Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 26/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 5 năm 1985

 

CHỈ THỊ

VỀ GIÁ THU MUA, GIÁ GIA CÔNG VÀ THUẾ CÔNG THƯƠNG NGHIỆP ĐỐI VỚI SẢN XUẤT TTCN

Nhằm khuyến khích và thúc đẩy phát triển sản xuất trong khu vực tiểu thủ công nghiệp, bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước 1985, tích cực góp phần giải quyết và tạo thêm công ăn việc làm cho nhân dân lao động theo tinh thần nghị quyết 6 và 7 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng và nghị quyết 6 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ủy ban Nhân dân thành phố điều chỉnh việc tính giá thu mua giá gia công và suất miễn thu thuế lợi tức đối với người sản xuất tiểu thủ công nghiệp như sau:

I- GIÁ MUA VÀ GIÁ GIA CÔNG HÀNG TTCN.

Việc định giá thu mua và giá gia công phải căn cứ như các quy định Nhà nước đã ban hành, nay bổ sung và điều chỉnh một số điểm:

1. Chi phí vật tư (nguyên liệu, nhiên liệu…)

a) Vật tư chính và phụ được tính theo định mức tiêu chuẩn của Nhà nước (của ngành, của Thành phố); đối với những sản phẩm mà các định mức nói trên chưa có thì bên A và B trao đổi thỏa thuận, ghi rõ trong hợp đồng kinh tế và cơ quan chủ quản của hai bên xét duyệt.

b) Nếu trong hợp đồng kinh tế quy định cơ sở sản xuất tự cân đối vật tư thì giá vật tư được tính theo khung giá thành phố quy định. Trường hợp loại vật tư nào chưa có trong khung giá, hai bên A và B thỏa thuận giá – có tham khảo giá thị trường và có sự xác nhận của phòng giá Quận, Huyện.

Hàng quý Ủy ban Vật giá thành phố phối hợp với Công ty Vật tư tổng hợp thành phố và các cơ quan hữu quan xem xét, điều chỉnh, bổ sung khung giá cho phù hợp.

c) Trường hợp áp dụng phương thức bán nguyên liệu – mua thành phẩm, nếu Ngân hàng chưa có điều kiện cho vay vốn để mua vật tư, cơ sở sản xuất phải dùng vốn tự có hoặc huy động vốn bên ngoài, cho phép cơ sở sản xuất được tính mức lãi suất bằng 5%/tháng.

d) Cơ sở sản xuất sử dụng vật tư nhập (bằng ngoại tệ) huy động của thân nhân ở nước ngoài gởi về, những vật tư này được tính theo giá như quy định ở điểm “b” trên đây, ngoài ra còn được mức lãi suất như nói ở điểm “c” trên đây.

2. Tiền vận chuyển bốc xếp được tính theo giá thực thanh toán có xác nhận của cơ quan quản lý địa phương.

3. Tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất tiền công (gọi tắt là tiền công):

Tiền công được tính theo định mức lao động đã quy định, trường hợp chưa có định mức thì hai bên A – B trao đổi thỏa thuận và được cơ quan chủ quản của hai bên xác nhận.

Trên cơ sở định mức lao động hợp lý, làm đủ ngày giờ công theo chế độ, tiền công và các khoản phụ cấp của người thợ TCN – TCN được đảm bảo đủ nuôi sống bản thân và một người ăn theo trên tinh thần Nhà nước không bao cấp như lương thực nhu yếu phẩm – mua theo giá bảo đảm kinh doanh (tiền công bình quân cho từng ngành có quy định riêng) Ủy ban vật giá cùng Sở lao động và các cơ quan hữu quan theo dõi và kịp thời kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố điều chỉnh tiền công cho phù hợp nếu có sự thay đổi về giá cả.

Các khoản phụ cấp: bảo đảm xã hội, bảo hộ lao động, Y tế phí… mang tính chất tiền công, được tính đầy đủ vào tiền công.

4. Khấu hao tài sản cố định:

Tài sản cố định sử dụng sau ngày 01-10-1981 được tính theo giá thực mua hoặc giá chỉ đạo của thành phố.

Nếu máy móc thiết bị của cơ sở sản xuất được nhập bằng vốn ngoại tệ huy động của nhân dân ở nước ngoài, được tính theo giá như quy định ở mục “b” điểm 1 trên đây.

Tài sản cố định sử dụng trước ngày 01-10-1981 được định lại theo giá chỉ đạo của thành phố.

Ủy ban vật giá và Sở tài chánh phối hợp cùng các cơ quan liên quan, hướng dẫn việc định giá và chế độ tính khấu hao tài sản cố định.

5. Chi phí về quản lý hành chánh:

Được tính vào chi phí quản lý hành chánh theo chế độ hiện hành, các khoản dưới đây được tính bằng một tỷ lệ phần trăm (%) của tiền công (như nói ở điểm 3)

- Tiền công cho lao động gián tiếp sản xuất bằng từ 5% đến 10%.

6. Kinh phí ngành được tính bằng 1,5% tiền công chính (không có các khoản phụ cấp có tính chất tiền công).

7. Lãi định mức:

Đối với hợp tác xã cấp cao, ngành nghề được ưu đãi, mặt hàng có chất lượng cao, các sản phẩm đòi hỏi quy trình kỹ thuật phức tạp… thì lãi định mức được tính bằng 10% đến 20% của tiền công.

Các sản phẩm sản xuất giao nộp cho xuất khẩu, lãi định mức được tính bằng 10% đến 25% của tiền công.

II- VỀ THUẾ CÔNG THƯƠNG NGHIỆP

1. Suất miễn thu đối với thuế lợi tức:

Trong tình hình hiện nay, suất miễn thu được sửa đổi theo tinh thần của Quyết định 133/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng: “Căn cứ vào phương pháp tính suất miễn thu, Ủy ban Nhân dân các Tỉnh, Thành phố quy định cụ thể suất miễn thu cho từng ngành nghề phù hợp với tình hình địa phương… và “suất miễn thu đối với tất cả các ngành nghề bằng mức lương bình quân của công nhân viên chức xí nghiệp quốc doanh địa phương từng ngành nghề…”.

Theo đề nghị của Ủy ban vật giá, Sở tài chánh, Liên hiệp Xã tiểu thủ công nghiệp Thành phố và các cơ quan hữu quan, Ủy ban Nhân dân Thành phố điều chỉnh suất miễn thu đối với thuế lợi tức như sau:

- Đối với các cơ sở TCN – TCN nội thành xuất miễn thu là 1.650 đồng.

- Đối với các cơ sở TCN – TCN ở ngoại thành suất miễn thu là 1.500 đồng.

2. Một số quy định về tính thuế và thu thuế:

a) Thuế doanh nghiệp chỉ thu trên sản phẩm cuối cùng (khi đã thành hàng hóa đưa ra tiêu thụ)

b) Không thu thuế buôn chuyến đối với trường hợp sau đây:

- Nguyên liệu, vật tư, phế liệu, phế thải do cơ sở sản xuất thu mua để trực tiếp đưa vào sản xuất.

- Sản phẩm sản xuất theo hợp đồng với các tỉnh bạn, thành phố bạn.

c) Thuế môn bài chỉ nộp 1 lần/năm, nếu cơ sở sản xuất di chuyển trong phạm vi thành phố hoặc thay đổi mặt hàng sản xuất thì được đổi môn bài nhưng không thu thêm thuế môn bài.

d) Nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện, máy móc nhập khẩu bằng ngoại tệ huy động vốn của tư nhân ở nước ngoài được xét chiếu cố thuế nhập khẩu.

đ) Căn cứ để tính thuế lợi tức là kết quả thực hiện hợp đồng kinh tế của các cơ sở sản xuất. Cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra, giúp đỡ cơ sở sản xuất thực hiện đúng các hợp đồng đã ký kết nếu phát hiện có sai sót của các cơ quan chức năng, cơ quan chủ quản trong việc xét hợp đồng cần bàn bạc cùng nhau xem xét giải quyết, cơ quan thuế không đơn phương quyết định xử lý.

e) Cơ quan thuế cần cải tiến các thủ tục tính và thu thuế, hướng dẫn và giúp đỡ các cơ sở sản xuất làm tốt công tác thống kê kế toán, bảo đảm từng quý có báo cáo quyết toán, thu nộp thuế đúng thời hạn, hạn chế việc phải tạm thu thuế.

Ủy ban Nhân dân thành phố giao trách nhiệm cho Ủy ban Vật giá, Sở Tài chánh (Chi cục thuế) Liên hiệp Xã thành phố cùng các cơ quan hữu quan triển khai thực hiện chỉ thị này, hướng dẫn cụ thể những điều thuộc chức năng của mình.

Ủy ban Nhân dân các Quận, Huyện có trách nhiệm hướng dẫn kiểm tra cơ sở trong việc thực hiện chỉ thị.

Trong quá trình thực hiện chỉ thị nếu có vướng mắc hoặc cần đề nghị bổ sung sửa đổi, phải báo cáo cho Ủy ban Nhân dân thành phố giải quyết.

Chỉ thị này thực hiện kể từ ngày ký. Các điều trong các văn bản trước đây trái với chỉ thị này nay bãi bỏ.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT/CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Võ Danh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 26/CT-UB năm 1985 về giá thu mua, giá gia công và thuế công thương nghiệp đối với sản xuất tiểu thủ công nghiệp do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 26/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 23/05/1985
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Võ Danh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản