Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/CT-UBND

Hải Phòng, ngày 31 tháng 12 năm 2021

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG VÀ ĐỔI MỚI CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC, CHÍNH QUYỀN CÁC CẤP TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Trong những năm qua, công tác dân vận trên địa bàn thành phố Hải Phòng tiếp tục được tăng cường và đổi mới; huy động sự tham gia các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân thành phố; kịp thời cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác dân vận; tạo được niềm tin, sự đồng thuận của Nhân dân, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần quan trọng duy trì sự ổn định, tăng trưởng kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội của thành phố.

Tuy nhiên, công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố còn bộc lộ một số hạn chế như: Công tác dự báo, nắm tình hình có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa thực sự sâu sát; việc tổ chức đối thoại giữa chính quyền với Nhân dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân có lúc, có nơi chưa triệt để; cá biệt một số cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức chưa làm hết vai trò, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, còn có hiện tượng gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức, công dân.

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về công tác dân vận theo các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Giám đốc sở, ngành thành phố, Thủ trưởng đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung sau:

1. Tiếp tục tổ chức quán triệt, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận trong tình hình mới gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Xác định công tác dân vận là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp.

Tập trung quán triệt, tuyên truyền, thực hiện nghiêm Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị “về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”, Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ “về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”, Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 08/9/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy “về đẩy mạnh thực hiện công tác dân vận trong phòng ngừa và xử lý “điểm nóng”, vụ việc phức tạp trên địa bàn thành phố”; Quyết định số 446-QĐ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy “về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị ở thành phố Hải Phòng” ...

2. Đa dạng hóa các hình thức, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong hoạt động tuyên truyền về công tác dân vận trong tình hình mới. Theo phương châm hướng về cơ sở, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và phù hợp với thực tiễn; kịp thời tuyên truyền những tấm gương người tốt, việc tốt, những cách làm hay, sáng tạo, những mô hình điển hình trong việc thực hiện xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo”, tạo sự lan tỏa, hiệu ứng tốt trong cộng đồng.

3. Tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ “về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030”; Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 26/10/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy “về chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

4. Xây dựng, thực hiện tốt văn hóa công sở, nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ Nhân dân; đổi mới và thực hiện phong cách làm việc “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói”, “nói dân hiểu”, “hướng dẫn dân làm”, “làm dân tin”.

Siết chặt kỷ cương công vụ, nâng cao đạo đức công vụ, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm đối với các hành vi phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.

Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày 26/9/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố “về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố Hải Phòng”; Quyết định số 48/2019/QĐ-UBND ngày 18/12/2019 của Ủy ban nhân dân thành phố “ban hành Quy định về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố Hải Phòng”.

5. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp cận thông tin; tăng cường, công khai đối thoại, tiếp dân tại cơ sở; thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1738-QĐ/TU ngày 27/01/2015 của Ban Thường vụ Thành ủy “ban hành Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân”.

Tập trung, kịp thời giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài; bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân, tổ chức theo quy định của pháp luật, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện chế độ đối với người nghèo, người có công với cách mạng và người yếu thế trong xã hội.

Thực hiện dân chủ trong quản lý nhà nước theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

6. Chủ động phối hợp, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị “ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị “ban hành Quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”; Quyết định số 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương “về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”. Tổ chức thực hiện tốt Quyết định số 1737-QĐ/TU ngày 27/01/2015 của Ban Thường vụ Thành ủy “về quy định trách nhiệm của cấp ủy tổ chức Đảng, chính quyền các cấp trong việc tiếp thu ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền”.

7. Giám đốc các Sở, ngành, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã, thị trấn phân công lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phụ trách công tác dân vận.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Giám đốc các Sở, ngành thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện triển khai thực hiện nghiêm túc và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố (qua Sở Nội vụ tổng hợp) trước ngày 30/11 hàng năm để báo cáo Bộ Nội vụ theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ NV;
- TT TU, TT HĐND TP;
- CT, các PCT UBND TP;
- Ủy ban MTTQVN TP;
- Ban Dân vận TU;
- Các VP: TU, ĐĐBQH&HĐND TP; UBND TP;
- Các Sở, ban, ngành thành phố;
- UBND các quận, huyện;
- CVP, PCVP UBND TP;
- Các Phòng: KSTTHC, VX, NC&KTGS;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Tùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 26/CT-UBND năm 2021 về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới do thành phố Hải Phòng ban hành

  • Số hiệu: 26/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 31/12/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
  • Người ký: Nguyễn Văn Tùng
  • Ngày công báo: Không có
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/12/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản