Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 25-TTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 03 năm 1962 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC XÂY DỰNG CƠ BẢN VỀ THỦY LỢI

Nhờ có nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ III và nghị quyết của hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ V soi sáng, cán bộ và nhân dân được nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của sản xuất nông nghiệp trong sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nước nhà và cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân và về vị trí “biện pháp hàng đầu” của công tác thủy lợi trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp, nên trong năm 1961, nhất là về 6 tháng cuối năm phong trào làm công tác thủy lợi đã được đẩy lên một bước khá mạnh.

Riêng về xây dựng các công trình thủy nông, đã hoàn thành 17 công trình thuộc vốn trung ương quản lý, đạt 100% kế hoạch đầu năm, bằng hai lần năm 1960, trong đó có một số công trình như Văn lâm, Như quỳnh …đã vượt thời gian xây dựng để tranh thủ phục vụ kịp thời cho vụ đông xuân, và 597 công trình hạng vừa thuộc vốn địa phương quản lý đạt 107% kế hoạch cả năm bằng 165% so với năm 1960. Theo thiết kế, các công trình đã hoàn thành toàn bộ hoặc một phần kể trên sẽ tưới thêm và cải thiện được khoảng 160.000 ha và tiêu úng chống mặn khoảng 20.000 ha.

Để xây dựng những công trình trên và tự làm thêm hàng vạn công trình nhỏ, nhân dân đã bỏ ra 113 triệu ngày công, riêng về đất đào đắp trên 152 triệu thước khối, bình quân mỗi nhân khẩu nông nghiệp đạt 11m3420.

Thành tích đó xác minh sự đúng đắn của đường lối, phương châm công tác thủy lợi của Đảng, đánh dấu một bước tiến bộ đáng kể của ngành thủy lợi về quy mô và tốc độ xây dựng cơ bản, chứng tỏ sự cố gắng của Bộ Thủy lợi và điện lực và các cấp lãnh đạo địa phương trong việc lãnh đão và chỉ đạo thực hiện, và thể hiện tinh thần phấn đấu vượt mọi khó khăn, quyết tâm giành thắng lợi mới của nhân dân và tất cả cán bộ, công nhân viên trong ngành thủy lợi và trên các công trường.

Việc chuẩn bị cho kế hoạch xây dựng năm 1962 cũng có nhiều tiến bộ mới: Bộ Thủy lợi và điện lực đã có nhiều cố gắng đẩy mạnh công tác thiết kế sớm hơn một bước; các địa phương tích cực chuẩn bị công trường ngay từ cuối năm 1961.

Nhưng bên cạnh những ưu điểm, chúng ta còn nhiều thiếu sót và nhược điểm lớn: các công trường thường không huy động được đủ số dân công cần thiết, số người huy động được chưa được sử dụng và quản lý tốt, việc cải tiến công cụ chưa được tích cực thực hiện, năng suất lao động còn rất thấp, phần lớn chưa đạt tiêu chuẩn. Do đó hiện tượng lãng phí nguyên vật liệu nhất là về nhân lực còn phổ biến và tương đối trầm trọng ở một số nơi, thời gian thi công một số công trình còn kéo dài, chất lượng công trình có nơi chưa được tốt.

Nguyên nhân là các cấp lãnh đạo địa phương chưa nhận thức một cách đúng đắn trách nhiệm của mình trong việc lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện kế hoạch xây dựng các công trình thuộc vốn trung ương quản lý ở địa phương mình. Hầu hết chỉ cử một vài cán bộ lãnh đạo công trình  rồi khoán trắng, thiếu chú ý đến việc tổ chức huy động nhân lực một cách chu đáo: thiếu quan tâm đến việc kiểm tra đôn đốc chấp hành nghiêm chỉnh nguyên tắc thể lệ kiến thiết cơ bản và sử dụng tài chính, nguyên vật liệu theo tinh thần tiết kiệm. Có nơi đến nay còn cho công trường xây dựng ở địa phương mình do vốn trung ương quản lý là công trường của trung ương, địa phương chỉ có trách nhiệm huy động cung cấp nhân lực thôi. Mặt khác do việc phân cấp quản lý giữa Bộ Thủy lợi điện lực và các địa phương chưa được cụ thể, trách nhiệm chỉ đạo kỹ thuật và nghiệp vụ của các bộ môn của Bộ đối với các công trường chưa được rõ ràng, việc kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn giúp đỡ địa phương và công trường để giải quyết những khó khăn hoặc uốn nắn những sai lệch chưa được kịp thời.

Kế hoạch xây dựng công trình thủy nông trên và dưới hạn ngạch năm 1962 bằng hai lần năm 1961 về vốn đầu tư cũng như về khối lượng. Vốn đầu tư để các địa phương xây dựng công trình loại vừa cũng tăng hơn 20%. Công tác tiểu thủy nông cũng phải phát triển nhiều hơn theo đà phát triển của trung, đại thủy nông, mới khai thác phát huy được tốt tác dụng các công trình. Nói chung quy mô xây dựng năm nay mở rộng hơn nhiều, tốc độ xây dựng phải tăng nhanh hơn; yêu cầu về kỹ thuật có công trình phức tạp hơn và nói chung là phải cao hơn; để chống lãng phí có kết quả hơn và đưa việc xây dựng đi vào nề nếp, nguyên tắc cấp phát tài chính phải được thi hành chặt chẽ hơn, trình tự, chế độ kiến thiết cơ bản phải được chấp hành nghiêm chỉnh, tổ chức công trường phải phân biệt rõ ràng giữa A và B. Mặt khác, phạm vi huy động nhân lực chỉ có mức độ nhất định, nguyên vật liệu phải triệt để tiết kiệm, lực lượng kỹ thuật tuy có tăng nhưng chưa được đầy đủ.

Hầu hết các công trường năm nay đều phải khởi công vào quý I, nhưng qua tháng 1 năm 1962 kế hoạch thực hiện được rất thấp. Trong 8 công trình xây dựng mới trên hạn ngạch, mới khởi công được 3 công trình; trong 17 công trình xây dựng mới, dưới hạn ngạch mới có đủ thiết kế 6 công trình; hầu hết các địa phương chưa báo cáo lên Bộ Thủy lợi điện lực kế hoạch xây dựng công trình loại vừa trong địa phương. Tuy có khó khăn khách quan nhưng chủ yếu là do khảo sát thiết kế chậm, việc chuẩn bị các công trường chưa được tốt, nhất là các địa phương chưa nỗ lực cố gắng giải quyết những khó khăn để chấp hành đúng trình tự  kiến thiết cơ bản, thể lệ cấp phát vốn kiến thiết cơ bản.

Để bảo đảm thực hiện vượt mức kế hoạch năm 1962 theo chỉ thị của Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thủy lợi điện lực và Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh ra sức khắc phục những thiếu sót và nhược điểm nói trên, có biện pháp cụ thể, khẩn trương đẩy mạnh tốc độ thi công các công trình loại lớn và loại vừa, đẩy mạnh phong trào đào đắp nhằm bảo đảm tưới cho vụ đông xuân trước mắt, chuẩn bị cho vụ thu và vụ mùa 1962 và tiến hành củng cố đê điều hoàn thành trước mùa mưa lũ.

Cần phải tiếp tục giáo dục tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về vị trí quan trọng của công tác thủy lợi trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp, động viên tinh thần phấn đấu vượt mọi khó khăn quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch xây dựng cơ bản về thủy lợi năm 1962. Mặt khác, phải tăng cường lãnh đạo và chỉ đạo các công trường, có kế hoạch cải tiến việc huy động nhân lực cho thích hợp với quan hệ sản xuất mới ở nông thôn, đi sâu vào chỉ đạo cải tiến công cụ, hợp lý hóa tổ chức lao động, thực hiện tăng năng suất, đồng thời tiếp tục điều chỉnh và nâng cao quy hoạch thủy lợi xã, có kế hoạch đào đắp cả năm kịp thời khắc phục mọi hiện tượng tư tưởng chủ quan thỏa mãn, mới thấy trong vụ cấy chiêm vừa qua không thiếu nước như các năm trước mà đã lơ là đối với công tác thủy lợi.

Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh cần nhận rõ trách nhiệm của mình trước Nhà nước đối với mọi mặt hoạt động của công trường thuộc vốn trung ương quản lý, xây dựng công trình thủy nông trong địa phương mình: tổ chức quản lý công trường, bảo đảm thực hiện kế hoạch thi công xây dựng đúng thời gian, đúng kỹ thuật, quản lý nhân lực, tài vụ, nguyên vật liệu, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí tham ô, chấp hành các chính sách bảo đảm quyền lợi dân công, công nhân viên và bảo hộ lao động ở công trường v .v… do đó cần nắm vững tiến độ thi công cả năm, xét duyệt và kiểm điểm việc thực hiện từng tháng, từng quý, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện đúng thể lệ, chế độ xây dựng cơ bản. Ngoài việc phát huy hết chức năng của các Sở, Ty Thủy lợi là ngành chủ chốt, trong việc chuẩn bị mọi mặt và tổ chức công trường, bảo đảm chỉ đạo kỹ thuật, cần huy động các ngành khác xung quanh tỉnh giúp đỡ Ủy ban và Ban Chỉ huy công trường để có đủ điều kiện quản lý mọi mặt hoạt động của công trường và tập trung chỉ đạo sản xuất được tốt như: Thanh niên, Lao động, Ban Công tác nông thôn trong việc huy động, tổ chức quản lý dân công; Tài chính Ngân hàng trong việc lập dự toán kinh phí, hướng dẫn kiểm tra công tác tài vụ và thực hiện chế độ cấp phát theo khối lượng; kế hoạch thống kê trong việc nắm tình hình cân đối các mặt hoạt động của công trường…Phải quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để chấp hành cho đúng nguyên tắc thể lệ xây dựng cơ bản của Nhà nước.

Bộ Thủy lợi và điện lực cần đi sâu hơn nữa giúp Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh và các Ban Chỉ huy công trường giải quyết kịp thời những khó khăn; các Cục, Vụ, Viện nghiệp vụ và kỹ thuật, Tổng đội công trình …phải thực sự xuống sát công trường giúp đỡ một cách thiết thực, làm tốt trách nhiệm chuyên môn của mình.Cần đẩy mạnh công tác thiết kế tiến nhanh hơn nữa về thời gian cũng như về chất lượng để không trở ngại cho hoạt động của công trường. Đối với các bộ phận hoặc công trình đòi hỏi kỹ thuật phức tạp Bộ cần trực tiếp chỉ đạo hoặc trực tiếp điều khiển thi công để bảo đảm chất lượng kỹ thuật và phải đặc biệt chú ý giúp đỡ cán bộ có kinh nghiệm lãnh đạo công trường cho khu, thành, tỉnh nào lần đầu tiên mở công trường lớn, để tránh bỡ ngỡ, gây lãng phí lớn.

Khối lượng củng cố đê, kè, cống năm nay tuy ít hơn, nhưng yêu cầu phòng chống lụt bão phải cao hơn các năm trước, vì vậy các địa phương cần tranh thủ hoàn thành công tác đê, kè, cống trong mùa khô, trước đầu tháng 5 năm 1962 để việc chuẩn bị phòng chống lụt bão năm nay được sớm hơn và đạt hiệu quả tốt hơn.

Thủ tướng Chính phủ mong rằng Bộ Thủy lợi và điện lực và Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh sẽ nghiên cứu kỹ và có kế hoạch thi hành đúng đắn chỉ thị này.

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 
 


Phạm Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 25-TTg năm 1962 về đẩy mạnh công tác xây dựng cơ bản về thủy lợi do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 25-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 03/03/1962
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản