Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 222-CT

Hà Nội, ngày 06 tháng 8 năm 1988

 

CHỈ THỊ

VỀ CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH NHẰM CỦNG CỐ VÀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM HÀNG HOÁ

Trong mấy năm gần đây, công tác quản lý chất lượng bước đầu đã có những kết quả nhất định. Một số ngành, địa phương và cơ sở có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn, sản xuất ra một số sản phẩm đạt và vượt tiêu chuẩn chất lượng, được cấp dấu chất lượng Nhà nước.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều sản phẩm tiêu dùng không đáp ứng yêu cầu sử dụng tối thiểu và thị hiếu của nhân dân. Nhiều sản phẩm xuất khẩu không đáp ứng được yêu cầu của thị trường về tính năng sử dụng, thẩm mỹ, bao bì... Trên thị trường trong nước còn lưu hành nhiều hàng giả, kể cả thực phẩm giả, dược phẩm giả, gây độc hại thậm chí làm chết người. Tình trạng đó đã gây ra lãng phí vật tư, năng lượng, làm thiệt hại lớn cho nền kinh tế quốc dân, gây thêm khó khăn cho đời sống nhân dân và thu hẹp thị trường xuất khẩu.

Nhằm khắc phục các thiếu sót trên, từng bước ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần thực hiện thắng lợi 3 chương trình kinh tế lớn của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị về các biện pháp cấp bách sau đây:

1. Sản phẩm của các cơ sở sản xuất thuộc mọi thành phần kinh tế trước khi sản xuất hàng loạt và đưa ra tiêu thụ đều phải được cơ quan quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp giấy đăng ký chất lượng và phải có nhãn sản phẩm.

Căn cứ để đăng ký chất lượng sản phẩm là tiêu chuẩn hoặc các quy định về chất lượng do các cơ sở sản xuất xây dựng phù hợp với năng lực, điều kiện sản xuất của mình, nhưng phải phù hợp với những quy định về an toàn, vệ sinh, các giới hạn tối thiểu (hoặc tối đa) mà Nhà nước cho phép trong các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có liên quan.

Các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh trung ương đăng ký chất lượng sản phẩm tại các trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực; các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh địa phương, các tổ chức kinh tế tập thể, cá thể và tư doanh đăng ký chất lượng sản phẩm tại các chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương.

Thủ trưởng các đơn vị sản xuất, kinh doanh phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm và hàng hoá do đơn vị mình sản xuất và đưa vào lưu thông trên thị trường. Cấm không được tiêu thụ dưới bất cứ hình thức nào, kể cả hình thức giảm giá các sản phẩm hàng hoá là lương thực, thực phẩm, dược phẩm có chất lượng kém có thể gây nguy hại trực tiếp đến sức khoẻ của người tiêu dùng.

2. Lực lượng thanh tra thuộc cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm và các cơ quan có chức năng khác như thuế, trọng tài kinh tế, quản lý thị trường..., trong phạm vi thẩm quyền của mình có trách nhiệm xử lý hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm, gian dối về chất lượng sản phẩm và đo lường. Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước cùng các ngành có liên quan (Bộ Tài chính, Tư pháp, v.v...) sớm ban hành thông tư liên Bộ về việc xử lý những vi phạm về chất lượng sản phẩm, trong đó định rõ biện pháp xử lý về hành chính và kinh tế đối với những sản phẩm không bảo đảm chất lượng đã đăng ký, xử lý nghiêm khắc đối với những hàng giả; khuyến khích thích đáng đối với những đơn vị và cá nhân tham gia giám sát, phát hiện và xử lý các vi phạm về chất lượng sản phẩm và đo lường; định rõ quyền xử lý các vi phạm của các thanh tra viên về chất lượng sản phẩm.

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước cấp thẻ thanh tra viên về chất lượng sản phẩm cho các thanh tra viên chất lượng sản phẩm thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng; Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương cấp thẻ thanh tra viên chất lượng sản phẩm cho các thanh tra viên chất lượng sản phẩm thuộc các Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng địa phương.

3. Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, thủ trưởng các Bộ, Tổng cục, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh và thành phố, thủ trưởng các đơn vị sản xuất, kinh doanh, trong phạm vi quyền hạn của mình, phải cải tiến hệ thống tiêu chuẩn các cấp theo yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý hiện nay theo hướng đẩy nhanh việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cấp cơ sở (TC); các cơ sở sản xuất có trách nhiệm xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở (TC) cho các sản phẩm của mình. Chuyển hướng mạnh việc xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), tiêu chuẩn ngành (TCN) cho các vấn đề khoa học kỹ thuật chung, an toàn, bảo vệ sức khoẻ, môi trường và cho các nhóm sản phẩm. Soát xét, sửa đổi ngay các tiêu chuẩn đã ban hành cả về nội dung và phạm vi hiệu lực cho phù hợp với cơ chế quản lý mới và các thành phần kinh tế khác nhau.

4. Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước chịu trách nhiệm đánh giá và công nhận các phòng kiểm nghiệm, các số liệu tra cứu chuẩn và mẫu chuẩn để dần hình thành hệ thống các phòng kiểm nghiệm quốc gia phục vụ cho việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá trong nước và thực hiện nghĩa vụ của nước ta trong các công ước quốc tế có liên quan.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương và các cơ sở, bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh các quy định trong Chỉ thị này. Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và định kỳ báo cáo việc thực hiện Chỉ thị này lên Hội đồng Bộ trưởng.

 

 

Võ Nguyên Giáp

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 222-CT năm 1988 biện pháp cấp bách nhằm củng cố và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hoá do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 222-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 06/08/1988
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Nguyên Giáp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 18
  • Ngày hiệu lực: 21/08/1988
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản