Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/2003/CT-UB

Quy nhơn, ngày 22 tháng 7 năm 2003

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC QUẢN LÝ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG VÀ HÀNH LANG ĐƯỜNG BỘ

Trong những năm gần đây, Nhà nước đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp mở rộng, kiên cố hoá nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh phục vụ tốt cho vận chuyển hàng hoá, đi lại thuận lợi góp phần nâng cao đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Đồng thời với việc phát triển hệ thống công trình giao thông đường bộ thì việc lấn chiếm, xây cất trái phép nhà ở, lều quán nằm trong hành lang bảo vệ công trình giao thông dọc hai bên đường ngày một gia tăng, công tác quản lý đất hành lang đường bộ và xử lý vi phạm chưa được các cấp chính quyền và các ngành chức năng quan tâm đúng mức dẫn đến nhiều vấn đề tồn tại như gây mất trật tự an toàn giao thông, khó khăn và tốn kém trong công tác giải phóng mặt bằng khi nâng cấp đường, công trình giao thông….

Để khắc phục tình trạng nêu trên và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước trong công tác bảo vệ công trình giao thông và an toàn giao thông, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Thủ trưởng các sở, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện và chỉ đạo các UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt các việc sau đây:

1- Tập trung tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ công trình giao thông đường bộ đến các hộ dân trên địa bàn, đồng thời phát động phong trào “ Toàn dân tham gia bảo vệ công trình giao thông đường bộ”. Quản lý chặt chẽ không để các cá nhân và tổ chức lấn chiếm đất, xây dựng trái phép nhà cửa, vật kiến trúc khác nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình giao thông.

Hành lang bảo vệ công trình giao thông được quy định tại Nghị định số 172/1999/NĐ-CP ngày 07/12/1999 của Chính phủ như sau :

1.1- Về giới hạn hành lang bảo vệ đối với đường:

a) Giới hạn hành lang bảo vệ đường bộ nằm ngoài khu vực ranh giới thành phố, thị trấn, thị xã là:

- 20m (hai mươi mét) đối với các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ19 và Quốc lộ1D;

- 15m (mười lăm mét) đối với đường cấp 3 thuộc các đường tỉnh lộ do Sở Giao thông vận tải quản lý;

- 10m (mười mét) đối với đường cấp 4, cấp 5 thuộc các đường tỉnh lộ, đường huyện do Sở Giao thông vận tải và UBND các địa phương quản lý;

- 05m (năm mét) đối với các đường huyện, liên xã chưa vào cấp (nhưng không được nhỏ hơn bề rộng của thân đường);

- Riêng tuyến ven biển Nhơn Hội - Cát Tiến - Đề Gi và tuyến Gò Găng - Kiên Mỹ (ĐT 636) thực hiện theo Chỉ thị số 18/2003/CT-UB ngày 22/5/2003 của UBND tỉnh Bình Định.

Giới hạn nêu trên được tính từ mép chân mái đường đắp hoặc mép đỉnh mái đường đào hay từ mép ngoài rãnh dọc hoặc rãnh đỉnh của đường trở ra hai bên trục đường.

b) Giới hạn hành lang đường bộ trong khu vực đô thị thuộc thành phố, thị xã, thị trấn là: chỉ giới xây dựng theo quy hoạch được duyệt.

1.2 - Giới hạn hành lang bảo vệ đối với cầu, cống được quy định:

a) Đối với cầu: Tính theo chiều dọc cầu, từ đuôi mố cầu ra mỗi bên là:

- 50m ( năm mươi mét) đối với cầu có chiều dài từ 60m trở lên.

- 30m ( ba mươi mét) đối với cầu có chiều dài dưới 60m.

Trong trường hợp cầu có đường dốc lên, xuống lớn hơn quy định trên đây thì giới hạn hành lang được tính từ đuôi mố cầu ra đến hết chân dốc.

b) Đối với cống: Giới hạn hành lang bảo vệ theo chiều dọc cống về hai phía bằng bề rộng hành lang bảo vệ đối với đường.

1.3 - Đối với cầu, cống đã có trong thành phố Quy Nhơn và các thị trấn, thị tứ:

Căn cứ Quyết định số 1975/QĐ-UB ngày 29/8/1995 của UBND tỉnh Bình Định cụ thể như sau:

a) Đối với cầu: Hành lang bảo vệ các công trình cầu được tính từ 4 góc của mối tiếp giáp giữa mố cầu và bản mặt cầu tính ra phía đường có bán kính là:

- Cầu dài trên 60m : R = 50m

- Cầu dài từ 30m – 60m : R = 40m

- Cầu dài dưới 30m : R = 30m

b) Đối với cống: Hành lang bảo vệ cống ngang qua đường được tính từ mép cống ra mỗi bên là 5m.

1.4 - Riêng việc xây dựng các trạm xăng dầu nằm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ thì ngoài phạm vi đất hành lang bảo vệ đường bộ theo quy định còn phải lùi thêm 15m; Nếu nằm trong đô thị cách lộ giới (đường đỏ) ít nhất 07 m, cách giao điểm các đường phố ít nhất 50m, cách chân cầu ít nhất 200m (theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 682/BXD-CSXD ngày 14/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng).

1.5 - Các quy định khác chưa đề cập trong chỉ thị này căn cứ Nghị định 172/1999/NĐ-CP ngày 07/12/1999 của Chính phủ để thực hiện.

2- Các tổ chức, cá nhân khi thi công công trình trên đường bộ đang khai thác phải có giấy phép thi công của cơ quan có thẩm quyền cấp, cụ thể:

- Đối với các tuyến quốc lộ theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải.

- Đối với các tuyến tỉnh lộ và các trục đường chính trong thành phố Quy Nhơn do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Định cấp phép thi công.

- Đối với hệ thống đường còn lại do UBND các huyện, thành phố cấp phép thi công thuộc địa bàn quản lý.

3- Trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố:

- Khi cấp phép xây dựng nhà ở, công trình thuộc thẩm quyền nằm hai bên đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và đường đô thị thuộc địa bàn mình quản lý phải phù hợp với quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra, không để các hộ dân tự ý lấn chiếm đất, xây cất trái phép trong hành lang bảo vệ công trình giao thông đường bộ, đồng thời phối hợp với các phòng, ban chức năng của huyện, lực lượng thanh tra giao thông và các ngành chức năng kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng lấn chiếm đất, xây cất trái phép trên hành lang bảo vệ công trình giao thông đường bộ.

- Tiến hành kiểm tra, thống kê những trường hợp nhà ở và các công trình kiến trúc khác đã xây dựng trong hành lang bảo vệ công trình giao thông đường bộ (kể cả nhà ở và các công trình kiến trúc khác có trước Nghị định số 172/1999/NĐ-CP ngày 07/12/1999 của Chính phủ), phân loại và đề xuất phương án giải quyết từng bước trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện.

- Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để việc lấn chiếm đất, xây cất trái phép trong hành lang bảo vệ công trình giao thông đường bộ thuộc địa bàn mình quản lý diễn biến ngày càng phức tạp.

4- Trách nhiệm của UBND các xã, phường, thị trấn:

- Tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ công trình giao thông cho các hộ dân ở hai bên đường giao thông, thực hiện ký cam kết với chính quyền “không xâm phạm công trình giao thông và hành lang đường bộ”. Quản lý chặt chẽ đất trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình giao thông đường bộ, kiên quyết lập biên bản xử lý và tổ chức tháo dỡ ngay các trường hợp xây dựng trái phép nhà ở và các công trình kiến trúc khác trong hành lang bảo vệ công trình giao thông đường bộ. Không xem xét bồi thường và giải quyết đơn thư khiếu nại của người vi phạm trong trường hợp này.

- Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm cá nhân trước cấp trên về việc để cho dân lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ mà không có các biện pháp xử lý cương quyết ngay từ đầu. Từ nay về sau, nếu để cho dân tiếp tục vi phạm xây dựng trái phép trong hành lang bảo vệ công trình giao thông đường bộ mà chính quyền cấp cơ sở không có những biện pháp xử lý kiên quyết thì Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất (nếu có) cho dân khi bị cưỡng chế tháo dỡ.

5- Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với UBND các cấp và các đơn vị quản lý giao thông tiếp tục kiểm tra, lập biên bản và xử lý các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông đường bộ trên các Quốc lộ 1, Quốc lộ 19, Quốc lộ 1D và các tuyến đường do tỉnh quản lý, đồng thời tổ chức tháo dỡ tại chỗ hoặc cưỡng chế tháo dỡ các công trình, nhà ở xây dựng trái phép trong hành lang bảo vệ công trình giao thông đường bộ theo quy định.

6- Các đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ thường xuyên tổ chức tuần đường phát hiện kịp thời những vi phạm thông báo cho Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và lực lượng thanh tra giao thông để giải toả ngay từ khi mới lấn chiếm đất, bắt đầu xây dựng trái phép. Phối hợp chặt chẽ với thanh tra giao thông và chính quyền địa phương để tham gia giải tỏa những trường hợp vi phạm công trình giao thông và hành lang bảo vệ đường bộ, giải tỏa đến đâu cắm mốc lộ giới đến đó và tổ chức bàn giao cho UBND xã, phường, thị trấn quản lý không để các trường hợp tái lấn chiếm trở lại.

7- Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định thông báo rộng rãi chỉ thị này trên các phương tiện thông tin đại chúng và dành thời lượng tổ chức tuyên truyền nội dung pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông quy định tại Nghị định số 172/1999/NĐ-CP ngày 07/12/1999 của Chính phủ.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị chức năng liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện và định kỳ hàng tháng, quý, năm báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh biết chỉ đạo./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ GTVT
- TT Tỉnh ủy
- TT.HĐND tỉnh
- CT, các PCT UBND tỉnh
- Cục Đường bộ Việt Nam
- Các sơ,û ban, ngành
- Đài PTTH, Báo Bình Định
- UBND các huyện thành phố
- Ban TTra GTVT, Đội TTra GT 5.2
- Cty QLSC đường bộ Bình Định
- Cty QLGT thủy bộ Bình Định
- Cty QLSC đường bộ TP.Quy Nhơn
- CVP,PVP Bùi Quốc Hồng, Lê Nhuận
- Lưu VP, K5, K4.

TM - ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
CHỦ TỊCH




Vũ Hoàng Hà

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 25/2003/CT-UB về quản lý bảo vệ công trình giao thông và hành lang đường bộ do Tỉnh Bình Định ban hành

  • Số hiệu: 25/2003/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 22/07/2003
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Vũ Hoàng Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản