Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 25/2002/CT-BGTVT

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2002

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA VÀ CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC KIỂM ĐỊNH PHƯƠNG TIỆN CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ

Thực hiện Nghị định số 36/CP ngày 29/5/1995, Nghị định sửa đổi bổ sung số 75/1998/NĐ-CP ngày 26/9/1998, số 36/2001/NĐ-CP ngày10/7/2001 của Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành các tiêu chuẩn, các quy định về việc kiểm tra định kỳ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (gọi tắt là kiểm định ) áp dụng trong tất cả các Trạm Đăng kiểm. Sau hơn 7 năm thực hiện, hệ thống mạng lưới các đơn vị làm công tác kiểm định đã không ngừng phát triển, đến nay trên cả nước có 79 Trạm Đăng kiểm với 93 dây chuyền kiểm định, 100% các Trạm Đăng kiểm đã được cơ giới hoá góp phần nâng cao chất lượng kiểm định.

Qua kiểm tra cho thấy Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính (GTVT, GTCC) và các Trạm Đăng kiểm đã cơ bản thực hiện đúng các quy định về công tác kiểm định, do đó đã hạn chế việc mất an toàn do nguyên nhân kỹ thuật gây ra đối với các phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông. Tuy nhiên qua kiểm tra cũng cho thấy còn một số tồn tại trong công tác kiểm định như: vẫn còn có Trạm trưởng, Đăng kiểm viên, Nhân viên nghiệp vụ chưa đảm bảo tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 1643/1998/QĐ-BGTVT ngày 06/71998 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Đăng kiểm viên và Nhân viên nghiệp vụ chưa thực hiện đúng và đủ các tiêu chuẩn, quy trình kiểm định; cá biệt còn có Đăng kiểm viên sửa kết quả kiểm định, kiểm định chất lượng chưa đảm bảo.

Để tăng cường thi hành Luật Giao thông đường bộ trong công tác kiểm định và chấn chỉnh tổ chức, khắc phục triệt để những tồn tại, thiếu sót nêu trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ thị:

1. Giao các cơ quan trực thuộc Bộ, căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình, rà soát lại toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật Bộ đã ban hành, kịp thời tham mưu trình Bộ bổ sung điều chỉnh các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông đường bộ, phục vụ cho công tác kiểm định. Văn bản nào còn thiếu phải được soạn thảo ngay để kịp ban hành và áp dụng từ 01/02/2003.

Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thành ngay trong tháng 01/2003 dự thảo Nghị định về loại bỏ các phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa đã quá niên hạn sử dụng để trình Chính phủ ban hành.

2. Giao Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì và phối hợp với các Sở GTVT (GTCC) tổ chức kiểm tra rà soát lại toàn bộ các trường hợp Trạm trưởng, Đăng kiểm viên và Nhân viên nghiệp vụ không đủ tiêu chuẩn theo Quyết định 1643/1998/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải thì phải đưa đi đào tạo bổ sung và kiên quyết xử lý theo quy định tại Quyết định số 3165/2002/QĐ-BGTVT ngày 02/10/2002 của Bộ Giao thông vận tải, nhằm nâng cao chất lượng về chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức của người làm công tác kiểm định . Nghiêm cấm bố trí người làm công tác kiểm định không đúng quy định của Bộ.

Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục đào tạo nghiệp vụ đăng kiểm cho các Đăng kiểm viên và Nhân viên nghiệp vụ làm tại các Trạm Đăng kiểm để đáp ứng yêu cầu đào tạo của các Trạm Đăng kiểm trong cả nước.

Cục Đăng kiểm Việt Nam phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng, các báo của ngành, tăng cường phổ biến tuyên truyền cho các chủ phương tiện và lái xe khi đưa xe tới kiểm định nhận thức rõ trách nhiệm và thực hiện nghiêm túc các quy định về chăm sóc bảo dưỡng sửa chữa kỹ thuật xe nhằm duy trì trạng thái an toàn của xe giữa hai kỳ kiểm định như quy định tại khoản 5 Điều 50 Luật Giao thông đường bộ.

3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tạo điều kiện đầu tư các thiết bị hiện đại phục vụ công tác kiểm định để nâng cao chất lượng kiểm định đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc tăng cường thanh tra, kiểm tra các Trạm Đăng kiểm thuộc địa phương quản lý trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao.

Các Sở GTVT (GTCC) chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ trưởng Bộ GTVT về các hoạt động của các Trạm Đăng kiểm do mình quản lý. Trong công tác bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ làm công tác đăng kiểm (Trạm trưởng, Phó Trạm trưởng, Đăng kiểm viên, Nhân viên nghiệp vụ) yêu cầu thực hiện đúng tiêu chuẩn của cán bộ đăng kiểm mà Bộ GTVT đã ban hành.

4. Các Trạm Đăng kiểm phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn 22 TCN-226-01 tiêu chuẩn Trạm đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ ban hành kèm theo Quyết định số 4135/2001/QĐ-BGTVT ngày 05/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Trạm trưởng, Đăng kiểm viên, Nhân viên nghiệp vụ phải thực hiện đầy đủ các hạng mục quy định trong quy trình kiểm định và thực hiện đúng tiêu chuẩn kiểm định tại Quyết định số 4105/2001/QĐ-BGTVT ngày 04/12/2001, Quyết định số 4134/2001/QĐ-BGTVT ngày 05/12/2001, Quyết định số 4368/2001/QĐ-BGTVT ngày 19/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

5. Các Trạm đăng kiểm thường xuyên tổ chức học tập các tiêu chuẩn, quy trình, quy định có liên quan đến công tác kiểm định và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông đường bộ, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của mỗi Đăng kiểm viên và Nhân viên nghiệp vụ.

Mỗi cán bộ, Đăng kiểm viên và Nhân viên nghiệp vụ phải có bản chương trình hành động và cam kết không có tiêu cực trong đơn vị mình.

Trạm trưởng các Trạm đăng kiểm phải chịu trách nhiệm với cấp trên và trước pháp luật về những vi phạm xảy ra tại Trạm đăng kiểm do mình quản lý.

6. Giao Vụ Pháp chế - Vận tải chủ trì chuẩn bị các nội dung cần thiết để Bộ Giao thông vận tải làm việc với Bộ Công an trong việc phối hợp nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 69 Luật Giao thông đường bộ.

7. Giao các cơ quan chức năng có liên quan của Bộ, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở GTVT (GTCC) tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất các hoạt động kiểm định, đồng thời xử lý nghiêm khắc, kịp thời theo thẩm quyền đối với các hành vi tiêu cực và làm sai quy định.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc các Sở GTVT (GTCC) trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình tổ chức triển khai thực hiện ngay chỉ thị này, báo cáo kết quả thực hiện bằng văn bản về Bộ Giao thông vận tải trước ngày 30/01/2003 (qua Thanh tra Bộ để tổng hợp).

 

 

Đào Đình Bình

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 25/2002/CT-BGTVT về tăng cường kiểm tra và chấn chỉnh công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 25/2002/CT-BGTVT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 19/12/2002
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Đào Đình Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 5
  • Ngày hiệu lực: 03/01/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản