Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/2008/CT-TTg | Hà Nội, ngày 08 tháng 08 năm 2008 |
Các yếu tố tự nhiên và vật chất nhân tạo bao quanh con người như đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật, hệ sinh thái và các hình thái vật chất khác của môi trường có ảnh hưởng to lớn đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và sinh vật. Khí hậu đang biến đổi theo chiều lướng ngày càng khắc nghiệt, các sự cố môi trường gia tăng. Môi trường nước ta hiện đang bị ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng; đất đai bị xói mòn và thoái hoá, nhiều nơi diễn ra hiện tượng sa mạc hóa; đa dạng sinh học trên đất liền và dưới biển đều bị suy giảm, môi trường vùng ven biển và các lưu vực sông đang có dấu hiệu ô nhiễm ngày càng tăng, nguồn nước mặt và nước ngầm đang ngày càng bị ô nhiễm và cạn kiệt. Nhiều đô thị, khu công nghiệp, làng nghề bị ô nhiễm nặng do nước thải, khí thải, chất thải rắn; tình trạng nhập khẩu thiết bị, công nghệ lạc hậu, phế liệu không đáp ứng tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường diễn ra khá phổ biến. Việc khai thác có tính chất hủy diệt các nguồn lợi sinh vật trên cạn và dưới nước chưa bị ngăn chặn, rừng tiếp tục bị tàn phá nặng nề. Tình hình trên đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của nhân dân, đe doạ sự phát triển bền vững của đất nước. Nguyên nhân là:
Các ngành, các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một bộ phận dân cư, cơ quan, tổ chức còn thấp; có nơi chính quyền địa phương còn coi trọng lợi ích kinh tế cục bộ trước mắt mà xem nhẹ yêu cầu bảo vệ môi trường, chưa kịp thời chỉ đạo áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ môi trường và không kiên quyết xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, vừa thiếu vừa chồng chéo, chưa có hệ thống chế tài nghiêm khắc đủ sức răn đe sự vi phạm nên hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường thấp. Tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các lực lượng làm nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường chưa cụ thể, rõ ràng và thống nhất nên hoạt động đang gặp một số khó khăn, lúng túng, chưa phát huy tốt hiệu lực, hiệu quả trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Nhằm giữ gìn môi trường bền vững; phòng ngừa những tác động xấu đối với môi trường, ứng phó kịp thời sự cố môi trường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, các địa phương phải khẩn trương thực hiện các công việc sau đây:
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường
a. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, kết quả điều tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường.
b. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; trong đó tập trung vào các dự án đầu tư (kể cả dự án đầu tư của nước ngoài), các khu công nghiệp, khu chế xuất, các làng nghề, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; bảo đảm mọi dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các loại dự án khác phải có báo cáo đánh giá môi trường chiến lược hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005. Kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không có hệ thống, phương tiện, biện pháp xử lý chất thải và có biện pháp khắc phục sự cố môi trường.
c. Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, ngành có liên quan rà soát, điều chỉnh, chuyển đổi các tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường hiện hành, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật môi trường mới.
d. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu cơ chế khuyến khích các dự án, cơ chế huy động vốn, có chính sách ưu đãi các nhà đầu tư và phát huy mọi nguồn lực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, nhất là trong thu gom, xử lý chất thải; xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra về môi trường.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tổng kiểm tra tình hình nhập khẩu các loại máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất công nghệ lạc hậu, phế liệu có khả năng gây ô nhiễm, huỷ hoại môi trường để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế có khả năng gây ô nhiễm môi trường để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ các nguồn phóng xạ.
a. Chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép, nhất là việc vận chuyển qua biên giới các loại chất thải, rác thải, chất phóng xạ, lâm sản, các loài động vật hoang dã, quý hiếm. Kiểm tra, xử lý không để các loại phương tiện cơ giới đã hết niên hạn sử dụng tham gia giao thông. Đẩy mạnh công tác điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nghiêm trọng, xâm phạm và huỷ hoại tài nguyên môi trường.
b. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ, pháp luật về bảo vệ môi trường cho lực lượng Cảnh sát môi trường của Bộ Công an.
c. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan của Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003 bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm về môi trường. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của lực lượng Cảnh sát môi trường đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
d. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định của Chính phủ về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, rà soát, đề xuất Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Trước mắt, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan của Bộ Luật Hình sự năm 1999 bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác bảo vệ môi trường hiện nay.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
Chỉ thị 24/2008/CT-TTg về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong thời kỳ hội nhập do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 24/2008/CT-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 08/08/2008
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 467 đến số 468
- Ngày hiệu lực: 06/09/2008
- Ngày hết hiệu lực: 12/12/2022
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra