Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 26-TTg

Hà Nội, ngày 19 tháng 04 năm 1963 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC PHÂN VẠCH ĐỊA GIỚI CỦA CÁC THÀNH PHỐ, THỊ XÃ VÀ THỊ TRẤN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Hiện nay, do tình hình kinh tế và văn hoá phát triển nên ở một số địa phương nhân dân tập trung vào các thành thị nhiều. Tình hình ấy đòi hỏi phải thành lập các thị xã, thị trấn mới, hoặc mở rộng các thị xã, thị trấn cũ. Thủ trướng chính phủ nêu một số điều hướng dẫn dưới đây để các Uỷ ban hành chính địa phương nghiên cứu vấn đề này và có đề nghị thích đáng lên Hội đồng Chính phủ xét vá quyết định.

Thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn là những nơi nhân dân sống tập trung và hoạt động chủ yếu về công nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, v.v… Ở đó, việc quản lý hành chính, việc giữ gìn trật tự, trị an, việc xây dựng các sự nghiệp phục vụ lợi ích công cộng có nhiều vấn đề phức tạp.

Sự phân biệt giữa thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn căn cứ vào ba yếu tố sau đây:

- Quy mô phát triển kinh tế, văn hoá và dân số;

- Tầm quan trọng về chính trị;

- Yêu cầu về tổ chức bộ máy quản lý hành chính;

Cụ thể là:

Thành phố thuộc tỉnh: là thị xã lớn có khoảng 5 vạn dân trở lên, có công nghiệp tương đối lớn, và có nhiều khả năng phát triển. Công việc quản lý hành chính ở đây phức tạp và cần có bộ máy quản lý kiện toàn.

Thị xã: là tỉnh lỵ có khoảng 5.000 dân trở lên, hoặc là nơi tâp trung công nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, có khoảng 10.000 dân trở lên, cần có bộ máy quản lý hành chính thuộc biên chế Nhà nước. Thị xã là đơn vị hành chính tương đương cấp huyện.

Thị trấn: là huyện lỵ có khoảng 1.000 dân trở lên, hoặc là nơi tập trung công nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp có khoảng 2.000 dân trở lên, cần được tổ chức thành đơn vị hành chính riêng mà không thể sát nhập vào một xã lân cận. Thị trấn là đơn vị cơ sở, tương đương với cấp xã, và trực thuộc huyện. Nói chung cán bộ trong bộ máy quản lý thị trấn không thuộc biên chế Nhà nước.

Cá biệt có thể có những khu công nghiệp được tổ chức thành thị trấn và đặt trực thuộc tỉnh, thành phố hoặc thị xã để thuận tiện cho việc quản lý. Những thị trấn này có thể có bộ máy hành chính gọn, nhẹ, thuộc biên chế Nhà nước.

Ngoài những nơi nói trên, còn một số khu vực nghỉ mát, an dưỡng cũng cần được tổ chức thành thị xã hoặc thị trấn thuộc tỉnh (hoặc thuộc thành phố) có bộ máy quản lý hành chính gọn, nhẹ, thuộc biên chế Nhà nước.

Việc mở rộng thành phố thị xã hiện nay được đặt ra ở nhiều nơi vì tình hình kinh tế, văn hoá phát triển, nhưng cần được nghiên cứu thận trọng, cần thiết đến đâu thì mở rộng đến đấy, theo quy hoạch của thành phố, thị xã, không nên mở quá rộng, gây nhiều khó khăn cho việc quản lý và làm cho số người không sản xuất nông nghiệp tăng lên quá nhanh. Khu vực ngoại thành, ngoại thị của thành phố, thị xã chỉ nên bao gồm một số ít thôn, xã lân cận, có quan hệ mật thiết đến sinh hoạt của thành phố, thị xã, và cần thiết cho việc xây dựng, mở rộng thành phố, thị xã.

Cần quản lý rất chặt chẽ việc dùng ruộng đất trồng trọt vào công việc khác.

Căn cứ vào những điều hướng dẫn trên đây, các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh trong trường hợp cần thiết sẽ có đề nghị thích đáng lên Chính phủ nhằm nhằm đưa quản lý hành chính vào nề nếp, phục vụ tốt cho hoạt động kinh tế, văn hoá và đời sống của nhân dân.

Bộ Nội vụ có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn các Ủy ban hành chính địa phương thi hành chỉ thị này.

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
 
 


Phạm Văn Đồng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 26-TTg năm 1963 về phân vạch địa giới của các thành phố, thị xã và thị trấn do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 26-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 19/04/1963
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 13
  • Ngày hiệu lực: 04/05/1963
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản