Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 23/CT-TTg

Hà Nội, ngày 07 tháng 09 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH TẠM NHẬP TÁI XUẤT, CHUYỂN KHẨU VÀ GỬI KHO NGOẠI QUAN

Hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu hàng hóa và gửi kho ngoại quan thời gian qua tuy có thu được một số kết quả nhất định về kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại cho một số địa phương có cửa khẩu, cảng biển nhưng cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định trong quản lý, kiểm soát làm ảnh hưởng bất lợi đối với sản xuất và đời sống, nhất là kiểm soát, ngăn chặn việc lợi dụng quy định về tạm nhập tái xuất để buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại, trốn thuế, thẩm lậu hàng hóa, kể cả hàng hóa không bảo đảm vệ sinh, an toàn vào thị trường nội địa, đe dọa an toàn môi trường, gây nên lo ngại trong xã hội và nhân dân.

Để bảo đảm hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan tuân thủ đúng quy định, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

I. BỘ CÔNG THƯƠNG

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định hiện hành về tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu để thực hiện ngay theo đúng thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền loại bỏ những quy định không còn phù hợp; bổ sung, điều chỉnh các quy định hiện hành để bảo đảm phù hợp với chủ trương, yêu cầu quản lý chặt chẽ đối với hoạt động tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

2. Quy định và ban hành trong tháng 9 năm 2012:

a) Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu: Các loại chất thải nguy hại như ắc quy chì, vỉ mạch điện tử; nhựa phế liệu, phế thải; thiết bị làm lạnh sử dụng C.F.C; hóa chất là tiền chất thuộc diện cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu các mặt hàng nêu trên có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành Chỉ thị này.

b) Danh mục hàng hóa tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan: Các mặt hàng tiêu dùng đã qua sử dụng và thực phẩm đông lạnh là phủ tạng, phụ phẩm gia súc và phủ tạng, phụ phẩm gia cầm. Việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan các mặt hàng này có hiệu lực kể từ ngày 30 tháng 9 năm 2012.

Đối với những lô hàng thuộc Danh mục tạm ngừng nêu trên và hàng hóa tạm nhập tái xuất theo Giấy phép của Bộ Công Thương không thuộc Danh mục tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất về đến cảng Việt Nam trước ngày 30 tháng 9 năm 2012 được tiếp tục tạm nhập tái xuất theo các quy định như trước khi Chỉ thị này được ban hành.

c) Danh mục hàng thực phẩm đông lạnh khác (thịt gia súc, thịt gia cầm, thủy hải sản các loại) kinh doanh tạm nhập tái xuất phải thực hiện theo giấy phép của Bộ Công Thương.

3. Quy định và công bố điều kiện kinh doanh đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt (rượu, bia, thuốc lá điếu, xì gà) và hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất theo giấy phép của Bộ Công Thương như sau:

a) Thương nhân phải hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa hoặc tạm nhập tái xuất hàng hóa tối thiểu là 2 năm kể từ ngày thành lập mới được kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu những mặt hàng này.

b) Thương nhân phải ký quỹ đặt cọc tối thiểu là 5 tỷ đồng để xử lý môi trường và tiêu hủy hàng tồn đọng không tái xuất được, hàng tạm nhập không đúng với khai báo thuộc diện bị xử lý tiêu hủy.

c) Quy định việc phát hành vận đơn đích danh đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu (ghi rõ tên người nhận hàng và không được chuyển nhượng), trên vận đơn đích danh phải ghi thêm số giấy phép của Bộ Công Thương. Khi tàu vào cảng Việt Nam để giao hàng, thuyền trưởng phải bổ sung các chi tiết số giấy phép có trong vận đơn tại bản liệt kê hàng hóa (manifest) gửi cho cơ quan hải quan, biên phòng, cảng vụ để phân loại hàng hóa quản lý và theo dõi.

d) Thương nhân kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu phải thông báo kế hoạch giao hàng, nhận hàng và các chi tiết liên quan đến lô hàng tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu cho cơ quan cấp phép, hải quan và cảng vụ tối thiểu là 7 ngày trước khi hàng về đến cảng Việt Nam

đ) Về cửa khẩu tái xuất:

- Đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất thuộc danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu: Chỉ được tái xuất qua cửa khẩu quốc tế.

- Đối với hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt (rượu, bia, thuốc lá điếu, xì gà): Được tái xuất qua cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu, điểm thông quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập đã có đủ các cơ quan kiểm soát chuyên ngành theo quy định. Áp dụng quy định tương tự với hàng nhập khẩu gửi kho ngoại quan để xuất khẩu sang nước thứ ba.

- Đối với hàng thực phẩm đông lạnh: Được tái xuất qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và các cửa khẩu, điểm thông quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập đã có đủ các cơ quan kiểm soát chuyên ngành theo quy định. Áp dụng quy định tương tự với hàng nhập khẩu gửi kho ngoại quan để xuất khẩu sang nước thứ ba.

e) Không cho phép chia nhỏ Container trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu tạm nhập đến khu vực chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, địa điểm tái xuất thuộc cửa khẩu, điểm thông quan theo quy định.

g) Thời gian hàng hóa được lưu tại Việt Nam không quá 45 ngày; chỉ được gia hạn một lần không quá 15 ngày. Hết thời hạn này thương nhân buộc phải tái xuất ra khỏi Việt Nam trong vòng 15 ngày qua cửa khẩu tạm nhập, không cho phép qua cửa khẩu khác cửa khẩu tạm nhập. Trường hợp không tái xuất được thì tịch thu và xử lý theo quy định. Trường hợp phải tiêu hủy thì chi phí tiêu hủy được trích từ tiền đặt cọc của thương nhân.

h) Không cho phép chuyển loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất sang nhập khẩu để tiêu thụ nội địa. Áp dụng quy định tương tự đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa không khuyến khích nhập khẩu.

4. Về tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu mặt hàng xăng dầu:

Quy định và bổ sung điều kiện kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu đối với mặt hàng xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1136/VPCP-KTTH ngày 01 tháng 8 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ.

II. BỘ TÀI CHÍNH

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan có văn bản hướng dẫn tăng cường kiểm tra, kiểm soát thực tế đối với hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu.

2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ để hướng dẫn, áp dụng các nội dung sau:

a) Hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt (rượu, bia, thuốc lá điếu, xì gà) kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu phải lưu giữ tại các khu vực chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, như khu vực cảng nội địa ICD, kho ngoại quan, khu vực cửa khẩu.

b) Chỉ cho phép thương nhân tái xuất hàng hóa qua cửa khẩu đã đăng ký khi tạm nhập, trường hợp muốn thay đổi cửa khẩu tái xuất phải được cơ quan hải quan cửa khẩu tạm nhập chấp thuận.

c) Chỉ đạo Tổng cục Hải quan hướng dẫn lực lượng hải quan thực hiện đúng Điều 39 Luật thương mại về quyền từ chối nhận hàng. Người mua có quyền từ chối nhận hàng đối với bên bán nếu hàng hóa không phù hợp với hợp đồng nhưng phải chịu trách nhiệm về việc xử lý lô hàng bị từ chối đó theo quy định.

d) Quy định khi làm thủ tục hải quan tạm nhập, thương nhân phải cung cấp cho cơ quan hải quan đủ cả hai hợp đồng riêng biệt gồm hợp đồng xuất khẩu và hợp đồng nhập khẩu do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước ngoài.

đ) Tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát hoạt động gửi kho ngoại quan hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt cao; hoạt động nhập khẩu hàng thực phẩm đông lạnh để gia công xuất khẩu, tuy nhiên cần phân biệt với trường hợp nhập khẩu nguyên liệu để chế biến hàng xuất khẩu.

e) Tăng cường biện pháp quản lý đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất; có biện pháp giám sát chặt chẽ hàng hóa trong suốt quá trình từ khi tạm nhập đến khi tái xuất, đặc biệt là khi tái xuất.

g) Chỉ đạo lực lượng chống buôn lậu của ngành hải quan phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường, lực lượng công an kinh tế để kiểm tra, kiểm soát hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất trong quá trình lưu thông trong nội địa từ cửa khẩu tạm nhập tới cửa khẩu tái xuất và quá trình tạm nhập, tái xuất để kịp thời phát hiện, xử lý những vụ việc vi phạm.

h) Rà soát để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật hiện hành bảo đảm quản lý chặt chẽ hoạt động gửi kho ngoại quan; tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm như tự ý tiêu thụ nội địa, chậm thanh khoản tờ khai hải quan, khai báo không đúng tên hàng, số lượng hàng tạm nhập tái xuất...

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới liên quan có phương án bố trí lực lượng kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan.

III. BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan căn cứ vào các quy định của Bộ luật Hàng hải để hướng dẫn cụ thể quyền và trách nhiệm của bên giao hàng, bên nhận hàng, bên vận chuyển hàng hóa đối với hàng hóa đã xếp dỡ tại cảng cũng như quy trình đấu giá, đấu thầu hàng hóa này trong trường hợp không có người nhận.

IV. BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

1. Phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền đối với việc nâng lệ phí thu phí, lệ phí kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật tạm nhập tái xuất.

2. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ và kiểm dịch thú y đối với hàng hóa là thực phẩm đông lạnh kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu.

3. Phối hợp với chính quyền các tỉnh biên giới chỉ đạo cơ quan kiểm dịch tại biên giới tăng cường biện pháp và lực lượng để ngăn chặn có hiệu quả việc vận chuyển gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.

V. BỘ QUỐC PHÒNG

1. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan trong công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất trong nội địa, từ cửa khẩu tạm nhập tới cửa khẩu tái xuất.

2. Phối hợp với cơ quan hải quan thống nhất quy trình giám sát hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, đặc biệt là tại các cửa khẩu tái xuất.

VI. CÁC BỘ: QUỐC PHÒNG, CÔNG AN, TÀI CHÍNH VÀ CÔNG THƯƠNG

Chịu trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc (bộ đội biên phòng; cảnh sát kinh tế, chống buôn lậu; quản lý thị trường...) phối hợp chặt chẽ với các địa phương để kiểm tra, kiểm soát hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất trong quá trình lưu thông từ cửa khẩu tạm nhập tới cửa khẩu tái xuất, kịp thời phát hiện, xử lý những vụ việc vi phạm.

VII. ỦY BAN NHÂN CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG CÓ LIÊN QUAN (địa phương có cửa khẩu, có hàng tạm nhập tái xuất đi qua)

1. Đề xuất với Bộ Tài chính cơ chế về mức thu phí phù hợp đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan để tăng cường nguồn thu ngân sách, đầu tư trở lại, nâng cấp hệ thống đường giao thông, luồng lạch, bến bãi, bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh trật tự tại các cửa khẩu.

2. Tổ chức quản lý và sử dụng số tiền ký quỹ: Ủy ban nhân dân tỉnh nơi có hàng hóa đi qua yêu cầu Kho bạc Nhà nước tỉnh xuất tiền đặt cọc của thương nhân để tiêu hủy hàng hóa đối với hàng hóa vi phạm các quy định điều kiện kinh doanh tạm nhập tái xuất mà theo quy định phải tiêu hủy.

3. Rà soát, đề xuất với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính các cửa khẩu, tuyến đường có khả năng cho phép hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất đi qua nhưng phải đảm bảo công tác quản lý nhà nước chặt chẽ, chống gian lận thương mại và chuyến tải bất hợp pháp.

4. Chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn có biện pháp cụ thể để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nhằm phát hiện kịp thời việc buôn bán, vận chuyển hàng hóa tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu không có giấy tờ hợp pháp, không rõ nguồn gốc xuất xứ vào tiêu thụ trên địa bàn tỉnh hoặc đi tiêu thụ ở địa bàn tỉnh khác.

5. Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan lưu thông trên địa bàn; bố trí lực lượng bảo đảm quản lý kiểm soát chặt chẽ hoạt động tái xuất hàng hóa tại các cửa khẩu tái xuất; kiên quyết xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 23/CT-TTg năm 2012 tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 23/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 07/09/2012
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/09/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản