Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số : 27/2007/CT-UBND | TP. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 11 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN TỔNG THẦU XÂY DỰNG HỆ THỐNG CÁC CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ THUẬT ĐỂ ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ ĐẦU TƯ CÁC DỰ ÁN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Trong những năm qua, hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố đã có những bước phát triển mạnh về quy mô đầu tư và chất lượng công trình. Tuy nhiên, các ngành liên quan đến quản lý hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, bưu chính viễn thông và thông tin liên lạc, chiếu sáng, cây xanh …, khi tiến hành đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hoặc sửa chữa các công trình thường thực hiện theo kế hoạch riêng của từng ngành, không có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành trong cùng một dự án hoặc trong các dự án riêng của từng ngành. Từ đó, thực tế cho thấy đã có rất nhiều khó khăn, cản trở, làm ảnh hưởng nhiều đến tiến độ của các dự án, đến an toàn, vệ sinh môi trường; đôi khi còn làm ảnh hưởng đến chất lượng hoặc làm tăng khối lượng xây lắp của các công trình. Bên cạnh đó, việc chia nhỏ gói thầu xây lắp cũng trực tiếp ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án vì từng gói thầu đều phải thực hiện đầy đủ các thủ tục trong đấu, chọn thầu. Việc chia nhỏ các gói thầu xây lắp còn hạn chế sự phát triển của các đơn vị xây dựng theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực.
Để khắc phục tình trạng trên; đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư của các dự án, đặc biệt là các dự án có liên quan đến hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, chủ đầu tư các dự án phát triển hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, Tổng Giám đốc các tổng công ty và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc khi thực hiện đầu tư các dự án mới trên địa bàn thành phố phải tổ chức thi công theo hình thức tổng thầu, tiến đến hình thức Hợp đồng thiết kế - cung ứng vật tư, thiết bị - thi công xây dựng (E.P.C), quy định tại Thông tư số 06/2007/TT-BXD ngày 25 tháng 7 năm 2007 của Bộ Xây dựng và tuân thủ những nội dung sau:
I. VỀ PHỐI HỢP TRONG VIỆC LẬP KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ XÂY DỰNG MỚI, NÂNG CẤP, CẢI TẠO HOẶC SỬA CHỮA (SAU ĐÂY GỌI LÀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN) HỆ THỐNG CÁC CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ THUẬT:
1. Trên cơ sở quy hoạch xây dựng đã được duyệt, các đơn vị có liên quan đến việc lập kế hoạch phát triển hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật phải cung cấp cho Sở Giao thông-Công chính về định hướng đầu tư xây dựng các công trình của từng ngành trên địa bàn thành phố trong thời gian ít nhất là 10 (mười) năm để đảm bảo có sự đồng bộ về kế hoạch đầu tư xây dựng giữa các ngành, phù hợp với định hướng phát triển chung của Thành phố. Định hướng đầu tư xây dựng công trình của từng ngành phải được gửi cho Sở Giao thông-Công chính trước ngày 01 tháng 7 hàng năm để được tổng hợp, điều phối (nếu cần thiết). Sở Giao thông-Công chính có trách nhiệm gửi định hướng đầu tư xây dựng đã được tổng hợp đến các ngành có liên quan để làm cơ sở lập kế hoạch phát triển hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật của riêng từng ngành.
2. Trường hợp định hướng đầu tư xây dựng các công trình của các ngành không đồng bộ và có khả năng làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của Thành phố thì giao cho Sở Giao thông-Công chính tổ chức lấy ý kiến hoặc chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thành lập Tổ công tác liên ngành để xem xét, đề xuất các phương án điều chỉnh định hướng đầu tư xây dựng các công trình của từng ngành để có sự đồng bộ và thuận tiện trong đầu tư xây dựng. Trường hợp có yếu tố khách quan dẫn đến việc không thể điều chỉnh định hướng đầu tư xây dựng các công trình của từng ngành thì giao cho Tổ công tác xem xét đề xuất phương án tối ưu nhất để Sở Giao thông-Công chính trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.
3. Trường hợp quy hoạch phát triển ngành hiện có chưa được đồng bộ giữa các ngành, gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện thì các ngành có liên quan phải chủ động phối hợp để nghiên cứu điều chỉnh theo hướng bổ sung cho đồng bộ, khả thi và đảm bảo thuận tiện trong quá trình phối hợp thực hiện các dự án đầu tư xây dựng (các ngành có thể tham khảo ý kiến của Sở Quy hoạch-Kiến trúc, nếu cần thiết).
4. Định kỳ trước ngày 01 tháng 9 hàng năm, các đơn vị có liên quan đến hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật phải cung cấp toàn bộ kế hoạch phát triển ngành cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, có xác định sơ bộ về quy mô, tổng mức đầu tư và nguồn vốn của từng dự án trong khoảng thời gian 05 (năm) năm trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, điều phối và lập kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật chung trên địa bàn thành phố (tham khảo thêm ý kiến của các ngành, nếu cần thiết). Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt định hướng đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật trong khoảng thời gian 05 (năm) năm và kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình trong từng năm trên địa bàn thành phố, đặc biệt là đối với hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật.
5. Các cấp có thẩm quyền khi thẩm định và phê duyệt dự án trên địa bàn thành phố có liên quan đến hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật phải tuân thủ định hướng và kế hoạch đầu tư xây dựng công trình đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt. Đối với trường hợp đặc biệt không thể thực hiện theo định hướng và kế hoạch đầu tư xây dựng công trình đã được phê duyệt, đồng thời có khả năng ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng kỹ thuật khác, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án phải báo cáo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư về các nguyên nhân dẫn đến việc không thể tuân theo định hướng và kế hoạch đầu tư xây dựng. Trong trường hợp này, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét quyết định đối với từng dự án cụ thể.
6. Đối với những dự án mà kế hoạch đầu tư xây dựng của các ngành không phù hợp với kế hoạch chung của Thành phố nhưng bắt buộc phải thực hiện theo quy định của ngành, các ngành phải nghiên cứu, phối hợp với các Sở Quy hoạch-Kiến trúc và Sở Kế hoạch và Đầu tư trong đầu tư xây dựng để tránh các bất cập, vướng mắc khi thực hiện và phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố nếu để ảnh hưởng không tốt đến chất lượng của các công trình thuộc dự án hạ tầng kỹ thuật trên tuyến đã được duyệt trong thời gian 05 (năm) năm trước đó.
7. Định hướng đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật trong thời gian 05 (năm) năm và kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình trong từng năm trên địa bàn thành phố phải được thông báo công khai đến các sở, ngành, quận - huyện và phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
II. VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN TỔNG THẦU XÂY DỰNG VÀ PHỐI HỢP LẬP KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI TRONG TỪNG DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, NÂNG CẤP, CẢI TẠO HOẶC SỬA CHỮA HỆ THỐNG CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ THUẬT:
1. Đối với những dự án có nhiều ngành cùng tham gia đầu tư xây dựng thì ngành nào có tỷ trọng lớn nhất về vốn đầu tư trong tổng mức đầu tư của dự án sẽ đại diện cho các ngành để làm chủ đầu tư của dự án; các ngành khác có thể cử người đại diện vào bộ máy quản lý của chủ đầu tư để cùng tham gia quản lý dự án. Trong trường hợp này, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì việc xác định chủ đầu tư của từng dự án cụ thể.
2. Đối với những dự án có quy mô lớn và phức tạp, nếu xét thấy cần phải đầu tư theo từng giai đoạn thì chủ đầu tư phải lập kế hoạch, tiến độ đầu tư cho toàn bộ dự án; đồng thời phải đảm bảo tuân thủ quy hoạch xây dựng đã được duyệt.
3. Khi trình duyệt kế hoạch đấu thầu của dự án, chủ đầu tư phải nêu rõ các căn cứ và nguyên nhân của việc phân chia các gói thầu. Các cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đấu thầu của các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố phải đảm bảo sự đồng bộ cho toàn bộ dự án; đồng thời phải xem xét đến khả năng và yêu cầu chủ đầu tư tổ chức thực hiện gói thầu theo hình thức tổng thầu (tổng thầu thi công, tổng thầu EPC...) để rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu và tạo điều kiện cho nhà thầu chủ động lập, điều hành tiến độ của toàn bộ dự án.
4. Hồ sơ mời thầu của các gói thầu tổng thầu phải quy định những tiêu chí cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ để tạo điều kiện cho các nhà thầu tổ chức liên danh, liên kết khi dự thầu và thực hiện gói thầu; phải quy định rõ những tiêu chí đánh giá phù hợp với quy mô, tính chất của từng gói thầu để đảm bảo công bằng cho tất cả các nhà thầu; không được quy định những tiêu chí không phù hợp để hạn chế một số nhóm các nhà thầu có đủ năng lực thực hiện gói thầu.
5. Ngay sau khi có kết quả trúng thầu, căn cứ hồ sơ mời thầu đã được duyệt và tiến độ thực hiện gói thầu của nhà thầu trúng thầu, chủ đầu tư phải yêu cầu nhà thầu lập kế hoạch thực hiện cho toàn bộ gói thầu và chủ đầu tư có trách nhiệm thông báo kế hoạch thực hiện gói thầu đến các đơn vị quản lý hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan để phối hợp thực hiện.
a) Khi nhận được thông báo về kế hoạch thực hiện gói thầu, các đơn vị quản lý hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan có trách nhiệm xem xét, phối hợp thực hiện; nếu có những bất cập phát sinh trong việc phối hợp thực hiện thì phải có văn bản trao đổi với chủ đầu tư trong vòng 07 (bảy) ngày làm việc.
b) Khi có yêu cầu, chủ đầu tư có trách nhiệm phối hợp với nhà thầu chủ động làm việc trực tiếp với các đơn vị quản lý hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật để xem xét, điều chỉnh kế hoạch thực hiện gói thầu sao cho phù hợp và khả thi. Các đơn vị quản lý hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan có trách nhiệm cử cán bộ tham gia, phối hợp, hướng dẫn chủ đầu tư triển khai thực hiện gói thầu sao cho phù hợp kế hoạch xây dựng ngành và phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố nếu để xảy ra sự phối hợp không đồng bộ, làm chậm trễ tiến độ của gói thầu.
c) Nếu chủ đầu tư và nhà thầu không thống nhất được với các đơn vị quản lý hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật về kế hoạch thực hiện gói thầu thì chủ đầu tư phải tham khảo ý kiến của các sở chuyên ngành, xem xét kiến nghị phương án tối ưu nhất, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư quyết định.
III. VỀ ĐIỀU PHỐI VỐN ĐẦU TƯ:
Khi lập và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật chung của Thành phố, nếu gặp khó khăn trong việc cân đối, phân bổ vốn đầu tư, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giao thông-Công chính và các ngành khác có liên quan nghiên cứu đề xuất nguồn vốn đầu tư thích hợp, trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan đến kế hoạch phát triển hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật có trách nhiệm chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai; phân công trách nhiệm phối hợp ở từng đơn vị, bộ phận có liên quan, đảm bảo tạo được sự an toàn, thuận lợi và khả thi khi triển khai thực hiện các gói thầu tổng thầu xây dựng.
2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Giao thông-Công chính, Sở Xây dựng, Sở Công nghiệp và Sở Bưu chính, Viễn thông hướng dẫn các đơn vị lập các tiêu chí và thang điểm xét thầu cho gói thầu tổng thầu; đồng thời triển khai việc đăng ký kinh doanh phù hợp với Luật Doanh nghiệp theo hình thức đơn giản, chống độc quyền, đảm bảo thuận lợi cho các nhà thầu tham gia các gói thầu tổng thầu.
3. Các ngành có liên quan đến hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật phải báo cáo định kỳ hàng năm cho Sở Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện Chỉ thị này, đặc biệt nêu rõ các khó khăn, vướng mắc khi tổ chức thực hiện do những quy định chưa đồng bộ giữa các ngành với nhau, những bất cập về quy định hiện hành của Thành phố trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo tình hình và đề xuất các giải pháp, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét giải quyết để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án xây dựng trên địa bàn thành phố.
4. Tổ công tác liên ngành bao gồm đại diện có thẩm quyền liên quan đến định hướng, kế hoạch phát triển của các ngành. Tổ công tác hoạt động theo quy chế riêng của Tổ, được ban hành kèm theo quyết định thành lập Tổ. Ý kiến của thành viên chính là ý kiến của đơn vị mà thành viên đó đại diện. Kết quả làm việc của Tổ (các ý kiến thống nhất, các tồn tại vướng mắc,...) phải được người đại diện hợp pháp của từng đơn vị có liên quan xác nhận. Tổ công tác tự giải tán sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
5. Chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật phải tăng cường thực hiện tổng thầu thi công theo những nội dung quy định tại Chỉ thị này để đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố.
6. Nhà thầu thi công phải phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong việc lập kế hoạch thực hiện gói thầu. Khi gặp khó khăn vướng mắc trong việc phối hợp thực hiện làm ảnh hưởng tới chất lượng và tiến độ của gói thầu, nhà thầu phải báo cáo với chủ đầu tư và các đơn vị quản lý hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan để phối hợp giải quyết.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở-ban-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện, chủ đầu tư các dự án phát triển hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc các tổng công ty và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc khác có liên quan thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này để góp phần thực hiện đồng bộ và đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, đáp ứng được nhu cầu phát triển chung của Thành phố ./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Chỉ thị 09/2005/CT-UB tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng Hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây do Thành phố Hà Nội ban hành
- 2Quyết định 1918/QĐ-UBND năm 2015 bãi bỏ văn bản do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3Quyết định 332/QĐ-UBND năm 2016 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2015
- 4Quyết định 701/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2014-2018 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 1Quyết định 1918/QĐ-UBND năm 2015 bãi bỏ văn bản do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Quyết định 332/QĐ-UBND năm 2016 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2015
- 3Quyết định 701/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2014-2018 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Chỉ thị 27/2007/CT-UBND về tổ chức thực hiện tổng thầu xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 27/2007/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 16/11/2007
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Hữu Tín
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 67
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra