Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/CT-UBND

Nam Định, ngày 23 tháng 12 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ NHIỆM VỤ CÔNG TÁC AN NINH, TRẬT TỰ NĂM 2023

Năm 2022, dưới sự lãnh đạo của Thường trực Tỉnh ủy, sự quản lý, điều hành quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và cấp ủy, chính quyền các địa phương, trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt và sự ủng hộ, giúp đỡ của Nhân dân, công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp chung vào các thành tựu của tỉnh trong năm 2022.

Tuy nhiên, chất lượng công tác năm, dự báo tình hình có nơi, có lúc còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra; hoạt động chống phá của các đối tượng phản động, mâu thuẫn, khiếu tố, vi phạm đất đai liên quan đến tôn giáo tại một số địa phương vẫn tiềm ẩn phức tạp; các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật, tai nạn giao thông, cháy nổ tuy giảm nhưng tiềm ẩn nguy cơ cao. Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do nguyên nhân chủ quan, đó là: Người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng một số đơn vị, địa phương chưa thực sự đề cao vai trò, trách nhiệm, nêu gương; có lúc chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác an ninh, trật tự đã đề ra; công tác phòng ngừa xã hội có nơi, có lúc còn chưa hiệu quả; điều kiện đảm bảo về phương tiện, cơ sở vật chất - kỹ thuật và kinh phí đối với một số lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự còn khó khăn, bất cập...

Năm 2023, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh dự báo còn tiềm ẩn phức tạp. Mâu thuẫn khiếu tố liên quan đến việc triển khai dự án trọng điểm, vấn đề đất đai, xây dựng cơ sở thờ tự tôn giáo; một số loại tội phạm về hình sự, kinh tế, tham nhũng, ma túy, tệ nạn xã hội; trật tự an toàn giao thông, cháy, nổ, thiên tai, dịch bệnh... vẫn là những vấn đề xã hội quan tâm, đòi hỏi các cấp, các ngành phải tập trung giải quyết.

Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 22/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác an ninh, trật tự năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các ban, sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, trọng tâm là: Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia”; Kết luận số 15-KL/TW, ngày 30/9/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới”; Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”.

2. Tập trung chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ vững thế chủ động chiến lược, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trên địa bàn. Chủ động đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa mọi âm mưu, ý đồ hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Xử lý linh hoạt các vấn đề an ninh tôn giáo, mâu thuẫn khiếu tố trong nội bộ Nhân dân, nhất là liên quan đến vi phạm đất đai, xây dựng công trình tôn giáo trái phép, việc đền bù giải phóng mặt bằng các dự án kinh tế, văn hóa, xã hội, không để xảy ra “điểm nóng” về an ninh, trật tự. Bảo đảm tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

3. Bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, những thông tin xấu, độc trên không gian mạng, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, phòng ngừa những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đồng thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tán phát tài liệu xấu, sai định hướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước trên không gian mạng. Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực báo chí, xuất bản, in ấn, kinh doanh dịch vụ viễn thông, Internet, dịch vụ văn hóa...

4. Bảo đảm an ninh kinh tế việc triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh, an ninh công nhân, an ninh tại các khu, cụm công nghiệp. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức Công đoàn trong các cơ quan, doanh nghiệp; làm tốt công tác tuyên truyền để người lao động nắm vững các quy định của pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ của mình, chủ động giải quyết tốt những vấn đề có liên quan, không để xảy ra đình công, lãn công trên địa bàn.

5. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Kế hoạch phối hợp giữa Công an, Quân sự, Biên phòng trong thực hiện Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng. Chủ động nắm chắc tình hình, thực hiện tốt điều tra cơ bản về các vấn đề liên quan đến khu vực biên giới biển, kịp thời xử lý các tình huống phức tạp xảy ra. Phối hợp tổ chức tốt diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện theo kế hoạch.

6. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm. Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, truy nã tội phạm; đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, tập trung triệt phá các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, siết nợ, đòi nợ thuê, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm kinh tế, tham nhũng, môi trường, tệ nạn cờ bạc, mại dâm, các đường dây, điểm, tụ điểm ma túy phức tạp, gây bức xúc dư luận... Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự gắn với triển khai quyết liệt Đề án số 06 của Chính phủ để phục vụ công tác quản lý xã hội và phòng, chống tội phạm; thực hiện đồng bộ các giải pháp tiếp tục làm giảm tai nạn giao thông, cháy, nổ, không để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, cháy, nổ lớn.

7. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật; xử lý công khai, nghiêm minh các vụ việc tiêu cực, tham nhũng nếu có, nhất là liên quan đến đất đai, trục lợi chính sách, việc thực hiện các dự án trọng điểm... Triển khai tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong giải quyết các vụ án phức tạp, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tình theo dõi, chỉ đạo, nhằm đảm bảo mọi hành vi phạm tội đều phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh. Kiểm soát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm. Thường xuyên tổ chức xét xử lưu động nhằm giáo dục, răn đe tội phạm và tuyên truyền thúc đẩy phong trào đấu tranh phòng, chống tội phạm trong Nhân dân. Tiếp tục phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội của tình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, chức sắc, người có uy tín trong tôn giáo và các tầng lớp Nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tổ chức tổng kết 10 năm Chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTQ về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, giai đoạn 2013 - 2023; xây dựng phường, xã, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự và văn minh đô thị; tổ chức các hoạt động “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” năm 2023.

9. Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 62-KH/TU ngày 12/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 10/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Đề án về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an Nam Định thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”. Công an tỉnh chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành có liên quan của tỉnh có kế hoạch, lộ hình, bước đi vững chắc, phù hợp để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án; mục tiêu đến năm 2025, lực lượng Công an tỉnh cơ bản tinh, gọn, mạnh, các lực lượng cơ yếu, an ninh, cảnh sát cơ động, kỹ thuật nghiệp vụ, an ninh mạng và đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao tiến thẳng lên hiện đại; phấn đấu đến năm 2030 lực lượng Công an tỉnh chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố huy động các cấp, các ngành, đoàn thể và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia công tác bảo đảm an ninh, trật tự; phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương. Quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí địa phương theo quy định cho lực lượng trực tiếp làm công tác an ninh, trật tự ở cơ sở để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự.

Giao Công an tỉnh theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị và tổng hợp kết quả, báo cáo Ủy ban nhân dân tình, Bộ Công an theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công an (V01);
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ và các đoàn thể;
- Các Sở, ban, ngành của tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- CVP UBND tỉnh;
- Lưu: VP1, VP8.

CHỦ TỊCH




Phạm Đình Nghị

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 26/CT-UBND năm 2022 về nhiệm vụ công tác an ninh, trật tự năm 2023 do tỉnh Nam Định ban hành

  • Số hiệu: 26/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 23/12/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nam Định
  • Người ký: Phạm Đình Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản