Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/CT-TTg | Hà Nội, ngày 26 tháng 5 năm 2020 |
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN QUYỀN TRẺ EM VÀ BẢO VỆ TRẺ EM
Trong những năm qua, việc thực hiện quyền trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em nói riêng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống chính sách, pháp luật về trẻ em, cơ chế bảo vệ trẻ em cơ bản được hoàn thiện; phần lớn các cấp, các ngành, toàn xã hội đã quan tâm và nhận thức về công tác trẻ em ngày một nâng cao; các quyền của trẻ em đã được thực hiện tốt hơn; những vấn đề phát sinh về trẻ em được quan tâm giải quyết.
Tuy nhiên, một số vấn đề về trẻ em vẫn còn tồn tại và diễn biến phức tạp như: bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại trên môi trường mạng, tử vong do tai nạn, thương tích, lạm dụng sức lao động trẻ em ở một số ngành nghề, lĩnh vực, suy dinh dưỡng trẻ em thể thấp còi, an toàn, vệ sinh trong trường học, trẻ em bỏ học, thiếu thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cho trẻ em.
Nguyên nhân của những tồn tại trên do một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, coi trọng đúng mức công tác này; việc áp dụng chế tài xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quyền trẻ em chưa nghiêm, chưa kịp thời; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa tiến hành thường xuyên, nghiêm túc; công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, hiệu quả; sự suy giảm thuần phong, mỹ tục, đạo đức lối sống, văn hóa ứng xử ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em.
Để tăng cường bảo đảm thực hiện quyền, lợi ích của trẻ em và bảo vệ trẻ em, Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị:
1. Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp
a) Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trẻ em, thường xuyên rà soát, kiến nghị, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trẻ em;
b) Đổi mới công tác tuyên truyền, ưu tiên thời điểm, thời lượng phát sóng các chương trình về chính sách, pháp luật và bảo vệ trẻ em với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với các nhóm đối tượng điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương;
c) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em;
d) Xử lý nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khi có hành vi vi phạm pháp pháp luật về trẻ em, nhất là các hành vi xâm hại trẻ em, bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài các vụ việc vi phạm quyền trẻ em với phương châm “đúng người, đúng việc, đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm”;
đ) Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về trẻ em.
2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;
b) Trực tiếp đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai chính sách pháp luật về trẻ em; tổ chức các hình thức phù hợp để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em trong quá trình xây dựng và thực hiện chương trình, chính sách, pháp luật về trẻ em bảo đảm thực chất, hiệu quả;
c) Xây dựng Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em; Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em;
d) Triển khai các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước;
đ) Chỉ đạo hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em hoạt động hiệu quả, bảo đảm an toàn, thân thiện và phòng, chống xâm hại trẻ em;
e) Thường xuyên thanh tra, kiểm tra về trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em, chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
a) Triển khai chính sách, giải pháp phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi;
b) Nghiên cứu, ban hành tiêu chí xác định mức độ tổn hại sức khỏe tâm thần đối với trẻ em bị xâm hại; quy trình giám định đặc thù đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em; xác định mức độ khuyết tật đối với trẻ em mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh phải điều trị dài ngày;
c) Xây dựng quy trình tiếp nhận khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục;
d) Chỉ đạo cơ quan giám định pháp y ưu tiên giám định đối với trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại trẻ em.
a) Triển khai chính sách, giải pháp giảm thiểu tình trạng trẻ em bỏ học, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số và miền núi;
b) Hướng dẫn việc thực hiện phương pháp giáo dục tích cực, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục;
c) Triển khai có hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục lối sống văn hóa, rèn luyện đạo đức cho học sinh và phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em trong trường học;
d) Phổ biến, tuyên truyền về tác hại của ma túy, rượu bia, thuốc lá; phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc học sinh sử dụng trái phép chất gây nghiện;
đ) Thực hiện quyết liệt, cải thiện căn bản điều kiện vệ sinh, nước sạch, an toàn thực phẩm trong trường học;
e) Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em, phòng ngừa và xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục, tai nạn, thương tích trẻ em trong trường học.
5. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình, trách nhiệm nêu gương của người lớn; giáo dục trẻ em gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam;
b) Hướng dẫn gia đình các biện pháp khắc phục, phòng, chống tình trạng cha mẹ, người thân xâm hại tính mạng, sức khỏe, tinh thần, nhân phẩm của trẻ em; trang bị kiến thức, kỹ năng thực hiện trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em;
c) Phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch;
d) Ưu tiên xây dựng điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao cho trẻ em cấp xã, nhất là các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
a) Thường xuyên triển khai các biện pháp phòng, chống hành vi bạo lực, xâm hại tình dục, mua bán trẻ em, đặc biệt là mua bán trẻ sơ sinh. Đẩy mạnh công tác điều tra, xử lý các đối tượng có hành vi xâm hại trẻ em;
b) Chỉ đạo công an các địa phương, nhất là lực lượng công an ở cơ sở tăng cường rà soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, bóc lột trẻ em; quản lý, giáo dục người chưa thành niên vi phạm pháp luật;
c) Tuyên truyền phòng, chống ma túy trong thiếu niên, học sinh; xử lý nghiêm các trường hợp quảng cáo, mua bán, dụ dỗ, lôi kéo người chưa thành niên sử dụng trái phép ma túy, hoạt động tội phạm về ma túy.
7. Bộ Thông tin và Truyền thông
a) Xây dựng Đề án bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng;
b) Tiếp tục phát triển các công cụ kết nối giữa người dân, trẻ em với các cơ quan có trách nhiệm bảo vệ trẻ em; hình thành mạng lưới xã hội về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng;
c) Xử lý nghiêm cơ quan báo chí, xuất bản, tổ chức, cá nhân hoạt động trên môi trường mạng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ hình ảnh, thông tin đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em.
a) Thực hiện các biện pháp để tăng cường bảo vệ trẻ em trong quá trình xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
b) Chủ động thực hiện trợ giúp pháp lý đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.
Rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em; thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em ở các công trình xây dựng, chung cư, nhà cao tầng.
Rà soát tiêu chuẩn an toàn, phòng ngừa tai nạn giao thông cho trẻ em; thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành tiêu chuẩn an toàn cho trẻ em đối với các công trình, phương tiện giao thông, phương tiện đưa đón học sinh.
Truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi để đẩy lùi, ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.
Nghiên cứu, bổ sung nội dung chỉ tiêu thống kê về trẻ em vào hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Bố trí kinh phí thực hiện các chương trình, đề án, dự án về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt cho công tác phòng, chống xâm hại trẻ em theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
14. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
a) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp tham mưu cho Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành nghị quyết để thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em trên địa bàn;
b) Bố trí ngân sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, nhất là việc triển khai các hoạt động, chương trình, kế hoạch, đề án về trẻ em đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Chỉ đạo, bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong số cán bộ, công chức hoặc người hoạt động không chuyên trách, có nhóm thường trực bảo vệ trẻ em hoạt động hiệu quả và có chính sách hỗ trợ hoạt động;
d) Kiểm tra, rà soát việc triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, thân thiện với trẻ em, đặc biệt đối với các phương tiện giao thông đưa đón học sinh, khu dân cư, nhà cao tầng, khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em, cơ sở giáo dục, các thiết chế văn hóa, thể thao thuộc địa bàn quản lý.
a) Tăng cường giám sát, phản biện việc thực hiện quyền trẻ em, giải quyết những vi phạm quyền trẻ em;
b) Tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên, đoàn viên và toàn xã hội tham gia thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em; tích cực tham gia phòng ngừa và hỗ trợ trẻ em, gia đình trẻ em là nạn nhân của các vụ việc bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích.
Yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.
| THỦ TƯỚNG |
- 1Công văn 4856/LĐTBXH-PC năm 2017 về đôn đốc góp ý dự thảo Báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Quyền Trẻ em do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 2Công văn 1150/VPCP-KGVX năm 2018 về báo cáo ghép định kỳ thứ 5 và 6 về tình hình thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 8993/VPCP-KGVX năm 2019 về báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện quyền trẻ em và việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương liên quan đến trẻ em do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Công văn 604/TE-PTTG năm 2019 về hướng dẫn thu thập thông tin, đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em do Cục Trẻ em ban hành
- 1Công văn 4856/LĐTBXH-PC năm 2017 về đôn đốc góp ý dự thảo Báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Quyền Trẻ em do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 2Công văn 1150/VPCP-KGVX năm 2018 về báo cáo ghép định kỳ thứ 5 và 6 về tình hình thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 8993/VPCP-KGVX năm 2019 về báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện quyền trẻ em và việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương liên quan đến trẻ em do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Công văn 604/TE-PTTG năm 2019 về hướng dẫn thu thập thông tin, đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em do Cục Trẻ em ban hành
Chỉ thị 23/CT-TTg năm 2020 về tăng cường giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 23/CT-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 26/05/2020
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/05/2020
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra