ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/1999/CT-UB-NC | TP. Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 08 năm 1999 |
CHỈ THỊ
VỀ TỔ CHỨC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 1999 - 2004.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ấn định ngày bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 1999 - 2004 là ngày Chủ nhật, 14 tháng 11 năm 1999.
Căn cứ Chỉ thị số 49/CT-TW ngày 07 tháng 8 năm 1999 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 23/1999/CT-TTg ngày 16 tháng 8 năm 1999 của Chính phủ và Văn bản số 1052-CV/TU ngày 19 tháng 8 năm 1999 của Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 1999 - 2004.
Để bảo đảm cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm ; lựa chọn và bầu được những người đủ tiêu chuẩn, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị về tổ chức về cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 1999 - 2004 như sau :
1. Đây là một cuộc vận động chính trị và sinh hoạt dân chủ rộng lớn để bầu những đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của nhân dân nên cần làm tốt công tác tuyên truyền kịp thời, sâu rộng trong cán bộ, công chức Nhà nước, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt quyền dân chủ, lựa chọn giới thiệu và bầu những người có đủ tiêu chuẩn, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành pháp luật, gần gũi lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm, có trình độ hiểu biết và năng lực thực hiện nhiệm vụ người đại biểu Hội đồng nhân dân.
Sở Văn hóa thông tin, Sở Tư pháp, các cơ quan thông tin, báo chí, Đài Phát thanh, Đài truyền hình có kế hoạch tổ chức tuyên truyền, cổ động kịp thời cho công tác bầu cử.
2. Ủy ban nhân dân quận-huyện, phường-xã có trách nhiệm bàn bạc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở địa phương về thành phần, nội dung, cách thức tiến hành các hội nghị hiệp thương, hội nghị đề cử bảo đảm thật sự dân chủ, tránh gò ép, áp đặt. Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các sở ban ngành và cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phối hợp, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức các cuộc hội nghị cử tri ở cơ sở để giới thiệu người ra ứng cử đúng tiêu chuẩn, cơ cấu thành phần và thực sự dân chủ.
- Cần căn cứ số dân và số đại biểu Hội đồng nhân dân mà chia đơn vị bầu cử cho phù hợp ; mỗi đơn vị bầu cử không quá 3 đại biểu. Trên cơ sở phân chia đơn vị bầu cử, căn cứ vào cấu tạo dân cư và địa bàn ở từng đơn vị bầu cử mà ấn định khu vực bỏ phiếu hợp lý, bảo đảm thuận tiện cho cử tri đi bầu.
- Lập và niêm yết danh sách cử tri là xác lập quyền bầu cử của công dân, phải được thực hiện nghiêm túc, đúng nguyên tắc. Ủy ban nhân dân quận-huyện có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban nhân dân phường-xã, thị trấn thực hiện việc lập và niêm yết danh sách cử tri đúng theo Luật định.
3. Để đảm bảo cho cuộc bầu cử đạt kết quả tốt, dân chủ và đúng pháp luật, Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Viện Kiểm sát nhân dân và các đoàn thể thành lập những đoàn kiểm tra về công tác bầu cử ở cấp mình để tổ chức kiểm tra từ bước chuẩn bị, ngày bầu cử đến kết thúc cuộc bầu cử.
4. Trách nhiệm của các ngành, các cấp trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện bầu cử :
- Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương có kế hoạch tổ chức thực hiện và phục vụ tốt cho cuộc bầu cử theo đúng kế hoạch và tiến độ của Hội đồng bầu cử thành phố.
- Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở-ngành thành phố, các cơ quan Trung ương và các đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn thành phố huy động cử tri, cán bộ, công nhân viên chức đi bầu đông đủ và theo chức năng nhiệm vụ của mình giúp đỡ các tổ chức bầu cử giải quyết các yêu cầu cần thiết để cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tiến hành thuận lợi, an toàn và đạt kết quả tốt. Điện lực và Bưu điện thành phố đảm bảo cung cấp điện và đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong những ngày bầu cử.
5. Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Công an thành phố có kế hoạch bảo vệ an toàn tuyệt đối, chống các âm mưu, hành động lợi dụng bầu cử để gây rối, bảo đảm cuộc bầu cử thắng lợi,
6. Sở Tài chính-Vật giá phối hợp với BanTổ chức Chính quyền thành phố bảo đảm cấp kinh phí kịp thời cho cuộc bầu cử theo kế hoạch được giao, hướng dẫn và kiểm tra chặt chẽ nhằm thực hiện chi tiêu tiết kiệm.
7. Ban Tổ chức Chính quyền thành phố là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân, có trách nhiệm phục vụ cho Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức, chỉ đạo tốt cuộc bầu cử này, làm nhiệm vụ là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo bầu cử thành phố giúp Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các văn bản cần thiết, hướng dẫn về nghiệp vụ bầu cử, tổ chức việc tập huấn cho cán bộ làm công tác bầu cử, theo dõi tổng hợp tình hình, báo cáo kịp thời cho Trung ương và Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố ; đồng thời có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo các Phòng Tổ chức Chính quyền quận-huyện trong công tác bầu cử.
Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân quận-huyện, phường-xã, thị trấn khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị bầu cử và thường xuyên báo cáo tiến độ thực hiện từ khâu chuẩn bị đến khâu kết thúc theo quy định./.
Nơi nhận : | T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 25/1999/CT-UB-NC về tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 1999 - 2004 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 25/1999/CT-UB-NC
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 24/08/1999
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Võ Viết Thanh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 24/08/1999
- Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực