Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 23/2002/CT-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 11 năm 2002 

 

CHỈ THỊ

VỀ CHẤN CHỈNH, TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

Thời gian vừa qua, trước diễn biến phức tạp của việc gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo triển khai một số biện pháp cấp bách để ngăn chận các hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước và quản lý Nhà nước về kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Căn cứ Chỉ thị  số 19/2002/CT-TTg ngày 13 tháng 9 năm 2002 của  Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 76/2002/NĐ-CP ngày 13 tháng 9 năm 2002 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2000/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2000 quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng ;

Ủy ban nhân dân thành phố Chỉ thị Thủ trưởng các sở-ngành chức năng của thành phố tổ chức thực hiện ngay các việc sau :

1. Cục Thuế thành phố, Cục Hải quan thành phố : Căn cứ Nghị định số 76/2002/NĐ-CP ngày 13 tháng 9 năm 2002, Nghị định số 95/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2000/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2000  quy định chi tiết  thi hành Luật thuế giá trị gia tăng và Thông tư số 82/2002/TT-BTC ngày 18 tháng 9 năm 2002 của Bộ Tài chính, tiến hành rà soát ngay các vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện để kịp thời báo cáo và đề xuất với Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân thành phố các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung.

2. Cục Thuế thành phố :

2.1- Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để rà soát, bảo đảm các doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải đăng ký kê khai thuế đầy đủ, đúng quy định của Luật thuế.

2.2- Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc in ấn, phát hành, bán hóa đơn cho các cơ sở kinh doanh, đảm bảo chỉ những cơ sở có hoạt động sản xuất-kinh doanh mới được mua hóa đơn ; tăng cường kiểm tra việc sử dụng hóa đơn, đối chiếu, xác minh và xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp mua bán hóa đơn bất hợp pháp đã phát hiện, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn đặc thù.

Đối với các cơ sở không nộp tờ khai thuế đầy đủ, kịp thời hoặc có tờ khai thuế nhưng không phát sinh doanh số thì phải kiểm tra ngay, nếu thực tế không kinh doanh thì tạm ngừng việc bán hóa đơn.

2.3- Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, nhất là việc hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền; đẩy mạnh việc kiểm tra, đối chiếu, xác minh các số liệu doanh nghiệp kê khai trên  hóa đơn.

2.4- Căn cứ chỉ đạo của Tổng Cục Thuế, Cục Thuế thành phố tăng cường việc kiểm tra, chấn chỉnh công tác hoàn thuế giá trị gia tăng để đảm bảo không thất thoát ngân sách Nhà nước và đúng Luật, không gây ách tắc cho các doanh nghiệp hoạt động chân chính.

2.5- Tăng cường đào tạo cán bộ thuế về chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức để thực hiện tốt công tác quản lý thuế ; tăng cường kiểm tra nội bộ, xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc tiêu cực, thông đồng tiếp tay cho đối tượng nộp thuế để gian lận tiền thuế của Nhà nước.

3. Cục Hải quan thành phố :

Có biện pháp  quản lý, giám sát chặt chẽ việc kiểm tra, xác nhận hàng hóa thực tế xuất khẩu, nhất là xuất khẩu qua biên giới đất liền ; đồng thời, từ  thực tế của thành phố  đề xuất biện pháp cần thiết góp phần chặn đứng hiện tượng quay vòng hàng hóa xuất khẩu, xuất khẩu khống ; chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch phối hợp với các cơ quan : Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế thành phố, Công an thành phố, Chi Cục Quản lý thị trường thành phố,… kịp thời đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các hành vi gian lận thuế qua hoạt động xuất-nhập khẩu.  

4. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại thành phố :

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố có biện pháp mở rộng thanh toán qua Ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở tài khoản thanh toán qua Ngân hàng đối với hàng xuất khẩu.

Cục Thuế thành phố có biện pháp phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại thành phố để tạo nền nếp cho việc thanh toán qua Ngân hàng và ưu tiên việc hoàn thuế đối với những thương vụ thanh toán qua Ngân hàng.

5. Công an thành phố :

5.1- Tập trung hoàn chỉnh hồ sơ các vụ gian lận, chiếm đoạt tiền thuế, phối hợp với các cơ quan chức năng để truy tố kịp thời, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật ; tiến hành kiểm tra xử lý ngay đối với những vụ vi phạm nghiêm trọng do Cục Thuế thành phố đã chuyển giao Công an thành phố và  những trường hợp Công an thành phố đã phát hiện.

5.2- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế thành phố, Cục Hải quan thành phố, Chi Cục Quản lý thị trường thành phố để phát hiện ngăn chận kịp thời các hành vi gian lận về thuế, buôn bán hóa đơn bất hợp pháp.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư  :

6.1- Chủ trì phối hợp với Viện Kinh tế thành phố và Cục Thuế thành phố rà soát ngay những sơ hở, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện Luật doanh nghiệp để đề suất sửa đổi, chấn chỉnh nhằm đảm bảo tính chính xác các thông tin kê khai trong hồ sơ lập doanh nghiệp.

6.2- Chủ trì phối hợp với Cục Thuế thành phố và các cơ quan có liên quan để có biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó tập trung kiểm tra việc kê khai vốn của doanh nghiệp (theo Điều 22, Luật Doanh nghiệp) ; bảo đảm các doanh nghiệp hoạt động đúng theo giấy phép đã được cấp và đăng ký nộp thuế đầy đủ, đúng Luật.

6.3- Kiểm tra và chấn chỉnh ngay việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhằm phát hiện kịp thời, ngăn chặn tình trạng thành lập doanh nghiệp để mua bán hóa đơn chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.

6.4- Phải tạo thuận lợi cho người có đủ điều kiện, ưu tiên cho sản xuất ; rà soát lại việc cấp giấy phép thành lập khoảng 4.000 doanh nghiệp từ đầu năm đến nay ; nghiên cứu trình Ủy ban nhân dân thành phố để ban hành quy định những điều kiện cần đảm bảo đối với một số ngành khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

7. Sở Văn hóa và Thông tin :

Chỉ đạo các cơ quan thông tin, tuyên truyền để mọi tổ chức cá nhân biết rõ các quy định của pháp luật về thuế, góp phần thực hiện tốt Luật thuế giá trị gia tăng và Luật doanh nghiệp.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở-ngành liên quan có kế hoạch cụ thể tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung của Chỉ thị này ; qua thực hiện, kịp thời  báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố những khó khăn, vướng mắc và phát sinh./.

 


Nơi nhận:

- Thủ tướng Chính phủ
- Thường trực Thành Ủy
- TT/HĐND.TP – TT/UBND.TP
- Sở TC-VG, Cục Thuế TP, Sở VHTT.TP
- Cục Hải quan, Sở Thương mại, Viện Kinh tế
- Chi Cục QLTT.TP, Chi nhánh Ngân hàng NN.TP
- Công an thành phố, Phòng Cảnh sát Kinh tế 
- Tòa án nhân dân TP, Viện KSND. TP 
- Ủy ban nhân dân các Quận-Huyện
- VPHĐ-UB : CPVP, các Tổ NCTH.
- Lưu (TM/O)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Thị Nhân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 23/2002/CT-UB về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý thuế giá trị gia tăng và triển khai thực hiện Luật doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 23/2002/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 29/11/2002
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Huỳnh Thị Nhân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/12/2002
  • Ngày hết hiệu lực: 19/01/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản