Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2006/CT-UBND

Vinh, ngày 26 tháng 9 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 158/2005/NĐ-CP NGÀY 27/12/2005 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HỘ TỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Trong những năm qua, thực hiện Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ về đăng ký, quản lý hộ tịch, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác quản lý đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh và đã đạt được nhiều kết quả: Tuyên truyền, phổ biến kịp thời các văn bản pháp luật về đăng ký, quản lý hộ tịch cho các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân; quan tâm bố trí cán bộ làm công tác hộ tịch từ tỉnh tới cơ sở cả về số lượng và chất lượng; tạo điều kiện hỗ trợ sổ sách, biểu mẫu phục vụ công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở cơ sở. Bước đầu triển khai công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực hộ tịch, vì vậy kết quả thực hiện đăng ký các sự kiện hộ tịch như: khai sinh, kết hôn, đăng ký, khai tử... hàng năm theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu của nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện nhiệm vụ đăng ký và quản lý hộ tịch còn có những hạn chế nhất định. Nhìn chung các ngành, các cấp chính quyền chưa quan tâm đúng mức công tác quản lý, chỉ đạo và tạo điều kiện để cơ quan chuyên môn giúp UBND các cấp thực hiện tốt công tác đăng ký, quản lý hộ tịch. Do đó, kết quả đăng ký khai sinh, khai tử đạt tỷ lệ còn thấp, nam nữ kết hôn không đăng ký ở các huyện miền núi vẫn còn nhiều; giải quyết những vấn đề liên quan đến hộ tịch cho nhân dân chưa kịp thời, có lúc, có nơi còn ách tắc; tuyên truyền pháp luật về đăng ký, quản lý hộ tịch cho cán bộ và nhân dân chưa được thường xuyên và thiếu sâu rộng nên ý thức chấp hành và thực hiện quyền lợi của công dân chưa cao; đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch ở cấp huyện, cấp xã trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ còn bất cập, không ổn định, bố trí chưa đủ nhưng lại phân công kiêm nhiệm các việc khác nên chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho công tác hộ tịch còn thiếu thốn, nhất là đối với các huyện miền núi, vùng cao.

Xuất phát từ yêu cầu trên, ngày 27/12/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký, quản lý hộ tịch thay thế Nghị định số 83/1998/NĐ-CP.

Để tăng cường công tác đăng ký và quản lý hộ tịch và tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký, quản lý hộ tịch, UBND tỉnh chỉ thị:

1. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan:

a) Quán triệt nâng cao về nhận thức và tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ; xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện để đưa công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, chặt chẽ, thực hiện đúng quy định của pháp luật, đạt kết quả, hiệu quả ngày càng cao hơn.

b) Sở Văn hóa - Thông tin, Báo Nghệ An, Đài Phát thanh Truyền hình, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân tỉnh và các cơ quan có liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp tăng cường công tác chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và thường xuyên trong cán bộ và nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc ít người ở miền núi, vùng sâu, vùng xa nội dung Nghị định số 158/2005/NĐ-CP và các văn bản pháp luật của Nhà nước về đăng ký và quản lý hộ tịch để giúp người dân nắm bắt đầy đủ, kịp thời các quy định về đăng ký, quản lý hộ tịch.

2. Sở Tư pháp:

a) Phối hợp với Sở Nội vụ, các cơ quan chức năng, UBND các huyện, thành, thị làm tốt công tác củng cố, kiện toàn xây dựng cơ quan tư pháp đủ mạnh về số lượng và chất lượng để tổ chức thực hiện các mặt công tác tư pháp, trong đó có công tác đăng ký, quản lý hộ tịch;

b) Sở Tư pháp tham mưu và chỉ đạo, hướng dẫn các Phòng Tư pháp, cán bộ Tư pháp -Hộ tịch cấp xã tham mưu và giúp UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của Nhà nước về công tác hộ tịch. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ nhằm khắc phục, sửa chữa kịp thời những thiếu sót, hạn chế trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch. Làm tốt công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn về quản lý, đăng ký hộ tịch cho cán bộ tư pháp, nhất là cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cấp xã. Chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện về phẩm chất, đạo đức cán bộ trong ngành tư pháp để nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân, đẩy mạnh cải cách hành chính; chống mọi biểu hiện gây ách tắc, phiền hà, nhũng nhiễu trong giải quyết công việc đăng ký, quản lý hộ tịch cho nhân dân;

c) Phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện, thành, thị để hỗ trợ về kinh phí, điều kiện làm việc, nhất là sổ sách, biểu mẫu hộ tịch đảm bảo phục vụ tốt cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch;

d) Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án hỗ trợ công tác hộ tịch đối với các huyện miền núi để từng bước tạo điều kiện, giải quyết khó khăn về cán bộ, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, sổ sách, biểu nẫu hộ tịch cho các xã, nhất là các xã đặc biệt khó khăn;

đ) Phối hợp với Sở Tài chính xây dựng dự thảo Quy định chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng lệ phí và mức thu từng loại việc cụ thể về đăng ký hộ tịch để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua trong kỳ họp gần nhất.

3. Sở Nội vụ:

Phối hợp với Sở Tư pháp và UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tốt Chỉ thị số 13/2006/CT-UBND ngày 06/4/2006 của UBND tỉnh Nghệ An về việc kiện toàn tổ chức cán bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động cơ quan tư pháp, tổ chức pháp chế ngành ở địa phương; xây dựng chương trình kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ trình UBND tỉnh cấp kinh phí để mở lớp bồi dưỡng cán bộ Tư pháp cấp huyện, cấp xã hàng năm hoặc chuyên đề theo sự chỉ đạo của tỉnh; xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp giữa ngành Nội vụ và Tư pháp trong quản lý cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cấp xã.

4. Sở Tài chính:

a) Giúp UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn UBND các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch ngân sách hàng năm, trong đó có khoản kinh phí phục vụ đăng ký và quản lý hộ tịch;

b) Ban hành văn bản hướng dẫn về chế độ cấp phát sử dụng kinh phí phục vụ công tác quản lý và đăng ký hộ tịch, tạo điều kiện và đảm bảo kinh phí cho các Phòng Tư pháp và UBND cấp xã tổ chức thực hiện tốt Nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ;

c) Phối hợp với Sở Tư pháp và UBND các huyện, thành, thị quan tâm về kinh phí, tạo điều kiện bố trí phòng làm việc, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp cấp xã đáp ứng thực hiện nhiệm vụ và phục vụ cải cách hành chính lĩnh vực hộ tịch.

5. Công an tỉnh:

a) Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc kiểm tra, xác minh và cung cấp đầy đủ, kịp thời các số liệu, tàng thư, nhân thân của đương sự khi có yêu cầu liên quan đến công tác đăng ký và quản lý hộ tịch;

b) Phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức rà soát đội ngũ cán bộ đăng ký hộ khẩu và cán bộ Tư pháp - Hộ tịch ở phường, xã, thị trấn. Nếu ở những phường, xã, thị trấn nào còn có cán bộ Tư pháp - Hộ tịch kiêm nhiệm việc đăng ký hộ khẩu (thuộc nhiệm vụ của Công an) thì phải khẩn trương bố trí lại để cán bộ Tư pháp - Hộ tịch không kiêm nhiệm đăng ký hộ khẩu.

6. Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh: Phối hợp với Sở Tư pháp để có biện pháp theo dõi, rà soát và quản lý tốt việc trẻ em sinh ra ở cơ sở, đảm bảo tất cả trẻ em sinh ra đều được đăng ký đầy đủ.

7. Ban Dân tộc tỉnh: Phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hộ tịch cho cán bộ và nhân dân thuộc các huyện, các xã miền núi. Hàng năm, trong kế hoạch và các Đề án của Ban Dân tộc trình cấp trên hoặc HĐND và UBND tỉnh quyết định, lồng ghép dự trù một khoản kinh phí để hỗ trợ cho việc đăng ký quản lý hộ tịch và chính sách cán bộ Tư pháp-Hộ tịch các huyện miền núi, vùng cao.

8. UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò:

UBND các huyện, thành phố, thị xã có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ và tranh thủ sự chỉ đạo của các cấp, các ngành, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, nhất là Sở Tư pháp để làm tốt công tác quản lý nhà nước về công tác đăng ký, quản lý hộ tịch thuộc địa bàn quản lý của đơn vị mình. Làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch cho cán bộ, nhân dân. Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện tốt việc phối hợp tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ đăng ký quản lý hộ tịch giữa các ngành, đoàn thể cấp xã là thành viên Ban Tư pháp và các thôn bản, sắp xếp và bố trí cán bộ làm công tác Tư pháp - Hộ tịch ở cấp huyện, cấp xã đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo Chỉ thị số 13/2006/CT-UBND ngày 06/4/2006 của UBND tỉnh. Quan tâm về kinh phí, phương tiện làm việc, tạo điều kiện cho Phòng Tư pháp và Ban Tư pháp cấp xã giúp UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện tốt nhiệm vụ đăng ký, quản lý hộ tịch ở địa phương. Chỉ đạo UBND cấp xã rà soát những trường hợp trẻ sinh ra chưa được đăng ký khai sinh để đăng ký, phấn đấu 100% trẻ em sinh ra được đăng ký khai sinh.

9. Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã để rà soát, giải quyết những trường hợp còn vướng mắc, sai lệch về hồ sơ giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ của công dân với bản chính hộ tịch, thực hiện đúng Nghị định số 158/2005/NĐ-CP để bảo đảm quyền lợi chính đáng và tạo thuận lợi cho cán bộ và nhân dân.

Nhận được Chỉ thị này yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã trong phạm vi trách nhiệm của mình triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được phân công.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và tổng hợp tình hình, báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm cho Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ Tư pháp./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Văn Hành

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 26/2006/CT-UBND tăng cường thực hiện Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An

  • Số hiệu: 26/2006/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 26/09/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Nguyễn Văn Hành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/10/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 08/11/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản