Chính phủ để tiến hành thanh tra một số công trình, dự án trọng điểm của các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị có sử dụng nguồn vốn lớn của Nhà nước, vốn vay, tài trợ của nước ngoài, trong đó tập trung vào các công trình, dự án thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi. Phải lựa chọn những cán bộ đủ phẩm chất, năng lực tham gia các Đoàn thanh tra. 

b) Cơ quan điều tra tập trung điều tra, sớm có kết luận đối với các vụ án lớn trong đầu tư xây dựng cơ bản, thông báo cho các ngành, các cấp và các nhà tài trợ.

10. Các Bộ, ngành và địa phương cần tăng cường phối hợp trong điều hành, triển khai thực hiện kế hoạch và các cơ chế, chính sách quản lý đầu tư, xây dựng. Đơn vị được hỏi ý kiến phải có ý kiến tham gia đúng thời hạn quy định; quá thời hạn 15 ngày mà không có ý kiến tham gia bằng văn bản thì được coi là nhất trí với ý kiến của đơn vị chủ trì, đồng thời chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về phần việc của đơn vị mình. 

Các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà nước phải tổ chức giao ban nhằm kiểm điểm, đôn đốc tiến độ thực hiện các công trình, dự án đầu tư; trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết thì kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết. 

11. Các cơ quan thông tin đại chúng:  

Trong công tác thông tin tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, coi trọng nguyên tắc không đưa những thông tin không chính xác, thiếu điều tra kỹ lưỡng, gây bất lợi cho nền kinh tế nói chung, cũng như trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI, ODA).­

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch các Tập đoàn kinh tế, Tổng giám đốc các Tổng công ty nhà nước có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này. 

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định./.

 

 

 Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
  cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố
   trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính quốc gia;
- Tập đoàn kinh tế nhà nước; Tổng công ty 91;
- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm,
  Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
  Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
  các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH.

THỦ TƯỚNG
 
 
 

Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 28/2006/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước 06 tháng cuối năm 2006 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 28/2006/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 07/08/2006
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 59 đến số 60
  • Ngày hiệu lực: 31/08/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản