Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/2000/CT-UB-KT | TP.Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 10 năm 2000 |
CHỈ THỊ
VỀ ĐỐI PHÓ VỚI LŨ LỤT VÀ TRIỀU CƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Lũ sông Mê Kông tràn về khu vực Tây Nam của thành phố đang bị ngập úng. Từ nay đến cuối năm 2000 là thời kỳ triều cường cao nhất trong năm, sẽ kết hợp với lũ sông Mê Kông và mưa có khả năng làm thiệt hại lớn hơn các năm 1978, năm 1996.
Trước tình hình nước lũ tiếp tục lên cao, triều cường và diễn biến thời tiết phức tạp ; Ủy ban nhân dân thành phố Chỉ thị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố và Trung ương đóng trên địa bàn thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện-quận, xã-phường, thị trấn nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 13/2000/CT-UB-KT ngày 17 tháng 5 năm 2000 của Ủy ban nhân dân thành phố về công tác phòng chống lụt, bão và giảm nhẹ thiên tai năm 2000 ; đồng thời, khẩn cấp triển khai ngay một số biện pháp cấp bách sau đây :
1- Các cơ quan, đơn vị, huyện-quận, xã-phường, thị trấn ở khu vực đất thấp, trũng, bờ bao giáp ven sông,... đặc biệt vùng Tây Nam thành phố gồm các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, các quận 8, 12 phải triển khai ngay các phương án, biện pháp đối phó với lũ lớn kết hợp với triều cường kéo dài nhiều ngày. Các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình thủy lợi, giao thông, có bờ bao, cầu, cống, đập phải nhanh chóng hoàn thiện công trình, khép kín từng khu vực, tiêu thoát nước ngập úng, nước ô nhiễm, bảo đảm giao thông thủy, bộ thông suốt.
2- Tập trung lực lượng, phương tiện, chọn địa điểm đất cao và chuẩn bị đầy đủ để sẵn sàng huy động, điều động việc di chuyển dân và tài sản ở vùng ngập sâu đến vùng đất cao nhanh chóng, an toàn ; giao Bộ chỉ huy quân sự thành phố chủ trì phối hợp với Công an thành phố, Sở Giao thông công chánh thành phố, Bộ đội biên phòng thành phố và Ủy ban nhân dân địa phương các cấp để kịp thời ứng phó, di dời và cứu nạn trên biển khi cần thiết.
3- Các huyện-quận có vùng đất thấp trũng, khu vực xung yếu có nguy cơ ngập úng phải tổ chức ngay lực lượng xung kích để ứng cứu tại chỗ ở từng địa bàn huyện-quận, xã-phường, thị trấn, ấp. Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão các cấp phải phân công nhiệm vụ rõ ràng từng thành viên và kịp thời chủ động xử lý các tình huống xấu nhất có thể xảy ra với phương châm “4 tại chỗ”.
4- Sở Y tế thành phố chuẩn bị thuốc trị bệnh và có biện pháp cụ thể chăm lo sức khỏe cho dân. Triển khai phương án xử lý vệ sinh phòng dịch bệnh phát sinh (bệnh đau mắt, ngoài da, đường tiêu hóa), chủ động dập tắt ngay khi phát hiện có dịch bệnh ; phối hợp với Sở Giao thông công chánh thành phố để xử lý và cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.
5- Sở Thương mại thành phố chuẩn bị lương thực, các mặt hàng thiết yếu để hỗ trợ dân vùng ngập úng nặng, dân vùng xa gặp thiên tai.
6- Bưu điện thành phố bảo đảm thông tin liên lạc nhanh chóng, chính xác trong suốt mùa mưa bão, ngập lụt từ thành phố đến các huyện-quận, xã-phường, thị trấn.
7- Sở Giao thông công chánh thành phố nhanh chóng tu bổ, sửa chữa các cầu, đường ở những nơi xung yếu, bảo đảm giao thông thủy bộ thông suốt, không gây ách tắc việc đi lại của nhân dân.
8- Công ty Điện lực thành phố bảo đảm cung cấp điện đầy đủ, để bơm nước tiêu ngập úng khi cần thiết.
9- Các phương tiện thông tin đại chúng của thành phố (các Báo, Đài truyền hình, Đài phát thanh) thông tin kịp thời tình hình và thông tin dự báo diễn biến lũ lụt, thời tiết để các cơ quan, đơn vị và nhân dân thành phố chủ động phòng tránh, đối phó lụt, bão, triều cường.
10- Các cơ quan, đơn vị, các ngành và huyện-quận, xã-phường, thị trấn phải cử người trực ban thường xuyên theo dõi tình hình, diễn biến lụt bão, triều cường, thời tiết để có biện pháp đối phó kịp thời.
11- Giao Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt, bão thành phố và từng thành viên trong Ban chỉ huy có trách nhiệm phối hợp các ngành, địa phương tổ chức kiểm tra, đôn đốc thực hiện theo nhiệm vụ đã phân công tại Quyết định số 24/2000/QĐ-UB-NN ngày 15 tháng 5 năm 2000 của Ủy ban nhân dân thành phố ; đồng thời, báo cáo khó khăn, vướng mắc về Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.
Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị các ngành thuộc thành phố và Trung ương đóng trên địa bàn thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp triển khai ngay Chỉ thị này với tinh thần khẩn trương, tích cực, sáng tạo để đối phó thiên tai, bảo vệ tốt tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước./.
Nơi nhận | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 24/2000/CT-UB-KT về đối phó với lũ lụt và triều cường trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 24/2000/CT-UB-KT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 05/10/2000
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Lê Thanh Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra