Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/CT-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 07 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP CẤP BÁCH BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 03 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông hàng hải và đường thủy nội địa, thời gian vừa qua, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp tăng cường công tác chỉ đạo; trật tự, kỷ cương của hoạt động giao thông vận tải đường thủy được thiết lập ổn định; các tuyến luồng giao thông thông thoáng; ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông có nhiều chuyển biến tích cực; từ năm 2011 đến năm 2014, tai nạn giao thông đường thủy giảm liên tục cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Tuy nhiên, năm 2015, số vụ tai nạn giao thông đường thủy tăng 21,77%, số người chết tăng 20,34%, số người bị thương tăng 44,44% so với năm 2014; 06 tháng đầu năm 2016, tai nạn giao thông đường thủy tuy có giảm về số vụ, số người chết và số người bị thương, nhưng liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giữa phương tiện thủy với cầu vượt sông, gây thiệt hại lớn về tài sản. Bên cạnh đó, tình hình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường thủy, vấn nạn khai thác cát, sỏi trái phép làm biến đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông, uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn của hệ thống đê và các công trình trên đường thủy, tình trạng vi phạm pháp luật về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy, điều kiện của thuyền viên, cảng, bến không phép, không đảm bảo điều kiện an toàn... vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Trong thời gian qua, việc công bố và đưa vào khai thác các tuyến vận tải ven biển đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao thị phần vận tải thủy nội địa, giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, với mật độ phương tiện vận tải ven biển tăng nhanh cũng tiềm ẩn nguy cơ xung đột, uy hiếp an toàn giao thông giữa các tàu sông pha biển với các phương tiện vận tải biển, tàu thuyền khai thác thủy, hải sản, phương tiện dân sinh trong vùng nước thủy nội địa ở ven biển và trên các tuyến luồng vận tải đường thủy nội địa truyền thống.

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; tiếp tục ngăn ngừa tai nạn giao thông đường thủy, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện giao thông và các công trình kết cấu hạ tầng giao thông trên sông và vùng nước đường thủy nội địa khu vực ven biển, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương tăng cường thực hiện một số giải pháp sau đây:

1. Bộ Giao thông vận tải

a) Tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, chú trọng hoàn thiện các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, quy chuẩn kỹ thuật kết cấu hạ tầng giao thông, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực đường thủy nội địa; sơ kết đánh giá kết quả thí điểm phương tiện thủy nội địa chạy tuyến ven biển;

b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm kéo giảm sâu tai nạn giao thông đường thủy 06 tháng cuối năm để bảo đảm mức giảm chung của cả năm 2016 từ 5% đến 10%. Đồng thời, tiến hành tổng điều tra phương tiện thủy nội địa và thuyền viên, người lái phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải đường thủy, hoàn thành trong năm 2017, làm căn cứ tiếp tục triển khai công tác đăng ký, quản lý, kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện; đào tạo, cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn; quản lý hoạt động kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy theo quy định; đổi mới mô hình nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa; chỉ đạo tổng kiểm tra các cầu, đường dây tải điện, đường ống vượt sông; có giải pháp khắc phục đối với những công trình không phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật tuyến đường thủy nội địa;

c) Chỉ đạo các lực lượng chức năng của Bộ phối hợp với các lực lượng chức năng của ngành Công an thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa theo quy định tại Nghị định số 110/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014; trong đó, tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về phương tiện, thuyền viên và người lái, tải trọng phương tiện, kết cấu hạ tầng; nghiêm cấm phương tiện xuất bến khi vi phạm chở tải trọng, quá số người và thiếu các phương tiện cứu sinh cho hành khách theo quy định; phối hợp với các địa phương đình chỉ hoạt động các cảng, bến thủy nội địa, công trình trên sông không phép, không đủ điều kiện an toàn, vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông đường thủy nội địa;

d) Chỉ đạo công tác điều tiết, bảo đảm giao thông tại các nơi có mật độ giao thông cao, luồng lạch khan cạn, nơi thi công các công trình có ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy nội địa; kiểm tra hệ thống báo hiệu đường thủy, kịp thời bổ sung, thay thế những phao tiêu, báo hiệu bị mất, hỏng, khi thay đổi luồng chạy tàu...; phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy nhanh tiến độ các dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa; tổ chức thẩm định chặt chẽ đối với các dự án khai thác cát, sỏi, nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm theo quy định trước khi cấp phép;

đ) Chỉ đạo kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các phương tiện thủy nội địa, nhất là các phương tiện chở khách, tàu lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi, tàu hoạt động từ bờ ra đảo, giữa các đảo; tăng cường phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các phương tiện không đăng kiểm hoặc hết hạn đăng kiểm;

e) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường thủy nội địa giai đoạn 2016 - 2020; phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động chủ phương tiện chấp hành quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa;

2. Bộ Công an

a) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Công an các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa là nguyên nhân trực tiếp gây mất an toàn như phương tiện chở quá tải, quá số người quy định, không đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định; cảng, bến thủy không phép, không đảm bảo điều kiện an toàn; khai thác khoáng sản, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, xây dựng công trình ảnh hưởng đến luồng và hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa; các hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa theo quy định tại Nghị định số 110/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014; phát hiện và khắc phục dứt điểm các “điểm đen” tai nạn giao thông đường thủy, nhằm kéo giảm tai nạn giao thông đường thủy 06 tháng cuối năm bảo đảm mức giảm chung của cả năm 2016 từ 5% đến 10%;

b) Chỉ đạo điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông đường thủy đặc biệt nghiêm trọng; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm;

c) Phối hợp với các ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân nhân cấp tỉnh đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; chỉ đạo tiếp tục thực hiện Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2016 - 2020;

d) Phối hợp với Bộ đội Biên phòng trao đổi thông tin, tổ chức tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, quản lý nhân hộ khẩu mặt nước, phòng chống tội phạm và xây dựng và phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên đường thủy nội địa ở khu vực biên giới”;

đ) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch về kiểm soát, xử lý vi phạm tải trọng đối với phương tiện thủy nội địa hoạt động trên các tuyến đường thủy nội địa chính.

3. Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các đơn vị, chủ công trình đường dây tải điện, tuyến đường ống qua sông phối với các cơ quan quản lý giao thông đường thủy tổ chức lắp đặt và duy trì báo hiệu đường thủy nội địa theo đúng quy định.

4. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa tại các khu vực cửa khẩu, cảng biển theo quy định của pháp luật; hỗ trợ và kịp thời ứng cứu khi phương tiện thủy gặp nạn trong các trường hợp cần thiết; chỉ đạo Bộ đội Biên phòng phối hợp với ngành Công an nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa khu vực biên giới.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các lực lượng liên quan tổ chức kiểm soát việc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường trong vận tải, xếp dỡ hàng hóa tại các cảng, bến thủy nội địa, thi công công trình, khai thác cát, sỏi, khoáng sản trên đường thủy nội địa; xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát, sỏi, khoáng sản trái quy định, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến luồng chạy tàu, đê phòng hộ, các công trình cầu vượt sông...

6. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa và Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”.

7. Bộ Giáo dục và Đào tạo

a) Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông phát động học sinh, sinh viên tham gia các cuộc thi tìm hiểu, tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa;

b) Chỉ đạo các trường học vận động các tổ chức, cá nhân trang bị đủ cặp phao, áo phao, dụng cụ nổi cho học sinh thường xuyên đi học bằng phương tiện thủy; đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông là một tiêu chí đánh giá đạo đức của học sinh.

8. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ngoài việc thực hiện công tác bảo đảm an toàn đối với thuyền viên và tàu cá đánh bắt thủy sản như đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá...; việc đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện khai thác thủy sản cần bồi dưỡng kiến thức Luật giao thông đường thủy nội địa khi tàu cá hoạt động trong vùng nước thủy nội địa;

b) Chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra việc triển khai thực hiện Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

c) Phối hợp với ngành Giao thông vận tải chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện việc lắp đặt, duy trì báo hiệu đường thủy nội địa đối với các công trình thủy lợi; đồng thời, kịp thời tổ chức việc thanh thải các công trình thủy lợi không còn sử dụng nhưng ảnh hưởng đến luồng và hành lang bảo vệ luồng.

9. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển giao thông vận tải, quy hoạch cảng, bến thủy nội địa, quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên đường thủy địa phương; xây dựng kế hoạch triển khai, quản lý việc họp chợ, làng chài, nuôi trồng thủy sản, đăng, đáy cá, xây dựng công trình và các hoạt động khác trên hành lang bảo vệ luồng;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải trong việc thanh thải các chướng ngại vật, đăng, đáy, giải tỏa các công trình ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, giải tỏa các bến thủy nội địa không phép trên địa bàn; kiểm tra các dự án đang khai thác cát, sỏi hoặc nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm trong phạm vi quản lý của địa phương; đình chỉ, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác không phép, sai phép, không thực hiện phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy và đánh giá tác động môi trường;

c) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã phối hợp với Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông vận tải, các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý, kiểm tra hoạt động bến khách ngang sông trên địa bàn; kiên quyết đình chỉ hoạt động nếu vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn đối với vận tải hành khách ngang sông trên địa bàn quản lý;

d) Chỉ đạo Sở Giao thông vận tải nghiên cứu tổ chức bộ máy quản lý giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương;

đ) Chỉ đạo tổ chức đăng ký, quản lý phương tiện thủy theo quy định của pháp luật;

e) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa trên hệ thống thông tin đại chúng và thông tin cơ sở (truyền thanh xã, phường, cơ quan, tuyên truyền trực tiếp) cho người dân bằng các hình thức sát thực, phù hợp với từng đối tượng.

10. Các Bộ có liên quan phát động phong trào văn hóa giao thông và thi đua trong các lực lượng thực thi công vụ trên đường thủy nội địa như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, cảng vụ, đăng kiểm..., xây dựng hình ảnh người thực thi công vụ đúng mực, có văn hóa khi xử lý công việc và tiếp xúc với dân; phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra công vụ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định trong thực thi công vụ, đặc biệt là những trường hợp tiếp tay, bao che, dung túng các sai phạm, gây hậu quả nghiêm trọng.

11. Bộ trưởng các Bộ có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện; định kỳ hàng quý, 6 tháng và hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị, gửi Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

12. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia có trách nhiệm phối hợp hoạt động, theo dõi, đôn đốc thực hiện Chỉ thị; chủ trì tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị; kịp thời kiến nghị biện pháp xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Ban Bí thư;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: CA, QP, GTVT, TP, CT, KHĐT, TC, TTTT, Y tế, GDĐT, NN&PTNT, VHTT&DL, TNMT;
- Ủy ban QPAN của Quốc hội;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Tổng liên đoàn lao động Việt Nam;
- Trung ương Hội nông dân Việt Nam;
- Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh;
- TTXVN, Đài Truyền hình VN, Đài TNVN;
- Các Ủy viên Ủy ban ATGT Quốc gia;
- Các thành viên Ban TT Ủy ban ATGT Quốc gia;
- Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, NC, KGVX, V.III;
- Lưu VT, KTN (3) pvc

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ
TƯỚNG




Trương Hòa Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 23/CT-TTg năm 2016 về tăng cường giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 23/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 05/07/2016
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Trương Hòa Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản