ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/CT-UB-NC | TP. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 08 năm 1996 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 19/CP NGÀY 06/4/1996 CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH QUY CHẾ GIÁO DỤC TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI VI PHẠM PHÁP LUẬT.
Sau khi Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chánh có hiệu lực ngày 01/8/1995, Chính phủ đã bàn hành Quy chế giáo dục tại xã, phường, thị trấn (kèm theo Nghị định số 19/CP ngày 06/4/1996).
Giáo dục tại xã, phường, thị trấn là một trong những biện pháp xử lý hành chánh có hạn chế một phần quyền tự do cá nhân, được áp dụng đối với người có vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức đưa vào Trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục hoặc áp dụng đối với người nghiện ma túy, người mại dâm nhưng chưa đến mức đưa vào cơ sở chữa bệnh. Biện pháp này tạo điều kiện cho những người vi phạm tự sửa mình với sự giám sát, giúp đỡ của chính quyền cơ sở, các tổ chức xã hội và gia đình thể hiện quan điểm nhân đạo của Nhà nước ta trong đường hướng xử lý và do đó nó mang ý nghĩa xã hội to lớn.
Hiện các Bộ hữu quan chưa có ra Thông tư hướng dẫn thực hiện. Riêng trên địa bàn thành phố để triển khai có hiệu quả Quy chế giáo dục tại xã, phường, thị trấn, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị :
1- Giao cho Ủy ban nhân dân các quận, huyện làm quán triệt tinh thần nội dung của Nghị định 19/CP và Chỉ thị này đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn đồng thời xác định rõ trách nhiệm chủ yếu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn trong việc thực hiện biện pháp xử lý hành chánh này.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn cần tổ chức phổ biến Nghị định 19/CP rộng rãi trong nhân dân và tổ chức học tập nắm vững nội dung của Nghị định trong cán bộ nhân viên và các tổ chức đoàn thể của xã, phường, thị trấn nhất là các tổ chức Mặt trận, Phụ nữ, Thanh niên, Nông hội, Ban chăm sóc giáo dục trẻ em, Thanh tra nhân dân, các tổ hòa giải, tổ dân phố, tổ nhân dân, các trường học đóng trên địa bàn phường, xã, thị trấn.
2- Công an thành phố cần có kế hoạch tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ đối với Công an xã, phường, thị trấn lập và quản lý hồ sơ theo điều 19 của Nghị định 19/CP cũng như giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp theo dõi sự tiến bộ của đối tượng được giáo dục.
3- Trong khi chờ Bộ Tài chính hướng dẫn về kinh phí thực hiện, Sở Tài chính soạn thảo văn bản trình Ủy ban nhân dân thành phố quy định tạm thời việc thu chi và quản lý kinh phí nêu tại điều 21 của Quy chế giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Công việc này cần được tiến hành khẩn trương, trình Ủy ban nhân dân thành phố chậm nhất đến ngày 30/9/1996.
4- Quy chế giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã quy định chi tiết về đối tượng, trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp giáo dục này. Các cơ quan, đoàn thể có trách nhiệm thực hiện Quy chế cần nghiên cứu kỹ để áp dụng cho chính xác, xử lý đúng người vi phạm mà vẫn đảm bảo quyền lợi của công dân.
5- Trường hợp người có hành vi vi phạm ở nơi khác với nơi cư trú thì chính quyền cơ sở nơi xảy ra hành vi vi phạm phải có trách nhiệm thông báo nội dung vi phạm cùng hồ sơ kèm theo gởi về Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn nơi đối tượng có hành vi vi phạm cư trú.
Ngay khi nhận được Chỉ thị này, đề nghị các ngành, các cấp cho triển khai thực hiện ngay.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 27/CT-UB-NC năm 1996 thực hiện Nghị định 19/CP ban hành quy chế giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với những người vi phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 27/CT-UB-NC
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 10/08/1996
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Võ Viết Thanh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 10/08/1996
- Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực