ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/CT-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 6 năm 1980 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC PHÂN PHỐI LƯƠNG THỰC TẠI THÀNH PHỐ
Trung ương Đảng và Chánh phủ vừa ban hành các nghị quyết về chánh sách lương thực (nghị quyết của Bộ Chánh trị số 25-NQ/TW ngày 1 tháng 4 năm 1980 và nghị quyết của Hội đồng Chánh phủ số 09/CP ngày 9 tháng 01 năm 1980), bao gồm nhiều mặt công tác về lương thực.
Vấn đề lương thực có tầm quan trọng chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Giải quyết tốt vấn đề lương thực sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chủ trương, chánh sách của Đảng và Nhà nước. Trong phạm vi chỉ thị này, căn cứ các nghị quyết của Đảng và Chánh phủ, Ủy ban Nhân dân thành phố quy định và hướng dẫn về công tác phân phối lương thực ở thành phố như sau:
1) Cần làm tốt công tác tuyên truyền giải thích sâu rộng chánh sách lương thực nói chung, chánh sách phân phối lương thực nói riêng trong tất cả cán bộ, công nhân, viên chức của tất cả các ngành, các cấp cũng như trong tất cả các từng lớp nhân dân, đặc biệt đối với nhân dân trong khu vực không sản xuất lương thực:
- Bảo đảm quán triệt nguyên tắc phân phối theo lao động trên cơ sở khả năng lương thực của Nhà nước, tăng cường quản lý phân phối một cách chặt chẽ, hợp tình, hợp lý và tiết kiệm, phải kết hợp phân phối lương thực với quản lý và phân công lao động mới, quản lý sản phẩm, đấu tranh cải tạo và ổn định thị trường.
- Đồng tình với việc “do lương thực Nhà nước phải mua vào bằng 2 giá nên cũng bán ra theo 2 giá”, từ đó mọi người trao đổi bàn bạc, tự nguyện chấp hành đúng theo các quy định về chánh sách phân phối lương thực của Nhà nước, đóng góp ý kiến giúp đỡ vầ giám sát cơ quan lương thực thực hiện cho đúng chánh sách.
2) Căn cứ bản quy định (tạm thời) của Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành kèm theo chỉ thị này:
- Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, phường, xã cùng thủ trưởng các sở, ban, ngành, các đoàn thể xúc tiến ngay công tác lập danh sách những người thuộc diện mua lương thực theo giá cung cấp của Nhà nước.
- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp… phối hợp với công đoàn có trách nhiệm cung cấp danh sách cán bộ, công nhân, viên chức (và những người ăn theo của họ) thuộc phạm vi mình phụ trách cho các cơ quan lương thực quận, huyện liên quan; đồng thời hoàn toàn chịu trách nhiệm về những việc vi phạm chế độ quản lý lương thực của Nhà nước trong cơ quan, đơn vị mình (khai man số người, khai sai tiêu chuẩn…).
- Danh sách những người mua lương thực theo giá cung cấp phải phổ biến rộng rãi trong từng tổ dân phố để nhân dân đóng góp ý kiến. Hội đồng xét duyệt danh sách những người được mua lương thực theo giá cung cấp phường, xã gồm đại diện Ủy ban Nhân dân, đại diện Hội đồng Nhân dân, đoàn thể, v.v… sẽ thông qua danh sách này, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm duyệt bản danh sách này và các cửa hàng lương thực căn cứ vào đó thực hiện việc bán lương thực theo giá cung cấp.
Trong khi xét duyệt danh sách, Ủy ban Nhân dân các cấp cần quan tâm đúng mức đến những gia đình lao động có nhiều khó khăn trong đời sống cần được chiếu cố mua lương thực theo giá cung cấp. Với các nhân sĩ, trí thức,… tuy không hưởng lương như cán bộ, công nhân, viên chức nhưng vẫn có những cống hiến vào công việc chung, Mặt trận Tổ quốc thành phố, Mặt trận Tổ quốc quận, huyện cần lập danh sách để Ủy ban Nhân dân đồng cấp xét duyệt và cơ quan lương thực bán theo giá cung cấp tùy theo yêu cầu cần thiết. Đối với các vị tu sĩ cũng giải quyết theo tinh thần trên.
3) Đồng thời với việc triển khai công tác phân phối lương thực theo giá cung cấp, Sở Lương thực phối hợp chặt chẽ với Úy ban Nhân dân các quận, huyện và các ngành liên quan:
- Tổ chức việc mua và bán lương thực theo giá bảo đảm kinh doanh cho số bà con không thuộc diện mau theo giá cung cấp; tùy theo khả năng lương thực mà hướng dẫn thứ tự mua ưu tiên.
- Phải tăng cường quản lý thị trường, bắt buộc những tiểu thương đương kinh doanh lương thực phải đăng ký theo đúng chế độ của Nhà nước, phải niêm yết giá bán lẻ và giá bán đúng giá niêm yết, khi tăng giá bán phải có lý do chính đáng, nếu không Nhà nước phải can thiệp bằng biện pháp thuế và tùy việc vi phạm nặng nhẹ mà có các biện pháp hành chánh theo luật lệ hiện hành.
Phải kịp thời đấu tranh chống mọi luận điệu phản tuyên truyền, xuyên tạc chánh sách phân phối lương thực của Nhà nước; nghiêm trị bọn chuyên đầu cơ buôn lậu, phá giá thị trường.
Các đồng chí Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ban ngành…, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, phường, xã cần phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể , các cơ quan thông tin văn hóa, truyền thanh, truyền hình, báo chí, … tổ chức phổ biến chánh sách lương thực của Đảng và Chánh phủ sâu rộng trong cán bộ, công nhân, viên chức cũng như trong mọi tầng lớp nhân dân; đồng thời tổ chức việc thực hiện chánh sách phân phối lương thực, một cách nghiêm túc, theo đúng các quy định của Nhà nước ban hành.
Chỉ thị này được phổ biến trong các cơ quan, đơn vị , xí nghiệp, … và Ủy ban Nhân dân các phường, xã, nhưng không đăng toàn văn trên báo chí.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ VIỆC PHÂN PHỐI LƯƠNG THỰC Ở THÀNH PHỐ
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chánh phủ (số 09 CP ngày 9 tháng 01 năm 1980) về chánh sách lương thực; trong khi chờ đợi sự hướng dẫn cụ thể của Bộ Lương thực và thực phẩm, Ủy ban Nhân dân thành phố tạm thời quy định việc phân phối lương thực tại thành phố như sau:
1) Đối với khu vực phi nông nghiệp, thành phố bảo đảm phân phối lương thực thường xuyên theo tiêu chuẩn thống nhát và theo đúng giá cung cấp cho:
a) Cán bộ, công nhân , viên chức thuộc các xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh, các cơ quan hành chánh, sự nghiệp; cán bộ và nhân viên trong biên chế thuộc các đoàn thể từ cấp quận, huyện; cán bộ và nhân viên hưởng phụ cấp định suất ở phường, xã.
– Cán bộ, công nhân, viên chức hưu trí, nghỉ mất sức có trợ cấp thường xuyên, thương binh, gia đình liệt sĩ, những người già và gia đình có công với cách mạng.
– Học sinh các trường đại học, trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề của Nhà nước.
b) Người ăn theo của những người trong bộ máy Nhà nước bao gồm cha mẹ, vợ con của cán bộ, công nhân, viên chức, cán bộ hưu trí, mất sức, thương binh. Những người trên đây đã quá tuổi lao động hoặc còn tuổi lao động nhưng mất sức lao động, thuộc diện không sản xuất nông nghiệp, sống dựa vào tiền lương cảu cán bộ, công nhân, viên chức.
2) Những người có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nhà nước, bao gồm những người làm các ngành tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, vận tải, trồng rau chuyên canh, cây công nghiệp, đánh cá … không sản xuất lương thực, được phân phối lương thực tương ứng với kết quả thực hiện hợp đồng kinh tế theo giá cung cấp.
3) Ngoài số người kể trên, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện có nhiệm vụ xem xét , quyết định bán lương thực, theo giá cung cấp cho những người xét nếu không được mua lương thực theo giá cung cấp thì đời sống của họ cũng như đối với những người ăn theo của họ sẽ gặp nhiều khó khăn (những gia định lao động nghèo ở thành thị…)
4) Đối với những người không sản xuất nông nghiệp khác, không có quan hệ hợp đồng kinh tế với Nhà nước, từ nay sẽ được xét phân phối lương thực với giá bảo đảm kinh doanh theo khả năng lương thực của Nhà nước.
5) Ủy ban Nhân dân quận, huyện, phường, xã cùng thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp có nhiệm vụ tổ chức việc lập danh sách cụ thể số người mua lương thực theo giá bảo đảm kinh doanh.
Sở lương thực thành phố có nhiệm vụ hướng dẫn cụ thể cho các cấp, các ngành việc thực hiện chánh sách phân phối lương thực theo đúng các quy định của Nhà nước.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
Chỉ thị 25/CT-UB năm 1980 về công tác phân phối lương thực tại thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 25/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 16/06/1980
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Mai Chí Thọ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/06/1980
- Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực