Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/1998/CT-UB

Đà Nẵng, ngày 14 tháng 10 năm 1998

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN QUẢN LÝ THỐNG NHẤT BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP (SHCN) TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Trong thời gian qua, thực hiện Chỉ thị về quyền sở hữu công nghiệp tại Bộ luật dân sự của Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các cơ quan Nhà nước ở địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc ban hành các văn bản để cụ thể hóa và thực thi trách nhiệm của mình trong quản lý Sở hữu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên việc quản lý trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, vai trò quản lý Nhà nước thống nhất trong hoạt động Sở hữu công nghiệp, bảo hộ quyền và lợi ích của chủ thể các đối tượng Sở hữu công nghiệp theo luật pháp quy định chưa được phát huy, đồng thời chưa tạo nền nếp trong các doanh nghiệp và tư nhân về việc chấp hành các quy định của Nhà nước.

Nhằm nhanh chóng khắc phục tình trạng nêu trên và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về SHCN trên địa bàn thành phố góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện công văn số 2375/SHCN, ngày 10/10/1997 của Bộ khoa học công nghệ và Môi trường ''V/v thi hành Nghị định 63/CP về Sở hữu công nghiệp”, UBND thành phố yêu cầu:

1. Sở khoa học, Công nghệ và Môi trường thành phố-cơ quan quản lý Nhà nước về SHCN tại địa phương, chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan (Tổ chức chính quyền, Sở kế hoạch đầu tư, Chi cục quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, Cục Hải quan) trong việc xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau đây:

a. Tăng cường năng lực và củng cố hoạt động của bộ phận quản lý SHCN của Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường; hướng dẫn nghiệp vụ quản lý SHCN cho các Sở, Ban, Ngành, các đơn vị quận, huyện, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các cá nhân có nhu cầu trên địa bàn thành phố.

b.Tăng cường phổ biến pháp luật về SHCN cho các cơ quan quản lý, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của thành phố, có kế hoạch tuyên truyền phổ biến kiến thức nhằm nâng cao hiểu biết của nhân dân về SHCN; hướng dẫn các đơn vị, các ngành thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về SHCN.

c. Căn cứ các quy định hiện hành của Nhà nước, nghiên cứu đề xuất để UBND thành phố ban hành các văn bản, các biện pháp về quản lý SHCN, phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố.

d. Ngoài việc hướng dẫn các doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký bảo hộ các đối tượng SHCN như sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, tiến hành rà soát các loại hàng hóa, đặc sản được sản xuất tại địa phương để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan xúc tiến việc làm thủ tục đăng ký tên gọi xuất xứ hàng hóa dùng cho các loại đặc sản đó.

2. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương, bố trí cán bộ chuyên trách về quản lý khoa học công nghệ trong đó có Sở hữu công nghiệp, thường xuyên nắm bắt các thông tin về việc sử dụng và đăng ký các đối tượng SHCN, cũng như các vi phạm hành chính về SHCN trên địa bàn mình (quản lý, để kịp thời có biện pháp phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố trong việc xử lý.

3. Các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân, khi lập kế hoạch sản xuất kinh doanh và dịch vụ phải rà soát, kiểm tra tình trạng pháp lý về SHCN cho các sản phẩm hàng hóa đang được dự kiến sản xuất, để đăng ký bảo hộ kịp thời cho các đối tượng SHCN, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình và tránh vi phạm quyền của các chủ thể khác. Các đơn vị gia công hàng xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa nhất thiết phải kiểm tra tình trạng pháp lý về SHCN trước khi ký kết hợp đồng, để đảm bảo sản phẩm, hàng hóa của đơn vị mình sản xuất, kinh doanh không vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của các chủ thể khác.

4. Các doanh nghiệp khi lập dự án đầu tư (kể cả đầu tư nước ngoài và trong nước) và các cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư, xét duyệt, cấp giấy phép đầu tư, giấy phép sản xuất kinh doanh, phải kiểm tra tính hợp pháp của các đối tượng SHCN có liên quan trong dự án, nhất là nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, tên thương mại, bảo đảm việc sử dụng sau này không vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đang được Nhà nước bảo hộ của các chủ thể khác hoặc của chủ thể nước ngoài đang được bảo hộ Quốc tế tại Việt Nam.

5. Các cơ quan Tư pháp, quản lý chất lượng sản phẩm thường xuyên phối hợp với Sở khoa học, Công nghệ và Môi trường theo dõi để xử lý kịp thời các vi phạm hành chính về SHCN, khuyến khích sự cạnh tranh trung thực, lành mạnh trong sản xuất kinh doanh và dịch vụ.

6. Đề nghị các cơ quan báo chí, đài phát thanh truyền hình thành phố mở đợt tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Chỉ thị này.

Các cơ quan, ban, ngành, các quận, huyện, đơn vị doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có trách nhiệm triển khai thực hiện và thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị này về Ủy Ban Nhân dân thành phố.

Chỉ thị này thay thế cho Chỉ thị số 14/CT-UB ngày 18/4/1989, Chỉ thị số 17/CT-UB, ngày 23/03/1994 và Chỉ thị số 50/CT-UB, ngày 14/12/1994 của UBND Tỉnh QN-ĐN (cũ) và có hiệu lực kể từ ngày 07 tháng 11 năm 1998.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực thành Ủy
- Thường trực HĐND
- CT, các PCT
- UBND các cấp
- CPVP, CVVP
- Các Sở Ban, ngành
- Các doanh nghiệp
- Lưu VT, KTN

TM. UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
CHỦ TỊCH




Nguyễn Bá Thanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 27/1998/CT-UBND thực hiện quản lý thống nhất bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

  • Số hiệu: 27/1998/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 14/10/1998
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Nguyễn Bá Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản