Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 24/1999/CT-TTg

Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 1999

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔNG KIỂM KÊ ĐẤT ĐAI VÀO NĂM 2000

Thực hiện việc kiểm kê đất đai định kỳ 5 năm 1 lần theo quy định của Luật Đất đai, nhằm đánh giá đúng thực trạng tình hình biến động trong việc sử dụng đất, các đối tượng sử dụng đất, lập bản đồ hiện trạng đất ở xã, huyện, tỉnh và cả nước, làm cơ sở cho việc xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất phục vụ nhiệm vụ xây dựng phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng. Qua kiểm kê, xác định cho được một cách chính xác quỹ đất chưa sử dụng để đưa vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản, đất bồi bãi ven biển, đất rừng ngập mặn để phục vụ trực tiếp cho chương trình phát triển nông nghiệp, chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng và chương trình nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2000-2010 v.v...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính, Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các ngành có liên quan tổ chức việc tổng kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2000 trên phạm vi cả nước theo các yêu cầu sau:

1. Tổ chức tổng kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất:

Việc tổng kiểm kê đất đai tiến hành cùng một lúc trên phạm vi cả nước. Đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn là đơn vị cơ bản thực hiện việc kiểm kê. Kết quả kiểm kê ở xã, phường, thị trấn là cơ sở để tổng hợp số liệu diện tích đất ở cấp huyện, tỉnh, cả nước và phải được kiểm kê theo các loại : đất tự nhiên, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất đô thị, đất khu dân cư nông thôn, đất chưa sử dụng và theo các đối tượng sử dụng đất.

Trên cơ sở diện tích các loại đất đã được kiểm kê, tiến hành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2000 ở cấp xã, huyện, tỉnh và cả nước theo các tỷ lệ thích hợp do Tổng cục Địa chính hướng dẫn và quy định.

2. Phân tích, đánh giá và báo cáo tình hình biến động trong việc sử dụng đất đai đến năm 2000 theo cơ cấu các loại đất, các thành phần sử dụng, chỉ số diện tích đất trên đầu người.

3. Trong đợt kiểm kê này, yêu cầu Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thật tốt việc kiểm kê, nắm chắc quỹ đất lâm nghiệp chưa sử dụng phục vụ trực tiếp cho chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, đất mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản phục vụ chương trình nuôi trồng thủy sản.

Tổng cục Địa chính chủ trì làm việc cụ thể với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản, Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê xây dựng đề cương, định các chỉ tiêu cần kiểm kê nhằm xác định rõ : diện tích đất trống, đồi trọc chưa sử dụng có khả năng trồng được rừng; diện tích đất mặt nước, đất có khả năng nuôi trồng thủy sản để phục vụ trực tiếp cho hai chương trình trên.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Bộ Tài chính thẩm định đề cương dự án điều tra, kiểm kê quỹ đất lâm nghiệp chưa sử dụng, đất nuôi trồng thủy sản, xác định mức kinh phí được lấy trong nguồn kết dư của chương trình 327 trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

4. Thời điểm kiểm kê và thời gian hoàn thành

Thời điểm kiểm kê được thực hiện thống nhất trong cả nước là ngày 01 tháng 01 năm 2000 và phân định thời gian hoàn thành ở các cấp hành chính như sau: cấp xã hoàn thành trước ngày 31 tháng 3 năm 2000, cấp huyện hoàn thành trước ngày 31 tháng 5 năm 2000, cấp tỉnh hoàn thành trước ngày 15 tháng 7 năm 2000, Tổng cục Địa chính tổng hợp kết quả của cả nước và báo cáo Chính phủ trước ngày 31 tháng 8 năm 2000.

Riêng đối với quỹ đất lâm nghiệp có khả năng trồng được rừng, đất mặt nước nuôi trồng thủy sản phải báo cáo và phân tích cụ thể tới từng huyện, xã trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 8 năm 2000 để Chính phủ báo cáo Quốc hội trong kỳ họp Quốc hội cuối năm 2000về thực trạng quỹ đất trong việc triển khai chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng.

5. Kinh phí thực hiện kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2000 được sử dụng từ nguồn ngân sách Nhà nước của Trung ương và địa phương.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tính toán, cân đối ngân sách và bố trí đủ kinh phí phục vụ việc tổng kiểm kê đất đai, xây dựng bản đồ hiện trạng sử đất năm 2000 theo hướng dẫn của Tổng cục Địa chính và Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính phối hợp với Tổng cục Địa chính tính toán, cân đối nhu cầu kinh phí cho các hoạt động kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất chung trong cả nước để cân đối trong dự toán ngân sách năm 2000 và hướng dẫn các tỉnh, thành phố tính toán, bố trí kinh phí để thực hiện kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất của địa phương.

Tổng cục Địa chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các địa phương trong cả nước thực hiện tổng kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất theo đúng mục đích, yêu cầu, nội dung, thời điểm kiểm kê và thời hạn hoàn thành như đã quy định.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo các cấp, các ngành: Địa chính, Thống kê, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủy sản, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính ở địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2000 trong toàn tỉnh theo đúng tinh thần Chỉ thị này.

 

 

Nguyễn Công Tạn

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 24/1999/CT-TTg về tổng kiểm kê đất đai vào năm 2000 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 24/1999/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 18/08/1999
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Công Tạn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 35
  • Ngày hiệu lực: 02/09/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản