Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2004/CT-UB

Vũng Tàu, ngày 14 tháng 4 năm 2004

 

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN KHOÁN BIÊN CHẾ VÀ KINH PHÍ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC VÀ GIAO QUYỀN TỰ CHỦ TÀI CHÍNH CHO CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÓ THU

Ngày 17/12/2001 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 192/2001/QĐ-TTg về việc mở rộng thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước, ngày 16/01/2002 Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2002/NĐ-CP về chế độ tài chính áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp có thu.

Để triển khai thực hiện cơ chế tài chính mới trên đối với các cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp có thu, UBND tỉnh đã ra Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện các quy định nêu trên.

Trong năm 2003 trên địa bàn tỉnh có 5 đơn vị cấp sở, 1 đơn vị cấp huyện đã triển khai thực hiện và trong quý I/2004 có 04 đơn vị cấp sở đăng ký thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính; 08/368 đơn vị sự nghiệp có thu trên địa bàn tỉnh thực hiện quyền tự chủ tài chính. Theo các cơ quan chức năng, 6 cơ quan hành chính sau 1 năm thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đã đạt được một số kết quả sau: giảm được 4 phòng, bộ phận, giảm được 27 biên chế, tính chủ động trong công việc của các đơn vị được tăng cuờng, vai trò trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị và cán bộ, công chức được nâng cao, chất lượng giải quyết công việc được nâng cao hơn, hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế “ xin cho” về biên chế, kinh phí; thu nhập bình quân của cán bộ, công chức đạt 1,47 lần so với mức lương cơ bản, kinh phí tiết kiệm từ lương và kinh phí hành chính bình quân đạt 13,62% so với tổng kinh phí được cấp. Thu nhập của cán bộ, viên chức và người lao động tại 8 đơn vị sự nghiệp có thu tăng lên từ 1 đến 2 lần so với trước khi thực hiện quyền tự chủ về tài chính.

Tuy nhiên theo tiến độ triển khai thực hiện và so với các địa phương khác thì số cơ quan hành chính nhà nước thực hiện khoán biên chế-kinh phí quản lý hành chính và số đơn vị sự nghiệp có thu thực hiện quyền tự chủ tài chính của tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu đạt rất thấp. Để mở rộng thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính và giao quyền tự chủ tài chính cho 100% các đơn vị sự nghiệp có thu, UBND tỉnh chỉ thị:

1. Ban Chỉ đạo tỉnh chịu trách nhiệm:

- Xây dựng chương trình thực hiện mở rộng khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước và chương trình thực hiện giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp có thu.

- Tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt tinh thần Quyết định số 192/2001/QĐ-TTg, Nghị định số 10/2002/NĐ-CP và các văn bản liên quan.

- Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ tài chính kế toán cho lãnh đạo, kế toán các đơn vị sự nghiệp có thu.

- Bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt đề án khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước và giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc UBND tỉnh, sở, ban, ngành.

- Báo cáo UBND tỉnh tình hình triển khai thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính và giao quyền tự chủ tài chính của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện.

2. Các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện có trách nhiệm:

- Tổ chức quán triệt mục đích, nội dung, ý nghĩa, lợi ích của việc thực hiện Quyết định số 192/2001/QĐ-TTg và Nghị định số 10/2002/NĐCP và các văn bản có liên quan đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của mình.

- Thành lập Tiểu Ban chỉ đạo triển khai thực hiện quyền tự chủ tài chính theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP đối với các đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc.

- Đăng ký thực hiện khoán theo Quyết định số 192/2001/QĐ-TTg (đối với các cơ quan hành chính thuộc tỉnh); đăng ký thực hiện Nghị định số 10/2002/NĐ-CP (đối với đơn vị sự nghiệp có thu) và gửi về bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét.

- Tổ chức cho các đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc đăng ký thực hiện Nghị định số 10/2002/NĐ-CP và gửi về bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét.

- Rà soát lại việc thực hiện tự chủ tài chính ở các đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc đã được giao quyền tự chủ tài chính, hướng dẫn các đơn vị này thực hiện đúng theo quy định.

- Căn cứ chương trình của Ban Chỉ đạo tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai và lộ trình giao quyền tự chủ tài chính cho tất cả các đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc đồng thời gửi kế hoạch triển khai này về Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh để theo dõi.

- Thường xuyên đôn đốc các đơn vị sự nghiệp trực thuộc xây dựng đề án tự chủ tài chính đúng thời gian quy định.

- UBND cấp huyện tổ chức xem xét, thẩm định đề án và ra quyết định giao quyền tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc theo đúng thời gian quy định (riêng về chỉ tiêu biên chế, lao động của các đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo một phần kinh phí phải căn cứ vào chỉ tiêu biên chế, lao động do Sở Nội vị giao hàng năm).

- Các sở, ban, ngành có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, yêu cầu các đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc xây dựng đề án tự chủ tài chính gửi về Bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh theo đúng thời gian quy định để thẩm định trình UBND tỉnh ra quyết định.

- Có kế hoạch bố trí, hoàn chỉnh và nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác tài chính, kế toán ở các đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc, nhằm đáp ứng yêu cầu khi đơn vị chuyển sang thực hiện Nghị định số 10/2002/NĐ-CP của Chính phủ.

- Thường xuyên báo cáo về Bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh tình hình thực hiện kế hoạch triển khai và những vướng mắc khi thực hiện giao quyền tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc.

3. Giao trách nhiệm cho Sở Nội vụ:

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan đôn đốc các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đăng ký thực hiện Quyết định 192/2001/QĐ-TTg và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trên xây dựng đề án khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính.

- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra những cơ quan thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính, đề xuất UBND tỉnh các biện pháp chấn chỉnh kịp thời hoạt động của các cơ quan này.

4. Giao trách nhiệm cho Sở Tài chính:

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện xây dựng đề án thực hiện quyền tự chủ tài chính.

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra việc phân loại đơn vị sự nghiệp có thu, tỷ lệ phần trăm để lai các khoản thu sự nghiệp và mức ngân sách nhà nước đảm bảo hoạt động thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc UBND cấp huyện và báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh kết quả thẩm tra trên.

- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra những đơn vị được giao quyền tự chủ về tài chính, đề xuất UBND tỉnh các biện pháp giải quyết những vướng mắc khi thực hiện quyền tự chủ tài chính và chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị đã thực hiện quyền tự chủ tài chính theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP của Chính phủ.

Trong năm 2004 phải hoàn thành dứt điểm việc giao quyền tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp có thu, kể từ ngày 01/01/2005 đơn vị nào không chuyển sang hoạt động theo cơ chế tài chính được quy định tại Nghị định số 10/2002/NĐ-CP của Chính phủ thì Thủ trưởng đơn vị đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, đồng thời UBND tỉnh sẽ không xem xét, giao kế hoạch chi theo định kỳ hàng năm.

Các cơ quan hành chính khẩn trương đăng ký thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính, phấn đấu đến năm 2005 đạt chỉ tiêu 100% số cơ quan hành chính trong tỉnh thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo chương trình cải cách hành chính của Chính phủ.

Việc tham mưu trình UBND tỉnh quyết định giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp có thu là trách nhiệm chính của cơ quan tài chính các cấp. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan tài chính phải quán triệt trong đội ngũ CBCC trực tiếp làm công tác tham mưu về lĩnh vực tài chính phải nhận thức một cách đầy đủ mục đích yêu cầu của việc chuyển đổi cơ chế tài chính, nhằm xóa bỏ cơ chế cấp phát tài chính theo kiểu “xin cho”, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Ban Chỉ đạo, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức triển khai và thực hiện nghiêm túc chỉ thị này.

 

 

TM. UBND TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
CHỦ TỊCH




Nguyễn Tuấn Minh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 26/2004/CT-UB về đẩy mạnh thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước và giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp có thu do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành

  • Số hiệu: 26/2004/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 14/04/2004
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Người ký: Nguyễn Tuấn Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/04/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản