Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/CT-UBND

Thanh Hóa, ngày 07 tháng 12 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 55/2015/NĐ-CP NGÀY 09/6/2015 CỦA CHÍNH PHỦ, VỀ CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

Để triển khai thực hiện tốt Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

I. Đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh

1. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa:

a) Làm đầu mối tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh trong việc triển khai thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 10/2015/TT-NHNN của Thống đốc NHNN về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; theo dõi và phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố xử lý các vấn đề phát sinh trong việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn; phản ánh kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành, UBND tỉnh bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

b) Chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn:

- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai nghị định; tăng cường mở rộng tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở bám sát định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh; đặc biệt là chính sách cho vay sản xuất theo mô hình liên kết, liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật.

- Công khai, minh bạch các chính sách, thủ tục hồ sơ, điều kiện cho vay trên cơ sở cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện tối đa cho khách hàng trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính trong việc kiểm tra, xác nhận, tổng hợp số liệu đề nghị khoanh nợ, xóa nợ của tổ chức tín dụng để tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh xác nhận số liệu tổng hợp nợ khoanh, xóa nợ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam và Bộ Tài chính.

d) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các Tổ chức tín dụng trên địa bàn trong việc cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Định kỳ hàng quý (chậm nhất vào ngày 15 tháng đầu tiên của quý tiếp theo) báo cáo kết quả thực hiện chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (theo mẫu 06, Thông tư số 10/2015/TT-NHNN) về UBND tỉnh.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố:

a) Hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp, lĩnh vực, sản phẩm lợi thế về nông nghiệp, nông thôn.

b) Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh triển khai thực hiện thắng lợi Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giảm diện tích đất trồng lúa, trồng mía sang trồng các loại cây có giá trị, hiệu quả cao hơn; phát triển chăn nuôi nông hộ có kiểm soát; khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, công nghệ cao, theo chuỗi giá trị.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất hàng hóa, tập trung, quy mô lớn, gắn với chế biến, ưu tiên cho các vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng. Chú trọng đầu tư cho công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Quy hoạch và công bố các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tham mưu giúp Chủ tịch UBND tỉnh theo dõi, kiểm tra, thanh tra, giám sát và quản lý hoạt động của doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở địa phương; kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khi doanh nghiệp vi phạm.

c) Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và nghề muối; thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của nhà nước về khoa học kỹ thuật, giống, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch đối với người sản xuất các sản phẩm nông nghiệp; xây dựng các chính sách khuyến khích triển khai các mô hình liên kết, chuỗi liên kết giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp phù hợp đối với từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản.

d) Tập trung chỉ đạo phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả. Nhân rộng các mô hình liên kết giữa nông hộ với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác. Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp; phối hợp với Sở Công thương và các ban, ngành liên quan đẩy mạnh giải quyết thị trường đầu ra cho nông sản để thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; hướng dẫn các hộ gia đình, hợp tác xã, chủ trang trại và các đối tượng khác xây dựng dự án, phương án sản xuất nông nghiệp có hiệu quả làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng cho vay vốn. Đồng thời, huy động tối đa mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực trong nhân dân, kết hợp lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án của Nhà nước, của tỉnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi và các thiết chế văn hóa.

3. Sở Tài chính

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn việc không thu lệ phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản, lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định tại Khoản 4, Điều 9, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP khi có văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

b) Phối hợp với NHNN Chi nhánh Thanh Hóa kiểm tra, xác nhận về hồ sơ, số liệu chi tiết đề nghị khoanh nợ, xóa nợ những khách hàng bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng gây ra theo quy định tại các Điều 12, 14 và 15 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP .

c) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh triển khai chính sách bảo hiểm trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương và Sở Tư pháp

- Sở Tài nguyên và Môi trường: chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn UBND các cấp đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu về nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, tạo điều kiện cho các đối tượng đủ điều kiện vay vốn tại các TCTD để sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra việc không thu phí đăng ký giao dịch đảm bảo theo quy định.

- Sở Tư pháp: phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra các Phòng công chứng, UBND các cấp trong việc thực hiện không thu lệ phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản, lệ phí đăng ký giao dịch đảm bảo đối với cá nhân, hộ gia đình khi vay vốn tại các TCTD để phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Khoản 4, Điều 9, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP .

- Sở Công thương: chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân về thông tin thị trường, xúc tiến thương mại và phát triển hệ thống phân phối trong khâu tiêu thụ đối với sản phẩm nông nghiệp.

5. Các cơ quan Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách và giải pháp liên quan đến chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tuyên truyền, quảng bá về các mô hình sử dụng vốn có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

II. UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức chính trị - xã hội

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Chủ trì triển khai Nghị định số 55/2015/NĐ-CP gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn theo chỉ đạo của Chính phủ và của Chủ tịch UBND tỉnh.

b) Thực hiện công tác quy hoạch phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp và quy hoạch cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn; đề xuất các chính sách hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; thông tin thị trường, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

c) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các hộ gia đình, tạo điều kiện cho các hộ đơn giản thủ tục vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh; cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho các chủ trang trại đủ điều kiện, để các chủ trang trại đủ điều kiện vay vốn các TCTD theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP .

d) Miễn thu lệ phí chứng thực giao dịch bảo đảm theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP .

e) Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn:

Thực hiện chủ trương miễn thu lệ phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản, giao dịch bảo đảm cho các đối tượng vay vốn quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP. Đồng thời, công khai chủ trương này tại địa phương để các doanh nghiệp và nhân dân biết.

Cấp Giấy xác nhận sử dụng đất và đất không có tranh chấp (01 bản duy nhất) cho hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để TCTD xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ; Quản lý việc cấp, thu hồi các Giấy xác nhận này, tránh việc lợi dụng giấy xác nhận sử dụng đất và đất không có tranh chấp để vay vốn ở nhiều TCTD, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro trong việc thu nợ của các TCTD.

- Có trách nhiệm cùng với TCTD trên địa bàn đôn đốc tìm các biện pháp thích hợp để thu hồi nợ đối với những người vay vốn cố tình chây ì, không trả nợ khi đến hạn; xử lý các khoản nợ xấu phát sinh trong quá trình cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

2. Các tổ chức chính trị - xã hội

Đề nghị tăng cường công tác chỉ đạo các cấp hội cơ sở nâng cao trách nhiệm trong việc phối hợp có hiệu quả với các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai chính sách tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP.

III. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn

1. Cải tiến quy trình, thủ tục cho vay theo hướng rõ ràng, minh bạch, đơn giản và tạo điều kiện tối đa cho khách hàng trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng; xây dựng kế hoạch ưu tiên thành lập các phòng giao dịch trên địa bàn nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn.

2. Phối hợp với khách hàng và các cấp chính quyền địa phương trong việc lập hồ sơ đề nghị khoanh nợ, xóa nợ; tập hợp hồ sơ và chịu trách nhiệm rà soát, kiểm tra đảm bảo tính hợp lệ, hợp pháp của hồ sơ, số liệu chi tiết đề nghị khoanh nợ, xóa nợ theo quy định tại Thông tư số 10/2015/TT-NHNN .

3. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thông tin, tuyên truyền và triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Thông tư số 10/2015/TT-NHNN và Chỉ thị này.

Đẩy mạnh đầu tư tín dụng cho các hộ gia đình, hợp tác xã, chủ trang trại, các doanh nghiệp và các đối tượng có dự án, phương án sản xuất nông nghiệp khả thi. Ưu tiên vốn đầu tư cho các doanh nghiệp tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng, khu nông nghiệp công nghệ cao thị trấn Thống Nhất và vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao dọc tuyến đường Hồ Chí Minh tạo ra sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

4. Thực hiện theo dõi riêng cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; định kỳ chậm nhất ngày 08 của tháng đầu quý, báo cáo NHNN Chi nhánh Thanh Hóa kết quả thực hiện chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Mẫu biểu 05 Thông tư số 10/2015/TT-NHNN , để NHNN Chi nhánh Thanh Hóa tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và NHNN Việt Nam.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh (qua Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa) những vướng mắc phát sinh để chỉ đạo thực hiện kịp thời./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Quyền

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 24/CT-UBND năm 2015 về tổ chức thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

  • Số hiệu: 24/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 07/12/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Nguyễn Đức Quyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/12/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản